Chương 7. Thiền sư và tên trộm - chuyện ngụ ngôn về tha thứ

Chương 7. Thiền sư và tên trộm - chuyện ngụ ngôn về tha thứ

Price:

Read more

Osho - Từ Bi: Việc Nở Hoa Tối Thượng Của Tình Yêu
Chương 7. Thiền sư và tên trộm - chuyện ngụ ngôn về tha thứ


Khi Bankei tổ chức vài tuần thiền tách biệt, học trò từ nhiều nơi ở Nhật đổ tới dự. Một học trò thuộc vào một trong những nhóm học trò này bị bắt vì ăn cắp. Vụ này được báo lên cho Bankei với yêu cầu kẻ phạm tội phải bị đuổi đi. Bankei bỏ qua vụ này.
Lần sau học trò này lại bị bắt trong một hành động tương tự, và lần nữa Bankei lại không xem xét tới sự vụ. Điều này làm cho các học trò khác tức giận, những người này viết đơn thỉnh cầu đuổi tên trộm, nói rằng nếu không làm vậy họ sẽ rời bỏ khỏi nhóm.
Khi Bankei đọc lời thỉnh cầu ông ấy gọi mọi người tới trước mình. "Các trò là đạo hữu khôn đấy," ông ấy bảo họ. "Các trò biết cái gì là đúng và cái gì là không đúng. Các trò có thể đi chỗ khác để học nếu muốn, nhưng trò đáng thương này thậm chí còn không biết cái đúng với cái sai. Ai sẽ dạy anh ta nếu ta không dạy? Ta sẽ giữ anh ta lại đây cho dù tất cả các trò bỏ đi."
Một dòng nước mắt lau sạch khuôn mặt của trò này, người đã ăn cắp. Mọi ham muốn ăn cắp đã tan biến.
Câu chuyện này xảy ra trong một trại thiền, một phiên thiền, cho nên bạn phải hiểu thiền là gì. Đó là lí do tại sao tôi đi vào trong thiền sâu thế - bằng không bạn sẽ bỏ lỡ toàn thể vấn đề của câu chuyện. Những câu chuyện này không phải là chuyện thường, chúng cần bối cảnh lớn lao. Chừng nào bạn còn chưa hiểu thiền là gì, bạn sẽ đọc, "Khi Bankei tổ chức vài tuần thiền tách biệt" - nhưng bạn sẽ không hiểu.
... học trò từ nhiều nơi ở Nhật đổ tới dự. Một học trò thuộc vào một trong những nhóm học trò này bị bắt vì ăn cắp.
Những học trò đó ở mọi nơi, bởi vì con người mang tâm trí hướng theo tiền thế. Và đừng nghĩ rằng người đã ăn cắp là khác lắm với những người mà người đó ăn cắp; họ tất cả đều cùng trên một con thuyền thôi. Cả hai đều mang tâm trí hướng theo tiền. Người có tiền, người không có tiền - đó là sự khác biệt. Nhưng cả hai đều mang tâm trí hướng theo tiền.
Vụ này được báo lên cho Bankei với yêu cầu kẻ phạm tội phải bị đuổi đi. Bankei bỏ qua vụ này.
Tại sao ông ấy lại bỏ qua vụ này? Bởi vì cả hai đều mang tâm trí hướng theo tiền. Cả hai đều là kẻ cắp - kẻ cắp này cố gắng lấy các thứ từ kẻ cắp khác, có vậy thôi. Trong thế giới này, nếu bạn tích trữ cái gì đó bạn trở thành kẻ cắp, nếu bạn có cái gì đó bạn trở thành kẻ cắp. Có hai loại kẻ cắp trên thế giới: một loại, những kẻ cắp được kính trọng, được thừa nhận bởi quốc gia, được quốc gia ban thưởng, đăng kí, cấp phép - và loại kia, những người không được cấp phép nhưng vẫn làm điều đó theo cách riêng của họ. Ăn cắp bất hợp pháp và hợp pháp. Kẻ ăn cắp hợp pháp là người được kính trọng; kẻ ăn cắp bất hợp pháp tất nhiên không được kính trọng, bởi vì họ đi ngược lại qui tắc.
Những người láu cá không bao giờ đi ngược qui tắc, họ tìm cách ăn cắp bằng cách đi vòng qua qui tắc. Nhưng có vài người không láu cá được như vậy. Thấy rằng nếu họ tuân theo các qui tắc này họ sẽ không bao giờ có được cái gì cả, họ vứt bỏ qui tắc và bắt đầu làm những điều bất hợp pháp. Nhưng mọi người đều là kẻ điên vì tiền. Đó là lí do tại sao Bankei bỏ qua vụ này.
Lần sau học trò này lại bị bắt trong một hành động tương tự, và lần nữa Bankei lại không xem xét tới sự vụ.
Ông ấy biết rằng cả hai đều trong cùng con thuyền; không có mấy khác biệt.
Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng khi một người thành công trong hành động tội phạm của mình, người đó trở nên được kính trọng. Chỉ nếu người đó thất bại, thế thì người đó trở thành tội phạm. Kẻ cướp thành công trở thành vua, và vua không thành công trở thành kẻ cướp. Vấn đề chỉ là ai thành công thôi. Nếu bạn có quyền lực, bạn là hoàng đế vĩ đại. Bây giờ Alexander này là gì, Alexander Đại đế sao? Tên trộm cướp lớn - nhưng ông ta thành công.
Cái gọi là các chính khách của bạn tất cả đều là kẻ trộm cướp. Họ cố gắng tiêu diệt những kẻ cướp khác - họ có thể chống buôn lậu, họ có thể chống trộm cắp đấy, họ có thể chống cái này cái nọ. Nhưng sâu bên dưới họ đều là những tên buôn lậu cỡ bự nhất, những tên trộm bự nhất. Nhưng họ làm mọi sự một cách hợp pháp - hay ít nhất họ xoay xở để chứng tỏ rằng họ đang làm mọi thứ một cách hợp pháp. Và họ thành công, ít nhất trong khi họ đang có quyền lực. Khi quyền lực qua rồi, thế thì tất cả những câu chuyện hay ho đó về họ đơn giản biến mất.
Một khi chính khách bị truất phế, ông ta trở thành hiện tượng xấu. Ông ta có thể là Richard Nixon hay bà ta có thể là Indira Gandhi. Một khi chính khách bị truất phế, một khi quyền lực qua rồi, một khi quyền lực không còn đó để bảo vệ bạn, thế thì mọi thứ bị phơi bầy ra. Nếu bạn biết cách một người đã trở nên giầu thế thì bạn sẽ không có khả năng kính trọng người đó. Nhưng nếu người này thực sự giầu có, người này có thể xoay xở để làm cho mọi người im lặng. Và thế thì mọi người có kí ức rất nhỏ - họ quên đi.
Tôi mới đọc trong một cuốn sách lịch sử nào đó rằng hai mươi người đã bị trục xuất khỏi nước Anh; họ là cướp biển. Và điều gì đã xảy ra sau ba mươi năm? Tất cả hai mươi người đó, vài người trong họ tới Australia, và vài người trong họ tới Mĩ. Vài người trong họ đã trở thành thống đốc ở Mĩ, vài người trong số họ đã trở thành chủ ngân hàng, chủ đất - tất cả hai mươi người đó đã trở thành những người rất đáng kính.
Đó là lí do tại sao Bankei đã bỏ qua tình huống này. Ông ấy đã không chú ý mấy, ông ấy đã không ghi chép gì về điều đó. "Thế cũng được, đây là cách mọi sự diễn ra trên thế giới." Người không có tâm trí hướng tiền sẽ bỏ qua nó.
Điều này làm cho các học trò khác tức giận, những người này viết đơn thỉnh cầu đuổi tên trộm, nói rằng nếu không làm vậy họ sẽ rời bỏ khỏi nhóm.
Bây giờ, những người này đã không ở đó để thiền chút nào. Nếu bạn đã tới để thiền, bạn hiểu vài yêu cầu - rằng bạn phải trưởng thành trong tâm trí ít hướng tiền hơn, rằng bạn phải đạt tới sự tách rời nào đó khỏi mọi của cải của mình. Rằng không thành vấn đề gì mấy là ai đó đã lấy đi vài đồng - rằng điều đó không thành vấn đề gì nhiều, rằng điều đó không phải là chuyện sống chết.
Rằng bạn phải hiểu cách tâm trí vận hành, cách mọi người đều mang tâm trí hướng tiền.
Bạn chống lại kẻ cắp bởi vì người đó lấy tiền của bạn. Nhưng làm sao nó là của bạn? Bạn phải đã lấy nó từ ai đó khác theo cách khác nào đó - bởi vì không ai tới thế giới này mà có tiền cả, tất cả chúng ta đều tới với hai bàn tay trắng. Tất cả những thứ chúng ta sở hữu chúng ta cứ đòi là của riêng mình, nhưng chẳng cái gì thuộc vào bất kì ai. Nếu một người mà thực sự tới để thiền, đây sẽ là thái độ của người đó - rằng chẳng cái gì thuộc vào bất kì ai. Người đó ngày càng ít gắn bó với mọi thứ.
Nhưng những người này đều là những người mang tâm trí hướng tiền. Và khi bạn mang tâm trí hướng tiền, một cách tự nhiên chính trị đi vào. Khi họ thấy rằng kẻ cắp này đã bị bỏ qua hai lần, họ phải đã nghĩ, "Đây là cái loại thầy gì vậy? Dường như là ông ấy thiên vị kẻ cắp!" Họ không thể nào hiểu được tại sao ông ấy đã bỏ qua điều đó. Ông ấy bỏ qua điều đó chỉ để chứng tỏ cho họ rằng họ phải vứt bỏ tâm trí hướng tiền của họ. Vâng, ăn cắp là xấu, nhưng tâm trí hướng tiền của họ cũng chẳng tốt.
Khi họ thấy hai lần họ đã bị bỏ qua, họ trở nên giận. Họ thảo ra lời thỉnh cầu - chính trị đi vào ngay lập tức, phản đối, thỉnh cầu - "thỉnh cầu đuổi tên trộm, nói rằng nếu không làm vậy họ sẽ rời bỏ khỏi nhóm."
Bây giờ, họ không ở đó để thiền chút nào. Nếu họ mà thực sự ở đó để thiền, cách tiếp cận của họ tới vấn đề này sẽ hoàn toàn khác. Họ sẽ cảm thấy chút ít từ bi hơn với người này, với sự thèm khát của người này về tiền. Nếu họ mà thực sự là thiền nhân họ đã đóng góp chút tiền và đem cho người này - "Xin nhận lấy món tiền này, thay vì ăn cắp." Điều đó sẽ là chỉ dẫn rằng họ đã ở đó để thiền, để được biến đổi.
Nhưng bây giờ họ đã thảo ra bản thỉnh cầu về việc đuổi tên ăn cắp. Mà không chỉ thế - với lời đe doạ rằng nếu người đó không bị tống ra thì họ sẽ rời bỏ nhóm.
Bạn không thể đe doạ được bậc thầy như Bankei.
Khi Bankei đọc lời thỉnh cầu ông ấy gọi mọi người tới trước mình. "Các trò đều là đạo hữu khôn đấy," ông ấy bảo họ. "Các trò biết cái gì là đúng và cái gì là không đúng. Các trò có thể đi chỗ khác để học nếu muốn, nhưng trò đáng thương này thậm chí còn không biết cái đúng với cái sai. Ai sẽ dạy anh ta nếu ta không dạy? Ta sẽ giữ anh ta lại đây cho dù tất cả các trò bỏ đi."
Nhiều điều phải được hiểu. Khi thầy nói, "Các trò đều là đạo hữu khôn đấy," thầy đang diễu cợt họ, thầy đơn giản đánh mạnh vào họ. Thầy không nói họ khôn đâu, thầy đang nói họ cực kì ngu. Nhưng mọi kẻ ngu đều nghĩ bản thân mình là khôn. Thực tế, nghĩ bản thân mình khôn là một trong những yêu cầu căn bản của việc là người ngu. Người khôn nghĩ họ không khôn. Người ngu bao giờ cũng nghĩ họ khôn.
Bây giờ, đây toàn là lũ ngu. Họ đã không ở đó để sở hữu tiền, đã không ở đó để được tiền - họ đã ở đó để được cái gì đó lớn lao hơn, cái gì đó cao hơn nhiều, nhưng họ đã quên mất tất cả về nó. Thực tế, kẻ cắp này đã cho họ cơ hội để thấy. Nếu như họ là các thiền nhân thực thì họ đã đi tới người này và cám ơn người này - "Anh đã cho chúng tôi cơ hội để thấy chúng tôi còn bám vào tiền nhiều thế nào. Anh đã làm chúng tôi rối loạn làm sao! Chúng tôi đã hoàn toàn quên mất tất cả về thiền, chúng tôi đã quên mất chúng tôi tới đây để làm gì. Chúng tôi đã quên bậc thầy Bankei này."
Họ có thể đã đi hàng trăm dặm đường, hay thậm chí hàng nghìn dặm - Trung Quốc là nước lớn. Họ phải đã du hành hàng tháng, bởi vì vào những ngày đó du hành không dễ dàng thế. Họ đã tới, họ đã nghe nói về bậc thầy này và họ đã tới từ những nơi xa xôi để học thiền với ông ấy. Và ai đó ăn cắp, và họ đã quên tất cả! Họ đáng phải cám ơn tên trộm này: "Anh đã mang cái gì đó vào trong tâm thức chúng tôi - sự gắn bó điên khùng nào đó với tiền đã bật ra cho chúng tôi, đã trồi lên bề mặt."
Khi Bankei nói, "Các trò đều là đạo hữu khôn đấy," ông ấy đang trêu chọc. Ông ấy đang nói, "Các trò toàn lũ ngu. Nhưng các trò nghĩ các trò rất khôn, các trò nghĩ các trò biết cái gì là đúng và cái gì là sai. Các trò thậm chí còn cố dạy ta cái gì là đúng và cái gì là sai. Các trò đang nói với ta, 'Thầy tống người này đi, bằng không chúng tôi sẽ bỏ đi đấy.' Các trò cố ra lệnh cho ta. Các trò nghĩ các trò biết cái gì đúng và cái gì sai sao? Thế thì các trò có thể đi bất kì đâu - bởi vì các trò khôn thế, các trò sẽ có khả năng học ở bất kì đâu. Nhưng người này sẽ đi đâu? Anh ta là người ngu thế!"
Hãy thấy vấn đề, sự mỉa mai của nó. Nhớ, tính đúng của người đúng không bao giờ rất đúng đâu. Những người nghĩ họ đúng hầu hết tất cả đều là người ngu. Cuộc sống phức tạp thế và cuộc sống tinh tế tới mức bạn không thể quyết định được dễ dàng rằng bạn đúng và ai đó khác sai. Thực tế, người không có mấy hiểu biết sẽ thấy rằng mình chưa bao giờ sa bẫy của việc là đúng.
Bây giờ những học trò này của Bankei nghĩ họ biết cái gì là đúng và cái gì là sai, và tên trộm này đã phạm phải điều sai, và thầy đáng phải tống nó đi. Và nếu thầy không tống anh ta đi, thế thì thầy cũng sai. Bây giờ họ thành quá đáng trong khôn ngoan của mình - họ nghĩ họ biết. Họ không thấy từ bi của thầy, họ không thấy thiền của thầy. Họ không thấy rằng thầy đã trở thành vị phật - Bankei là một trong những Thiền sư vĩ đại. Họ không thấy ai đang hiện diện trước họ, và họ đang phản đối và đe doạ ông ấy.
Con người ngu xuẩn thế - con người đã làm đủ mọi loại điều ngu xuẩn trong nhiều thời đại. Và điều ngu xuẩn nhất thường bị phạm phải bất kì khi nào có vị phật - bởi vì bạn không thể hiểu được, bạn không thể thấy được ai đang đương đầu với bạn. Bạn cứ tiếp tục cách thức ngây thơ và chưa trưởng thành của mình, bạn cứ nói điều vô nghĩa.
Bankei nói:
Các trò đều là đạo hữu khôn đấy, các trò biết cái gì là đúng và cái gì là không đúng. Các trò có thể đi chỗ khác để học nếu muốn, nhưng trò đáng thương này thậm chí còn không biết cái đúng với cái sai. Ai sẽ dạy anh ta nếu ta không dạy?
Cho nên các trò đi đi, và ta sẽ giữ anh ta lại và ta sẽ dạy anh ta.
Ta sẽ giữ anh ta lại đây cho dù tất cả các trò bỏ đi.
Thỉnh thoảng điều xảy ra là người nghĩ mình đúng còn khó dạy hơn là người nghĩ mình không đúng. Dễ dạy cho tội đồ hơn là dạy cho thánh nhân. Dễ dạy cho người cảm thấy sâu bên dưới rằng mình đang làm cái gì đó sai - bởi vì người đó thực sự học. Bản thân người đó muốn gạt bỏ trạng thái này. Nhưng người nghĩ "Mình đang làm điều đúng" - người đó không muốn gạt bỏ trạng thái này, người đó hoàn toàn hạnh phúc với nó. Không thể nào thay đổi được người đó.
Tại sao thầy nói, "Tất cả các trò có thể đi và ta sẽ giữ một người này, trò đáng thương này"? Tại sao? Bởi vì trò đáng thương này có khả năng, có tiềm năng.
Chuyện xảy ra là một người, một kẻ tội phạm lớn, kẻ giết người, tội đồ, tới để xin được Phật điểm đạo. Khi người đó tới người đó sợ rằng mọi người có thể không cho phép vào; các đệ tử có thể không cho phép người đó gặp Phật. Cho nên người đó tới vào lúc không còn mấy người. Và người đó đã không vào theo cổng chính, người đó nhảy qua tường.
Tình cờ Phật không có đó - ông ấy đã đi xin ăn - và người này bị bắt. Người đó nói với các đệ tử, "Tôi không tới để ăn cắp hay cái gì cả, tôi chỉ sợ rằng các ông sẽ không cho phép tôi qua cổng chính. Mọi người đều biết tôi, tôi là nhân vật khét tiếng khắp quanh đây. Tôi là người bị ghét và bị sợ nhất quanh đây, mọi người đều biết tôi. Cho nên tôi sợ các ông có thể không cho tôi vào, các ông có thể không tin rằng tôi muốn trở thành đệ tử."
Thế là họ đưa người này tới một trong các đại đệ tử của Phật, Sariputra - cũng là nhà chiêm tinh nữa, và có năng lực, năng lực viễn cảm, đọc kiếp sống quá khứ của mọi người. Họ yêu cầu Sariputra, "Ông xem hộ người này. Chúng tôi biết rằng trong kiếp này người đó là kẻ giết người, kẻ tội đồ, kẻ cắp, và người đó đã làm đủ mọi điều. Nhưng có thể người đó đã thu được đức hạnh nào đó trong các kiếp quá khứ của mình - có thể đó là lí do tại sao người đó lại muốn trở thành sannyasin. Ông xem hộ các kiếp quá khứ của anh ta."
Sariputra nhìn vào trong tám mươi nghìn kiếp sống quá khứ của người đó... và người đó bao giờ cũng như nhau cả! Ngay cả Sariputra cũng bắt đầu run, khi xem cho người này. Người đó nguy hiểm thế - tám mươi nghìn lần là kẻ giết người. kẻ tội phạm, bao giờ cũng là tội đồ. Người đó là kẻ tội đồ đã được xác minh! Điều đó là không thể được - bất kì thay đổi nào trong con người này cũng là không thể được. Ngay cả Phật cũng không thể làm được gì.
Sariputra nói, "Tống người này ra, đem anh ta đi ngay lập tức - bởi vì ngay cả Phật cũng sẽ là thất bại với người này. Anh ta là kẻ tội đồ đã được xác minh. Cũng như Phật là vị phật đã được xác minh, anh ta là tội đồ đã được xác minh. Tám mươi nghìn kiếp sống ta đã xem qua, và ta không thể vượt ra ngoài điều đó được. Thế là đủ rồi!"
Thế là người này bị đuổi ra. Anh ta cảm thấy bị tổn thương thế, rằng không còn cơ hội nào cho mình. Vẫn sống đấy, anh ta không thể nào ở quanh Phật được - cho nên anh ta muốn tự tử. Ngay góc quanh cổng chính anh ta đi tới bức tường và định đập đầu mình vào tường đá để giết chết bản thân mình. Và bỗng nhiên Phật quay lại sau khi đã đi ăn xin xung quanh, và thấy anh ta. Ông ấy ngăn anh ta lại, và ông ấy đưa anh ta vào bên trong và ông ấy điểm đạo cho anh ta.
Và câu chuyện nói rằng trong vòng bẩy ngày người này đã trở thành a la hán - trong vòng bẩy ngày anh ta đã trở thành người chứng ngộ. Bây giờ, mọi người đâm ra rất phân vân. Sariputra tới Phật và ông ấy nói, "Điều này là gì vậy? Tất cả mọi thấu thị của tôi, tất cả mọi chiêm tinh của tôi chỉ là điều vô nghĩa sao? Tôi đã xem tám mươi nghìn kiếp sống của người này! Nếu người này có thể trở nên chứng ngộ trong bẩy ngày, thế thì phỏng có ích gì mà nhìn vào các kiếp sống của người ta? Thế thì tất cả đều ngớ ngẩn. Làm sao điều như vậy lại có thể xảy ra được?"
Và Phật nói, "Ông đã nhìn vào các kiếp sống quá khứ của anh ta, nhưng ông đã không nhìn vào tương lai của anh ta. Và quá khứ là quá khứ! Bất kì khoảnh khắc nào một người quyết định thay đổi, người đó có thể thay đổi được - chính quyết định đó mang tính quyết định. Và khi một người đã sống tám mươi nghìn kiếp sống của khổ sở, người đó biết - và người đó khao khát thay đổi, và sự mãnh liệt của người đó với mục đích thay đổi là vô hạn. Do đó, trong bẩy ngày điều đó có thể xảy ra.
"Sariputra, ông vẫn còn chưa trở nên chứng ngộ. Ông là người tốt, ông có các kiếp sống tốt - ông không cảm thấy nặng gánh thế với quá khứ của mình. Ông có một loại tính đúng quanh bản thân mình. Ông đã là một Brahmin trong nhiều kiếp, một học giả, người được tôn kính. Nhưng hãy nhìn con người này. Anh ta bị nặng gánh trong tất cả tám mươi nghìn kiếp sống đó, và anh ta muốn được tự do. Anh ta thực sự muốn được tự do; do đó mới có phép màu này - trong vòng bẩy ngày anh ta thoát ra khỏi nhà tù. Sự mãnh liệt của quá khứ của anh ta đã lái anh ta đi."
Đây là một trong những điều cơ bản cần hiểu trong việc biến đổi mọi người. Những người cảm thấy mặc cảm là dễ được biến đổi. Những người cảm thấy tốt, đúng, là rất khó biến đổi. Người tôn giáo là rất khó biến đổi, người phi tôn giáo là dễ biến đổi hơn. Cho nên bất kì khi nào người tôn giáo tới tôi, tôi không ghi chép mấy về người đó. Nhưng bất kì khi nào một người phi tôn giáo tới tôi, tôi thực sự quan tâm. Tôi ở trong người đó, tôi ở cùng người đó, tôi tất cả ủng hộ cho người đó bởi vì có khả năng.
Đó là lí do tại sao Bankei nói:
Ai sẽ dạy anh ta nếu ta không dạy? Ta sẽ giữ anh ta lại đây cho dù tất cả các trò bỏ đi.
Một dòng nước mắt lau sạch khuôn mặt của trò này, người đã ăn cắp. Mọi ham muốn ăn cắp đã tan biến.
Và trong cơn mưa rào từ bi từ thầy, kẻ cắp này không còn là kẻ cắp nữa, anh ta hoàn toàn được lau sạch. Anh ta bắt đầu khóc, và những nước mắt đó đã lau sạch trái tim anh ta. Một dòng nước mắt lau sạch khuôn mặt của trò này, người đã ăn cắp. Mọi ham muốn ăn cắp đã tan biến. Đây là phép màu của sự hiện diện của thầy. Và câu chuyện này không nói gì về điều đã xảy ra cho tất cả những người chính trị kia.
Đây là điều huyền bí của cuộc sống. Đừng bao giờ cảm thấy đúng, và đừng bao giờ giả vờ rằng bạn đúng - đừng bao giờ bị móc vào trong ý tưởng đó. Và đừng bao giờ nghĩ về ai đó khác rằng người đó sai, bởi vì cả hai điều đó đi cùng nhau - nếu bạn cảm thấy bản thân mình đúng, bạn bao giờ cũng kết án người khác và nghĩ ai đó khác là sai. Đừng bao giờ kết án bất kì ai, và đừng bao giờ cứ ca ngợi bản thân mình; bằng không bạn sẽ bỏ lỡ. Dù thế nào cũng chấp nhận mọi người như vậy. Đó là cách họ đang vậy, và bạn là ai mà quyết định liệu họ là đúng hay sai? Nếu họ sai thì họ khổ, nếu họ đúng thì họ được ân huệ. Nhưng bạn là ai để kết án họ?
Việc kết án của bạn đem bản ngã nào đó vào trong bạn. Đó là lí do tại sao mọi người nói nhiều thế về cái sai của người khác - điều đó cho cảm giác rằng họ là đúng. Ai đó là kẻ giết người, và họ có cảm giác thoải mái: "Mình không phải là kẻ giết người - ít nhất mình không là kẻ giết người." Ai đó là kẻ cắp, và họ cảm thấy thoải mái: "Mình không là kẻ cắp." Và cứ thế, cứ thế, bản ngã của họ cứ mạnh thêm. Mọi người nói về tội lỗi của người khác và về tội ác của người khác và đủ mọi cái sai diễn ra trong các kiếp sống của người khác. Mọi người cứ nói về nó. Họ nói phóng đại lên về nó, và họ thích thú điều đó - tất cả những điều đó cho họ cảm giác rằng "Mình là tốt." Nhưng cảm giác này sẽ trở thành rào chắn.
Từ bi, thông minh, đằm thắm. Nhìn vào người khác mà không phán xét. Và đừng bao giờ bắt đầu cảm thấy đúng, đừng bao giờ bắt đầu cảm thấy một loại linh thiêng. Đừng bao giờ trở thành "Đức ông" hay "Đức bà". Đừng bao giờ.
Vẫn còn bình thường, vẫn còn là không ai cả. Và trong sự không ai cả của bạn, vị khách tối thượng tới... trong sự không ai cả của mình, bạn trở thành người chủ.

Ads Belove Post