Chương 8. Cái bóng của bản ngã

Chương 8. Cái bóng của bản ngã

Price:

Read more

Osho - Nhịp đập của tuyệt đối
Chương 8. Cái bóng của bản ngã

Sầu não hay gắn bó nào
có thể còn có đấy cho linh hồn đã chứng ngộ - người trí huệ -
khi mọi đối tượng hữu tình và vô tình của thế giới
đã trở thành cái ta của người ấy,
khi người ấy thấy cái một ở mọi nơi?
Sầu não nào hay gắn bó nào có thể có đó cho người đã nhận ra - người trí huệ - người đã biết bản thân mình trong mọi đối tượng hữu tình và vô tình, hay đã biết mọi đối tượng hữu tình và vô tình trong bản thân người ấy?
Có ba hay bốn điểm quan trọng cần phải hiểu trong lời kinh này. Thứ nhất, Upanishad gọi ai là người trí huệ? Từ gốc mà từ này được dẫn ra là ved. Từ ved nghĩa là biết. Ý nghĩa của từ ‘người trí huệ’ là người biết. Người ấy biết cái gì? Ai đó biết về toán học, ai đó biết về hoá học, ai đó biết về vật lí. Có cả nghìn thứ để biết. Ai đó biết kinh sách. Một số biết tất cả những vấn đề về bí ẩn sâu sắc do các vị thánh nói lại. Nhưng Upanishad không coi họ là trí huệ.
Đây là một điều rất kì lạ và đáng quan tâm. Tích luỹ thông tin không phải là tri thức theo Upanishad. Họ gọi người trí huệ là người biết chỉ một yếu tố vĩ đại - chân lí: tức là người biết bản thân mình, vì người biết bản thân mình, biết tất cả. Khi người ấy biết bản thân mình, người ấy trở thành tấm gương mà trong đó hình ảnh được phản xạ của tất cả mọi thứ bắt đầu xuất hiện. Nhưng sự kiện là người ấy biết tất cả không có nghĩa là người ấy phải là một nhà toán học lớn hay một nhà hoá học nổi danh hay một nhà khoa học vĩ đại. Không, đấy không phải là nghĩa. Nghĩa duy nhất của câu này - “Bởi việc biết bản thân mình người ấy biết tất cả” - là ở chỗ qua việc biết bản thân mình người ấy đi tới biết rằng cái tối cao đó, cái thuần khiết nhất đó, yếu tố huyền bí đó đang bị che giấu bên trong tất cả. Người ấy biết công thức, cái bản chất có vai trò là tất cả điều này. Người ấy biết rằng luật tối cao có thẩm quyền ngự trị tại mọi nơi. Người ấy biết rằng vị chúa tể tối cao có trong mọi con người. Người ấy biết rằng ông bầu tối cao đó giữ trong tay mình sợi dây để điểu khiển mọi con rối nhảy múa.
Người ấy không phải là chuyên gia - người ấy không phải là chuyên gia chút nào. Nếu bạn hỏi người ấy về một điều đặc biệt người ấy có thể không biết câu trả lời. Người ấy biết điều bản chất ẩn kín trong toàn thể vũ trụ. Người ấy không biết từng cái lá, nhưng người ấy cầm chiếc rễ trong tay. Người ấy biết sinh lực sâu sắc và vĩ đại, bí ẩn; và ngay khi người ấy biết điều đó, người ấy trở thành tự do khỏi sầu não và gắn bó.
Đây là đặc trưng của người trí huệ, và nó là đặc trưng kì lạ. Nó không phải là năng lực của ông ấy để đáp lại các câu hỏi của bạn, không phải là ông ấy sẽ có khả năng giải quyết các vấn đề của bạn. Đấy chỉ là việc ông ấy trở nên tự do khỏi ảnh hưởng của sầu não và gắn bó. Một nhà toán học, dù là một chuyên gia lớn đến đâu, sẽ không thể thoát khỏi sầu não và gắn bó. Cứ cho là ông ấy là một nhà tâm lí vĩ đại như Freud - và có rất ít nhà tâm lí như Freud trên thế giới này - tâm trí của ông ấy vẫn sẽ là tâm trí của người thường, ngay cả sau khi biết rất nhiều về tâm trí. Đâu có khác biệt gì, không có một biến đổi nhỏ nhất nào trong tâm trí ông ấy. Ông ấy vẫn trở nên lo lắng, sợ sệt, bùng lên với giận dữ và ghen tức, và vẫn sầu não và gắn bó như bất kì người thường nào. Và điều ngược đời là ở chỗ ông ấy có nhiều tri thức lí thuyết về sợ hãi, về ghen tức, có lẽ là hơn bất kì người nào khác trên thế giới. Ông ấy có đầy tri thức về dục tính, nhưng ngay cả trong tuổi già nó vẫn khuấy động tâm trí ông ấy nhiều như nó khuấy động tâm trí của bất kì ai khác.
Upanishad không coi người như thế là có học. Upanishad thậm chí không coi tri thức của ông ấy là tri thức đúng. Họ gọi nó là kho thông tin. Người như thế là chuyên gia. Bất kì điều gì được biết về sợ đều được ông ấy biết tới. Ông ấy biết về sợ, nhưng không phải là bản thân nỗi sợ. Nếu ông ấy đã biết thực sự về sợ, ông ấy sẽ được tự do khỏi nó. Một chuyên gia về kinh sách tôn giáo biết mọi điều về tôn giáo, nhưng không biết đến tôn giáo. Ông ấy biết điều Veda nói, điều Upanishad nói, điều Gita nói, điều Koran nói, điều Kinh thánh nói - ông ấy biết tất cả những điều này. Ông ấy biết điều được nói, nhưng ông ấy không biết về người nói ra điều này, cách thức nào điều này được nói ra, với kinh nghiệm nào điều này được nói ra.
Khác biệt tựa như thế này - rằng một người biết mọi điều về việc bơi nhưng không biết cách bơi. Không khó để biết việc bơi về mặt lí thuyết; có thể nghiên cứu qua một cuốn sách về bơi. Tất cả tài liệu về bơi lội đều có thể được ghi nhớ. Một người có thể là một chuyên gia về bơi lội và có thể trả lời bất kì câu hỏi nào được hỏi về việc bơi. Và vậy mà, đừng sai lầm đẩy người ấy xuống sông, vì biết bơi là vấn đề hoàn toàn khác.
Không cần phải biết mọi điều về việc bơi đối với một người biết bơi. Có thể là người ấy chỉ biết bơi nhưng dốt nát về bất kì tri thức lí thuyết nào. Nhưng toàn bộ tri thức lí thuyết của một người sẽ không hữu dụng gì cho người ấy nếu thuyền của người ấy bị chìm và cuộc sống của người ấy bị lâm nguy. Vào lúc như vậy, người không biết gì về tri thức bơi lội nhưng biết chính việc bơi sẽ có khả năng bơi và cứu mạng mình. Đây là lí do tại sao hiền nhân của Upanishad chỉ đúng những đặc trưng nền tảng của người có học thực sự. Ông ấy nói họ là người có học, người trí huệ, người thấy mọi đối tượng hữu tình và vô tình trong bản thân họ và thấy bản thân họ trong mọi đối tượng hữu tình và vô tình. Những người như thế trở thành tự do khỏi mọi sầu não và gắn bó.
Tại sao ông ấy đã gộp nhóm hai điều này - sầu não và gắn bó - với nhau? Chúng được gộp nhóm với nhau bởi vì hai điều này là một; chúng là những bộ phận cùng xảy ra, không tránh khỏi của cùng một hoàn cảnh tâm trí. Trong hai điều này, một điều không bao giờ đứng một mình. Cho nên hiểu chúng cho đúng. Tâm trí bị gắn bó thì sẽ buồn rầu và sầu não nữa; và nơi không có gắn bó sầu não không thể có đó được. Thực ra, sầu não xảy ra khi đối tượng của gắn bó bị phá huỷ. Không có lí do nào khác cho buồn rầu. Giả sử tôi có gắn bó với ai đó: nếu người ấy chết, tôi bị đắm chìm trong buồn rầu. Buồn rầu tựa như cái bóng đi theo gắn bó. Nếu tôi không có gắn bó với bất kì ai, không thể buồn được, cho dù tôi muốn thế.
Có một ngôi nhà mà tôi gắn bó. Nếu nó bị cháy tôi cảm thấy sầu não. Có sầu não ngay khi gắn bó bị dứt đoạn và đứt gẫy - bất kì đâu nó gặp khó khăn, bất kì đâu nó bị tan vỡ, bất kì đâu nó bị chống đối. Và nhớ lấy, khi sầu não tới thì bạn sẽ phải tạo ra gắn bó để cứu lấy bản thân mình khỏi sầu não. Khi sầu não tới bạn sẽ phải tìm ra một đối tượng mới cho gắn bó của bạn, để cứu bản thân bạn khỏi sầu não, để tránh xa nó. Nếu một người bạn yêu chết đi, bạn không có khả năng quên được người đó chừng nào bạn còn chưa tìm thấy cái thay thế để yêu. Khó quên gắn bó cũ chừng nào bạn còn chưa ném nó đi và thay thế nó bởi việc bầy tỏ tình yêu của bạn cho cái thay thế mới.
Cho nên sầu não tới khi gắn bó bị tan vỡ, và để trốn chạy khỏi sầu não đó chúng ta phải tạo ra những đối tượng mới cho gắn bó của mình. Vậy cái vòng luẩn quẩn này cứ tiếp diễn. Mọi gắn bó đều đem tới sầu não và mọi sầu não bị kìm nén bởi những đối tượng mới của gắn bó. Bệnh tật tới; thuốc phải được cho, và nó gây ra các kiểu bệnh tật khác. Thế rồi thuốc mới được đưa ra cho bệnh mới và những bệnh mới này làm phát sinh những bệnh mới nữa. Vậy là cái vòng này cứ tiếp diễn. Cho nên đó là một quyết định trí huệ gộp nhóm hai điều này với nhau.
Đây là lí do tại sao người ta nói rằng người biết trở nên tự do khỏi sầu não và gắn bó. Làm sao những ý tưởng về của tôi và của anh có thể tới được với người thấy bản thân mình trong mọi đối tượng hữu tình và vô tình và thấy tất cả chúng trong bản thân người ấy? Thế thì làm sao gắn bó được tạo ra? Nó được tạo ra chỉ khi bạn gắn bản thân mình với ai đó, và nói, “Cái này là của tôi, phần còn lại không phải của tôi,” hay khi bạn nói, “Toà nhà này là của tôi, phần còn lại không phải là của tôi.”
Khi tôi tới đây, một bà nào đó tới gặp tôi. Bà ấy nói, “Do ân huệ lớn của thầy cửa hàng của con trai tôi được cứu khỏi bị bắt cháy. Toà nhà kế bên bị bắt cháy, và lửa sắp lan sang cửa hàng chúng tôi. Nhưng cửa hàng của chúng tôi đã được cứu.” Bà ấy mang đồ ngọt tới biếu tôi. Bà ấy vui mừng rằng cửa hàng của con bà ấy đã được cứu. Không, bà ấy không tiếc gì cho toà nhà đã bị lửa tàn phá cả, vì bà ấy không có gắn bó với chúng. Ngược lại, bà ấy hài lòng vì toà nhà mà bà ấy gắn bó đã được cứu thoát.
Gắn bó bao giờ cũng mang tính loại trừ; nó bám vào cái này và bỏ ra phần còn lại. Nó nói, “Đây là vợ tôi, đây là chồng tôi, đây là con tôi, đây là nhà tôi, đây là cửa hàng của tôi” - có cái tôi trong tất cả những thứ này - “và tôi không quan tâm tới những cái còn lại!” Nếu bất kì điều gì xảy ra cho phần còn lại, nó không ảnh hưởng tới bạn theo bất kì cách nào, nó không tạo ra khác biệt gì cho bạn. Bạn hài lòng rằng cái của riêng bạn được cứu thoát.
Mức độ gắn bó giảm đi khi trường gắn bó trải rộng ra. Cái gắn bó lớn lao nhất là cho bản thân mình, vì không cái gì dường như là ‘của tôi’ nhiều hơn bản thân người ta. Cho nên, chẳng hạn, dường như là con thuyền đang chìm, có một người chồng và một người vợ đang trong nó, và tình huống là tới mức chỉ một trong hai người có thể được cứu, thế thì cả hai đều sẽ muốn được cứu. Nếu lửa bùng lên trong toà nhà, người chủ sẽ nhảy ra trước hết và rồi hỏi han về các thành viên khác trong gia đình. Một người biết tới đám cháy không sớm hơn bản thân người đó chạy ra. Cho nên, gắn bó được tập trung phần lớn quanh cái tôi; nó là liên kết mạnh nhất với cái tôi. Thế rồi nó giảm dần đi khi trường của cái ‘của tôi’ mở rộng ra. Nó sẽ ít hơn khi hướng tới gia đình, ít nữa khi hướng tới thành phố, càng ít nữa khi hướng tới quốc gia, và thậm chí còn ít hơn nữa khi hướng tới toàn thể nhân loại. Và nếu mọi người đang sống trên hành tinh khác nào đó, sẽ không có gắn bó nào hướng tới họ.
Các nhà khoa học tuyên bố rằng có sự sống trên ít nhất năm mươi nghìn hành tinh khác. Chúng ta không biểu lộ sự gắn bó gì với họ cả. Ngay cả hướng tới nhân loại cũng dường như tối thiểu. Chúng ta vẫn còn không quan tâm và không bị ảnh hưởng khi bẩy trăm nghìn người chết ở Pakistan. Nếu một người chết trong gia đình chúng ta, chúng ta còn bị tác động sầu não hơn là khi biết bao nhiêu người chết ở Pakistan, và nếu một ngón tay chúng ta bị đứt, chúng ta kinh nghiệm còn đau hơn là chúng ta cảm thấy khi bẩy trăm nghìn người kia chết. Khi chúng ta tiến dần tới cái ‘tôi’, gắn bó trở nên tập trung hơn, và khi chúng ta đi xa khỏi cái ‘của tôi’, bóng dáng của nó trở nên mảnh mai và hiếm hơn.
Gắn bó là cái bóng của bản ngã. Gắn bó lập tức được tạo ra bất kì chỗ nào bạn thấy ‘tôi đây’. Nhưng như tôi đã nói, gắn bó mang tính loại trừ; để làm gắn bó thành có thể, cái gì đó hay ai đó phải bị bỏ ra. Do đó, hiền nhân này nói, người đã thấy mọi đối tượng hữu tình và vô tình trong bản thân mình, trở thành không loại trừ; cảm giác trong người ấy bây giờ là, “Tất cả đều là của ta.” Người ấy trở thành người bao hàm tất cả. Thế thì gắn bó không xảy ra, bởi vì bây giờ không có nền tảng cho nó.
Khi tất cả đều là ‘của tôi’, không có mục đích nào trong việc gọi bất kì ai là của tôi. Đã có một mục đích cho việc nói ‘của tôi’ chừng nào còn có một mục đích cho việc nói ‘của bạn’ - có ai đó không phải là ‘của tôi’. Cho nên bạn tạo ra biên giới, bạn vẽ ra đường bao để chỉ ra giới hạn của cái ‘của tôi’. Bạn tạo ra bức tường, biên giới. Bên ngoài giới hạn này, một thế giới khác bắt đầu mà với nó bạn không quan tâm chút nào. “Dù nó chết hay bị tàn phá là không liên quan tới cái của tôi.” Phía bên này của biên giới là thế giới của bạn, vì cái đó mà bạn mong muốn rằng không có khổ, không có tai hoạ, không có đau buồn, vì bạn bị sầu não khi nó gặp rắc rối.
Upanishad nói gắn bó của một người tan biến đi khi người ấy thấy bản thân mình không chỉ trong mọi loài vật, không chỉ trong mọi vật sống, mà trong mọi đối tượng hữu tình và vô tình, thậm chí trong từng hạt cát - tức là nói trong bất kì sự tồn tại nào trong thế giới này. Thế thì không có gắn bó nào còn lại. Gắn bó có đó trong khi biên giới có đó. Gắn bó không thể vô giới hạn được. Nhớ lấy, gắn bó vô giới hạn là không thể được. Nó sống bên trong các giới hạn. Khi biên giới mở rộng dần ra, gắn bó yếu đi; và khi các giới hạn hẹp lại, gắn bó trở nên mạnh thêm. Trong cái vô giới hạn, gắn bó biến mất.
Và thế thì làm sao sầu não có thể có được khi gắn bó đã biến mất? Nó không tồn tại mà không có gắn bó. Nếu không có gắn bó, không có sầu não. Cho nên Upanishad gọi người ấy là người trí huệ, người đứng ngoài cả gắn bó và sầu não. Và làm sao người ấy đứng ngoài? Người ấy đứng ngoài bởi việc thấy bản thân mình trong toàn bộ sự tồn tại, cái có đó lan toả bao quanh tất cả chúng ta nhưng không thấy được đối với chúng ta bởi vì chúng ta cũng có đó trong nó.
Sự kiện sau đây xảy ra trong cuộc sống của Rabindranath Tagore. Cũng đáng để ý đến. Ông ấy đã viết lời cầu nguyện về Thượng đế trong Gitanjali, bởi điều đó ông ấy đã nhận được giải thưởng Nobel và trở nên nổi tiếng trên thế giới. Nhưng còn có một cụ già sống gần nhà ông, người bắt đầu thường xuyên gây phiền nhiễu cho ông. Bất kì khi nào cụ già gặp Rabindranath, cụ đều giữ ông tấy lại và hỏi, “Xin nói cho tôi sự thực: ông đã biết Thượng đế chưa?”
Cụ già thật bướng bỉnh còn Rabindranath, là một người lương thiện, không thể nói dối được. Cụ già nhìn thẳng và sâu vào mắt Rabindranath đến mức tay và chân ông ấy run lên. Đây là người đã được giải thưởng Nobel đấy. Bất kì khi nào ông ấy đi ra ngoài ông ấy đều được nhiều người tôn kính. Người ta hay nói, “Đây là tấm gương sống về một người mà Upanishad gọi là Maharishi.” Vậy mà ông ấy ở đây, bị một cụ già hàng xóm làm cho bối rối. Và việc gây phiền nhiễu này không chỉ có một ngày hay một sáng hay một tối, mà liên tục mọi ngày, vì cụ già, không có gì làm, để toàn bộ thời gian ngồi trên ghế cạnh cửa nhà ông ấy cho nên Rabindranath thấy khó mà tránh được cụ.
Rabindranath đã viết trong nhật kí rằng ông thấy rất khó rời khỏi nhà: ‘Trước khi đi ra ngoài, tôi sẽ hỏi liệu cụ già này có đang ngồi đó hay không. Bằng không cụ ấy sẽ túm lấy tôi và hỏi, “Ông đã thấy Thượng đế chưa? Ông có biết ngài không?” Tôi thường bị run lên khi nghe những câu hỏi này bởi vì tôi không biết gì về ngài cả. Khi nghe câu trả lời của tôi, cụ già sẽ cười to và toàn tâm. Cái cười của cụ theo cách đó làm hỏng giấc ngủ của tôi, nó bắt đầu ám ảnh tôi; tôi bắt đầu sợ ông cụ ấy. Một lần tôi nghĩ, ‘Mình thực sự tạo ra rắc rối cho bản thân mình khi viết cuốn Gitanjali này.’ Tôi nghĩ, ‘Cụ già đó phải đã có thoáng nhìn nào đó về Thượng đế, bằng không cụ không thể ám ảnh mình đến thế.’” Từ mắt cụ ấy dường như là cụ đã biết điều gì đó, bởi vì Rabindranath không thể trốn tránh cái nhìn đó được khi nhìn vào cụ và lặp lại một hay hai dòng Gitanjali để trả lời cho câu hỏi của cụ.
Rồi nhiều năm trôi qua, và cụ già vẫn cứ tiếp tục là nỗi ám ảnh của ông ấy. Rabindranath đã nói: “Một tải trọng lớn được nhấc ra khỏi tâm trí tôi vào cái ngày mà tôi có thể nói cho cụ, ‘Tôi đã biết Thượng đế.’” Đó là vào đầu mùa mưa, và những cơn mưa để bùn nhão nhoét ở mọi nơi. Vũng chứa nước và những hố nhỏ trên đường tràn đầy nước. Ếch kêu ồm ộp. Hôm đó là buổi sáng và Rabindranath bị lôi cuốn đi ra ngoài bởi những thay đổi đó trong tự nhiên - tiếng ếch kêu oàm oạp, tiếng rào rào của mưa rơi, hương mới của đất. Ông ấy thấy cụ già ấy không ngồi ở vị trí thường lệ. Có lẽ cụ già còn chưa dậy.
Rabindranath chạy ra khỏi nhà. Mặt trời đã lên trên biển. Ông dừng trên bãi biển. Mặt trời lung linh trên sóng. Ông nhìn vào mặt trời và sự phản xạ của nó, và rồi bắt đầu trở về nhà. Mặt trời được phản xạ trong từng vũng nước, trong từng ao nhỏ, trong từng rãnh nước bẩn bên vệ đường. Nó lấp lánh khắp xung quanh - trong những vũng nước bẩn, trên biển khơi, trên dòng suối nhỏ sạch sẽ, trong mọi phía. Thấy tất cả điều này, một điệu nhạc nào đó, một cái chưa biết nào đó, một âm thanh vô định bên trong bắt đầu ngân lên trong tim Rabindranath.
Khi ông ấy quay trở về, ông ấy nhảy múa. Ông ấy nhảy múa vì ông đã thấy rằng sự phản xạ của mặt trời không bao giờ bị mờ xỉn. Ông ấy nhảy múa bởi vì ông ấy đã thấy rằng sự phản xạ của mặt trời tươi tắn và sạch sẽ trong nước bùn bẩn cứ như là trong nước sạch nhất. Sự phản xạ không bao giờ bẩn cả. Làm sao nó có thể bẩn được? Chỉ nước có thể bùn và bẩn thôi. Nhưng mặt trời mà nhìn trong đó, sự phản xạ của mặt trời trong đó, là không bẩn. Nó tuyệt đối tươi tắn và sạch sẽ. Không nước nào có thể làm hư hỏng nó được. Đây là một kinh nghiệm cách mạng, rất lớn lao cho ông ấy. Điều đó có nghĩa là Thượng đế, người ở bên trong ngay cả cái tồi tệ nhất của con người, không thể bị làm bẩn. Sự phản xạ của Thượng đế trong con người tội lỗi nhất là thuần khiết như nó có trong những người ngoan đạo nhất. Cho nên ông ấy đã trở về trong nhảy múa. Cánh cửa đã mở ra bên trong.
Cụ già kia đã ngồi gần cánh cửa. Đây là lần đầu tiên ông ấy không còn sợ cụ già, và lần đầu tiên cụ già nói, “Được rồi, dường như là anh đã biết ngài.” Cụ già lại gần Rabindranath ôm choàng lấy ông ấy và nói, “Cực lạc của anh, điệu nhảy của anh hôm nay đã nói cho ta rằng anh đã biết ngài. Bây giờ ta có thể kính trọng anh!”
Thế rồi trong ba ngày Rabindranath vẫn còn trong trạng thái cực lạc - trong trạng thái điên khùng. Mọi người trong gia đình đều lo sợ khi thấy điều này. Chỉ cụ già ấy thường tới và bảo họ, “Vui mừng đi! Vui vẻ đi!” và bắt đầu thông báo cho láng giềng rằng ông ấy đã biết Thượng đế. Nhưng mọi người trong nhà đều rất sợ vì Rabindranath hành xử một cách rất kì cục. Nếu ông ấy thấy một cột trụ, ông sẽ ôm chầm lấy nó. Nếu một con bò đi ngang qua trên đường ông ấy sẽ ôm lấy con bò nữa. Nếu ông ấy thấy một cái cây ông ấy sẽ ôm chầm lấy nó. Mọi người trong nhà nghĩ ông ấy đã mất trí: “Ông ấy đã phát điên rồi!” Nhưng cụ già này vẫn tiếp tục nói, “Đừng lo. Ông ấy điên khùng từ trước cho tới nay, và bây giờ ông ấy lành mạnh. Bây giờ ông ấy bắt đầu thấy, trong tất cả sự tồn tại, cái mà không có nó bài hát ông ấy vẫn hát mọi lần đều vô dụng. Đấy chỉ là nhịp điệu, một cái cớ nghèo nàn cho nhà thơ. Chỉ bây giờ, âm nhạc thực sự được sinh ra trong cuộc đời ông ấy.”
Rabindranath đã viết: “Tôi có thể, dần dần, kiểm soát bản thân mình và đem cực lạc của mình vào sự kiểm soát, với nỗ lực rất lớn. Bằng không tôi mong mỏi ôm choàng mọi người và mọi thứ tôi gặp. Cho tới nay tôi đã mong mỏi và cầu nguyện, ‘Cầu Trời, cánh cửa của ngài ở đâu?’ Bây giờ Thượng đế là cánh cửa của tôi, và bây giờ bất kì khi nào tôi nhìn tôi đều thấy cánh cửa của ngài. Từ trước tới nay tôi vẫn cứ tìm ngài và hỏi, ‘Ngài trốn ở đâu vậy?’ Nhưng bây giờ tôi ngạc nhiên bởi vì ngài đã có đó trong tôi; không cái gì khác ngoài ngài.”
Người thấy sự hiện diện của mình trong tất cả sự tồn tại hay thấy toàn bộ sự tồn tại trong bản thân mình thực sự là người trí huệ; và người như vậy ở ngoài gắn bó và sầu não. Nhớ lấy, không có hạnh phúc không có bất hạnh trong cuộc đời người đó, chỉ có cực lạc. Cái thuần khiết của sự tồn tại nhảy múa trong cuộc đời người ấy. Người ấy là bản thân cuộc sống; nhảy múa và ca hát ngợi ca sự tồn tại. Bản thân cuộc đời người ấy là âm nhạc; và tất cả những cái đem đến sầu não, tất cả những cái trói buộc, tất cả những cái trở thành gắn bó, tất cả những cái dường như là đem lại hạnh phúc hôm nay nhưng là nguyên nhân của bất hạnh ngày mai - tất cả những cái này không còn chỗ trong cuộc sống người ấy. Người ấy bây giờ là tấm gương.
Khi bạn đứng trước một tấm gương bạn được phản chiếu vào trong nó, và khi bạn đi xa khỏi nó, nó lập tức rời bỏ bạn. Nó không nắm giữ bạn. Ngay khi bạn đi ra khỏi nó, nó trở thành trống rỗng, không phản xạ. Tấm gương không mang gắn bó nào với bạn. Đó là lí do tại sao, khi bạn đứng dẹp sang bên, thay vì đứng trước nó, nó không bị tan thành từng mảnh vì buồn rầu với bạn. Trái tim nó không tan nát. Nó không nói, “Làm sao tôi có thể sống được mà không có bạn?” Thay vì thế nó nói, “Khi bạn đứng trước tôi bạn rất đẹp, rất tốt, và bạn đã biểu lộ ân huệ lớn cho tôi; và khi bạn rời bỏ tôi, tôi không cảm thấy khó chịu.” Không cái gì thay đổi. Tấm gương vui vẻ khi nó rỗng không và không phản xạ cũng như khi nó tràn đầy với phản xạ.
Do vậy người có học sống tựa tấm gương trong thế giới. Người ấy hài lòng với bất kì cái gì tới trước mình. Người ấy hạnh phúc nếu thấy hoa và trở thành phản xạ của hoa, dội sự phản xạ của nó lại, thấy tính thượng đế trong nó. Nếu không có ai ở trước người ấy - khi tất cả là trống rỗng - người ấy thấy tính thượng đế trong cái trống rỗng. Chính cái trống rỗng là tính thượng đế. Thế thì người ấy nhảy múa trong cái trống rỗng đó, và người ấy là trong cực lạc ngay cả trong cái trống rỗng.
Đủ cho hôm nay. Bây giờ tự chúng ta thử trở thành những tấm gương.
Xem tiếp Chương 9 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post