Chương 9. Vợ tôi có sao không?

Chương 9. Vợ tôi có sao không?

Price:

Read more

Osho - Hạt Cải Trời
Chương 9. Vợ tôi có sao không?

Chúa Giê-Su nói, “Hạt bụi trong mắt người khác thì ngươi thấy, nhưng cái xà trong mắt của ngươi thì ngươi không thấy.”
“Khi lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi, ngươi sẽ thấy rõ mà lấy hạt bụi ra khỏi mắt người khác.”(1)
Tự biết mình là cái khó nhất - không phải vì khó, nhưng vì bạn sợ muốn biết về chính mình. Một sự sợ hãi lớn lao. Người nào cũng muốn tránh né, cũng muốn chạy trốn khỏi chính mình. Điều này cần phải được hiểu rõ. Và nếu nỗi sợ này tồn tại, bất cứ gì bạn làm cũng chẳng được kết quả. Có thể bạn nghĩ bạn muốn biết chính mình, nhưng nếu không ý thức được nỗi sợ này, bạn sẽ liên tục tránh né, bạn sẽ cố gắng để lẩn tránh, để tự đánh lừa chính mình. Một mặt bạn cố gắng tìm hiểu chính mình, mặt khác bạn sẽ tạo ra đủ loại chướng ngại để bạn không thể biết mình.
Về mặt ý thức bạn có thể nghĩ, “Tôi muốn biết chính mình,” nhưng vì vô thức (2) lớn hơn, mạnh mẽ hơn ý thức nhiều (3), bạn sẽ không muốn biết về mình. Cho nên sự sợ hãi cần phải được hiểu rõ. Sao bạn sợ? Chỉ một lý do: Nếu đi sâu vào trong, bạn sẽ nhận ra rằng hình ảnh mà bạn phô trương với mọi người là giả dối. Toàn bộ quá khứ của bạn sẽ không có nghĩa gì cả, bởi vì nó chẳng khác một giấc mơ. Bạn đã đầu tư quá nhiều vào nó, đã sống vì nó, nên khi biết rằng tất cả đều là giả dối, bạn cảm thấy đau đớn; rồi bạn thấy rằng bạn đã lãng phí cả đời.
Nếu bạn đang sống một đời không chân thật, thiếu chân thực, nếu bạn chưa bao giờ yêu nhưng chỉ đóng kịch, sao bạn có thể đối mặt với chính mình? Vì bạn sẽ nhận ra mọi sự dối trá của mình: không những chỉ giả vờ rằng bạn yêu, mà bạn còn giả vờ rằng bạn đang có hạnh phúc trong tình yêu. Bạn đã lừa dối chính mình, không phải ai khác. Và nay nghĩ lại và nhìn vào trong, bạn sẽ bị nỗi sợ xâm chiếm.
Bạn nghĩ rằng bạn có một tài năng đặc biệt mà người khác không có. Ðó là cái bình thường nhất trên thế gian này, vì người nào cũng nghĩ là mình khác thường, đặc biệt. Nhưng nếu kiểm điểm lại chính mình, bạn sẽ thấy rằng bạn không có gì đặc biệt, rằng chẳng có gì để bạn hãnh diện cả. Vậy thì cái tôi của bạn không thể đứng vững được. Nó sẽ sụp đổ, sẽ thành tro bụi.
Sợ là chỗ đó, vì vậy bạn không dám nhìn vào chính mình. Vì không nhìn vào chính mình, bạn liên tục thêu dệt những giấc mơ, những hình ảnh đẹp về chính mình. Mà tạo ra hình ảnh thì quá dễ và quá rẻ tiền, nhưng trở thành một cái gì cụ thể thì khó hơn nhiều. Cho nên người ta hay đi đường tắt và chọn cái rẻ tiền nhất. Bạn cũng thế thôi. Vì vậy nhìn lại chính mình khó vô cùng.
Chủ nhà giận dữ vì điện thoại reo lúc bốn giờ sáng. Ông ta hét lên, “Ông muốn gì?”
Người kia nói, “Không có gì cả!”
Chủ nhà giận hơn nữa, “Vậy sao lại quấy rầy tôi giữa đêm khuya như thế?”
Người kia nói, “Bởi vì giờ này giá rẻ”
Dù giá có rẻ hơn, bạn cũng chẳng lợi lộc gì. Mà bạn vẫn thường làm thế. Bạn tạo ra một hình ảnh là bạn độc đáo thì quá rẻ, nhưng độc đáo thật sự thì khó hơn, gian khổ hơn. Phải tranh đấu rất nhiều, phải cố gắng rất nhiều, và phải qua rất nhiều thử thách, bạn mới nhận ra cái nét độc đáo của chính mình (4). Nhưng tin rằng bạn có gì đó đặc biệt thì quá rẻ; bạn có thể làm ngay bây giờ, chẳng cần phải tốn công gì nhiều. Mà bạn đã tin vào các thứ rẻ tiền ấy. Ðó là chỗ núp của sợ hãi.
Bạn không thể nhìn vào chính mình. Ở đó bạn sẽ không thấy những gì mà bạn từng nghĩ về chính mình - Và bạn biết rất rõ. Ai có thể biết rõ về bạn hơn bạn được? Nếu nghĩ rằng bạn đẹp, bạn sẽ không thể nhìn vào gương, nếu vẻ đẹp này chỉ là một ý tưởng. Và bạn biết rõ! Thay vì nhìn vào gương, bạn sẽ đập bể nó. Khi một người xấu xí nhìn vào gương, người ấy sẽ nghĩ rằng cái gương bị lồi lõm - vì nhận thức rằng mình không là gì cả thì đau lòng lắm.
Bạn cũng là ông nọ, hoặc ông kia trong mắt của mình. Người khác có thể biết rằng bạn không là ai cả, nhưng bạn thì không. Người điên nào cũng nghĩ rằng cả thế giới điên. Người khác nói với hắn, “Ông điên rồi!” nhưng hắn sẽ không nghe, bởi vì sự thật ấy phũ phàng quá. Hắn sẽ cãi lại, và sẽ tìm ra đủ lý lẽ và nói, “Tôi không điên đâu.”
Một hôm Nasruddin đến một nông trại và hỏi một nông dân, “Ông có thấy một bà điên đi qua đây không?”
Người ấy hỏi, “Diện mạo của bà ấy ra sao?”
Nasruddin nói, “Bà ấy cao một thước tám, bự con, và nặng khoảng hai chục ký.”
Người ấy trợn tròn mắt và nói, “Nếu bà ấy cao một thước tám, bự con, làm sao chỉ nặng khoảng hai chục ký?”
Nasruddin cười và nói, “Ðừng làm bộ ngây thơ! Tôi đã không nói với ông rằng bà ấy điên sao?”
Người khác bao giờ cũng sai, bao giờ cũng điên. Ðó là cách mà bạn bảo vệ cái gọi là lành mạnh của chính mình. Bạn tự bảo vệ như thế. Và không một ai có thể tự xét chính mình, vì không những anh ta sợ nhìn vào chính mình, mà khi nhìn vào người khác, người ấy trở thành gương soi cho anh ta. Khi bạn nhìn vào người khác, người ấy có thể gợi cho bạn ít nhiều ý tưởng về chính mình. Bạn được phản chiếu trong mắt của người khác, vì vậy bạn không dám nhìn người khác. Trước hết, bạn tiểu thuyết hóa chính mình, và về người khác, rồi bạn sống trong mộng ảo. Đó là cách mà mọi người đang sống.
Rồi bạn hỏi cách để được phúc lạc. Ác mộng của bạn là chuyện tất nhiên: Nó là kết quả của những việc làm của bạn. Và bạn hỏi làm sao để được thoải mái. Sống trong mộng ảo thì không thể thoải mái, mà phải sống thực thì mới được. Dù khó khăn thế nào cũng phải chấp nhận; chỉ sự thật mới có thể làm cho bạn thư giãn; chỉ có cách sống chân thực mới có thể đưa bạn về với chân lý. Nếu bạn sống một cách giả dối, chân lý sẽ không mở ra cho bạn, và đời bạn sẽ lênh đênh mà không bao giờ về tới bến.
Tôi nghe kể rằng: Một bác sĩ đến gặp một nữ bệnh nhân bệnh rất nặng. Ông ta vào phòng. Năm sau phút ông ta trở ra hỏi người chồng, “Đưa cho tôi cái mở nút chai!”
Người chồng hơi lo lắng, tại sao phải cần cái mở nút chai. Nhưng năm phút sau đó bác sĩ trở lại, đầy mồ hôi, nói, “Đưa cho tôi cái tua vít!” Người chồng trở nên bối rối hơn nữa nhưng vẫn yên lặng - vì bác sĩ biết phải làm gì. Sau năm phút bác sĩ quay lại và nói cần đục và búa. Khi đó thì anh chồng đau khổ ấy chịu không nổi nữa mới hỏi, “Vợ tôi có sao không?”
Bác sĩ nói, “Chưa biết được, vì tôi chưa mở được cái túi của tôi!”
Và tôi nói với bạn, bạn vẫn đang đánh vật với cái túi! Và không phải là bạn không mở được, bạn chẳng muốn mở nó ra. Những cái mở nút chai, tua vít, đục và búa này mà bạn mang theo chỉ là đồ giả. Thậm chí bạn cũng chẳng muốn mở túi ra, bởi vì mở túi rồi bạn sẽ làm gì? Khi đó thì bệnh nhân - mà chính là bạn - phải được chẩn bệnh, rồi bạn phải kiểm điểm lại chính mình.
Vì vậy người nào cũng chỉ quan tâm về cái túi. Đó là cái tài của bạn, nghề của bạn, ưu tư của bạn. Bạn có thể là một nhà thơ, một họa sĩ, hoặc một nhạc sĩ, nhưng bạn chỉ quan tâm về những cái bên ngoài. Ðó là lý do không ai có thể sống một mình, thậm chí chỉ một khoảnh khắc nhỏ. Nó thật đáng sợ, bởi vì khi tâm hồn thinh lặng bạn có thể chạm trán với chính mình. Khi chỉ có một mình bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ đối diện với chính mình. Khi đó sự thực có thể bùng nổ.
Cho nên tất cả đều cố gắng bận rộn liên miên, hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Khi bận rộn, bạn trông có vẻ hạnh phúc, và khi rảnh rỗi thì bạn không vui. Các nhà tâm lý nói, nếu không có gì làm trong một thời gian dài, người ta sẽ hóa điên. Nhưng tại sao? Nếu lành mạnh, tại sao bạn sẽ phát điên nếu bạn quá nhàn rỗi trong một thời gian dài? Nếu bạn lành mạnh thì trong một thời kỳ lười biếng lâu dài, chỉ biết ăn không ngồi rồi, bạn sẽ trở nên lành mạnh, bạn sẽ tăng trưởng hơn. Nhưng tại sao bạn lại trở thành điên rồ, nếu không làm gì trong một thời kỳ dài? – bởi vì bạn đã điên rồ sẵn rồi! sự bận rộn của bạn chỉ che giấu sự thật đó.
Hãy nhìn quanh – bởi vì quan sát chính mình khó hơn (5). Hãy quan sát người khác. Tất cả đều bận rộn về tiền bạc. Họ đang làm gì vậy? Họ chú tâm vào tiền bạc để tìm quên chính mình. Họ luôn luôn nghĩ đến tiền, từ sáng, đến tối, rồi đêm khuya. Thậm chí ngủ rồi mà họ vẫn nghĩ về tiền và trương mục ngân hàng. Họ sẽ làm gì với tiền đó? Cho nên khi có tiền rồi, họ chẳng biết phải làm gì với số tiền đó? Vì vậy khi có được cái mà họ mong muốn, họ sẽ nghĩ về nhiều tiền hơn nữa, bởi vì tiền không phải là cái mà họ thật sự muốn. Không. Khi có tiền rồi, họ phải cảm thấy thỏa mãn, nhưng giàu nứt vách như Rockefeller (6), hoặc Ford (7) cũng không thỏa mãn.
Khi đã có tiền rồi, lập tức bạn muốn nhiều hơn nữa, vì động lực chính không phải tiền, mà là làm sao luôn luôn được bận rộn. Mỗi khi nhàn rỗi thì bạn không thấy thoải mái, bạn cảm thấy bồn chồn. Phải làm gì? Nếu không kiếm được gì làm, bạn sẽ giở chồng báo cũ ra mà nhai lại - cũng tờ báo đã bạc màu ấy. Nếu không có gì để làm, bạn có thể làm những việc không cần thiết chút nào cả, nhưng nó giúp bạn giết thì giờ. Cho nên tất cả các đạo sư đều dạy rằng, nếu bạn có thể ngồi yên một giờ mà không làm gì cả (8), chẳng mấy chốc bạn sẽ chứng ngộ.
Trạng thái nhàn rỗi của tâm trí là tĩnh tâm, là thiền định. Trạng thái bận rộn của tâm trí là thế giới. Chẳng cần biết bận rộn thuộc loại nào - dù là tiền bạc, hoặc chính trị, hoặc xã hội, hoặc cách mạng, cũng chẳng khác nhau: sự lành mạnh của bạn cũng như nhau. Nếu bắt Lenin (9) ngồi không, ông ta sẽ phát điên: ông ta cần xã hội và cách mạng; nếu không có gì để làm, khó mà ông ta tìm được lý do để sống, sự lành mạnh của ông ta sẽ bị mất. Vì có bạn nên ông ta mới tìm được lẽ sống. Vì quá bề bộn với công việc nên bạn mệt nhoài, và nó cho bạn một giấc ngủ ngon.
Những người có tuổi phần đông là lập dị, điên, khùng, và lý do là họ không có gì để làm. Tuổi già không phải là lý do: họ quá nhàn rỗi, và không ai cần đến họ nữa. Những người về hưu phần lớn là kỳ cục. Ít nhiều họ đều khác thường. Thể xác thì không sao cả. Mà nếu là tổng thống, hoặc thủ tướng của một nước, nhưng cho ông ấy về hưu thì sẽ biết gì sẽ xảy ra ngay. Ông ta thay đổi lập tức. Cả thân lẫn tâm của ông ta trở nên suy thoái; ông ta tỏ ra lập dị, điên điên, khùng khùng, vì không có gì để làm, và không ai để ý đến ông ta nữa, không ai quan tâm đến ông ta nữa. Ông ta không tìm được gì để làm, không có chỗ để tập trung tâm trí. Sự rối loạn gặm nhấm bên trong – ông ta bị rối loạn.
Các nhà tâm lý nói rằng những người về hưu thường chết sớm mười năm, nếu không cái gì để làm. Cái gì đã xảy ra? Tại sao bạn không thoải mái với chính mình được? Và bạn luôn luôn nghĩ là người khác phải cảm thấy vui sướng với bạn. Vợ bạn phải hạnh phúc với bạn, chồng của bạn phải hạnh phúc với bạn. Mà bạn không bao giờ cảm thấy hạnh phúc với chính mình. Sao người khác có thể cảm thấy hạnh phúc với bạn được? Bạn cũng chẳng thấy có gì lý thú nơi chính mình. Vậy thì sao người khác có thể chịu đựng bạn được? Họ chịu đựng bạn vì lý do khác - không phải vì bạn là người dễ thương. Không! Họ chịu đựng bạn vì bạn giúp họ bận rộn. Chồng thì cả ngày điên đầu vì vợ, còn vợ thì bận rộn vì chồng cũng hết ngày. Ðây là một sự đổi chác hỗ tương: họ đồng ý lừa dối lẫn nhau, và giúp đỡ lẫn nhau bận rộn.
Bạn không thể nhìn vào chính mình, không thể nhận ra mình là ai, bởi vì điều ấy rất diệu vợi. Bạn không thể quay lại và nhìn thấy mặt thật của chính mình, và lý do là một hình ảnh giả dối, một quan niệm sai lầm, một ý tưởng dối trá rằng bạn là một nhân vật quan trọng, chính yếu – cả thế giới sẽ quay cuồng nếu thiếu bạn. Chuyện gì sẽ xảy ra cho thế giới khi bạn vắng mặt? Khi bạn chưa xuất hiện thì sao? Thế giới sẽ hoà bình hơn, thế thôi. Khi bạn không còn nữa, thế giới sẽ ít rắc rối hơn, thế thôi - vì một người bồn chồn đang gây ra xáo trộn sẽ biến mất. Nhưng vì phải hỗ trợ cái tôi mà biết bao là mộng mị phải thêu dệt.
Napoleon trở thành một tù nhân về cuối đời. Ông ta bị giam trên đảo Helena. Thân đã bại, danh đã liệt rồi nên rất khó mà dệt mộng. Ông ta là một hoàng đế, một trong những tên xâm lược khét tiếng nhất: “Phải làm gì bây giờ? Làm sao ta có thể chấp nhận thân phận tù đày như thế này được?” Nhưng ông ta không chấp nhận sự thật; ông ta vẫn sống trong mộng ảo cũ. Trong sáu năm ông ta không thay quần áo, bởi vì nhà tù không cho ông ta trang phục của một hoàng đế. Quần áo của ông ta đã rách nát, phai màu và hôi hám, nhưng ông ta không chịu thay. Cai tù hỏi, “Tại sao ông không thay chiếc áo này?
Nó đã quá bẩn rồi! Chúng tôi có thể cho ông quần áo mới hơn, sạch hơn.”
Napoleon nói, “Ðây là y phục của hoàng đế. Nó có thể dơ bẩn, nhưng tôi không thể đổi lấy áo bình thường!” Ông ta đi đứng như thể vẫn còn là một hoàng đế. Mặc dù chẳng ai để ý đến nữa, nhưng ông ta vẫn nói, vẫn ra lệnh như ngày nào. Ông ta vẫn viết thư, vẫn ký sắc lệnh, và giấy viết thư lúc nào cũng có sẵn bên mình. Trong tâm trí ông ta vẫn còn là một hoàng đế.
Cái gì đã xảy ra cho người này? Vì nhàn cư nên tâm bất thiện! Bác sĩ của ông ta ghi lại trong sổ tay, “Tôi thấy ông ta không có bệnh gì cả; bệnh của ông ấy là bệnh nhàn rỗi. Ðôi khi ông ta than đau dạ dày, đôi khi nhức đầu, đôi khi đau chân. Mà khám thì không sao cả; cơ thể hoàn toàn bình thường. Nhưng ông ta không có gì để bận rộn; cơ thể bây giờ chỉ là cái cớ. Trước đây còn viện cớ chinh phục thế giới; nay thì chẳng còn gì nữa.
Bây giờ lấy bệnh tật làm lý do, vì vậy ông ta cứ kêu đau hoài.
Nhiều người lấy bệnh tật làm lý do. Trên thế giới, năm mươi phần trăm cáo bệnh là một nghề nghiệp. Vì bận rộn nên bạn không phải giáp mặt với chính mình. Không thì Napoleon vẫn mạnh khoẻ như thường. Nếu chấp nhận sự thật, ông ta đã thấy rằng ông ta chỉ là một người ăn xin – nhưng sự thật phũ phàng quá. Khi chết ông ta cũng phải là một hoàng đế mới xong. Trước khi chết ông ta sắp đặt từng chi tiết là đám tang phải tiến hành như thế nào. Chẳng có ai thi hành những chi tiết đó, bởi vì ai còn quan tâm đến ông ta nữa? Nhưng ông ta vẫn đưa ra chỉ thị, và ông ta phải chết thanh thản vì nghĩ rằng ông ta sẽ có đủ mọi nghi lễ của một hoàng đế.
Với Napoleon thì chấp nhận được, vì ông ta đã là một hoàng đế. Ðó cũng là một điều tưởng tượng - được xã hội hỗ trợ. Napoleon vẫn là Napoleon, nhưng sự hỗ trợ đã mất. Điều này khó mà hiểu được: có những điều tưởng tượng được xã hội hỗ trợ, và có những điều không được ai hỗ trợ. Ðó là sự khác biệt giữa lành mạnh và không lành mạnh. Một người lành mạnh vì được xã hội hỗ trợ; ông ta thao túng xã hội để điều tưởng tượng ông ấy được hỗ trợ. Và nếu nó không được ai hỗ trợ, ông ta bị coi là không lành mạnh; ông ta chỉ có một mình nên bạn phải tống ông ta vào nhà thương điên.
Nhưng sự hỗ trợ của bạn không thể biến cái gì đó thành hiện thực. Nếu nó là một điều tưởng tượng thì nó là tưởng tượng. Nếu nhìn vào chính mình, lập tức bạn sẽ thấy bạn không là ai cả, không có gì quan trọng. Nhưng khi sự hỗ trợ bị xụp đổ, bạn sẽ rơi xuống vực thẳm. Cho nên tốt hơn là đừng nhìn – cứ tiếp tục giấc mơ của bạn.
Không những không thể nhìn vào chính mình, bạn cũng không thể nhìn vào người khác, vì người khác cũng y hệt như bạn. Cho nên bạn cũng dệt mộng quanh người khác: qua lòng căm thù bạn tưởng tượng rằng người khác là một con quỷ; qua tình yêu bạn nghĩ người kia là một thiên thần, hoặc thần thánh. Bạn cũng tạo ra những huyền thoại quanh người khác; bạn không thể nhìn trực tiếp, bạn không thể nhìn thấu họ được, vì nhận thức của bạn không chính xác. Bạn sống trong mộng ảo, trong một ảo tưởng tạo ra bởi chính mình. Như vậy những gì bạn thấy đều được phóng đại: nếu bạn ghét một người, anh ta trở thành quỷ dữ ngay lập tức; nếu bạn yêu người nào, anh ta trở thành một thiên thần.
Bạn thổi phồng: nếu thấy gì xấu, bạn phóng đại và biến nó thành xấu tận cùng; nếu thấy gì tốt, nó trở thành tốt vô cùng, như thể thần thánh. Nhưng khó mà chống đỡ những điều tưởng tượng này, vì vậy bạn phải thay đổi dài dài. Tại sao bạn phải phóng đại những gì bạn nhận thức được? Vì sao bạn không thể nhìn một cách thấu suốt được? - vì sợ hãi nên bạn không muốn nhìn rõ. Bạn muốn có mây mù che phủ để mọi thứ mờ tỏ như sương mù; bạn muốn không biết chính mình. Mà những người đã đạt đạo đều nhấn mạnh: “Hãy biết chính mình!” Phật, Chúa, Socrates luôn luôn nói, “Hãy biết chính mình!” Mọi tôn giáo đều nhấn mạnh chỉ có một đều là hãy biết chính mình (10).
Mà bạn từ chối không muốn biết chính mình. Ðôi khi bạn ra vẻ cũng muốn biết chính mình. Tôi đã gặp nhiều người đang chơi trò đó, và họ không muốn biết chính họ. Ðây là một trò chơi: họ muốn tạo ra một điều tưởng tượng mới về tôn giáo, và họ tìm tôi để được hỗ trợ. Họ nói, “Tôi đã chứng nghiệm điều này, tôi đã kinh nghiệm điều kia,” và họ nhìn tôi với đôi mắt van xin.
Nếu tôi nói, “Vâng, bạn đã kinh nghiệm điều này,” họ được hỗ trợ và ra đi trong hạnh phúc. Mà nếu tôi nói, “Không,” họ sẽ thất vọng và không bao giờ trở lại với tôi nữa. Họ sẽ biến mất, vì họ phải tìm người khác, một thẩm quyền nào khác. Nhưng sao bạn phải tìm kiếm một thẩm quyền nào đó? Tại sao bạn cần một nhân chứng? Nếu bạn đã chứng nghiệm cái gì đó thì bạn đã chứng nghiệm nó rồi – chẳng cần một uy quyền nào cả, vì kinh nghiệm tự nó là một bằng chứng hiển nhiên.
Nếu đã nhận ra bạn là ai, bạn chẳng cần phải ai ấn chứng, chứng nhận cả. Dù cả thế giới nói bạn chưa giác ngộ cũng chẳng khác gì; chẳng cần phải bỏ phiếu, bạn biết nó đã xảy ra. Nếu một người mù được sáng mắt, anh ta không cần bất cứ ai để chứng thực rằng anh ta có thể nhìn thấy - anh ta có thể nhìn, thế là đủ rồi. Nhưng nếu người mù mơ rằng anh ta có thể nhìn thấy, anh ta sẽ cần uy quyền nào đó để bảo đảm sự kiện ấy là thật, rằng anh ta có thể nhìn thấy.
Người ta tự lừa dối mình, thậm chí những trò chơi tôn giáo cũng có. Và trừ phi bạn dừng cuộc chơi và nhận thức được rằng mọi hư cấu phải được loại bỏ, và sự thật khắc nghiệt phải được chấp nhận, không thì chẳng có gì xảy ra được - vì đây là cửa vào. Và nếu không ai hỗ trợ bạn, hãy hỗ trợ chính mình. Mà bạn cũng chẳng phải cho người khác biết chuyện của mình, bởi vì họ không thể hiểu bạn.
Một người đến gặp tôi cách đây vài tháng và nói, “Ông có thể hiểu được, người khác không hiểu tôi, bởi vì tôi đã nhận được thông điệp của Thượng Đế mỗi đêm”. Và ông ta mang theo một chồng hồ sơ – toàn là nhảm nhí! Nhưng ông ta nghĩ đó là những thông điệp của Thượng Đế. Và ông ta nghĩ rằng đây là Kinh Koran mới nhất, rằng kể từ Mohammed tới nay, chưa một ai nhận được những thông điệp như vậy - nay Kinh Koran đã lỗi thời. Nếu người Hồi nghe được, họ sẽ giết ông ấy, bởi vì họ tin tưởng vào một tưởng tượng khác mà ông ta lại muốn phá hủy nó (11). Và người đã nhận được thông điệp của Thượng Đế ấy rất bồn chồn và run sợ, chờ để nghe tôi nói gì - vì những người mà ông ta gặp đều cười và nghĩ, “Bạn đã điên rồi!” Nhưng ông ta nói với tôi, “Tôi biết ông là người đã giác ngộ” - ông ta đang mua chuộc tôi! - và liên tục cầu xin, “Chỉ cần nói, ‘Đúng, điều này rất đúng.’” Nhưng tôi nói, “Nếu Thượng Đế trao cho bạn thông điệp, bạn chẳng cần tôi. Thượng Đế đủ rồi.”
Ông ta tỏ vẻ nghi ngờ, lúng túng, và nói, “Nhưng ai biết được? Có thể tâm trí của tôi đang dở trò với tôi”. Điều ấy ông ta biết rất rõ. Mỗi khi bạn dở trò, tự thâm tâm bạn biết rất rõ, và bạn chẳng cần ai để nói với bạn, nhưng bạn vẫn muốn đánh lận con đen.
Tôi bảo ông ấy, “Đúng là điên!” Ông ta không bao giờ trở lại nữa. Thế là tôi không phải là người giác ngộ nữa! Ông ta muốn trao đổi: nếu tôi nói, “Vâng, bạn đang nhận được thông điệp,” anh ta sẽ nói, “Người này đã giác ngộ!”
Nếu tôi chấp nhận sự tưởng tượng của bạn thì bạn có thể giúp tưởng tượng của tôi; đây là trò chơi mà chúng ta đang chơi chung. Và bạn rất thích trò chơi này đến nỗi bạn không muốn ngưng. Nhưng một sự bất mãn theo sau như hình với bóng. Nhất định sẽ phải như vậy, bởi vì tất cả chỉ là tưởng tượng.
Một tên ăn mày biết rõ anh ta là một tên ăn mày, nhưng nghĩ rằng anh ta là một hoàng đế. Anh ta nghĩ anh ta là một hoàng đế, giả vờ là một hoàng đế, và biết rõ rằng anh ta là một tên ăn mày. Vấn đề là ở chỗ đó. Anh ta rất thỏa mãn về ngôi hoàng đế, nhưng một sự bất mãn theo sau như hình với bóng: “Tôi chỉ là một tên ăn mày.” Ðây là vấn đề của bạn: bạn nghĩ rằng bạn là nhân vật nào đó, và bạn biết rằng điều ấy không đúng.
Bạn không bao giờ yêu, nhưng bạn giả vờ; không hề trung thực, nhưng bạn làm bộ; bạn không bao giờ thành thật, bạn giả vờ - đời của bạn là một chuỗi dài của những giả vờ. Và bây giờ, vì bạn đã lãng phí cả đời trong đó, nên khi nhận ra rằng tất cả chỉ là tưởng tượng, bạn không thể chấp nhận được. Bạn sẽ nghĩ, “Tôi sẽ cố mang nó tới cùng.” Nhưng nếu bạn không đình chỉ thì dù có mang nó tới cùng, bạn sẽ không được lợi lộc gì. Nó chỉ là một sự lãng phí, và cuối cùng sự thất vọng sẽ nổ ra.
Ðó là vì sao chết lại là một cực hình. Chết không có gì là nguy hiểm cả; nó là một trong những hiện tượng đẹp nhất trên thế giới – như thể bạn đi ngủ vậy! Và mọi thứ cần phải nghỉ ngơi: một hạt giống mọc lên rồi thành cây; rồi hạt của cây ấy xuất hiện và rơi xuống, rồi nghỉ ngơi, rồi lại hồi sinh. Sau mỗi hoạt động cần phải nghỉ ngơi. Cuộc sống là hoạt động, mà chết là nghỉ ngơi. Cái chết cho phép cuộc sống mới trỗi dậy. Không có gì đáng sợ trong sự chết, không gì nguy hiểm cả (12).
Nhưng tại sao mọi người quá sợ chết? – bởi vì thần chết sẽ mang theo tất cả những tưởng tượng của bạn; lúc lâm chung bạn sẽ thấy rằng đời bạn chỉ là một sự lãng phí. Vì sao có người nói rằng lúc chết người ta sẽ thấy cả đời mình? Nó xảy ra và có thật: lúc chết người ta phải nhìn lại cả đời mình (13), vì ở thời điểm đó không có tương lai nữa nên người ấy không thể thêu dệt được nữa.
Tưởng tượng cần phải có tương lai, bởi vì chúng nương vào hy vọng mà tồn tại, chúng sửa soạn cho ngày mai. Cái chết ngăn lối của ngày mai; những ngày mai đã kết thúc, không còn tương lai nữa. Bạn dựa vào đâu mà mơ? Bạn phóng chiếu tưởng tượng về đâu? Hết chỗ rồi! Thình lình bạn bị kẹt. Và cả đời bạn đã từng tạo ra những tưởng tượng cho tương lai. Bây giờ bạn bị kẹt, chẳng còn tương lai nữa. Bạn sẽ hướng về đâu? Bạn phải quay về quá khứ, và tại giờ chết xã hội đã biến mất; bạn phải nhìn vào chính mình, không còn gì nữa cả. Rồi bạn sẽ nhận ra nỗi đau, nỗi thống khổ của một đời lãng phí. Nếu điều ấy xảy ra cho bạn trước khi chết, bạn trở thành là một thánh nhân. Thánh nhân là người nhận ra trước khi chết, những điều mà người thường hiểu rõ vào lúc chết. Thánh nhân là người đã nhìn rõ khi vẫn còn sống - nhìn vào quá khứ, nhìn thấu suốt toàn bộ trò chơi, nhận ra những hư cấu của đời mình - nhìn vào chính mình.
Nếu bạn nhìn vào chính mình, một sự thay đổi nhất định sẽ xảy ra, bởi vì một khi hư cấu được nhận ra là hư cấu, nó mất hết hiệu lực. Nếu muốn tồn tại, nó phải là một sự kiện. Nếu cần phải chống đỡ, nó phải được tưởng tượng là thật. Lúc mà bạn nhận thấy rằng điều này không đúng, sự thật sẽ tự phơi bày, nó rơi lả tả - nó đã tụt khỏi tầm tay của bạn, bạn không thể giữ được nữa. Muốn tiếp tục mơ, bạn phải tin rằng đây không phải là giấc mơ, mà là thực. Một khi bạn ý thức rằng đây là một giấc mơ, nó đã biến mất rồi.
Nhưng bạn cố không muốn biết; bạn tránh nó - đó là vì sao bạn không bao giờ thư giãn khi bạn một mình. Thậm chí nếu tới Hi Mã, bạn cũng cầm theo radio, và radio mang theo cả thế giới; dù đi tới tuyết sơn, vợ của bạn, bạn của bạn, con của bạn cũng theo với bạn.
Bạn lấy ngày nghỉ, nhưng bạn không bao giờ đi - bạn mang theo cả lũ tới bãi biển, tới đồi núi, và ở đó bạn được vây bọc bởi đủ những loại nhảm nhí. Chuyện đã xảy ra. Một thủy thủ bị đắm tàu và bị dạt vào một đảo vắng. Ðã năm năm anh ta phải sống ở đó vì không có tàu qua lại. Anh ta dựng một lều nhỏ để tránh nắng mưa, nhưng anh ta liên tục nghĩ về xã hội.
Mọi thứ quá yên bình, như chưa bao giờ có. Anh ta không hề biết, không thể tưởng tượng rằng sự an bình như thế có thể có. Đảo hoàn toàn hoang vắng, không một bóng người - đó là vấn đề duy nhất, không thì mọi thứ đều tốt đẹp. Suối đẹp, cây đầy trái; anh ta có thể ăn, có thể nghỉ ngơi; không có ai để lo lắng, không ai làm phiền. Và anh ta thường nghĩ rằng ngày nào đó anh ta sẽ tới một nơi yên bình - thì thình lình anh ta ở đó! Nhưng anh ta chịu không thấu. Sự khủng khiếp của yên lặng, nếu không bền gan chịu đựng, nó có thể giết bạn.
Anh ta không chịu đựng được, nhưng vì là một kiến trúc sư nên anh ta bắt đầu chế những vật dụng nhỏ chỉ để giết thời giờ. Anh ta đắp một con đường nhỏ và đặt tên cho nó; anh ta xây một lúc đến hai nhà thờ - một cái gần lều, một cái cuối phố; anh ta lập những phố thương mại để mua sắm. Anh ta thiết kế cả thành phố.
Sau năm năm anh ta rất mừng khi thấy một con tàu hạ neo trong vịnh. Một thuyền trưởng cập bến với chiếc thuyền nhỏ. Từ túp lều anh ta phóng như bay ra bến, rất kích động vì nghĩ rằng anh ta sắp trở về với văn minh rồi. Nhưng anh ta sửng sốt khi thấy người kia bước khỏi thuyền với chồng báo lớn. Anh ta hỏi, “Những tờ báo này để làm gì, sao bạn mang đến đây?”
Thuyền trưởng nói, “Trước hết hãy đọc qua đã, hãy xem những gì đang xảy ra trên thế giới, rồi sau đó cho chúng tôi biết liệu bạn còn muốn được cứu nữa hay không!”
Anh ta liệng chồng báo đó xuống biển và nói, “Vô lý! Nhưng trước khi lên thuyền, tôi muốn bạn thấy thành phố của tôi.”
Thuyền trưởng đi xem thành phố, nhưng ông ta lúng túng khi thấy nhà thờ thứ hai. Ông ta nói, “Tôi có thể hiểu bạn đã xây nhà thờ để cầu nguyện, nhưng cái này để làm gì?”
Anh ta nói, “Ðây là nhà thờ tôi đi, và nhà thờ kia thì không.”
Bạn cần hai tôn giáo, ít nhất hai tôn giáo, bởi vì tâm trí có lưỡng tính: “Ðây là đạo của tôi, và đạo kia thì tôi chống. Ðó là tà giáo mà những người lầm lạc tin theo, của những người mà tôi không đồng ý.” Chỉ có một mình, nhưng anh ta đã tạo ra cả một thế giới.
Anh ta muốn trở về với văn minh mà không muốn đọc báo. Và anh ta đã quyết định đúng, vì nếu đọc những tờ báo đó, bạn sẽ không muốn được cứu nữa. Hãy mở báo mà xem! Những gì đang xảy ra trên thế giới? Có đáng sống trong đó không? Nhưng bạn đọc mà không nhìn. Đọc khác với nhìn. Bạn đọc trong lúc ngái ngủ. Bạn không nhận ra những gì đang xảy ra trên thế giới, những gì mà người làm cho người, những gì mà người liên tục gây rối cho người: bạo lực, điên khùng, phá huỷ những gì có ý nghĩa, những gì thuộc về chân, thiện, mỹ. Bạn muốn sống trong đó không? Nếu nhìn thì khó mà bạn quyết định liệu có nên sống trong đó hay không. Cho nên tốt hơn là không nên nhìn, chỉ cần sống như thể bị thôi miên.
Mánh lới để không nhìn chính mình đã được Chúa nói trong lời kinh này, và kỹ thuật đó là: bới lông tìm vết của người khác để thấy rằng bạn là người tốt. Có hai cách để trở nên tốt: tốt thực sự - cách này khó hơn. Cách thứ hai là chứng minh rằng người khác sai. Bạn không cần phải tốt, chỉ cần chứng minh người khác sai là đủ. Nó cho bạn cảm giác rằng bạn là người tốt.
Vì vậy chúng ta cố chứng minh người này trộm cướp, người khác giết người, người kia độc ác. Và khi đã chứng minh rằng mọi người đều sai, thình lình bạn có cảm giác rằng bạn là người tốt. Ðây là một hiện tượng tương đối: không cần phải thay đổi chính mình, chỉ cần chứng minh người khác sai. Và điều này rất dễ - không có gì dễ hơn nữa. Bạn có thể phóng đại cái xấu của kẻ khác; dù có ít mà xít ra nhiều thì cũng không có ai phản đối. Và trước sự xấu xa được phóng đại đó, bạn trở thành người tốt. Do đó, mỗi khi có người mách lẻo về người khác, bạn không hề cãi lại; bạn mặc nhiên chấp nhận. Không những thế, bạn nói , “Tôi biết chuyện đó lâu rồi!” Nhưng nếu người nào đó được khen thì bạn
cãi lại, bạn đòi chứng cớ.
Bạn có biết là hàng triệu người nói, ‘Chúng tôi sẽ tin Thượng Đế, nếu có đủ bằng chứng’ không? Nhưng không có đến một cuốn sách đòi hỏi chứng cớ của ma quỷ! Không một ai yêu cầu chứng minh ma quỷ cả. Không ai nói, ‘Tôi sẽ tin ma quỷ, nếu có đủ bằng chứng.’ Không, bạn biết có ma quỷ ở xung quanh. Chỉ có Thượng Đế là vắng mặt; Ngài không hiện hữu.
Tại sao thiện cần chứng cớ, mà ác thì không? Nếu quan sát xu hướng đó, bạn sẽ thấy một điều rất thú vị, một trong những bí mật của tâm trí con người. Trong thâm tâm ai cũng muốn là người tốt. Nhưng khó khăn quá. Vậy phải làm gì? Chứng minh rằng người khác xấu: “Bạn tệ hơn tôi, vậy thì tôi cũng khá hơn một tí!”
Chúa Giê-Su nói, “Hạt bụi trong mắt người khác thì ngươi thấy, nhưng cái xà trong mắt của ngươi thì ngươi không thấy.”
“Khi lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi, thì ngươi sẽ thấy rõ để mà lấy hạt bụi ra khỏi mắt người khác.”
Bạn chỉ thấy sự tối tăm của người khác. Nó sẽ cho bạn một ảo tưởng là bạn sáng sủa, nhưng nó không thể soi đường cho bạn được. Và nếu bạn cố gắng khai sáng người khác, vì nghĩ rằng anh ta bị lạc lối, thì còn bi đát hơn nữa. Đúng là muốn nói ngoa làm cha mà nói! Một mặt bạn bày ra sự tối tăm (14); mặt khác mắt bạn cũng không sáng nên không thể khai sáng người khác được (15).
Cho nên những người cố thay đời đổi thế là những người ưa sách động; những người muốn thay đổi người khác là người nguy hiểm (16). Họ là những kẻ giết người không gươm giáo, nhưng hành động của họ quá tinh tế nên bạn không nhận ra. Họ không giết bạn trực tiếp, nhưng làm cho bạn tàn phế, làm cho bạn bị phân liệt - và ‘vì lợi ích của chính bạn’, vì vậy bạn không nhận ra mánh khoé của họ. Cái gọi là những thánh nhân của bạn cố xua đuổi bóng tối mà bạn có thể có, có thể không, nhưng họ quả quyết là có. Họ nhìn thấy địa ngục của bạn, vì nhờ đó họ có thể nhận ra và cảm thấy sự thánh thiện của họ (17).
Mulla Nasruddin chết. Anh ta gõ cửa thiên đàng. Thánh Phê-Rô mở cửa, nhìn Nasruddin và nói, “Nhưng tôi không biết có ông tới, vì danh sách hôm nay không có ai cả; hôm nay không có người đến. Vậy thì ...? Ông làm tôi ngạc nhiên. Ông đến đây bằng cách nào?
Tên của ông là gì? Xin đánh vần để cho tôi kiểm lại.”
Nasruddin đánh vần tên của anh ta rất to: “M-U-L-L-A N-A-S-R-U-D-D-I-N.”
Thánh Phê-Rô vào phòng và xem lại danh sách, nhưng không thấy một tên nào cả. Ngài trở lại và nói, “Này ông! Hôm nay không phải là ngày chết của ông. Ông có thể sống thêm mười năm nữa. Vậy hãy cho tôi biết, bác sĩ của ông là ai?”
Bác sĩ có thể giết bạn trước kỳ hạn; những người làm việc thiện có thể giết bạn trước kỳ hạn, và họ luôn luôn nguy hiểm. Nhưng tất cả các bạn đều là những người làm việc thiện trong một khía cạnh nào đó, dù nhỏ hay lớn. Mỗi người đều muốn thay đổi người khác, bởi vì họ đều nghĩ kẻ khác sai; Người nào cũng muốn thay đổi thế giới. Và đây là sự khác nhau giữa một đầu óc chính trị và người thánh thiện.
Đầu óc chính trị luôn luôn muốn thay đổi thế giới, bởi vì anh ta không thể nghĩ rằng mình sai – cả thế giới sai. Nếu anh ta sai, là vì cả thế giới sai, và mọi tình huống đều sai cả. Nó phải sai thì anh ta mới là một vị thánh được. Một người thánh thiện nhìn sự việc qua một góc cạnh khác hẳn. Ông ta nghĩ, “Vì tôi sai nên mọi sự sai hết, bởi vì tôi đã góp phần tạo nên chúng (18). Vì tôi mà cả thế giới điêu linh. Người cần phải thay đổi là chính tôi.”
Chính khách nhắm vào thế giới, nhưng anh ta không bao giờ thành công vì thế giới quá rộng lớn - và thế giới không có vấn đề gì. Anh ta gây rối nhiều hơn, vì qua chương trình của anh ta mà lợn lành hóa lợn què; nhiều oan trái đã xảy ra qua nỗ lực của anh ta. Người thánh thiện thay đổi chính mình. Người ấy thay đổi chính mình vì đó là điều duy nhất có thể làm được.
Bạn chỉ có thể thay đổi chính mình, và một khi bạn thay đổi thì tất cả thay đổi (19), bởi vì bạn là một phần quan trọng trong đó. Và khi bạn chứng ngộ - thay đổi, thay đổi hoàn toàn – phần của bạn còn quan trọng hơn nữa; bây giờ một năng lượng tối cao xuyên qua bạn. Đức Phật ngồi dưới gốc bồ đề mà thế giới được thay đổi; nó không còn như trước khi Ngài có mặt.
Chúa bị đóng đinh trên thánh giá, nhưng đã trở nên tiêu điểm của lịch sử. Chúng ta nói ‘Trước Chúa Giê-Su’, và ‘Sau Chúa Giê-Su’. Bởi vì trước Chúa đã có một nhân loại; sau Chúa một nhân loại khác đã hình thành. Hiện tượng ấy rất thiết yếu, đến nỗi mỗi khi có người như Chúa, mỗi khi một tâm thức như của Chúa xuất hiện, mọi tâm thức khác đều bị ảnh hưởng tức thì. Chúng cũng vươn lên, cũng có một thoáng nhìn - và chúng không thể không thay đổi; mức độ xưa kia không còn nữa.
Người thánh thiện thay đổi chính mình, nhưng nó chỉ có thể xảy ra chỉ khi bạn nhìn; sự chuyển hoá chỉ có thể xảy ra khi bạn loại bỏ mọi tưởng tượng. Nếu bạn chẳng quan tâm đến bạn là ai, nếu nhận sự trống không của bạn, nếu nhận ra cuộc sống giả tạo của bạn, thì ngay lập tức nó hết hiệu lực.
Kiến thức là cách mạng - không phải kiến thức bạn vay mượn qua sách vở, nhưng kiến thức mà bạn có được khi gặp chính mình. Tự thức có sức mạnh biến đổi, ngoài ra không có gì khác cả. Điều này phải được hiểu. Người ta nghĩ, “Trước hết chúng ta phải hiểu, và sau đó sẽ thay đổi”. Không! Một khi bạn hiểu, thay đổi tự xảy ra. Kiến thức tự nó biến đổi; không phải trước hết bạn biết, và sau đó bạn làm gì đó để thay đổi. Kiến thức không phải là phương pháp, không phải là phương tiện; tự nó chính là cứu cánh.
Nhưng khi dùng từ ‘kiến thức’ tôi muốn nói tự thức. Những kiến thức khác chỉ là phương tiện: trước hết bạn phải biết cách thức, và sau đó bạn phải làm gì đó. Nhưng với tự thức thì phẩm chất khác hẳn: bạn biết, và chính sự hiểu biết thay đổi bạn. Hãy vất bỏ mọi tưởng tượng. Hãy can đảm để biết chính mình. Đừng sợ và đừng cố chạy trốn chính mình!
Cho nên Chúa nói: “Khi lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi, ngươi sẽ thấy rõ...” Chỉ khi mọi tưởng tượng bị bỏ lại. Chúng là những cái xà trong mắt của bạn, chúng đã thành sương, thành khói, thành mây che mắt của bạn. Bạn không thể thấy rõ; bạn không thấy gì rõ rang cả; tất cả mờ đục. Khi cái xà được lấy khỏi mắt, bạn sẽ thấy rõ. Thấy rõ phải là mục đích – cái nhìn thấu suốt cho phép bạn nhìn thẳng và xuyên thấu tất cả mà không phải phóng chiếu gì cả. Nhưng điều này rất khó, bởi vì ngựa đã quen đường cũ, bạn đã quá máy móc rồi.
Nhìn một bông hoa thì lập tức bạn lẩm bẩm: “Hoa đẹp quá, chưa thấy bao giờ.” Một ý thơ vay mượn nào đó lóe lên. Bông hoa bị quên; sự trong sáng không có. Ngôn ngữ ô nhiễm tất cả - bạn không thể nhìn hoa mà không gọi tên nó được sao? Phải có tên mới được sao? Đặt tên cho nó có giúp được gì không? Nếu bạn có kiến thức thực vật học thì hoa sẽ đẹp hơn không? Một nhà thơ và một nhà thực vật học khác nhau ở chỗ đó (20); nhà thơ biết hoa (21), còn nhà thực vật học biết về hoa (22). Nhà thực vật học thì mù tịt - ông ta biết nhiều nhưng thường là vụn vặt - nhà thơ biết rõ (23).
Phạn ngữ có một từ duy nhất dành cho cả nhà tiên tri (rishi) lẫn nhà thơ (kavi). Không cần hai từ, bởi vì họ nói mỗi khi có một nhà thơ thực sự, ông ta cũng là một tiên tri; và một tiên tri thì dĩ nhiên là một nhà thơ. Cái nhìn thấu suốt biến đời sống thành thi ca. Nhưng bạn phải xem hoa mà đừng gọi tên nó - hoa hồng hay hoa gì vậy?
Sao phải dùng lời? Vì sao bạn nói, “Đẹp quá”? Nhìn thấy vẻ đẹp thì bạn phải nói mới được sao? Có cần phải lặp lại rằng nó đẹp không? Bạn muốn nói gì khi lặp lại vậy? Bạn muốn nói rằng hoa không đẹp nên phải gợi ý rằng nó đẹp; nghĩa là vẻ đẹp do bạn mà có.
Bạn không nhìn thấy hoa; nó chỉ là cái phông để bạn phóng vẻ đẹp vào. Hãy nhìn hoa và đừng nói gì. Khó mà làm thế được. Tâm trí sẽ cảm thấy bồn chồn, bởi vì nó đã thành thói quen. Nó líu lo không ngừng. Hãy dùng hoa mà tĩnh tâm, mà thiền quán. Nhìn cây và không đặt tên nó, đừng nói gì cả. Chẳng cần phải nói gì; cây đứng trơ ở đó - sao phải nói chứ?
Tôi nghe kể về Lão Tử. Ngài là một thánh nhân của Trung hoa. Ngài thường đi dạo mỗi sáng. Một người hàng xóm thường đi theo Ngài, nhưng người ấy biết Ngài thích yên lặng, vì vậy nhiều năm người ấy đi theo mỗi sáng nhưng không hề nói gì cả. Một hôm người ấy có khách đến thăm, và khách cũng muốn đi theo. Người hàng xóm nói, “Ðừng nói gì cả, vì Lão Tử không muốn bị quấy rầy. Ðừng nói gì nhé!”
Họ cùng đi dạo; trời quá đẹp, quá yên lặng, tiếng chim hót, và theo thói quen khách nói, “Ðẹp làm sao!” Chỉ thế thôi. Trong một giờ mà chỉ nói thế thì không quá đáng: “Ðẹp làm sao!” Nhưng Lão Tử nhìn anh ta, như thể đã phạm tội tày trời.
Họ trở về nhà. Tại ngưỡng cửa Lão Tữ nói với người hàng xóm, “Ðừng theo tôi nữa! Và đừng mang theo người khác - người này có vẻ nhiều lời quá.” Và anh ta chỉ nói, “Ðẹp làm sao!” – nhiều lời quá. Lão Tử nói, “Sáng nay trời đẹp quá, yên lặng quá. Người này làm hư hết cả.”
“Ðẹp làm sao!” Khác nào hòn đá khuấy động mặt hồ yên lặng. “Ðẹp làm sao!” Như thể hòn đá gọi phong ba lên mặt hồ phẳng lặng.
Hãy dùng cây mà tĩnh tâm. Hãy thiền quán với trăng sao, với sông, với biển, giữa chốn đông người. Ðừng nói gì cả, đừng phán đoán, đừng dùng lời - chỉ cần nhìn. Nếu có thể làm giác quan của bạn sắc bén, bạn sẽ có được cái nhìn thấu suốt, và mọi thứ trở nên rõ như ban ngày. Và một khi đạt được sự thấu suốt này, bạn sẽ nhìn thấy chính mình. Tâm trí sáng sủa sẽ tự biết mình, không phải tâm trí nặng trĩu với kiến thức, hay một tâm trí đầy những phán đoán xấu và tốt; hay một tâm trí với nhiều thiên kiến, nhưng với một tâm trí biết thinh lặng là gì. Tự biết mình xảy ra cho một tâm trí rộng mở. Nó luôn luôn ở đó, bạn chỉ cần một sự thấu suốt để nhận ra nó, và để nó phản chiếu vào bạn; tâm trí của bạn phải như chiếc gương để sự phản chiếu ấy có thể xảy ra (25). Một khi nó xảy ra rồi, bạn có thể giúp đỡ người thân của mình, không thì mù dẫn mù.
Cho nên đừng làm thầy ai cả. Những lời khuyên của bạn rất nguy hiểm, bởi vì bạn không biết việc bạn đang làm. Ðừng cố gắng thay đổi một ai, ngay cả con, ngay cả anh em của bạn. Chẳng ai cần bạn chỉ bảo, bởi vì bạn rất nguy hiểm. Bạn có thể tàn phế, có thể giết, có thể làm hại, nhưng bạn không thể giúp chuyển hoá. Trừ phi đã được chuyển hoá thì đừng xen vào cuộc sống của người khác. Khi mắt sáng thì bạn có thể giúp. Mà thật ra bạn cũng chẳng phải cố gắng gì cả. Sự giúp đỡ của bạn chẳng khác gì ánh sáng từ một ngọn đèn, hoặc hương thơm của một bông hoa, hoặc ánh trăng tỏa sáng về đêm - mặt trăng chẳng phải làm gì cả, nó xảy ra rất tự nhiên (26).
Có người hỏi thiền sư Mã Tổ, “Hãy nói về bài giảng của thầy. Thầy nói huyên thuyên, mà thầy lại chê những người nói pháp. Thầy nói liên tục, và trong những lần thuyết pháp đó thầy chống thuyết pháp. Vậy thì xin thầy giải thích!”
Bạn biết Mã Tổ nói gì không? Ngài nói, “Người khác cố gắng. Tôi thì tự nhiên!” Khi không cần nỗ lực, tự nó diễn ra. Như thể bông tự nở thành hoa; nó không cố để nở hoa. Mã Tổ nói, Phật nói, Chúa nói - họ không cố gắng, tự nó xảy ra! Khi Phật, khi Chúa nói thì đó là một hiện tượng tự nhiên. Mà khi bạn nói thì không tự nhiên vì nhiều thứ khác xen vào. Bạn muốn gây ấn tượng với người khác; bạn muốn thay đổi, muốn điều khiển, muốn làm thầy người khác; bạn muốn khoe khoang; bạn muốn lòe người khác rằng bạn là người trí thức - bạn muốn chứng tỏ cái tôi của bạn. Nhiều thứ khác tham dự nên việc nói của bạn không tự nhiên. Ðó là một trò chơi có tính toán khi bạn nói; bạn có một chiến lược, một chiến thuật hẳn hòi.
Nhưng khi Mã Tổ nói (27), ngài chia sẻ. Nếu người nào lắng nghe thì sẽ được lợi. Nhưng mục đích không phải là vì lợi ích của người khác; lợi ích xảy ra một cách tự nhiên. Hoa không nở vì bạn. Nếu đến gần, bạn sẽ ngửi được hương thơm; bạn có thể thưởng thức nó, có thể cảm thấy thích thú, có thể biết ơn - nhưng hoa không nở vì bạn; nó nở cho chính nó.
Phật nói tự nhiên, Chúa nói tự nhiên, và cả thế giới được hưởng lợi. Nhưng bạn luôn luôn cố gắng làm lợi cho người khác, và không những không ai được lợi mà còn hại là khác. Thế giới sẽ đẹp hơn nhiều nếu không có những người muốn sửa đổi và cải cách nó. Những cuộc cách mạng chỉ làm thiệt hại, và những cuộc cải cách chỉ đưa đến xáo trộn nhiều hơn thôi.
D.H. Lawrence (28) một lần gợi ý rằng trong một trăm năm chúng ta nên ngưng mọi cuộc cách mạng, đóng cửa mọi trường đại học, ngưng tất cả các cuộc cải cách và những bàn cãi về chúng, và trong một trăm năm chúng ta phải sống như người tiền sử. Đề nghị ấy rất độc đáo. Con người có thể trở nên sống động lại; sinh lực có thể mạnh mẽ hơn, và họ có thể có cái nhìn thấu suốt.
Ngôn ngữ không còn ý nghĩa nữa; chúng đã trở nên quá nặng nề, và bạn đã nặng trĩu với nhiều kiến thức đến mức bạn không thể tung bay được nữa; gánh nặng quá lớn của bạn không cho phép bạn tung cánh tự do. Những ham muốn của bạn đã trở thành nhà tù của bạn, bởi vì bạn nghĩ rằng chúng rất quý giá. Chúng không có giá trị gì cả, và không những không giá trị mà còn nguy hiểm nữa: thánh thư, kiến thức, chủ nghĩa, giáo điều đều làm bạn tê liệt. Sự thấu suốt không thể nhờ chúng mà có (29). Hãy gạt tất cả qua một bên; hãy dẹp mọi phán xét vào một xó.
Hãy nhìn đời như một đứa trẻ không biết nó đang nhìn cái gì - và cái nhìn đó sẽ cho bạn một nhận thức mới. Sự nhận thức mới đó chính là ngụ ý của Chúa. Tôi sẽ lặp lại lời của
Ngài: “Hạt bụi trong mắt người khác thì bạn thấy, nhưng cái xà trong mắt của bạn thì bạn không thấy.”
“Khi lấy cái xà ra khỏi mắt bạn, bạn sẽ thấy rõ mà lấy hạt bụi ra khỏi mắt người khác.”
Chỉ có thế thì mới hữu ích. Nếu mắt của bạn sáng tỏ thì mới giúp được người khác. Nhưng đó là hào quang của bạn, và mọi người sẽ được hưởng lợi – dù là họ biết hay không biết. Bạn trở thành một phúc lành.

Chú Thích:
1 Mat-Thêu 7:3-5
2 Sigmund Freud chia tâm thần (psyche) con người ra làm hai phần: ý thức (consciousness) và vô thức (unconsciousness). Ý thức là những gì ta biết được, như suy nghĩ, cảm giác, ước muốn… Vô thức là phần mà ta không biết được, vì nó nằm thật sâu bên dưới. Một thí dụ thường được dùng là một tảng băng. Phần thật nhỏ nhô trên mặt nước là ý thức; phần lớn hơn chìm bên dưới là vô thức. Freud tin rằng ta không thể biết được vô thức, và nó điều khiển mọi hoạt động của ta. Cho nên nhiệm vụ của nhà phân tâm là lôi ra ánh sáng những gì còn ẩn khuất trong vô thức. (Xin đọc:
1. The Interpretation of Dreams và 2. Civilization and Its Discontents)
3 Đó là lý do Thánh Phao-Lô viết, “Tôi không hiểu tôi đang làm gì, bởi vì tôi không thực hành những điều tôi muốn làm, mà lại làm những điều mà tôi ghét.” (Romans 7:15). Ngài viết tiếp, “…Vì tôi biết rõ rằng trong thể xác của tôi chẳng có gì tốt lành cả. Vì tôi có ước vọng muốn làm việc tốt, nhưng lại không có khả năng thực hiện.” (Romans 7:18).
4 Jean-Paul Sartre nói rằng con người sinh ra không có yếu tính (essence), và phải qua nhiều thử thách mới nhận ra yếu tính của mình. (Xem Being and Nothingness).
5 Đạo sư Gurdjeff nói nhìn được lầm lỗi của người khác dễ hơn của chính mình, và khi thấy được lầm lỗi của người khác, mình sẽ nhận ra đó cũng chính là lầm lỗi của mình. Cho nên trốn vào rừng chưa hẳn đã hay hơn. (Xem P. D. Ouspensky, In Search Of The Miraculous).
6 John Rockefeller, tỷ phú người Mỹ, một trong những người giàu nhất thế giới.
7 Henry Ford, người Mỹ, chế ra xe hơi.
8 Thiền có câu nổi tiếng, “Ngồi yên, không làm gì cả, khi xuân tới, cỏ sẽ tự nhiên mọc.”
9 Vladimir Ilyich Lenin, 1870-1924, lãnh tụ cộng sản Nga.
10 Thiền Tông gọi là kiến tánh.
11 Hồi giáo tin rằng Mohammed là tiên tri cuối cùng, và kinh Koran là thông điệp cuối cùng của Thượng Đế.
12 Trang Tử nói rằng một cô công chúa kia lấy chồng xứ lạ. Khi đến cửa ải thì khóc như mưa, vì không muốn xa cha mẹ. Nhưng khi ở với chồng thì cô quên cả cha mẹ. Vậy biết đâu cái chết cũng thế? (Xem Hàn Phi Tử, bản dịch của Nguyễn Ngọc Huy).
13 Xin đọc “Sách cho người chết của Tây Tạng” (Tibetan Book Of The Death). Nhiều người chết đi rồi sống lại cũng ghi lại những kinh nghiệm tương tự.
Xem: http://www.nderf.org/,
http://www.near-death.com/,
http://www.mindspring.com/~scottr/end.html,
http://iands.org/index.php
14 Chúa Giê-Su nói, “Nếu mù dẫn mù, cả hai sẽ rơi xuống hố.” (Mat-Thêu 15:14)
15 Nhiều người vẫn còn mê hoặc nhưng thích làm thầy người khác. Bồ Đề Đạt Ma gọi
những người ấy là vua ma, và người nghe họ là dân ma (Xem Huyết Mạch Luận).
16 Dịch, quẻ Khôn, nói, “Tiên mê. Hậu đắc” nghĩa là nếu dẫn đường thì bị lạc, mà nếu chịu tìm thầy hướng dẫn thì được lợi, vì muốn làm thầy người khác là tâm lý chung của người đời.
17 Chúa Giê-Su gọi những người ấy là tiên tri giả (Mat-Thêu 7:15, 14:11, 24:24)
18 Almustafa nói, “Tựa như khi một chiếc lá trở nên vàng thì cả cây đều biết. Cho nên một người làm gì xấu đều được tiếp tay ngầm bởi mọi người khác.” (Xem Kahil Gibran, The Prophet, On Crime And Punishment).
19 Ramana Maharshi, 1879 –1950, dạy, “Không cho tâm trí được phép lang thang qua ngoại cảnh và những điều mà người đời ưa chuộng. Dù người khác xấu xa thế nào chăng nữa ta cũng không nên ghét bỏ họ. Cả ham muốn lẫn ghen ghét đều phải tránh. Những gì muốn làm cho người khác thì hãy làm cho chính mình. Khi tâm mình được chứng nghiệm thì tất cả được chứng nghiệm. Khi tâm mình trong sạch thì tất cả trong sạch.” (Xem: Who Am I?)
20 Khoa học ‘nhìn’ bằng nửa óc bên trái, chủ về lý luận, phân tích. Thi ca ‘nhìn’ bằng nửa bên phải, nghiêng về tổng hợp. Lý luận, phân tích chỉ thấy được những chi tiết vụn vặt mà quên hẳn đại cương, lấy lượng mà quên phẩm. Cho nên Lão Tử nói, “Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu. Thường vô dục dĩ quan kỳ diệu.” Nghĩa là ham muốn (phân tích) thì chỉ thấy được sự chia lìa; không ham muốn (tổng hợp) thì thấy được sự kỳ diệu. (Đạo Đức Kinh, chương một).
21 Nửa óc bên trái kiểm soát nửa người bên phải; nửa bên phải kiểm soát nửa người bên trái. Cho nên bên trái là hướng của trái tim, nơi có sức mạnh tổng hợp, của lòng từ bi, bác ái, và tha thứ. Người có tâm đạo phải lấy con tim (bên trái) làm trọng (tả nhậm). Quy luật này được Dịch coi là quan trọng nhất. Quẻ Khôn viết, “Tây nam đắc bằng. Đông bắc táng bằng.” nghĩa là theo hướng trái tim (tây) và khiêm nhường (nam) thì tìm được thấy (bằng); mà ngược lại (đông bắc) thì mất nghĩa thầy trò. Quẻ Phong Thiên Tiểu Súc nói, “Mật vũ bất vân. Tự ngã tây giao.” nghĩa là mây đen mà không mưa. Ta phải tìm về hướng tây (trái tim).
22 Martin Heiddegger nói rằng khoa học chỉ là sự diễn giải về thực tại mà không phải thực tại (Xem Being And Time). Einstein cũng nói nếu toán học chính xác thì nó không phải là thực tại, mà nếu là thực tại thì nó không chính xác (Xem Bart Kosko, Fuzzy Thinking: The New Science of Fuzzy Logic)
23 Biết về là biết qua lý thuyết, qua lý luận. Biết rõ là biết trực tiếp, biết bằng trực giác, không qua tâm trí. Cho nên Chúa Giê-Su nói, “Tai của họ không còn nghe được nữa, và mắt họ đã nhắm lại. Không thì họ có thể nhìn với mắt của họ, và nghe được với tai của họ, và hiểu được bằng con tim. Và Ta có thể chữa lành cho họ được.” (Mat-Thêu 13:15)
24 Phương pháp tĩnh tâm của Gurdjieff là ra ngay giữa chỗ đông người và quan sát mọi cái đang diễn ra, nhưng lúc nào cũng nhớ chính mình (self-rememberance). (Xem P. D. Ouspensky, In Search Of The Miraculous.)
25 Theo Thiền tông thì ngoài tâm không có Phật, và ngoài Phật không có tâm. (Xem D.T Suzuki, Essays in Zen Buddhism, three volumes.)
26 Lão Tử nói, “Hành bất ngôn chi giáo.” Nghĩa là dạy mà không dùng lời (Đạo Đức Kinh, chương hai).
27 Mã Tổ, 709-788, là một thiền sư quan trọng nhất kể từ Lục Tổ Huệ Năng. Dưới sự hướng dẫn của Ngài hàng ngàn người đã chứng nghiệm được chân lý. Sự xuất hiện  của Ngài đã được báo trước hàng trăm năm trong câu sấm, “Dưới chân ngươi sẽ xuất hiện một con ngựa (mã) đạp chết nhiều người trong thiên hạ.” (Xem Pháp Bảo Đàn Kinh)
28 D.H. Lawrence, 1885-1930, là một văn sĩ rất nổi tiếng người Anh.
29 Đó là lý do Thiền tông chủ trương “Không lập văn tự. Chỉ thẳng nhân tâm. Kiến tánh thành Phật.” (Xem D.T Suzuki, chú thích 15)
Xem tiếp Chương 10Quay về Mục lục

Ads Belove Post