Chương 8. Biến hai thành một

Chương 8. Biến hai thành một

Price:

Read more

Osho - Hạt Cải Trời
Chương 8. Biến hai thành một

Chúa Giê-Su chỉ những đứa trẻ đang bú sữa mẹ và nói với các môn đệ, “Những người vào được Nước Trời cũng giống như những đứa trẻ đang bú sữa mẹ kia.”
Họ nói với Ngài, “Vậy thì chúng tôi có nên trở thành con trẻ để được vào Nước Trời chăng?”
Ngài nói với họ, “Khi các ông biến hai thành một, và khi các ông làm cho cái bên trong như bên ngoài, và bên ngoài như bên trong, trên như dưới, và khi các ông làm cho nam và nữ trở nên một, để cho nam không còn là nam, và nữ không còn là nữ, thì các ông sẽ vào được Nước Trời.” (1)
Ðây là một trong số những câu thâm thúy nhất của Chúa, và là một trong điều cơ bản nhất mà một hành giả cần phải hiểu. Nó cũng là một trong những cái khó đạt được nhất, vì nếu đạt được những điều ấy thì không phải làm gì nữa cả. Trước khi bàn qua những lời kinh ấy, chúng ta cần phải hiểu một số vấn đề.
Nếu một người sống với tâm trí, anh ta không thể có sự hồn nhiên - và thánh linh chỉ xuất hiện với những tâm hồn mộc mạc, hồn nhiên, hoặc tâm hồn ấy vươn lên được với thánh linh. Hồn nhiên là cánh cửa. Tâm trí láu cá, tính toán, xảo quyệt, và vì sự láu lỉnh này bạn đã lỡ dịp - bạn không vào được Nước Trời. Với tâm trí, bạn có thể thành công ở đời này, bởi vì ở đó càng xảo quyệt càng tốt. Bạn phải lươn lẹo; càng xảo quyệt thì bạn càng thành công lớn; càng tính toán càng hữu hiệu trong thế giới này.
Nhưng đường dẫn về nước Chúa thì trái ngược hoàn toàn. Ở đó không cần tính toán, không cần xảo quyệt. Tâm trí không được dùng đến, bởi vì tâm trí chỉ là một bộ máy để tính toán nên phải nhiều mưu mẹo. Nếu chẳng cần phải xảo quyệt, chẳng cần phải tính toán, tâm trí trở thành vô dụng. Thế thì con tim trở thành nguồn cội của bản thể của bạn, và con tim thì hồn nhiên.
Tại sao chúng ta phải xảo quyệt? Tại sao tâm trí luôn luôn nghĩ cách để lừa dối? Vì đó là cách duy nhất để thành công trong xã hội này. Cho nên người muốn thành công trong đời này sẽ thất bại ở đời sau. Nếu chấp nhận sự thua thiệt của bạn ở thế gian này, bạn sẽ sẵn sàng để vào thế giới kia. Một khi nhận ra rằng bạn chẳng cần phải thành công trên thế giới này, rằng bạn không phải sống chết cho nó, lập tức một sự chuyển hướng xảy ra, một sự đổi chiều bắt đầu. Tâm thức sẽ không hướng ra ngoài nữa, mà di chuyển vào trong.
Chúa không ngừng nhấn mạnh về sự hồn nhiên. Cho nên Ngài nói mãi về nét đẹp của trẻ con, về sự trinh trắng của hoa, về sự hồn nhiên của chim chóc. Nhưng sự hồn nhiên ấy sẽ không giúp được bạn, vì bạn đã đánh mất nó rồi. Vì vậy đừng bắt chước Ngài một cách máy móc; đừng hiểu theo nghĩa đen, bởi vì đó chỉ là một biểu tượng.
Bạn không thể trở thành trẻ con được nữa – bằng cách nào? Một khi biết được thiện và ác thì bạn mất sự ngây thơ. Bạn có thể vượt quá, nhưng không thể trở lại được, không có cách nào để quay lại nữa. Bạn có thể đi tới, có thể vượt qua, nhưng không thể vòng lại phía sau – chẳng có cách nào cả. Bạn không thể trở thành trẻ em một cách bình thường nữa. Một khi thiên đường đã mất rồi, bạn không thể tìm lại được nữa. Nhưng bạn có thể đi xa hơn, có thể siêu việt lên trên.
Hãy nhớ điều này, vì nếu bạn trở nên như con trẻ một cách gượng ép thì sự bắt chước đó sẽ là xảo quyệt, tính toán... bởi vì khi nghe Chúa nói, “Hãy nên như con trẻ,” bạn sẽ tập dượt để trở thành một đứa trẻ. Nhưng trẻ con không hề tập dượt. Một đứa trẻ chỉ là một đứa trẻ, nó cũng chẳng biết nó là một đứa trẻ, nó không ý thức được sự ngây thơ của nó. Nó ngây thơ, nhưng không ý thức được điều đó. Nhưng nếu bạn thực tập, bạn sẽ ý thức được sự gượng ép ấy. Thơ ấu như thế chỉ là giả dối. Bạn có thể làm trò, nhưng trở nên như con trẻ thì không.
Một vị thánh, một hiền giả, trở thành hồn nhiên theo một ý nghĩa hoàn toàn khác. Ông ta đã vượt qua, vượt lên trên tâm trí, vì ông ta đã hiểu được sự vô ích của nó. Ông ta đã thấy được mặt trái của sự thành công ở đời này; ông ta không mong muốn được thành công nữa, không cần phải gây ấn tượng với những người khác nữa. Ông ta không ao ước được trở thành vĩ đại, trở thành quan trọng nhất nữa; Ông ta đã mất hẳn ham muốn được thỏa mãn cái tôi. Ông ta đã hiểu được sự vô ích tuyệt đối của nó. Chính sự hiểu biết ấy đã giúp ông ta siêu việt lên trên. Chính sự hiểu biết ấy đưa bạn vào một chiều kích mới ngay lập tức.
Rồi một thời thơ ấu mới được mở ra, và được gọi là thời thơ ấu thứ hai. Người Ấn gọi giai đoạn đó là “sinh lần thứ hai”, Dwij. Bạn được sinh ra một lần nữa, nhưng lần sinh này khác hẳn, không phải do cha mẹ (2). Lần này bạn sinh ra chính mình, không phải do sự gặp gỡ của hai thân thể, không phải do âm dương mà thành. Bạn sinh ra chính mình. Ðó là ý nghĩa về sự giáng sinh của Chúa. Rằng Ngài được sinh ra từ một trinh nữ. Nhưng người ta hiểu tất cả theo nghĩa đen nên sai hết. Từ ‘một trinh nữ’ nghĩa là từ nhất thể: ở đó không có cái thứ hai thì lấy gì mà bị ô nhiễm? Ai có thể vào đó được? Sự trinh bạch ấy tuyệt đối thuần khiết, vì ở đó không có gì khác cả. Nếu có gì khác ở đó thì trinh bạch không còn nữa. Nếu tâm trí có đối tượng thì sự trinh trắng đã mất. Nếu bạn thấy có người, có ta thì sự trong trắng không còn nữa (3). Lần sinh thứ hai này từ nhất thể mà có; lần đầu do máu huyết của cha mẹ mà thành - không có cách nào khác cả.
Chúa cũng được sinh ra từ huyết nhục như mọi người, và phải như vậy mới đúng. Ngài cũng như bạn khi còn là một hạt giống, nhưng Ngài tuyệt đối khác bạn vì Ngài đã nở hoa thật lộng lẫy, bởi vì lần sinh thứ hai đã xảy ra cho Ngài; một người mới đã xuất hiện (4). Chúa, con của Mẹ Maria, không còn nữa, Ngài đã tự sinh ra chính mình. Phái Essene cổ xưa nói rằng khi một người đã đạt đạo, người ấy trở thành mẹ của chính mình. Cho nên khi Chúa nói rằng Ngài không có mẹ (5), nghĩa là Ngài đã trở thành là mẹ của chính mình. Ðiều này có vẻ vô lý, nhưng sự thật là thế.
Lần sinh thứ hai từ sự đồng trinh - bạn lại trở nên ngây thơ, và sự hồn nhiên này quý giá hơn của đứa trẻ, bởi vì nó sẽ đánh mất sự hồn nhiên ấy. Ðó là một quà tặng của tạo hóa, không phải do nỗ lực mà có, vì vậy nó sẽ phải mất đi; nó sẽ đánh mất khi nó trưởng thành. Và nó phải trưởng thành! Nhưng sự ngây thơ của một thánh nhân còn mãi. Sự ngây thơ ấy không thể được mất đi, bởi vì đó là đỉnh cao, là cực điểm của tăng trưởng; ở đó không có sự tăng trưởng nào hơn nữa. Nếu còn sự tăng trưởng nữa thì còn thay đổi; Nếu bạn đã một điểm mà ngoài đó không còn gì nữa thì không thể có thay đổi nữa. Một đứa trẻ phải tăng trưởng mỗi ngày: nó sẽ đánh mất sự ngây thơ, nó sẽ nếm mùi đời; nó sẽ phải học hỏi, sẽ trở thành láu lỉnh, tính toán. Nhưng nếu bị ám ảnh quá nhiều bởi bộ phận tính toán của mình, bạn chưa thoát khỏi lần sinh thứ nhất - do máu huyết, do nhị nguyên.
Ở đó luôn luôn có một xung đột bên trong - Vì bạn là hai. Ðể được thinh lặng, nhất thể phải có, vì vậy bạn phải sinh ra một lần nữa - Ðó là những gì Chúa nói với Nicodemus. Nicodemus hỏi Ngài, “Sao chuyện ấy có thể xảy ra được?” (6) Chúa nói với Nicodemus, “Trước hết bạn phải được sinh ra lần nữa. Rồi khi đó bất cứ điều gì có thể xảy đến. Ngay bây giờ, như bạn, không gì có thể làm được.”
Tôi cũng nói với bạn như vậy: Ngay bây giờ, trong hiện trạng của bạn, không thể làm gì được. Trừ phi bạn được tái sinh, trừ phi bạn trở thành cha của chính mình, trừ khi nhị nguyên tính của bạn biến mất, và bạn trở nên một, không thì không thể làm gì được. Khi người nữ bên trong và người nam bên trong của bạn gặp nhau, họ trở thành một (7). Họ không đấu tranh, họ biến mất, họ triệt tiêu lẫn nhau, và chỉ còn lại nhất thể (8). Nhất thể tính ấy là sự đồng trinh.
Ðó là điều Chúa muốn nói, “Hãy nên như con trẻ.” Ðừng hiểu theo nghĩa đen. Nhưng tại sao “như con trẻ”? -- vì khi một đứa trẻ được hình thành, vài tuần đầu thì nó chưa có giới tính. Nếu hỏi nhà sinh học, ông ta sẽ nói rằng nó chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ.
Trong vài tuần không phải đực cũng không phải cái - nó là cả hai hoặc không thuộc phái nào cả: sự phân biệt chưa rõ ràng (9). Vì vậy, bạn có thể đổi giống, nếu muốn. Một ít hoóc-môn sẽ thay đổi hẳn, bởi vì đực và cái đã có sẵn rồi. Sự cân bằng sẽ bị mất; người nam thì nam tính trội hơn, mà nữ thì nữ tính mạnh hơn. Và phần nào trội hơn sẽ quyết định giới tính của đứa trẻ. Nhưng lúc đầu thì cân bằng, nhưng cả hai đã có đủ (10). Nó sẽ phụ thuộc vào những hoóc-môn lúc đó.
Nếu có nhiều hoóc-môn nam, đứa trẻ sẽ là nam; nếu nhiều hoóc-môn nữ thì nó sẽ là nữ. Giới tính có thể được thay đổi, vì nó thuộc về bên ngoài; nó không thuộc về bản thể mà chỉ nằm ở ngoại vi, ở thể xác; nó thuộc về vật chất. Bản thể chẳng dính dáng gì với giới tính cả. Nhưng chẳng bao lâu sự phân biệt sẽ xuất hiện: đứa trẻ sẽ trở thành là hoặc là nam, hoặc nữ.
Lúc ban đầu có sự hợp nhất. Rồi khi được sinh ra, đứa trẻ sẽ có xác của một người nam, hay người nữ. Nhưng nó vẫn chưa phân biệt được, vẫn chưa ý thức được, hoặc nó là trai, hay là gái. Khi được một vài tháng thì sự phân biệt sẽ in vào tâm trí của nó. Từ đó trở đi mỗi đứa sẽ có một triển vọng khác nhau – nó sẽ có ý niệm về chính nó ngay tức thì.
Ban đầu thân thể chỉ có một loại, rồi được phân ra nam và nữ. Nhưng lúc thân thể đã được phân biệt, đứa trẻ vẫn là một; nó chưa biết rõ giới tính của nó. Rồi khi biết nó là trai hay gái thì nhất thể biến mất; nó sẽ nhận ra nó là nam hay nữ, và điều đó kéo dài trong suốt cuộc đời của nó. Nghĩa là nó không thể tìm trở về nguồn được nữa, vòng tròn đã bị đứt quãng. Một thánh nhân tìm lại được cội nguồn, vòng tròn đã hoàn tất. Và sự phân biệt mất trong tâm trí trước – nhưng trái chiều!
Ở đứa trẻ sự phân biệt xuất hiện trong thân thể trước, rồi đến tâm trí. Ở một thánh nhân, sự phân biệt biến mất trong ý thức trước, rồi đến thân thể, và trước khi chết, ông ta lại trở nên một. Ðây là thời thơ ấu thứ hai: ông ta trở nên ngây thơ - nhưng sự ngây thơ này tràn đầy sự khôn ngoan.
Sự ngây thơ của một trẻ nhỏ rất nghèo nàn, bởi vì chưa có kinh nghiệm; sự ngây thơ của một đứa trẻ chỉ là sự vắng mặt của cái gì đó. Nhưng sự ngây thơ của một thánh nhân có tất cả, không thiếu gì cả. Ông ta biết đường đi nước bước của thế gian, ông ta đã di chuyển, ông ta đã từng trải, đã học được tất cả những gì cần phải học. Ông ta đến tận đáy địa ngục, đã là người có tội, đã lục lọi mọi xó xỉnh, ông ta hưởng thụ tất cả, đã nếm đủ mùi vị của thế giới này, và nay không có gì ám ảnh ông ta nữa. Sự hồn nhiên của ông ấy rất sung mãn, vì ông ta đã trải qua tất cả. Bạn không thể phá hủy nó được, bởi vì ông ta đã biết tất cả những gì cần phải biết. Bạn có thể phá hủy nó bằng cách nào? Bạn không thể thúc đẩy ông ấy nữa, mọi động lực đã vô hiệu rồi.
Nếu bạn đến được giai đoạn này - lúc ban đầu bạn là một đứa trẻ, cuối cùng bạn lại trở thành một đứa trẻ - bạn đã đi hết một vòng tròn, trọn vẹn; ta gọi đó là sự hoàn thiện. Nếu không tìm về cội nguồn được nữa, cuộc sống của bạn không trọn vẹn. Không hoàn thành là một nỗi khổ. Ðó là điều mà Đức Phật gọi là đau khổ, dukkha (11). Nếu vòng tròn chưa hoàn thành là có đau khổ; nếu được trọn vẹn thì bạn sẽ thỏa mãn.
Thánh nhân chết trong mãn nguyện, chẳng cần phải trở lại nữa, bởi vì ngài không còn nhu cầu để phải học bất cứ gì nữa. Bạn chết không trọn vẹn, và vì không trọn vẹn nên bạn phải sinh ra nhiều lần nữa. Bản thể của bạn sẽ tiếp tục tồn tại, để được hoàn thành; và trừ phi hoàn thành, bạn sẽ phải rong ruổi qua nhiều lần sinh tử. Người Ấn gọi đó là bánh xe luân hồi. Thánh nhân đã bước ra khỏi bánh xe ấy, vì ngài đã hoàn tất một vòng rồi nên không cần bánh xe nào nữa.
Nhưng tâm trí bình thường thì sao? Sự phân biệt tồn tại cho tới cùng; dục thì đến chết mới hết. Thậm chí khi thể xác đã kiệt quệ rồi mà tâm trí vẫn tiếp tục - và dục là tính nhị nguyên cơ bản. Cho nên, trừ phi không còn dục nữa thì nhất thể, và hội nhập với Thượng Đế không thể xảy ra. Mà đừng quên rằng bất nhị (nondual, advaita), Thượng Đế không phải là một giả thuyết, không phải là một học thuyết. Ðó không là triết lý để tranh cãi, không phải tín điều - nó là dục đã được siêu việt. Ðó là một hiện tượng siêu sinh lý học, nó có sức mạnh chuyển hoá, vì toàn thân của bạn cần phải thay đổi.
Ba ông già tán gẫu về cảnh nghèo - vì già thường không có gì khác để nói. Ông bảy mươi ba tuổi nói, “Tôi bị lãng rồi. Dù có hét vào tai thì tôi cũng chỉ nghe câu được câu chăng.”
Ông bảy mươi tám tuổi nói, “Mắt của tôi kém lắm rồi. Tôi không nhìn rõ nữa. Thậm chí người đẹp hay xấu tôi cũng chẳng phân biệt được!”
Rồi họ hỏi ông thứ ba, “Nasruddin, ông có gì phàn nàn không?”
Nasruddin, chín mươi ba tuổi, nói, “Tôi bị rắc rối hơn hai bạn nhiều. Tối qua, sau bữa cơm chiều, tôi dùng ly rượu nhỏ, rồi dựa vào ghế và thiu thiu ngủ. Khoảng nửa giờ sau thức giấc thì vợ đã đi ngủ rồi. Vì vậy tôi vào phòng nói với bà ấy, “Xích lại một ít để tôi nằm với, rồi mình cùng tâm sự nhé.” Bà ấy nói, “Lộn xộn quá đi! Mới chưa đầy hai mươi năm phút mà muốn tâm sự nữa rồi!”
Thế rồi ông ta quay lại nói với hai người kia, “Tôi lú mất rồi!”
Dục tiếp tục theo đuổi bạn cho tới cùng, tới lúc lâm chung. Và có thể bạn không để ý, có thể bạn đã không nghĩ về nó, nhưng nếu người nào còn bị tâm trí ràng buộc, thì ý tưởng cuối cùng trước khi chết sẽ là dục - vì nó là yếu tố đầu tiên khi người ấy được sinh ra.
Cho nên dục là ý tưởng cuối cùng cũng là tự nhiên thôi. Hãy thử đi!
Khi bạn đi ngủ hãy quan sát ý tưởng cuối cùng – ý tưởng tận cùng trước khi bạn thiếp đi. Hãy nhớ ý tưởng đó, và khi thức dậy bạn sẽ ngạc nhiên: đó sẽ là ý tưởng đầu tiên của bạn sáng hôm sau - nếu bạn quan sát. Hoặc làm ngược lại: hãy quan sát ý tưởng đầu tiên khi bạn thức giấc và hãy nhớ nó. Tối đó nó sẽ là ý tưởng cuối cùng, vì cuộc sống tuần hoàn.
Dục xuất hiện trước tiên trong cuộc sống nên nó sẽ là thứ sau cùng. Nếu không vượt qua được, bạn sẽ là nạn nhân của nó, và sẽ không thể làm chủ đời mình.
Bạn biết chuyện gì xảy ra cho người bị treo cổ không? Nếu là người nam thì dịch hoàn tiết ra ngay lập tức. Cái đó xảy ra trong mọi nhà tù, mỗi khi có người bị treo cổ. Khi anh ta chết thì việc cuối cùng là dịch hoàn được phóng thích. Sao vậy? Điều đó có ý nghĩa gì không? Đời sống tuần hoàn; nó tự kết thúc: cái đầu tiên mà người ấy dùng để sinh ra, sẽ là cái cuối cùng người ấy dùng để bước vào thế giới bên kia (12).
Một thánh nhân vượt qua dục - nhưng ông ấy không kiềm chế nó, vì kiềm chế thì không phải là vượt qua nữa. Nếu bạn kiềm chế, bạn vẫn bị nó ám ảnh; nếu bạn kiềm chế, bạn vẫn bị chia đôi. Một thánh nhân chẳng kiềm chế gì cả. Mà ngược lại, năng lượng nam và nữ của ông ấy đã trở thành một; ông ta không phải là nam, cũng không phải là nữ nữa.
Họ là những người mà Chúa đã gọi là “hoạn quan của Nước Trời” (13). Ðó là ý nghĩa mà người Ấn diễn tả trong tượng Shiva – ardhanarishwar, bán nam, bán nữ. Đó là biểu tượng của nhất thể. Người Ấn còn gọi Shiva là vị thần hoàn hảo nhất, vĩ đại nhất -- Mahadeva.
Tại sao vậy? - Bởi vì ông ta có cả nam tính, lẫn nữ tính. Và khi bạn ý thức mình vừa là nam, vừa là nữ thì hai năng lượng đó trở thành một và cả hai biến mất. Nhị nguyên không còn nữa, chỉ còn lại nhất thể (14).
Chúa nói về nhất thể tính này – ardhanarishwar, một nửa là nam, một nửa là nữ. Thế thì bạn không thuộc phái nào cả, rồi một thời thơ ấu mới bắt đầu, thời thứ hai; bạn trở thành dwij, sinh hai lần. Một sự ngây thơ mới được khám phá.
Chúng ta hãy bàn về lời của Chúa.
Chúa Giê-Su chỉ những đứa trẻ đang bú sữa mẹ và nói với các môn đệ, “Những người vào được Nước Trời cũng giống như những đứa trẻ đang bú sữa mẹ kia.”
Họ nói với Ngài, “Vậy thì chúng tôi có nên trở thành con trẻ để được vào Nước Trời chăng?”
Môn đệ thường hiểu lầm; họ hiểu theo nghĩa đen, họ hiểu rõ từng câu, từng chữ mà quên cả ý. Họ bám sát quá nhiều vào câu, vào chữ. Họ cụ thể hóa những lời của Chúa, trong khi Ngài rất uyển chuyển, rất linh động. Ngài dùng lời để chuyển ý nên không thể hiểu một cách máy móc. Chúng chỉ là những bảng chỉ đường, những ngón tay chỉ mặt trăng; chúng không nói gì cả.
Khi nghe Chúa nói: Những đứa trẻ này… cũng giống như những người vào được Nước Trời, họ lập tức nghĩ rằng họ phải trở nên giống như những đứa trẻ này thì mới có khả năng, mới có thể vào được Nước Trời.
Họ nói với Ngài, “Vậy thì chúng tôi có nên trở thành con trẻ để được vào Nước Trời chăng?”
Nhưng Chúa nói: “Không! Chỉ trở thành trẻ con cũng không đủ.”
Ngài nói với họ, “Khi các ông biến hai thành một, và khi các ông làm cho cái bên trong như bên ngoài, và bên ngoài như bên trong, trên như dưới, và khi các ông làm cho nam và nữ trở nên một, để cho nam không còn là nam, và nữ không còn là nữ, thì các ông sẽ vào được Nước Trời.”
Trở thành là con trẻ mới là ý mà Ngài muốn nói. Hãy cố hiểu từng câu một: Khi các ông biến hai thành một...
Ðây là vấn đề cơ bản. Bạn có biết rằng nếu một tia sáng trắng chiếu qua một lăng kính, lập tức nó trở thành bảy màu (15)? Đó cũng là màu của cầu vồng. Nó xuất hiện mỗi mùa mưa, khi khí trời ẩm ướt, hay nhiều mây. Hơi nước ấy lơ lửng trong không khí làm thành một lăng kính. Và khi nắng trời chiếu vào thì nó phân thành bảy màu ngay lập tức - Ðó là cách mà cầu vồng xảy ra. Trong mỗi mùa mưa, khi mặt trời khép nép bên màn sương thì cầu vồng xuất hiện. Nắng trời trắng phau, nhưng xuyên qua một lăng kính, nó biến thành bảy màu; sắc trắng ấy bị mất, nhường chỗ cho bảy màu.
Tâm trí của bạn hoạt động như một lăng kính; thế giới là một, vũ trụ là màu trắng, nhưng tâm trí của bạn phân nó ra nhiều thứ. Nhìn qua tâm trí thì một sẽ thành nhiều. Nếu thực sự tỉnh thức, bạn sẽ nhận ra bảy thành phần (16) trong mỗi khái niệm. Tâm trí chia cắt như một lăng kính – chia làm bảy. Một tuần có bảy ngày là vì vậy. Mahavira, căn cứ vào đặc tính này của tâm trí, đã lập ra luận lý học có bảy đoạn. Chúng được gọi là “Bảy khía cạnh của lôgic”, và nếu hỏi Mahavira một câu, bạn sẽ có bảy câu trả lời.
Bạn chỉ hỏi một câu. Ông ta cho bạn bảy câu trả lời! Bạn sẽ rất bối rối, bởi vì chỉ hỏi một câu mà bạn được bảy câu trả lời. Bạn sẽ bối rối hơn trước khi hỏi. Và vì hệ thống luận lý ấy mà chẳng mấy người hiểu được Mahavira; có thánh mới hiểu được ông ấy. Nhưng không nhất thiết là ông ấy sai, lý do là bạn hiểu qua tâm trí nên ông ấy phải lấy tâm trí mà trả lời – mà tâm trí chia mọi thứ ra làm bảy. Không những thế, bảy câu ấy lại mâu thuẫn nhau. Nhất định phải vậy, bởi vì chân lý chỉ có một, không thể có bảy.
Khi bạn phát biểu trong bảy cách khác nhau, mâu thuẫn là điều không thể tránh được. Nếu bạn hỏi Mahavira liệu Thượng Đế có hiện hữu không, ông ta nói, “Có, Ngài hiện hữu”; rồi ông ta nói, " Không, Ngài không tồn tại". Rồi ông ta nói, “Có và không, cả hai – Ngài vừa tồn tại vừa không tồn tại"; và sau đó ông ta nói, “Không tồn tại và cũng không không tồn tại” - và cứ tuần tự như thế ông ta cho bạn bảy trường hợp khác nhau (17).
Tâm trí hoạt động như một lăng kính. Khi bạn nhìn sự việc qua tâm trí, mọi thứ trở thành bảy. Nếu thông minh thì bạn nhìn ra bảy, không thì chỉ có hai. Một người bình thường sẽ nói, “Chỉ có hai trường hợp. Hoặc là Thượng Đế hiện hữu, hoặc không hiện hữu - chỉ có hai trường hợp.” Nhưng anh ta không nhận ra năm mệnh đề kia, vì anh ta không tỉnh táo. Có bảy trường hợp khả hữu, không phải hai. Như vậy hai là tối thiểu, và bảy là tối đa.
Chúa nói: Khi các ông biến hai thành một...
Ngài đang nói với những người bình thường, trong khi Mahavira đang nói với những người thông thái và những nhà luận lý. Tất cả đều tùy thuộc người nghe: Chúa nói với đám đông, với những người rất nghèo, bình dân. Trong khi Mahavira nói với một thiểu số được lựa chọn. Với những người ấy Mahavira có thể nói về bảy trường hợp. Chúa chỉ nói có hai – nhưng Chúa và Mahavira cùng nói về một việc (18).
Chúa nói: Khi các ông biến hai thành một... thì Mahavira sẽ nói, “Khi các ông biến bảy thành một, khi nào bảy biến mất mà chỉ còn lại một, bạn đã đắc đạo.” Chúa nói, “Khi nào hai biến mất và chỉ còn lại một, bạn đã nhận ra chân lý.” Khác nhau vì người nghe mà có, nhưng ý nghĩa chỉ là một.
Làm cách nào để hai biến mất? Bạn phải làm gì? Bạn không thể dùng đến tâm trí, vì có tâm trí là có ít nhất hai. Làm sao để cầu vồng biến mất? Nó biến mất bằng cách nào? Bỏ lăng kính đi thì cầu vồng biến mất; chỉ cần vén bức màn sương thì cầu vồng không còn nữa. Không dùng đến tâm trí thì thế giới hỗn tạp biến mất; nhìn qua tâm trí, nó lại xuất
hiện.
Đừng nhìn qua tâm trí. Hãy để nó sang một bên mà nhìn. Trẻ con không nhìn bằng tâm trí, bởi vì tâm trí cần có thời gian để phát triển. Thân thể có trước, tâm trí phải mất vài năm mới xuất hiện. Ngày đầu tiên khi đứa trẻ được sinh ra, nó nhìn thế giới và chỉ thấy có một, bởi vì sự phân biệt chưa xảy ra cho nó. Phân biệt bằng cách nào? Nó không thể nói , “Cái này xanh, và kia là đỏ.” Nó không biết đỏ, nó không xanh; nó chỉ biết nhìn mà không biết phân biệt. Nó cũng không biết có sự khác biệt giữa thân thể của nó và của mẹ nó.
Jean Piaget (19) đã nghiên cứu rất nhiều về sự phát triển tâm trí của một đứa trẻ. Ông ta đã dày công nghiên cứu và đã có rất nhiều khám phá quan trọng: trẻ em không biết có sự khác biệt giữa thân thể của nó và ngoại vật. Cho nên nó mút ngón chân, nó nhai bất cứ gì mà nó vớ được, vì nó chưa biết phân biệt. Nó ăn cả phân của nó nữa - nó chẳng biết xấu, tốt là gì. Chúng ta nói, “Bẩn quá!” Nhưng vì không biết phân biệt nên nó không thể làm được gì.
Vì lý do này, mà ở Ấn Độ, qua nhiều thế kỷ, rất nhiều người đã cố bắt chước trẻ em. Có những người chẳng biết vệ sinh là gì; họ ăn ngay tại chỗ họ đi cầu mà lại được nhiều người coi là thánh nhân, đại sư. Họ bắt chước trẻ em, họ không muốn phân biệt – nhưng họ đã phân biệt; không thì chẳng cần phải bắt chước. Họ tạo ra sự phân biệt nhưng giả mù sa mưa. Phật sẽ không làm thế, Chúa sẽ không làm thế, Krishna sẽ không làm thế.
Nhưng bạn có thể gặp những đại thánh giả bịp bợm này ở khắp mọi nơi - Họ ép buộc sự bất phân biệt cho chính họ. Nhưng dù phân biệt, hoặc cố không phân biệt, tâm trí vẫn không được tự do: sự phân biệt núp bên dưới, nhưng bạn cố đè nén nó. Bạn xử sự như một trẻ thơ, nhưng thiếu sự hồn nhiên.
Khi hai trở thành là một... như một trẻ con. Khi đứa trẻ mở mắt chào đời - nó nhìn, nhưng nó không thể suy nghĩ; cái nhìn đến trước, suy nghĩ theo sau. Nó phải mất một thời gian, đôi khi nhiều năm, trước khi nó biết phân biệt. Một em bé dành đồ chơi của em khác, và bạn nói, “Ðừng làm thế! Hư quá đi, đồ chơi đó không phải của con!” Bạn đang phân biệt tài sản, vì bạn tin vào quyền tư hữu. Bạn nghĩ, “Cái này của tôi, cái kia không phải của tôi.” Một đứa trẻ không biết có sự phân biệt nào cả - đồ chơi là đồ chơi. Nó không thể nghĩ sao cái đó không phải của nó. Nếu nó lấy được cái gì thì cái đó là của nó. “Của tôi” và “của ngươi” vẫn chưa rõ ràng đối với nó.
Trẻ em không thể phân biệt giữa mộng mơ và thực tế. Khi thức dậy có thể nó khóc vì nó mơ có đồ chơi: nó sẽ khóc và đi tìm cho được. Mộng và thực không rõ ràng đối với nó. Nó chưa biết phân biệt. Nó ngây thơ bởi vì nó không biết có sự khác biệt. Và thánh nhân ngây thơ vì ông ta đã bỏ mọi phân biệt sau lưng. Không phải ông không thấy rằng xanh là xanh và đỏ là đỏ, không phải là ông không biết đây là đồ ăn và kia là đá - Nhưng ông ta đã buông rơi tâm trí. Bây giờ ông ta thông qua cái nhìn và không dùng đến ý tưởng. Vì vậy người Ấn gọi triết học của họ là darshanas. Darshan nghĩa là nhìn, không phải nghĩ; và dịch darshan là triết học thì không đúng lắm, vì triết học có hàm ý là suy nghĩ - ngược hẳn với darshan.
Darshan nghĩa là nhìn (20), mà triết học là suy tư. Chúng khác nhau hoàn toàn, chẳng có liên hệ nào cả. Darshan nghĩa là cái nhìn của một đứa trẻ (21), khi không còn một phân biệt nào nữa: Khi bạn biến hai thành một, và khi bạn biến bên trong như bên ngoài... vì “trong” và “ngoài” là có phân biệt.
Tôi có thế nói: hãy bỏ bên ngoài và đi vào trong; hãy đi vào trong, và bỏ cái bên ngoài ở ngoài. Nhưng bạn có thể hiểu lầm tất cả, vì khi bạn cái bên ngoài thì cái bên trong sẽ không tồn tại được. Khi bên ngoài không còn nữa, làm sao bên trong đứng vững được? Chúng nương vào nhau mà có: bên trong phản chiếu bên ngoài; khi bên ngoài không còn nữa thì bên trong cũng mất theo. Trước hết bỏ cái bên ngoài, bên trong sẽ tự động biến mất; chẳng có “trong”, cũng không có “ngoài” - bạn đã trở thành là một (22). Nếu vẫn có trong và ngoài, bạn vẫn còn là hai, chưa phải một, vẫn còn bị chia cắt.
Ðó là vì sao các thiền sư thường nói những câu cổ quái nhất. Họ nói thế giới này là Thượng Đế (23); họ nói cuộc sống thường ngày là đạo (24); họ nói mọi đều tốt đẹp cả. Chẳng có gì phải thay đổi, vì chính ý tưởng thay đã nói lên sự phân biệt rồi: cái phải được thay đổi, và cái phải trở thành; A phải đổi thành B, nhị nguyên đã chen vào. Họ nói thế giới này là thiêng liêng; đạo không phải xa người, vì ở nơi nào khác là có phân chia. Thượng Đế không phải đấng sáng tạo, và bạn không phải tạo vật - bạn là Thượng Đế (25). Thượng Đế không phải là tạo hóa - chính sự tạo thành này là thiêng liêng, sự sáng tạo chính là Thượng Đế.
Tâm trí luôn luôn phân biệt, đó là đặc tính của tâm trí. Phân biệt càng nhiều càng lanh lợi. Và tâm trí thường nói rằng nhà huyền môn là những tên dở người, vì họ thường khó hiểu. Ðó là lý do họ gọi tôn giáo là huyền môn, và từ huyền môn ấy thường không tốt đẹp gì. Họ nghĩ rằng đó là cái gì đó mập mờ, tối tăm, không được rõ ràng, như mộng, như huyễn. Nhà huyền môn thường bị những nhà luận lý chê là dốt nát (26), bởi vì họ không phân biệt. Mà phân biệt là cái duy nhất cần phải biết; phải biết cái nào ra cái đó! Và lôgic nghĩ rằng càng mổ xẻ càng nhiều càng đến gần sự thật hơn (27). Ðó là lý do khoa học - vốn được xây trên lôgic, chỉ là ứng dụng của lôgic - đã đập vỡ nguyên tử để tìm ra những thành phần nhỏ bên trong.
Ngược lại, tôn giáo tìm đến điều tối thượng, nhất thể, bởi vì không phân chia mà kết hợp, xóa đi ranh giới thay vì tạo ra ranh giới. Khoa học đi vào nguyên tử - thế giới của hỗn tạp, vô tận. Trong khi tôn giáo tìm về cái một, cái cội nguồn của tất cả. Phương pháp của khoa học là sử dụng tâm trí, và tâm trí tạo ra biên giới, tạo ra những phân biệt rõ ràng. Tôn giáo thì không sử dụng tâm trí nên ranh giới bị mờ nhạt tất cả, mọi vật nối tiếp nhau, cái này mất hút vào trong cái kia. Cây cối ôm lấy bầu trời, bầu trời ngả vào lòng cây cối; đất giao với trời, trời thông với đất.
Và nếu nhìn sâu trong cuộc sống, bạn sẽ thấy những cái lý của các nhà huyền môn. Ranh giới đều do người làm ra; trong thực tế chẳng có ranh giới nào cả. Chúng hữu ích, thiết thực, nhưng không có thật. Trong những khía cạnh nào đó chúng giúp rất tiện dụng, nhưng lại là những cản trở trong nhiều trường hợp khác.
Hãy xem phân biệt bắt đầu từ đâu. Tuần trước bạn cảm thấy khó chịu. Bạn có thể xác định một cách chính xác cảm giác đó khởi đầu từ lúc nào không? Bạn có thể biết rõ trắng đen không? Bạn có thể nói, “Vào ngày ấy, đúng 9 giờ 30 phút sáng, tôi cảm thấy khó chịu không?” Không, bạn không thể xác định rõ được. Nếu để ý, bạn sẽ thấy tất cả đều mơ hồ, bạn không thể nói khi nào thấy khó chịu. Rồi khi bạn thấy khó chịu – hãy để ý xem khi nào bạn thấy dễ chịu trở lại. Có thể trước đây bạn không để ý, nhưng nay bạn thấy thoải mái, và thỉnh thoảng bạn buồn rầu, bởi vì tâm trí không thể nằm lại trong một trạng thái mãi mãi. Nó không thuộc quyền kiểm soát của bạn. Dù muốn đau khổ triền miên bạn cũng không bó tay. Lúc đó hãy quan sát: tại thời điểm nào đó khi bạn cảm thấy thoải mái lại. Bạn sẽ thấy thoải mái, rồi bạn sẽ không nhận ra khoảnh khắc ấy, bởi vì nó rất mập mờ. Vậy thì điều ấy có nghĩa gì? Nghĩa là hạnh phúc và đau khổ không phải tách biệt. Ðó là vì sao bạn không thể phân biệt được: chúng đan tay nhau, chúng hòa lẫn nhau, những ranh giới của chúng xen kẽ nhau. Thật ra, không có ranh giới thật sự - chúng tựa như con sóng, như đồi núi và thung lũng: thung lũng biến thành đồi; sóng tạo ra chỗ lõm ở giữa.
Đồi bắt đầu ở đâu, và thung lũng chấm dứt chỗ nào? Không nơi nào cả! Chúng là một. Đó là đặc tính của tâm trí, nó nói, “Đây là thung lũng, và kia là đồi.” Có thể có đồi mà không có thung lũng không? Có thể có thung lũng mà không có đồi chăng? Bạn có thể hạnh phúc mãi mãi mà không có bất hạnh không? Bạn sẽ cố gắng trong vô vọng. Bạn có thể đau khổ mãi mãi mà không có giờ hạnh phúc không? Hãy bởi ý nghĩ đó đi! - vì hạnh phúc và đau khổ là những cảm giác. Sức khỏe và bệnh tật nghiêng về mặt sinh lý hơn.
Hãy nhớ lại lúc nào bạn bị bệnh. Bạn có thể biết rõ không? Và khi nào bạn hết bệnh? Không ai có thể biết rõ ranh giới: đau ốm trở thành sức khỏe, sức khỏe biến thành là bệnh; yêu thương biến thành căm thù, căm thù trở thành tình yêu; giận dữ trở thành từ bi, từ bi hóa ra hận thù. Khó mà mường tượng được những điều ấy, nhưng các nhà huyền môn rất chí lý.
Bạn là một đứa trẻ - Khi nào bạn trở thành thiếu niên? Thời thanh niên bắt đầu lúc nào? Bạn còn trẻ, rồi ngày nào đó bạn sẽ già. Hãy ghi vào lịch, “hôm nay là ngày tôi bắt đầu già.” Và nếu không thể phân biệt khi nào già, bạn có thể phân biệt được khi nào bạn sống động, và khi nào bạn trở nên cằn cỗi không? Thậm chí bác sĩ cũng không thể xác định rõ ràng người ta bắt đầu chết lúc nào. Những gì ta biết được cho tới nay chỉ là tiện lợi, không phải thật.
Khi nào có thể công bố là người này chết? Khi người ấy tắt thở phải không? Nhưng đã có những du-già đã được bác sĩ xác nhận là họ có thể ngưng thở được đến mười phút. Vì vậy, không thể lấy hơi thở làm tiêu chuẩn để quyết định sống và chết. Người ấy có thể sẽ không thở lại nữa, nhưng tiêu chuẩn đó không dùng được, bởi vì đã có người không thở được đến mười phút. Người ấy có thể là một du-già. Có thể ông ta không muốn sống trở lại nữa, nhưng bạn không thể công bố rằng ông ta đã chết. Mặc dù vậy, ta phải công bố là người ấy đã chết, bởi vì xác chết phải được mai táng.
Khi nào một người chết thật sự? Khi trái tim ngừng đập? Hoặc khi óc ngừng hoạt động? Hiện giờ một số phòng thí nghiệm khoa học có những bộ óc không có thân thể - mà chúng vẫn hoạt động như thường. Ai biết chúng đang nghĩ gì? – mơ màng? Chúng cũng không biết rằng chúng đã mất thân thể. Và những nhà khoa học nghiên cứu những bộ óc ấy nói chúng cũng có nhịp điệu bình thường: ngủ, thức, ngủ, trằn trọc; chúng cho thấy những dấu hiệu là chúng đang mơ, và đôi lúc không mơ; cũng có dấu hiệu là chúng đang nghĩ, là chúng đang giận dữ, đôi khi kích động và căng thẳng, và thỉnh thoảng thư giãn. Chúng đang nghĩ gì bên trong? Chúng không thể biết được là thân thể không còn nữa, nhưng bạn có thể nói là chúng đã chết không? Chúng vẫn hoạt động bình thường. Vậy lấy gì làm tiêu chuẩn? Lấy lúc nào làm tiêu chuẩn?
Hồi đệ nhị thế chiến Nga sô đã làm thí nghiệm, và ít nhất sáu người vẫn còn sống khi họ được công bố là đã chết, bởi vì tim họ ngưng đập bất thình lình. Bác sĩ nói họ đã chết, nhưng khi được tiếp máu, họ tỉnh lại. Sáu người đó sống được vài năm nữa mới chết. Bác sĩ phải thu hồi giấy khai tử.
Có một ranh giới rõ ràng, nơi mà sự sống kết thúc, và cái chết bắt đầu không? Không! Tựa như sóng nước vậy. Sự sống theo chân cái chết, như thể sóng kéo một chỗ lõm vậy. Chúng không tách biệt, chúng chỉ là một – chúng là nhịp điệu của nhất thể. Các nhà huyền môn nói rằng vì tiện dụng ta có thể phân chia, nhưng thực tại thì bất khả phân. Phải làm gì để biết được thực tại ấy? Chỉ cần gạt sang một bên cái dụng cụ tạo ra chia cắt. Đó là mục đích của tĩnh tâm, của thiền quán. Ðể tâm trí qua một bên và nhìn; nhìn mà không dùng tâm trí. Hãy ý thức mà không dùng tâm trí. Hãy nhìn! - và không cho phép ý tưởng xen vào giữa bạn và vũ trụ. Khi không có mây, không có ý tưởng, và khi mặt trời chói sáng với đầy đủ ý thức, thì thế giới là một.
“Khi các ông biến hai thành một, và khi các ông làm cho cái bên trong như bên ngoài, và bên ngoài như bên trong, trên như dưới, và khi các ông làm cho nam và nữ trở nên một, để cho nam không còn là nam, và nữ không còn là nữ, thì các ông sẽ vào được Nước Trời.”
Sự phân biệt nổi bật nhất và rõ ràng nhất là giữa nam và nữ (28). Có khi nào bạn quên, không biết người nào đó là đàn ông, hay đàn bà chưa? Có thể bạn quên tên, có thể quên tôn giáo, có thể quên hẳn khuôn mặt, nhưng không bao giờ bạn quên liệu người này là đàn ông, hay đàn bà. Không tài nào quên được. Nghĩa là tác động sâu đậm nhất được hằn lên ký ức của bạn là sự phân chia.
Bạn biết người nào đó cách đây hai mươi năm: Bạn không nhớ gì nữa - mặt đã khác, tên đã đổi, nhưng người ấy là nam hay nữ?... Cái đó thì không quên được, không phai được. Nó có tác động mạnh nhất; nó là yếu tố đầu tiên mà bạn nhớ về người ấy, hoặc là đàn ông, hoặc đàn bà. Yếu tố đầu tiên mà bạn gặp phải là yếu tố cuối cùng lưu lại với bạn. Có thể bạn không để ý, nhưng cái đầu tiên đập vào mắt bạn là người ấy hoặc là đàn ông, hay đàn bà. Nếu là đàn bà, bạn sẽ niềm nở hơn; nếu là đàn ông, bạn đối xử khác hẳn. Nếu là đàn bà, người đàn ông bên trong bạn sẽ bị khích động, dù bạn biết hay không. Có thể bạn không để ý, nhưng bạn sẽ nhẹ nhàng hơn.
Những chuyên viên quảng cáo biết rõ chuyện này hơn ai hết, họ để các bà tại hầu hết các cửa hàng. Đó là yếu tố tâm lý: nếu người mua là người đàn ông, và nếu người bán hàng là phụ nữ, thì anh ta khó mà từ chối được, nhưng nếu đàn ông bán hàng thì lại khác. Khi bà bán hàng thử giày cho bạn, xỏ giày vào bàn chân của bạn, chạm vào chân bạn – mà bà ấy lại đẹp nữa - thì bỗng nhiên giày không còn quan trọng nữa, nó trở thành thứ yếu.
Giày có thể chật ních, nhưng miệng thì nói, “Đẹp quá! Vừa quá!” rồi bạn móc tiền ra trả.
Bạn đã mua cô bán hàng, không phải giày.
Cho nên khi bán hàng – chẳng cần biết là hợp lý hay không, liên quan hay không, thích hợp hay không, dù là bán xe hay bán giày, hoặc bất cứ mặt hàng gì – muốn bán chạy thì phải đặt một cô thật duyên dáng chào khách. Xe thì không mua, mà mua cô bán hàng. Dục là cái được trao đổi, những cái khác chỉ là phụ thuộc. Thực tế mà nói thì bạn tìm dục - khắp mọi nơi. Chúa nói rằng bạn sẽ không trong sạch, nếu dục vẫn còn ám ảnh bạn. Thế thì bạn vẫn còn bị phân chia: nếu là đàn ông, bạn sẽ tìm một phụ nữ; nếu là một phụ nữ, bạn sẽ tìm người nam. Kết cục là bạn sẽ nhìn ra ngoài để tìm người khác phái; bạn không thể nhìn vào trong, không thể tĩnh tâm, không thể thiền quán. Ma nữ sẽ quấy rầy bạn, sẽ ám ảnh bạn. Nếu bạn chống lại, nếu bạn kháng cự, nếu bạn nhắm mắt lại, cô ấy sẽ càng lộng lẫy hơn nữa, cô ấy sẽ quyến rũ bạn.
Phải làm gì đây? Làm cách nào để vượt qua nhị nguyên tính này? Nhiều phương pháp đã được sử dụng. Phần lớn là gạt gẫm. Có người nói, “Hãy coi mỗi phụ nữ như mẹ của mình,” nhưng cũng chỉ là tự lừa dối mình. “Hãy coi mỗi phụ nữ như chị, hoặc em gái của bạn” – cũng chẳng khác gì, bởi vì cô ấy vẫn là một phụ nữ. Chị, em gái, mẹ... cũng chẳng khác nhau; cô ấy vẫn là gái, mà bạn là trai. Bạn tiếp tục tìm, và sự tìm kiếm đó nằm quá sâu dưới vùng sinh lý, như thể con suối ngầm, đến nỗi bạn cũng chẳng ý thức được.
Hãy thử đi. Bạn đang ngồi trong phòng, và một phụ nữ đi vào. Hãy quan sát, hãy xem chuyện gì xảy ra. Thình lình bạn thành một người khác. Mà nếu cô ấy đẹp thì đèn pha của bạn bật lên hết. Việc gì xảy ra? Ngay lập tức bạn bị hớp hồn; bạn biến mất rồi, bạn bị bùa mê thuốc lú; hoóc-môn đã chiếm chỗ bạn rồi. Chúng sẽ khởi động, chúng gạt bạn sang một bên, ý thức của bạn bị tê liệt, bạn không còn tỉnh táo nữa, như thể bạn đang say.
Cho đến nay, chúng ta chưa có thể khám phá được loại rượu nào mạnh hơn dục, loại thuốc nào mạnh hơn dục. Nếu tìm được thì tất cả sẽ đảo lộn ngay lập tức. Nếu dùng cần sa, ma túy, bạn sẽ nhìn đời bằng con mắt khác – Dục là một loại ma túy bẩm sinh. Mỗi khi bị khích dục, mọi thứ trở thành sặc sỡ; tất cả có một bộ mặt mới, hấp dẫn hơn hẳn: bạn sống động hơn, bạn không đi nữa mà chạy; bạn không nói mà hát nghêu ngao. Đời của bạn trở thành là một điệu vũ, bạn đang sống trên mây.
Khi không bị dục khích động, thình lình bạn trở lại thế giới tẻ nhạt, thế giới thiếu màu sắc và mờ đục của sự vật. Bạn không hát, không chạy nữa; mọi thứ trở nên lười biếng, uể oải. Mà khi một bà, hoặc một ông đi vào đời bạn, mọi thứ mang theo màu sắc mới, hồn thơ đã lai láng, lãng mạn đã lan tràn. Cái gì đã xảy ra? Và nếu nó liên tục xảy ra, bạn sẽ rơi vào thế giới của nhị nguyên – thâm sâu nhất -- và nó sẽ không cho phép bạn nhìn được chân như, tức là thực tướng của vạn vật. Mà chân như mới thật là phúc lạc, vì nó vắng bóng cả hạnh phúc lẫn bất hạnh.
Chân như nằm ngoài cả hạnh phúc và bất hạnh. Nó không căng thẳng, cũng không thư giãn, không tối cũng không sáng; nó nằm ngoài tất cả (29). Khi mọi phân chia chấm dứt, phúc lạc sẽ đến với bạn. Người Người Ấn gọi là ananda (30) - nghĩa là “bên ngoài nhị nguyên”. Bạn không thể nói thánh nhân hạnh phúc. Ngài không hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc sẽ có bất hạnh đi theo. Bạn không thể nói ngài không hạnh phúc. Ngài phúc lạc, vì ngài đã vượt lên trên mọi đối cực. Chẳng có đồi, chẳng còn thung lũng nữa, ngài sống trên đất bằng; ngài chỉ biết có một bề mặt. Không có thăng và trầm, vì ‘thăng’ và ‘trầm’ thuộc về thế giới của nhị nguyên (31).
Vì vậy Chúa nói, “Khi không có trên, và không có dưới, không thăng và không trầm (32), khi không đối cực, bạn không thể chọn lựa, bạn chỉ tồn tại.” Và sự tồn tại đó chỉ có một bề mặt: không có sóng, đại dương tuyệt đối phẳng lặng và không một gợn sóng, dù chỉ là một lay động nhỏ, vì không có trên và không có dưới nữa. Ðại dương đã trở thành một tấm gương, không một gợn sóng, vì mọi khích động đã đình chỉ.
Toàn bộ khích động do nhị nguyên tính mà có, mà dục là nền tảng của tất cả. Bạn có thể từ bỏ tất cả một cách dễ dàng, nhưng bỏ được dục mới đáng kể. Và đó là cái khó nhất; nó ngấm vào từng tế bào trong cơ thể, từng ngõ nghách trong bản thể của bạn – bạn được sinh ra bởi dục, bạn là hiện thân của dục. Đó là lý do Chúa nói, “Nếu không sinh ra một lần nữa, bạn sẽ không vào được Nước Trời.” Trong hiện trạng của bạn, căng thẳng vẫn còn; kết quả là bạn không tránh được nỗi thống khổ.
“Và khi các ông làm cho nam và nữ trở nên một, để cho nam không còn là nam, và nữ không còn là nữ, thì các ông sẽ vào được Nước Trời.”
Vậy phải làm gì? Một vòng tròn phải được thực hiện bên trong. Chúa đã không nói rõ phải làm gì, bởi vì những bí mật đó không thể được tuyên bố bừa bãi (33); chúng chỉ có thể được dạy cho một số môn đệ. Có lẽ Chúa đã dạy cho một số môn đệ thân tín (34), bởi vì chỉ nói xuông, “Hãy trở nên một!” thì không một ai trở thành một được. Chỉ nói nam trở nên nữ, và nữ trở nên nam, thì chẳng một ai trở thành là một được - bởi vì đó là mục đích. Vậy thì có phương pháp nào không?
Chúa ắt phải giấu phương pháp bí mật đó. Ngài chỉ truyền cho môn đệ như một chìa khóa bí mật, bởi vì những bí mật đó có thể làm cho bạn trở nên một thì cũng rất nguy hiểm. Nếu bạn hiểu sai, nếu bạn dùng sai dù chỉ một chút cũng làm bạn phát điên. Vấn đề là ở chỗ đó. Sợ là chỗ đó.
Phần lớn các bạn đều có đối kháng bên trong: phần nam của bạn đi tìm phần nữ bên ngoài, phần âm của bạn tìm phần dương bên ngoài – Đó là mẫu người bình thường. Tất cả phải được chuyển hoá: phần nam của bạn tìm phần nữ bên trong. Nhưng người nam bên trong bạn tìm gặp người nữ bên trong thì rất nguy hiểm, bởi vì thiên nhiên không lo liệu trước việc này. Thiên nhiên đã cho bạn một thôi thúc để gặp người nữ, để gặp người nam, và thôi thúc đó rất tự nhiên. Nhưng tạo ra sự gặp gỡ này bên trong bạn thì không phải tự nhiên. Chìa khóa phải được trao cho một cách cẩn thận. Nó phải được hướng dẫn bởi một đạo sư, và ngài đã đi qua đọan đường đó rồi. Ðó là vì sao những bí mật sâu kín nhất của tôn giáo không thể được truyền qua sách vở (35), chúng chỉ có thể được khẩu truyền, qua điểm đạo.
Tuy nhiên, tôi sẽ gợi ý cho bạn một kỹ thuật. Nhưng phải nhớ kỹ: nếu bạn muốn áp dụng thì làm y hệt những gì tôi nói, không được làm khác, nếu không thì có thể nguy hiểm. Cẩn thận vẫn hơn, bởi vì nhiều hành giả đã bị tẩu hỏa nhập ma. Lý do là bạn có chìa khóa, nhưng bạn không biết cách sử dụng, hoặc dùng sai. Và một khi bạn sử dụng sai chìa khóa thì ổ khóa sẽ bị đảo lộn; lúc ấy sửa lại ổ khóa thì rắc rối lắm.
Những phương pháp này chỉ được thực hiện dưới sự hướng dẫn của một đạo sư, ngài sẽ liên tục quan sát bạn. Tôi sẽ cho bạn một vài chi tiết, và nếu bạn muốn thí nghiệm thì tôi có thể giúp bạn. Việc đầu tiên: Mỗi khi trong vòng tay của người yêu, đó lúc tốt nhất để tìm kiếm người nữ bên trong, hoặc người nam bên trong. Mỗi khi bạn trong cơn say tình ái, hãy nhắm mắt lại, hãy biến nó thành tĩnh tâm, thiền quán. Người nữ bên ngoài sẽ giúp đánh thức người nữ bên trong. Vì lúc đó năng lực bên trong của bạn, cả âm lẫn dương, sẽ mạnh nhất. Khi bạn cảm thấy hạnh phúc, cảm giác ấy không phải do bạn và người nữ bên ngoài mà có, nó luôn luôn xảy ra giữa bạn và người nữ bên trong.
Vì vậy, nếu bạn cảnh giác, bạn sẽ nhận thức được sự gặp gỡ của hai năng lượng đang xảy ra bên trong. Và mỗi khi nó xảy ra, sự sung mãn sẽ lan khắp thân thể; nó sẽ không bị giới hạn trong vùng cảm giác. Nếu nó bị giam hãm trong vùng cảm giác, thay vì khắp cơ thể, bạn đã làm sai rồi. Sung mãn hoàn toàn nghĩa là khắp châu thân, mỗi tế bào của cơ thể rung theo nhịp sống mới, với một sinh lực mới, vì nhiều năng lượng được tạo ra bởi cuộc gặp gỡ này. Cuộc gặp gỡ diễn ra bên trong, nhưng nếu bạn chú ý bên ngoài, bạn sẽ không thấy gì cả.
Người nữ bên ngoài, hoặc người nam bên ngoài, chỉ là một hình ảnh của người bên trong. Khi yêu một người nữ, hoặc một người nam, bạn yêu chỉ vì người nữ, hoặc người nam ấy trùng hợp cách nào đó với người bên trong. Ðó là vì sao bạn không hiểu được tại sao bạn yêu người này, bởi vì con tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí không biết được (36). Vì mang một người nữ bên trong, nên khi bạn gặp người nào phù hợp với hình ảnh bên trong đó, bạn bị tiếng sét ái tình đánh trúng. Tình yêu ấy nằm ngoài sự kiểm soát của bạn, bởi vì yêu không phải là hành động tâm trí; nó nằm sâu trong vô thức nên tâm trí không biết được. Người nữ ấy khích động hình ảnh bên trong của bạn, nên bỗng nhiên bạn cảm thấy như đã gặp được người từ trăm năm.
Căn cứ vào đâu để biết cô ấy là người trong mộng? Vì với nhiều người khác, cô ấy không có gì đặc biệt cả. Nhiều người nghĩ cô ấy vô duyên; nhiều người nghĩ cô ấy xấu. Lại có người chẳng thèm ngó đến cô ấy. Cũng có người nghĩ cô ấy rất tầm thường. Có người cười và nói với bạn, “Có điên không? Hết người rồi sao mà mê nó?” Nhưng cô ấy, hay chàng ấy, phù hợp với người bên trong của bạn. Cho nên lý trí không thể xía vào chuyện của con tim. Dù bạn cầu nó cũng chẳng đến, mà bạn đuổi nó cũng chẳng đi.
Khi men tình lên cao vút, năng lượng bên trong của bạn khởi động mạnh nhất, cao nhất. Tại cao điểm đó, hãy quên thế giới bên ngoài, nếu không thì bạn sẽ lỡ một cơ hội, cái gì đó rất huyền bí đang xảy ra bên trong: bạn trở thành một vòng tròn. Hai năng lượng âm và dương đang gặp nhau, bạn đang trở thành ardhanarishwar – nửa nam, nửa nữ. Trong khoảng khắc ấy, toàn thân của bạn rung lên, từ ngón chân đến tận đỉnh đầu. Từng dây thần kinh rung theo nhịp sống mới, bởi vì vòng tròn lan đi khắp nơi trên thân thể. Nó đưa bạn vào một thế giới mới. Hãy quan sát nó! Hãy quan sát cái đỉnh yêu thương đó, cuộc gặp gỡ của năng lượng bên trong. Rồi quan sát khi ngọn sóng triều lắng xuống, và khi hố thẳm mở ra. Hãy quan sát sự tách rời của hai năng lượng.
Nếu thực hành một vài lần, bạn sẽ nhận ra ngay lập tức rằng bạn không cần người nữ, hoặc người nam bên ngoài nữa. Bạn có thể tìm lại kinh nghiệm ấy mà không cần người khác, bởi vì nó không xảy ra bên ngoài – người ngoài chỉ giúp thúc đẩy tiến trình ấy. Sự thúc đẩy ấy có thể tạo ra bên trong. Và một khi đã quen thì bạn có thể tự làm lấy. Nhưng phải qua cầu bạn mới biết. Tôi không thể nói rõ hơn được. Bạn phải quan sát, phải theo dõi thì mới biết năng lượng khởi động ra sao, rồi chúng tách rời ra sao.
Trong một thoáng nó xảy ra với bạn. Ðó là vì sao có người người khổ vì yêu, nhưng vẫn lăn vào như những con thiêu thân – bởi vì trong khoảnh khắc nhỏ đó bạn trở thành một, nhị nguyên tính biến mất. Trong khoảng khắc ấy tâm trí tạm ngưng hoạt động. Nếu tâm trí còn chủ động, khoảnh khắc ấy không xảy ra. Trong khoảnh khắc ấy không một ý nghĩ nào xuất hiện... lăng kính bị bỏ hẳn sang một bên. Bạn hiện hữu, nhưng không có ý tưởng. Bạn tồn tại, nhưng không có tâm trí. Khoảnh khắc ấy xảy ra rất nhanh nên bạn có thể để mất nó dễ dàng; bạn đã đánh mất trong nhiều kiếp sống. Nó quá nhỏ đến nỗi nếu bạn quan tâm đến bên ngoài, bạn sẽ đánh mất nó.
Vì vậy phải nhắm mắt lại mà quan sát cái gì đang xảy ra ở trong. Ðừng mong đợi bất cứ chuyện gì, chỉ quan sát những gì đang diễn ra. Dần dần nó sẽ xảy ra, tương tự như khi bạn từ ngoài sáng đi vào phòng. Bạn không nhìn thấy gì, bởi vì mắt của bạn vẫn chưa quen với bóng tối. Hãy ngồi xuống và chờ đợi. Ít lâu sau bóng tối sẽ biến mất, và bạn sẽ thấy được vì mắt của bạn đã quen với bóng tối.
Từ ngoài trở vào trong thì rắc rối hơn, bởi vì mắt của bạn đã quen với bên ngoài. Bên trong có vẻ tối, và khi bạn sẵn sàng, khoảnh khắc ấy đã qua rồi . Vậy hãy tĩnh tâm nhiều hơn bằng cách nhắm mắt lại, và nhìn vào trong để bạn có thể quên với bóng tối bên trong. Nó không phải là bóng tối, nó chỉ có vẻ tối, bởi vì bạn đã quen với ánh sáng bên ngoài. Dần dà một luống sáng sẽ đến, và mọi thứ trở thành rõ ràng; rồi sẽ tới lúc mọi thứ trở thành sáng chói, đến nỗi khi mở mắt ra, sẽ nhận ra bên ngoài là bóng tối. Arvind nói, “Lần đầu tiên tôi biết bên trong là gì, ánh sáng bên ngoài trông như bóng tối. Cuộc sống bên ngoài dường như sự chết, vì bây giờ tôi biết có cái cao hơn, lớn hơn, đến từ nguồn đang xảy ra.”
Hãy quan sát hai sinh lực trở thành một như thế nào. Trong sự hợp nhất đó sẽ vắng bóng tâm trí và ý tưởng. Hãy quan sát! – dần dần bạn sẽ thấy được cái gì đang xảy ra. Và một khi bạn biết cái gì đang xảy ra, cái bên ngoài không còn cần thiết nữa – bạn chẳng cần phải bỏ nó, nhưng nó có thể được bỏ rơi.
Người nữ, người nam đều đẹp. Tình yêu thật là tuyệt diệu, chẳng có gì sai cả. Bạn không cần phải bỏ, nhưng nếu muốn, bạn có thể được bỏ được, vì bạn không phải phụ thuộc ai nữa. Khi đó bạn có thể cho phép nó xảy ra ở trong, và sẽ có một lúc hiện tượng này diễn ra mãi mãi. Với giúp đỡ của bên ngoài, nó sẽ không tồn tại mãi mãi, vì sự chia tay sẽ phải xảy ra, phải tách biệt. Nhưng với bên trong thì không có biệt ly; nếu sự hợp nhất xảy ra bên trong thì chẳng có ly tan, bởi vì cả hai đều có sẵn ở đó. Một khi hai luồng sinh lực ấy gặp nhau thì hợp tan không xảy ra nữa. Với bên ngoài, hợp tan là điều không thể tránh được; trong mọi xum họp đều có sẵn mầm biệt ly. Khi vòng sinh lực diễn ra thường xuyên bên trong, bạn đạt đến trạng thái ardhanarishwar - và đó là ngụ ý của Chúa:
“Và khi các ông làm cho nam và nữ trở nên một, để cho nam không còn là nam, và nữ không còn là nữ, thì các ông sẽ vào được Nước Trời.”
Hôn nhân đã xảy ra bên trong; bạn đã hoàn hảo, không bị chia cắt nữa; bạn đã thành bất khả phân. Bạn đã có tự ngã: bây giờ bạn được giải thoát hoàn toàn, không thiếu gì nữa; bạn có đầy đủ bên trong. Trừ phi vòng sinh lực này xảy ra, bạn sẽ thiếu gì đó, và bạn phải dựa vào người khác để được thoả mãn. Ðó là vì sao dục là một loại nô lệ. Bạn phải tùy thuộc người khác, và bạn sẽ không thấy vui vì sự phụ thuộc đó. Kết quả là bạn cà khịa mãi với người yêu: bạn thấy phẫn uất, nhưng không thể thiếu người khác, vì bạn bị phụ thuộc. Và không ai muốn phụ thuộc ai cả, vì phụ thuộc nghĩa là bị giới hạn, nghĩa là bị người khác kiềm chế, bị người khác chiếm hữu - Và nếu bị phụ thuộc, bạn phải chịu sự thống trị của người khác, vì bạn sợ hãi. Ðây là sự thỏa thuận hỗ tương: “Tôi sẽ phải dựa vào anh, và anh sẽ nhờ tôi, như vậy chúng ta có thể nương vào nhau mà sống, và chúng ta có thể thay phiên mà kiềm chế lẫn nhau, bằng cách này hay cách khác.”
Nhưng không ai muốn bị kiềm chế và bị chiếm hữu. Ðó là vì sao tình yêu thường tạo ra địa ngục. Và nếu vừa yêu thương vừa giận hờn một người, sao bạn có thể có hạnh phúc được? Khi giận hờn thì thậm chí người đẹp nhất cũng thành xấu xí.
Mulla Nasruddin đang có khách. Khi vợ của anh ta đến thì người bạn nói, “Phải đây là cục cưng của anh không?"
Mulla Nasruddin lơ đễnh nói, “Mụ ấy chỉ là vợ thôi!”
Nỗi chán chường đó luôn luôn đi theo những người yêu nhau, vì không bà nào có thể thỏa mãn hoàn toàn được ông nào cả. Dù có tất cả phụ nữ trên thế giới, bạn cũng không thể thỏa mãn hoàn toàn được, vì cái bên trong lớn hơn tất cả những cái bên ngoài cộng lại. Dù được tất cả đàn ông trên thế giới cung phụng, không bà nào có thể cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn - Không. Bà ấy sẽ không vừa lòng, ông này được cái này lại thiếu cái kia,
và không một ông nào có thể giống y hệt người bên trong của bà. Và vấn đề thứ hai là thời gian... Hai người chỉ gặp gỡ trong một thời gian ngắn rồi lại phải tách ra, bởi vì không ông nào giống y hệt ông bên trong. Trừ phi đạt được sự hợp nhất bên trong, bạn sẽ chuyền hết từ nỗi khổ này đến bất hạnh kia; từ bà này sang bà kia, từ ông này sang ông kia; từ cơ cực này đến cơ cực kia. Mỗi lần thay đổi là một lần bạn hy vọng. Nhưng tuyệt vọng dường như là một định mệnh.
Khi vòng sinh lực này xảy ra, bạn trở thành một, bạn ngây thơ như một đứa trẻ - còn hơn vậy nữa, hơn bất kỳ trẻ em nào - bạn đã trở thành một thánh nhân. Hãy suy tư về những lời của Chúa, và thực hành những gì tôi nói. Nhưng nếu bạn muốn thí nghiệm, hãy cho tôi biết. Nếu bạn bắt đầu làm việc với vòng sinh lực bên trong, hãy cho tôi biết ngay lập tức những gì đang xảy ra, vì nếu có gì sai và nếu có trắc trở gì, bạn sẽ phát điên.
Ðó là nỗi sợ khi trở thành một thánh nhân: nếu thất bại, bạn sẽ rơi xuống tận cùng, bạn sẽ điên. Nếu thành công, bạn lên tới tận đỉnh, bạn trở thành một thánh nhân. Xưa nay đều như vậy cả. Nếu muốn đi trên những đỉnh cao, bạn phải có can đảm, bởi vì nếu thất bại, bạn rơi xuống tận vực sâu. Bên cạnh những đỉnh cao luôn luôn là vực thẳm.
Cho nên nếu cố gắng cũng phải quân bình (37). Nếu bạn muốn tập theo phương pháp ấy, tôi sẽ chỉ cho bạn, nhưng việc này chỉ có thể được thực hành trực tiếp. Ðó là vì sao Chúa nói về mục đích, nhưng không hề nói về phương pháp. Phương pháp thì phải tùy mỗi cá nhân mà trao cho. Đó gọi là điểm đạo.

Chú Thích:
1. Đây là một trong những kỹ thuật bí mật nhất của huyền môn, mà dục giữ vai trò quan trọng. Dục là một năng lượng quan trọng mà thiên nhiên đã cho mỗi người. Phần lớn những hoạt động của con người đều xoay quanh dục, và là đầu mối của mọi bệnh tâm thần. Điều này đã được Sigmund Freud xác nhận. Cho nên mọi pháp môn huyền bí đều lấy dục làm bàn đạp để nhảy vào điều tối thượng. Dục chiếm một phần quan trọng trong Ấn Độ Giáo và Lão Giáo. Ki Tô Giáo phủ nhận vai trò của dục trong sự cứu độ, nhưng một số học giả cho rằng, có thể ban đầu các phương pháp áp dụng dục đã được dùng trong thời kỳ đầu của giáo hội, nhưng sau này bị cấm. Điều này có thể tìm trong các tài liệu của nhóm Gnostics, tìm được ở làng Nag Hammadi, Ai Cập năm 1945. Ngay trong thánh kinh cách thức, có thể cũng có dấu vết ấy. Thánh Mat-Cô viết rằng trong đêm Chúa bị bắt, có một chàng trai theo Ngài và các môn đệ; anh ta chỉ có một cái mền khoác trên người; và khi bị bắt cùng với Chúa, anh ta bỏ lại cái mền và tẩu thoát (14:51-52). Độc giả muốn tìm hiểu thêm có thể tìm đọc: 1, Joseph Campbell, The Power of Myth; 2, Asimov's Guide to the Bible; 3, Lloyd Graham, Deceptions and Myths of the Bible; 4, Kenneth C. Davis, Don't Know Much About the Bible. Dục cũng đóng vai trò quan trọng trong sự thành đạo của Đức Phật và Phật Giáo (Xem 1, John Stevens, Lust for Enlightenment : Buddhism and Sex; 2, Joseph Campbell, Oriental Philosophy; 3, A.K. Warder, Indian Buddhism)
2. Gio-An 3:1-12
3. “Nếu ai đó còn có ý nghĩ về ta, về người, về linh hồn, về mạng sống, thì không phải là bồ tát.” Kinh Kim Cương.
4. Đức Phật dạy, “Ta là Phật đã thành. Chúng sinh là Phật sẽ thành.” Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.
5. Chúa Giê-Su nói, “Ai là mẹ ta? Và ai là anh em ta? Người nào thực hiện ý Cha trên trời thì đó là mẹ ta và anh em ta.” (Mat-Thêu 12:46-50)
6. Gio-An 3:9
7. Dịch nói trong âm có dương, và trong dương có âm. Carl Jung nói trong mỗi người nam có một người nữ (anima), và trong mỗi người nữa có một người nam (animus). Xem Carl G. Jung, Joseph Campbell, The Portable Jung, Penguin, 1976
8. Xin đọc “Đi Tìm Huyền Bí” của Osho, Phương Việt dịch, Osho Việt Nam xuất bản  2003. Sách nói về bảy thể, bảy luân xa của mỗi người, và những huyền bí khác.
9. Khoa học nói con người có 23 cặp nhiễm sắc thể (chromosomes); 22 cặp giống nhau hoàn toàn; nam hay nữ do cặp thứ 23 quyết định. Nếu cặp ấy là XY thì nam, mà XX thì nữ.
10. Dịch nói ban đầu là Thái Cực, mà trong đó âm dương chưa bị phân đôi.
11. Bốn chân lý tuyệt diệu (Tứ Diệu Đế) của Phật Giáo gồm có: 1. Khổ (đau khổ, dukkha), 2. Tập (nguồn gốc của đau khổ, samudaya) – do ham muốn mà có, 3. Diệt (chấm dứt đau khổ, nirodha), 4. Đạo (phương pháp để chấm dứt đau khổ, marga); gồm có tám phương pháp, gọi là Bát Chánh Đạo.
Bát Chánh Đạo gồm có: 1. chánh kiến=right understanding, 2. chánh tư duy= right thought, 3. chánh ngữ=right speech, 4. chánh nghiệp=right action, 5. chánh mạng= right livelyhood, 6. chánh tinh tấn= right effort, 7. chánh niệm=right mindfulness, 8. Chánh định= right concentration.
12. Dùng tôn giáo để giải thích hiện tượng này có lẽ không thích hợp lắm. Nói theo khoa học thì lúc đó máu không dồn về óc được nên cơ thể không còn kiểm soát được các bộ phận nữa, cho nên chúng có thể tự động xảy ra mà nạn nhân không ý thức được. Độc giả muốn tìm hiểu thêm có thể tìm vào trang này: http://www.temporaryart.org/96/jorg/ero1.html.
13. Mat-Thêu 19:12.
14. Dịch nói về nhất thể trong Quẻ Càn, hào Dụng Cửu, “Kiến quần long vô thủ. Cát”, nghĩa là thấy được bầy rồng không đầu. Tốt. Không đầu nghĩa là đã vượt qua tâm trí, không còn cái tôi nữa, không còn phân biệt nữa. Phật Giáo gọi đó là Tâm bình đẳng (sammacittata).
15. Bảy màu đó là: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím
16. Mọi thay đổi đều qua bảy giai đoạn: ánh sáng có bảy màu, nhạc có bảy nốt, bảng tuần hoàn hóa học có bảy tầng. Dịch tóm tắt quy luật ấy trong quẻ Địa Lôi Phục, “Phản phục kỳ đạo, thất nhật lai phục,” nghĩa là cứ bảy ngày thi trở lại. đó là vận hành của đạo.
17. Luận lý học của Mahavira có bảy mệnh đề: 1. A có thể đúng; 2. A có thể không đúng; 3. A vừa đúng vừa không đúng; 4. A bất định; 5. vừa đúng vừa bất định; 6. A vừa không đúng, vừa bất định, 7. A vừa đúng, vừa không đúng, vừa bất định. Xem K.V. Mardia, The Scientific Foudations of Jainism, Motilal, Dehli, 1996.
18. Chúa nói hai. Mahavira nói bảy. Phật nói bốn. Luận lý học Phật Giáo, gọi là tetralemma, gồm có bốn mệnh đề: 1. A đúng, 2. A không đúng, 3. A vừa đúng vừa không đúng, 4. A chẳng đúng cũng chẳng không đúng. Luận lý học này được thiết lập bởi các ngài Long Thọ (Nagarjuna), Thế Thân (Vasubandu) và Trần Na (Dinnaga). Tuy nhiên, bốn mệnh đề này đã có sẵn trong 14 câu hỏi mà Đức Phật đã tuyên bố là Ngài sẽ không trả lời. (Xem 1. T.R.V. Murti, Central Philosophy of Buddhism: A Study of Madhyamika System, Munshirm Manoharlal, 2003; 2. Junijiro Takakusu, The Essentials of Buddhist Philosophy, South Asia Books, 1998)
19. Jean Piaget, 1896-1980, tâm lý gia Thụy Sĩ, là một chuyên gia về tâm lý học phát triển (developmental psychology) và tri thức luận di truyền (genetic epistemology).
20. Ấn Độ gọi những người đã giác ngộ là “người nhìn” (seers).
21. Phật Giáo gọi cái nhìn ấy là chân như (suchness), nghĩa là không bị tâm trí xuyên tạc.
22. Adi Shankara nói rằng không gian bên trong cái bình và không gian bên ngoài không khác nhau; do cái tâm trí phân biệt mà có trong, có ngoài. Xem Jackson, Carl T, Vedanta for the West, Indiana University Press 1994
23. Thiền sư Văn Môn nói, “Phật là que cứt khô!”
24. Thiền sư Dae-Ju nói, “Thiền rất là dễ. Khi đói thì ăn; khi mệt thì ngủ.”
25. Chúa Giê-Su nói, “Chẳng phải có lời chép trong thánh thư ‘Ta nói ngươi là Thiên Chúa’ sao?” (Gio-An 10-30).
26. Chúa Giê-Su cũng bị vua Herod chê là dại dột. (Lu-Ca 23:11)
27. Đó là phương pháp khoa học. Descartes nói, “Gặp những trường hợp phức tạp thì phải cắt ra làm nhiều phần nhỏ để tìm giải đáp.” Xem Discourses On Methods.
28. Dịch tổng quát hóa mọi cặp đối là âm và dương.
29. Lão Tử dạy, “Nhìn không thấy là di; nghe không tỏ là hi; nắm bắt không được là vi. Ba cái ấy không thể vặn hỏi đến cùng. Ở trên không sáng tỏ; ở dưới không mờ tối. Đón nó không thấy đầu; theo nó không thấy đuôi. Cầm giữ đạo xưa để thống trị cái có hiện nay; có thể biết cái ban đầu xưa. Ấy gọi là giềng mối của Đạo.” (Đạo Đức Kinh, chương  14. Nghiêm Toản dịch)
30. Ananda (phúc lạc) thường đi với sat (chân lý), và chit (tâm thức). Nếu được một thì được cả ba: Sat-chit-ananda.
31. Tâm thức ấy Phật Giáo gọi là tâm bình đẳng (samacittata). D.T. Suzuki viết, “Nếu có người chứng ngộ rốt ráo, người ấy kiên cố và bất động như kim cương, và vì người ấy đã quán thấy vô niệm, nên dù ở giữa rừng gươm oán tặc đe dọa phanh thây vẫn hoàn toàn yên lặng. Ngay cả khi hằng hà chư Phật hiện đến chào đón, tâm y cũng không gợi nên một niềm hoan lạc. Bởi vì bậc tinh tấn dũng mãnh này đã đạt đến không tánh (sunyata) và tâm bình đẳng tánh (samacittata).” Tuệ Sĩ dịch, Thiền Luận, tập hạ, 1973, trang 44. Tâm bình đẳng ấy không phải là của riêng Phật Giáo:
1. Trang Tử nói trong thiên Tiêu Dao Du, Nam Hoa Kinh.
2. Ki Tô Giáo gọi là “Lòng nghèo khó.” Chúa Giê-Su nói, “Phúc cho những ai có lòng
nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mat-Thêu 5:3).
3. Trong tất cả những bộ Áo Nghĩa Thư, và đặc biệt bộ kinh Bhagavadgita của Ấn Độ giáo (xem The Bhagavadgita, P. Lal dịch, Oriental Paperbacks, Dehli, 1991, chương The Yoga of Renunciation).
4. Trong Thập Ngưu Đồ là tranh thứ mười. Tranh thứ 9 là giác ngộ; thứ 10 là vượt qua giác ngộ.
5. Trong Dịch là quẻ Hỏa Thủy Vị Tế. Thủy Hỏa Ký Tế, đã qua sông, quẻ thứ 63, là đã giác ngộ. Nhưng nếu còn ý niệm về sự giác ngộ thì vẫn chưa giác ngộ rốt ráo. Cho nên sau khi đã qua sông (Ký Tế) mới thấy rằng chẳng có sông nào để qua (Vị Tế). Phật cũng nói tương tự trong Kinh Kim Cương, “ta phải dẫn vô lượng chúng sinh vào vô dư niết bàn, nhưng thật ra không có chúng sinh nào vào niết bàn cả.”
32. Đến đây ta hiểu được một trong những câu khó hiểu nhất của Lão Tử, “Có, Không cùng sinh ra nhau. Khó, Dễ cùng làm thành ra nhau. Cao, Thấp cùng nghiêng úp nhau. Tiếng, Giọng cùng trộn lẫn với nhau. Trước, Sau cùng theo nhau.” (Đạo Đức Kinh, chương hai. Nghiêm Toản dịch).
33. Những bí mật đó có thể tìm trong Vigyan Bhairav Tantra, gồm 112 phép thiền của Shiva. Osho đã giảng rất rõ trong tập The Book of The Secrets (Mật Tông Tâm Pháp), gồm 5 cuốn. Bộ sách này sẽ được Osho Việt Nam xuất bản trong tương lai gần.
34. Đức Phật có hai truyền thừa. Thiền Tông được Ngài truyền công khai qua Ma-Ha-Ca- Diếp (Mahakhasyappa); Mật Tông thì Ngài mật truyền qua con trai là ngài La-Hầu-La (Rahula).
35. Chúa chỉ nói với đám đông bằng dụ ngôn (Mat-Thêu 13:34)
36. Huyền thoại Hy-Lạp nói rằng ban đầu mỗi người đều có hai nửa, trước và sau, bốn tay, bốn chân, bốn mắt; họ có thể chạy tới, chạy lui, nhìn trước, nhìn sau tùy ý; một ngày kia con người nổi loạn, họp nhau chống lại chư thiên, nhưng thất bại, và đã bị chư thiên đã phạt bằng cách cắt đôi mỗi người ra làm đôi; kể từ đó mỗi người đều phải vất vả đi tìm lại cái nửa đã bị thất lạc ấy; và nếu không tìm được đúng nửa ấy thì không thể có hạnh phúc. Xem Plato, The Symposium.
37. Quân bình cố gắng, cũng được gọi là chánh tinh tấn trong Bát Chánh Đạo.
Xem tiếp Chương 9Quay về Mục lục

Ads Belove Post