Chương 7. Trở thành tấm gương

Chương 7. Trở thành tấm gương

Price:

Read more

Osho - Nhịp đập của tuyệt đối
Chương 7. Trở thành tấm gương

Không thích hay căm ghét người khác là cơ sở của những phức tạp sâu xa của loài người. Có thể nói rằng chất độc căm ghét trở nên biểu hiện trong mọi phô bầy độc địa của anh ta. Từ căm ghét có nghĩa là ham muốn phá huỷ người khác. Yêu có nghĩa là sẵn lòng hi sinh bản thân mình cho người khác, nếu cần. Căm ghét có nghĩa là sẵn lòng phá huỷ người khác vì bản thân mình ngay cả khi điều đó là không cần thiết. Theo cách tất cả chúng ta sống có dư thừa căm ghét và không có âm nhạc của tình yêu.
Người thấy toàn bộ thế giới
các đối tượng hữu tình và vô tình
Ở bên trong mình
và cũng thấy bản thân mình
trong mọi đối tượng hữu tình và vô tình, bởi điều này,
không còn căm ghét ai nữa.
Cảm giác chúng ta gọi là tình yêu, thực ra, chỉ là một dạng của căm ghét. Trong làm tình chúng ta làm cho người kia trở thành phương tiện của chúng ta để có hạnh phúc; và ngay khi người ta làm cho người kia thành phương tiện, căm ghét bắt đầu. Trong khi làm tình chúng ta sống chỉ vì cái ta riêng của mình. Chúng ta muốn phục vụ cho mục đích ích kỉ của riêng mình. Đôi khi chúng ta dường như làm điều gì đó cho người khác, nhưng đấy đơn giản bởi vì chúng ta định để nhận được cái gì đó được đền đáp từ người ấy mà thôi. Chúng ta làm điều gì đó cho người khác chỉ khi chúng ta có hi vọng nào đó về việc nhận được cái gì đó từ người ấy - chúng ta ham muốn kết quả; bằng không chúng ta không làm gì. Đó là lí do tại sao tình yêu của chúng ta có thể biến thành căm ghét vào bất kì khoảnh khắc nào. Điều ấy vẫn thường xảy ra: tình yêu được biểu lộ cho ai đó vài phút trước đây có thể biến thành sự khinh thị người ấy ngay sau đó. Nếu một cản trở nhỏ bất ngờ nảy ra len vào con đường thoả mãn ham muốn của ta, tình yêu của chúng ta sẽ biến thành căm ghét. Tình yêu có thể biến thành căm ghét và khinh thị chỉ là căm ghét bị che giấu. Chỉ có căm ghét bên trong, và bao bọc bên ngoài là cái vẻ của tình yêu.
Ishavasya trình bầy ở đây một lời kinh rất quan trọng làm cho tình yêu thành có thể; bằng không không thể có. Không có hiểu biết và hành động theo lời kinh này, không có khả năng nào cho hoa của tình yêu mở ra. Lời kinh này nói rằng căm ghét sẽ tới chỗ cuối chỉ khi chấm dứt khi một người bắt đầu thấy bản thân mình trong mọi đối tượng hữu tình và vô tình, và bắt đầu thấy mọi đối tượng hữu tình và vô tình - toàn thể sự tồn tại - bên trong bản thân mình. Nhớ lấy, Ishavasya không nói rằng thế thì tình yêu sẽ được sinh ra mà nói, “Thế thì căm ghét sẽ đi tới chấm dứt.”
Có một lí do được cân nhắc rất kĩ lưỡng để nói như vậy. Không có vật cản nào trên con đường của tình yêu ngoại trừ sự hiện diện của căm ghét. Nếu không có căm ghét, tình yêu nở rộ theo cách của nó - tự phát, tự nhiên. Không cái gì khác cần được thực hiện cho nó nở rộ. Điều đó giống như vứt bỏ tảng đá chẹn dòng suối nhỏ: một khi được bỏ ra, dòng suối tuôn chảy theo cách riêng của nó. Theo cùng cách đó hòn đá của căm ghét đè nặng lên chúng ta. Bởi hòn đá căm ghét này chúng ta không có khả năng thấy được khuôn mặt mình được phản xạ trong tấm gương của mọi đối tượng hữu tình và vô tình; chúng ta không trở thành tấm gương phản chiếu tất cả những đối tượng trong chúng ta.
Cả hai hiện tượng này xảy ra đồng thời: người có thể thấy bản thân mình trong mọi đối tượng hữu tình và vô tình - mọi con vật, toàn thể sự tồn tại - không tránh khỏi sẽ có khả năng thấy được tất cả trong bản thân người đó. Người mà từ người đó toàn thể thế giới trở thành tấm gương, bản thân người đó trở thành tấm gương cho toàn thể thế giới. Chúng xảy ra đồng thời. Chúng là hai mặt của một và chỉ một sự xuất hiện. Upanishad nói rằng khi điều này xảy ra, căm ghét biến mất.
Thế thì cái gì được sinh ra? Upanishad đã không nói rằng thế thì tình yêu sẽ được sinh ra, vì tình yêu là vĩnh hằng, nó là bản tính của chúng ta. Nó không được sinh ra, nó không chết đi.
Chẳng hạn, khi mùa mưa tới và bầu trời bị bao phủ bởi mây, mặt trời bị che khuất. Bây giờ, chúng ta có thể nói rằng mặt trời sẽ được sinh ra khi mây biến mất không? Không, chúng ta chỉ có thể nói rằng mặt trời, cái bao giờ cũng có đấy, sẽ thành thấy được. Khi mây tới mặt trời không bị phá huỷ, nó chỉ bị che khuất. Nó không còn thấy được nữa, bị che khuất sau mây. Mây sẽ biến mất và mặt trời sẽ lại chiếu sáng. Mây được sinh ra và mây chết đi, nhưng mặt trời thì bao giờ cũng có đó.
Tình yêu là bản tính của cuộc sống, cho nên nó không sinh không chết. Mây căm ghét được sinh ra và chết đi. Tình yêu bị che phủ khi những đám mây này được sinh ra; nó tự lộ ra khi mây biến mất, khi mây không còn nữa. Nhưng tình yêu là vĩnh hằng, cho nên Upanishad không nói về việc sinh ra của tình yêu, nó chỉ nói ngần này: căm ghét chết và biến mất.
Nhưng bằng cách nào? Lời kinh này không dễ dàng như nó có vẻ thế. Nhiều lần việc xảy ra là mọi thứ trông có vẻ khó là không khó vậy, và tương tự, những việc có vẻ như dễ dàng là không dễ dàng. Phần lớn các trường hợp, có một chiều sâu lớn và điều phức tạp bị ẩn giấu bên trong các vấn đề dễ dàng. Lời kinh này dường như là trực tiếp và dễ dàng. Toàn thể phát biểu này được hoàn tất chỉ trong hai dòng. Nó nói, người thấy bản thân mình trong mọi đối tượng - hữu tình hay vô tình - và bắt đầu thấy mọi đối tượng trong bản thân mình, sẽ có căm ghét của mình bị phá huỷ. Nhưng để làm cho tất cả mọi thứ đều thành tấm gương của người đó, hay để thành tấm gương cho tất cả, là thuật giả kim và nghệ thuật vĩ đại nhất. Không có nghệ thuật nào vĩ đại hơn nữa.
Tôi đã từng nghe: Một người Trung quốc có lần tới triều đình của hoàng đế Iran và nói, “Tôi tới từ Trung quốc, và tôi là một nghệ sĩ rất vĩ đại. Tôi có thể làm ra những bức tranh mà ngài chưa từng bao giờ thấy trước đó.”
Nhà vua nói, “Thế thì làm chúng ở đây đi. Nhưng nhớ lấy, ở triều đình của ta không thiếu hoạ sĩ đâu và ta đã từng thấy những bức tranh rất tuyệt diệu.”
Người hoạ sĩ Trung quốc nói, “Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi thách thức.”
Hoạ sĩ giỏi nhất của triều đình được chọn ra để đua tài. Rồi nhà vua cảnh báo trước cho hoạ sĩ này, “Dùng mọi tài năng của ngươi, làm cho tốt nhất vào. Bây giờ đây là vấn đề danh dự vương quốc. Coi chừng rằng ngươi phải không bị thua người ngoại quốc này.”
Họ được sáu tháng để hoàn thành công trình của mình. Người hoạ sĩ Iran bắt đầu công việc của mình một cách rất trang trọng. Với sự giúp đỡ của mười cho tới hai mươi công nhân, ông ta đã vẽ lên toàn bộ bức tường với những bức tranh tuyệt đẹp. Tin tức về bức tranh của ông ta lan tới những vùng xa xôi, và mọi người từ xa đổ đến để xem công trình của ông ta. Nhưng một điều kì diệu lớn hơn việc này đã xảy ra. Người nghệ sĩ Trung quốc nói, “Tôi không cần dụng cụ hay chất liệu nào cho công việc của mình, cũng không cần sơn vẽ nào cả. Tôi chỉ đòi một điều kiện thôi - đó là bức màn che phủ bức tường của tôi không được bỏ ra chừng nào bức tranh còn chưa xong.”
Mỗi sáng ông ta chui vào sau tấm màn, và trở ra lúc tối, kiệt sức, với những giọt mồ hôi trên trán. Nhưng một vấn đề phức tạp, bí ẩn và kì lạ lớn là ở chỗ ông ta không mang bút vẽ hay sơn theo mình khi ông ấy biến mất đằng sau tấm màn. Mà cũng không thấy có dấu vết gì về mầu sắc lẫn vết sơn trên quần áo ông ta, và ông ta không cầm chổi vẽ nào trong tay. Hoàng đế bắt đầu tự hỏi liệu ông ta có quái dị không. Làm sao có thể có bất kì đua tài nào trong hoàn cảnh như thế? Nhưng cần phải đợi cho đủ sáu tháng để đáp ứng điều kiện.
Với sự bồn chồn lớn lao mọi người đều chờ đợi cho sáu tháng trôi qua. Tin tức về các bức tranh của hoạ sĩ Iran ngày một lan xa và rộng, và cùng với tin này, lời bàn tán cũng lan truyền về đối thủ đua tài kì dị của ông ta, người đã đi vào cuộc đua tài mà không có sơn vẽ gì. Bạn không thể hình dung được mọi người nóng lòng chờ đợi sáu tháng trôi qua như thế nào.
Sau sáu tháng hoàng đế tới xem các bức tranh. Ông ta say mê xem các bức tranh do hoạ sĩ Iran vẽ. Ông đã từng xem nhiều bức tranh trong đời mình, nhưng ông ta chưa từng bao giờ thấy những bức tranh với tài năng không thể khen hết lời này được. Thế rồi ông ta yêu cầu người hoạ sĩ Trung quốc trình bầy tác phẩm của mình. Ông này cởi bỏ bức màn che phủ bức tường của mình. Khi nhìn vào đó nhà vua rất phân vân. Nó là cùng bức tranh của hoạ sĩ Iran. Người hoạ sĩ Trung quốc đã tạo ra cùng bức tranh như của hoạ sĩ Iran, nhưng với một nét phụ thêm: nó không được vẽ trên tường, nhưng nó nổi lên từ sâu hơn một mét hai phía trong bức tường. Nhà vua hỏi, “Người đã làm điều này như thế nào? Đây là trò ảo thuật gì vậy?”
Người hoạ sĩ thưa, “Tôi không làm trò ảo thuật nào cả. Nhưng tôi là chuyên gia trong việc làm gương, cho nên ta đã biến bức tường thành một tấm gương chỉ bằng việc mài cọ nó liên tục trong sáu tháng. Bức tranh ngài đang nhìn vào chính là bức tranh của người hoạ sĩ Iran trên bức tường đối diện. Ta đơn giản chỉ biến tường thành tấm gương.”
Ông ta đã thắng trong cuộc đua tài, bởi vì lung linh trong gương bức tranh của người hoạ sĩ Iran trở nên sâu thêm vô hạn hơn là bản gốc. Bức tranh của hoạ sĩ Iran có độ sâu lớn khi được nhìn qua tấm gương. Nó trở thành bức tranh ba chiều. Bức tranh của hoạ sĩ Iran chỉ hai chiều; nó không có chiều sâu. Bức tranh của người hoạ sĩ Trung quốc có được chiều sâu ba chiều. Hoàng đế hỏi ông ta, “Tại sao ngươi không nói cho chúng ta ngay từ đầu rằng ngươi chỉ biết cách làm gương thôi?”
Người hoạ sĩ Trung quốc đáp, “Tôi không phải là hoạ sĩ, tôi là thánh nhân, sư.”
Nhà vua nói, “Điều này càng trở nên đáng quan tâm hơn, Trước tiên ngươi đã không nói cho chúng ta rằng ngươi làm gương, còn bây giờ ngươi bảo chúng ta rằng ngươi là thánh nhân. Tại sao thánh nhân làm gương?”
Người hoạ sĩ Trung quốc đáp, “Tôi đã chỉ làm gương từ khi tôi làm cho bản thân mình thành tấm gương và thấy thế giới trong đó. Như tôi biến bức tường này thành tấm gương rõ bằng việc liên tục mài cọ và lau sạch nó, cho nên tôi đã biến bản thân tôi thành tấm gương, thuần khiết như pha lê, bằng cách giữ việc quán xét mình thường xuyên. Và một hình ảnh đẹp thế của thế giới này như tôi đã thấy ở bên trong không bao giờ được thấy ở bên ngoài. Cái ngày mà tôi thấy và nhận ra thế giới bên trong tôi, tôi trở thành giống như tấm gương. Mọi đối tượng hữu tình và vô tình của thế giới đã thầm nhuần bên trong tôi.”
Chúng ta sẽ có khả năng thấy được Thượng đế vào ngày trái tim chúng ta trở thành giống như tấm gương. Thế thì tất cả thế giới đi vào trong chúng ta, và toàn thể thế giới trở thành tấm gương cho chúng ta nữa. Thế thì chúng ta có khả năng thấy bản thân mình vào mọi khoảnh khắc, ở mọi nơi. Nhưng toàn bộ thế giới không thể biến thành tấm gương được; chỉ cái ta của riêng chúng ta là có thể được biến thành tấm gương thôi. Đó là lí do tại sao người tìm kiếm chân lí bắt đầu bằng việc làm ra tấm gương của bản thân mình.

Để biết tới thuật giả kim và nghệ thuật làm bản thân mình thành tấm gương, ba điểm cần phải được hiểu. Thứ nhất, có lẽ là không đúng mà nói về việc làm ra tấm gương của cái ta, vì chúng ta tất cả đều đã là những tấm gương rồi, nhưng bị bụi bặm che phủ. Công việc của chúng ta là lau sạch và chùi kĩ tấm gương đó và làm cho nó sáng bóng và rõ nét. Tấm gương không phải là tấm gương nếu bụi được phép lắng đọng lên nó; thế thì nó không phản xạ được gì cả. Năng lực phản xạ của nó bị phá huỷ khi nó bị bụi che phủ. Chúng ta là những tấm gương như thế - bụi đã tích tụ lên chúng ta. Cũng hệt như bụi bám vào gương khi đi qua phố xá tấp nập, bụi cũng bám vào khi chúng ta trải qua vô lượng kiếp sống. Nó được tích tụ từ nhiều, rất nhiều cách thức, từ ham muốn của chúng ta, từ vô lượng hành động của chúng ta, và từ việc thường xuyên trở thành người làm của chúng ta. Không ai biết đống bụi đã tích tụ lớn đến đâu - bụi của hành động, của việc trở thành người làm ra các hành động, của bản ngã, của ý nghĩ, của ham muốn và cảm xúc. Cho nên có một tầng bụi bặm rất sâu trên chúng ta.
Vấn đề quan trọng là loại bỏ nó đi. Nếu nó được quét sạch, chúng ta lại là tấm gương. Và mọi thứ giống như tấm gương đối với người mà bản thân người đó là tấm gương. Tại sao? - vì bất kì cái gì chúng ta đang là đều được chúng ta nhìn thấy về mọi phía. Để hiểu điều này, nhớ lời kinh quan trọng này trong trí: “Chúng ta chỉ thấy cái chúng ta đang là, chúng ta chưa bao giờ thấy bất kì cái gì khác ngoài cái này.” Bất kì cái gì được chúng ta thấy bao giờ cũng là phóng chiếu của chúng ta. Bao giờ chúng ta cũng là cái đó. Đấy là khuôn mặt duy nhất của chúng ta mà chúng ta thấy. Nếu không điều gì tốt được chúng ta thấy trong thế giới bên ngoài, thế thì đấy là bởi vì hạt mầm của cái nhìn như vậy là ở bên trong chúng ta. Nếu cái xấu xí được thấy trong thế giới bên ngoài, chúng ta nên biết rằng cái xấu đó đã bắt rễ vững chắc bên trong chúng ta. Nếu chúng ta thấy bất tín ở mọi nơi bên ngoài, chúng ta nên biết rằng bất tín là ở bên trong ta. Máy chiếu ở bên trong, chỉ màn ảnh là ở bên ngoài, và chúng ta cứ liên tục phóng chiếu lên nó. Chúng ta cứ mở rộng bất kì cái gì bên trong ta lên màn hình đó.
Nếu Thượng đế không được thấy trong thế giới bên ngoài điều đó đơn giản nghĩa là chúng ta không kinh nghiệm điều thiêng liêng bên trong chúng ta. Người nhận ra Thượng đế ở bên trong bắt đầu thấy Thượng đế thường xuyên trong mọi sự vật. Thế thì không có cách khác. Thế thì người ấy sẽ thấy Thượng đế ngay cả trong tảng đá. Nhưng chỉ vào khoảnh khắc đó tảng đá mới được thấy trong Thượng đế. Với tôi không có nghĩa nào khác cho từ người duy vật ngoài nghĩa này: người duy vật là người có trái tim tâm linh đã biến thành đá. Người có trái tim bên trong giống như đá thấy đá ở mọi nơi. Với tôi, người duy linh là người có trái tim tâm linh không giống như đá mà rộn ràng, sống động, rung động
Nhà khoa học sẽ nói rằng không cái gì tâm linh trong cái đập rộn ràng của trái tim chúng ta. Nó là một loại hệ thống, không gì nhiều hơn. Nhà khoa học sẽ nói rằng bất kì trái tim nào chúng ta nói tới đều có thể được thấy bằng cách giải phẫu nó; và cái mà ta sẽ thấy chỉ là cái bơm đẩy máu tuần hoàn, bằng việc ép không khí, trong toàn bộ thân thể. Không có gì nhiều hơn điều đó. Và nếu đây là cách thức nhà khoa học nhìn trái tim của riêng mình và ngọn nguồn của cuộc sống, thế thì người đó có thể không có kinh nghiệm gì về cuộc sống cả, và không có ý thức gì về thế giới bên ngoài. Nếu trái tim đối với con người chỉ có nghĩa là cái máy để đẩy máu đi vòng bên trong, thế thì người đó sẽ chỉ thấy sự mở rộng máy móc trong thế giới bên ngoài: thế thì toàn thể hệ thống là hoàn chỉnh. Thế giới đơn thuần là một thứ máy móc. Thế giới bên ngoài chỉ là đá.
Không, còn có những cách khác để đi vào bên trong. Nếu cách thức của khoa học là cách thức duy nhất để đi vào bên trong điều đó sẽ có nghĩa là khó khăn lớn. Thế thì nhà khoa học sẽ thắng. Nhưng ông ta không thể thắng được, thất bại của ông ta là chắc chắn. Có thể sẽ có chậm trễ nào đó trong việc tìm ra những cách thức để đi vào bên trong, vì có nhiều khả năng. Chẳng hạn, ai đó muốn học chơi đàn veena. Bây giờ, có thể tìm ra đàn veena là gì bởi việc đập vỡ nó mở ra và nhìn vào trong nó. Người ta có thể dứt tất cả những sợi dây của nó, đập vỡ nó thành từng mảnh, xem xét từng mẩu, và cuối cùng tuyên bố, “Không có nhạc nhã gì trong đó cả. Ai nói đây là nhạc cụ? Ở đây, nó đang ở trước tôi đã được tách thành từng mẩu, và không có nhạc nhã gì trong nó cả.”
Nếu đây là cách duy nhất để biết đàn veena là gì thế thì nhạc sĩ đã thua rồi. Nhưng còn có cách khác để tìm ra đàn veena là gì. Chắc chắn đấy là cách khó khăn; phá nó ra thì dễ, nhưng để biết nó thực sự là gì, là rất gian nan. Chỉ bằng cách chơi nó người ta có thể biết được cái đang được giấu kín trong tim của đàn veena. Nó tinh tế đến mức khó mà hiểu thấu, chắc chắn vậy, và nếu bạn điếc bạn sẽ không hiểu thấu nó được chút nào. Nếu bạn chỉ có hiệu quả về mặt trí tuệ, nhưng khiếm khuyết về nhạy cảm, khiếm khuyết về tình cảm, thế thì bạn sẽ không hiểu cho dù bạn nghe nó. Khi người ta nghe nhạc, người ta chỉ nghe thấy âm thanh - dồi dào âm thanh. Nhưng âm nhạc mang nghĩa cái gì đó còn nhiều hơn là chỉ việc nghe. Trong khi nghe nó, cái gì đó khác được thêm vào. Chúng ta phải dồn cả trái tim mình vào nó; thế và chỉ có thế thì âm thanh biến thành âm nhạc. Ngoài ra chỉ có âm thanh lẫn lộn, chỉ có tiếng ồn mà thôi.
Nếu chỉ có một cách duy nhất để biết trái tim - cách của nhà giải phẫu tiến hành mổ nó ra trên bàn mổ - điều đó sẽ không tốt; nhưng cũng có nhiều cách khác nữa. Người tâm linh biết điều đó, thánh nhân biết điều đó. Người đó đã đi tới việc biết nó bởi việc chơi theo trái tim, không phải bởi việc tháo nó rời ra từng phần.
Người đó đã biết nó bởi việc tạo ra âm nhạc từ trái tim. Cho nên người đó hỏi, “Bạn đang nói tới trái tim bên trong nào vậy? Bạn cũng điên khùng và gàn dở như người đập vỡ bóng điện, lấy từng mảnh thuỷ tinh vỡ về nhà và nói, ‘Đây là ánh sáng.’” Đúng là ánh sáng đã được tạo ra qua nó, nhưng mảnh thuỷ tinh mà bạn đem về nhà không là và đã không là ánh sáng. Điều ánh sáng đó tan biến khi bóng đèn bị đập vỡ là sự kiện. Cho nên lập luận logic đằng sau sự kiện này dường như đúng - rằng khi bóng đèn bị đập vỡ ánh sáng đi mất, cho nên bóng đèn là ánh sáng; bằng không ánh sáng phải không mất đi khi bóng đèn bị đập vỡ. Những mẩu vụn ta đem về nhà đã tạo nên ánh sáng toàn bộ. Điều này là đúng, rằng khi bóng đèn bị đập vỡ ánh sáng biến mất; nó không bị mất đi hay bị phá huỷ, nó đơn giản biến mất, trở thành không thấy được. Cái môi giới làm cho nó thấy được đã bị đập vỡ.
Nếu chúng ta phá huỷ trái tim, môi giới cho tâm linh biểu hiện bị phá vỡ. Bóng đèn bị đập vỡ. Thế thì trái tim tâm linh không thể chiếu sáng ra, cũng hệt như ánh sáng không thể chiếu sáng ra từ việc đập vỡ bóng đèn. Tâm linh do vậy bị che giấu. Trái tim chỉ giúp cho tâm linh biểu hiện. Nhưng có rất ít người trong số chúng ta đã biết tới trái tim tâm linh. Chúng ta chỉ biết tới trái tim vật lí, qua đó mà máu được tuần hoàn và cuộc sống được động viên. Chúng ta chỉ biết cách bố trí máy móc này, cho nên chúng ta thấy nó được khuếch đại trong thế giới bên ngoài nữa.
Cái ngày chúng ta đi tới biết về tâm thức tối cao bên trong mình, thế thì thế giới bên ngoài cũng sẽ xuất hiện với chúng ta như sự mở rộng của tâm thức tối thượng. Cái toàn thể sẽ là tấm gương cho chúng ta khi chúng ta trở thành tấm gương bên trong. Nếu chúng ta đứng gần một tảng đá, thế thì chúng ta sẽ có khả năng thấy bản thân mình ngay cả trong tảng đá đó. Thế thì chúng ta sẽ không nhìn vào tảng đá đó với cái cứng rắn mà chúng ta đang nhìn vào con người bây giờ. Thế thì chúng ta sẽ chạm vào hòn đá cứ như là chúng ta đang chạm vào người yêu, bởi vì thế thì tảng đá không còn là tảng đá nữa, nó là Thượng đế. Thế thì chúng ta sẽ bước đi trên mặt đất với chăm chú, nhạy cảm và nhận biết lớn, vì cũng có sự sống ẩn trong đó, cũng có sự mở rộng của sự tồn tại, và ở đó cuộc sống cũng đang đập rộn ràng; cũng có ai đó đang nhảy múa. Sự tồn tại đang nhảy múa theo những chiều hướng khác nhau, trong những hình dạng khác nhau, và trong những cách thức khác nhau. Chúng ta không chỉ là người chủ của cuộc sống. Các hình thái của nó là vô tận, và chúng ta là một trong chúng. Hình thái của chúng ta là một cách thức rất nhỏ bé. Và vậy mà chúng ta không có tri thức nào về con đường vào trong của mình.
Làm sao chúng ta có thể trở thành tấm gương được? Để trở thành tấm gương chúng ta sẽ phải chùi sạch bụi bặm đã lắng đọng lên mình. Chúng ta không chỉ phải loại bỏ nó mà chúng ta còn phải dừng việc thu thập bụi mới. Nếu chúng ta cứ chùi bụi tại đầu phía này và đồng thời chúng ta tiếp tục cách sống thu thập nó, thế thì không có khả năng nào trở thành tấm gương được. Chúng ta phải tấn công trên hai mặt. Bụi bặm cũ, bụi đã tích luỹ, sẽ phải được loại bỏ và đồng thời chúng ta phải dừng việc thu thập bụi . Bụi cũ được tích luỹ dưới dạng kí ức còn bụi mới được thu thập qua ham muốn. Bụi cũ được tích trữ trong kí ức còn bụi mới đến qua ham muốn.
Cả hai nỗ lực này đều phải được tiến hành đồng thời. Chúng ta sẽ phải giải phóng bản thân mình khỏi kí ức và khỏi ham muốn. Chúng ta phải nói với các ham muốn của mình rằng chúng ta không muốn có bất kì cái gì bây giờ, bây giờ không còn hành trình thêm nữa, và chúng ta phải bảo kí ức của mình rằng điều đã xảy ra trong quá khứ bây giờ chỉ là giấc mơ mà thôi. Không cần phải cứ mang tải trọng này một cách vô dụng. Nhưng tất cả chúng ta đều đang mang tải trọng kí ức của mình. Chúng ta không quên cái gì cả; ngược lại, chúng ta nuôi dưỡng kí ức cũ và ôm giữ chúng. Chúng ta thu thập đồ phế thải này và cõng nó trên vai. Từ lúc sinh tới lúc chết chúng ta thu thập đồ phế thải của mình. Cho nên chúng ta phải bỏ qua kí ức. Chúng ta phải nói, “Điều đã xảy ra đã xảy ra rồi, bây giờ mình không phải là cái ta cũ nữa.” Chúng ta phải tự mình tách hẳn khỏi ngày hôm qua. Chúng ta phải giải phóng bản thân mình khỏi quá khứ và khỏi cả tương lai nữa. Khi chúng ta được tự do khỏi hai điều này, thế thì tâm trí chúng ta sẽ trở thành tấm gương.
Với tôi, sannyasin là người nói, “Tôi tách mình khỏi quá khứ. Bây giờ tôi không phải là cái tôi đã là ngày hôm qua - tôi chấm dứt đồng nhất đó.” Đó là lí do tại sao cái tên được thay đổi. Việc đổi tên là tượng trưng. Nó có nghĩa: “Tôi sẽ không là cái tôi cũ mà đã được gắn với cái tên cũ. Bây giờ tôi giải phóng mình khỏi cái đó. Bây giờ tôi chôn vùi những kỉ niệm cũ đó, cái đống cũ lộn xộn toàn những thứ quá khứ đó, cùng với cái tên cũ của tôi. Bây giờ tôi là một người mới và bắt đầu cuộc hành trình của mình từ đầu.” Trong quyết tâm kiên định trở thành con người mới từ hôm nay, từ nay, từ bây giờ, tính chất sannyas thật được tìm thấy.
Nhớ điều này: tự do khỏi quá khứ là điều có thể được; nhưng nếu chúng ta vẫn tiếp tục thói quen cũ của mình thế thì quá khứ của chúng ta sẽ vẫn còn là quá khứ của chúng ta. Hiệu quả của việc đổi tên kéo dài được bao lâu? Nó sẽ không còn lại mới cho dù chỉ một khoảnh khắc. Sau khi cắt đứt với quá khứ, nếu chúng ta tiếp tục những thói quen cũ, thế thì chúng ta sẽ thu thập những kỉ niệm cũ quanh cái tên mới, và cùng gánh nặng cũ sẽ có đấy, và tấm gương sẽ vẫn cứ còn bị che giấu.
Cho nên sannyas là giải pháp hai mặt. Cắt đứt khỏi quá khứ - tức là, “Tôi bây giờ không là cái tôi đã là ngày hôm qua; tôi phá vỡ sự liên tục. Tôi là nhận biết. Bây giờ tôi là con người mới. Cái tên cũ không còn là tên của tôi. Ông ấy không phải là bố tôi, đấy không phải là gia đình tôi. Không, cái quá khứ đó không có liên quan gì tới tôi. Tôi được tái sinh từ hôm nay.”
Một người tên là Nicodamus có lần tới gặp Jesus và hỏi, “Tôi phải làm gì để đạt tới cực lạc mà ông đang nói tới?”
Jesus nói, “Ông sẽ phải được sinh ra lần nữa.”
Người này hỏi, “Làm sao điều ấy có thể được? Ông đang nói gì vậy? Làm sao điều ấy là có thể được? Tôi đã được sinh ra rồi, tôi đã từng là đứa trẻ. Bây giờ làm sao tôi có thể được sinh ra nữa?”
Jesus nói, “Ông đã không hiểu tôi. Ông chưa bao giờ sinh ra, cho nên tôi bảo ông, ông sẽ phải được sinh ra lần nữa. Ông sẽ phải được sinh ra là một người mới. Ông sẽ phải được sinh ra tự do với cái đống lộn xộn quá khứ những kỉ niệm và mối quan hệ của ông.”
Trong nước ta, chúng ta quen gọi một người như vậy là được sinh ra hai lần. Được sinh ra hai lần không có nghĩa là người ta phải trải qua nghi lễ điểm đạo của người brahmin trong việc đặt sợi dây thiêng liêng. Nó có nghĩa là một người có lần sinh thứ hai đã xảy ra. Không ai có thể được sinh ra hai lần trước khi trở thành sannyasin. Không ai có thể được sinh ra hai lần chỉ bởi việc đặt sợi dây thiêng liêng. Không ai có thể được sinh ra hai lần bởi việc được sinh ra trong một gia đình brahmin. Từ dwija có nghĩa là một người đã lấy lần sinh thứ hai. Lần sinh thứ nhất do cha mẹ trao cho và lần thứ hai là kết quả của sự cố gắng của riêng của người ta.
Nó là quá trình kép. “Tôi đang cắt đứt bản thân mình với quá khứ và cả với hình mẫu sống cũ mà qua đó tôi đã trở nên ngày càng gắn bó hơn với quá khứ. Bây giờ tôi được sinh ra mới mẻ hàng ngày. Bây giờ sẽ không có bụi bặm đọng vào tấm gương của tôi. Bây giờ cái tên này sẽ vẫn còn tươi tắn mãi mãi. Bây giờ sẽ không có kí ức gắn với nó. Bây giờ tôi sẽ không bao giờ nói tôi đã làm điều này và tôi đã không làm điều kia. Bây giờ tôi sẽ không bao giờ tuyên bố rằng tôi là người làm. Bây giờ tôi sẽ không bao giờ nói rằng toà nhà là của tôi, hay của cải là của tôi, hay tài sản là của tôi.”
Nhớ điều này: sannyasin không phải là người bỏ gia đình mình và bắt đầu nói, “Đạo tràng là của tôi.” Sannyasin là người đã chấm dứt việc dùng từ ‘của tôi’. Người ấy sống ở đâu không thành vấn đề nữa. Người ấy có thể ngồi đấy cai quản cửa hàng, miễn là cửa hàng không trở thành ‘của tôi’. Thế thì toàn thể vấn đề chấm dứt. Nhưng chúng ta có thói quen rời bỏ cửa hàng, bỏ nó, và thế rồi tái xác nhận thói quen cũ của chúng ta bằng việc đi vào đạo tràng và bắt đầu nói về đạo tràng của tôi. Thế thì đâu có khác biệt gì dù cho chúng ta sống ở nhà hay sống trong đạo tràng. Thế thì đổi tên là vô dụng. Việc ấy vô dụng như việc voi tắm trong sông hay ao, rồi đi ra và tung bụi đất lên thân nó. Việc tắm không phục vụ cho mục đích nào. Toàn bộ lao động bị phí hoài.
Lời kinh này của Upanishad đang yêu cầu chúng ta là tấm gương. Tâm trí đúng là tấm gương. Người có thể nói, “Tôi không có quá khứ không tương lai, tôi đang sống tại đây và bây giờ; chính khoảnh khắc này là tất cả,” người ấy trở thành một tấm gương ngay lập tức.
Làm sao có thể có bất kì căm ghét nào trong trái tim phản ánh mọi đối tượng hữu tình và vô tình trong tấm gương riêng của nó? Và làm sao có thể có bất kì cảm giác căm ghét nào khi phản xạ riêng của người ấy được thấy trong mọi đối tượng hữu tình và vô tình? Cảm giác căm ghét mất đi; khói của nó tan biến. Đám mây khói biến mất, và cái trở nên thấy được là mặt trời, mặt trời của tình yêu. Nhớ lấy, chừng nào vẫn còn có căm ghét trong tim bạn, tình yêu bạn làm ra và cứ làm ra chỉ có thể là một dạng của căm ghét. Khi căm ghét tan biến tại chính gốc rễ của nó - tức là, khi nó biến mất hoàn toàn và chung cuộc - cái được sinh ra là tình yêu.
Chỉ sannyasin mới có thể làm ra tình yêu. Chính là từ cái ta - linh hồn - dòng suối tình yêu đó chảy ra. Không cái gì ngoài căm ghét sẽ chảy ra từ thân thể và tâm trí. Chỉ căm ghét sẽ chảy ra từ những ý tưởng ích kỉ - ý tưởng về của tôi và của bạn. Người tìm kiếm phải hiểu đúng nghệ thuật tự mình trở thành tấm gương. Ngay khi người ấy có thể, người ấy phải học để làm khoảnh khắc hiện tại thành sự tồn tại của người đó, và bắt đầu sống từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc. Người ấy phải tách hẳn bản thân mình với quá khứ cũng như tương lai. Người ấy phải tìm ra tự do khỏi kí ức và ham muốn. Thế thì bụi bặm tích luỹ sẽ phai đi và sẽ không có khả năng nào cho bụi mới lắng đọng.
Xem tiếp Chương 8 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post