Chương 6. Vô lý - Phi lý

Chương 6. Vô lý - Phi lý

Price:

Read more

Osho - Hạt Cải Trời
Chương 6. Vô lý - Phi lý

Chúa Giê-Su nói, “Nước Trời giống như người chủ chiên (1) có một trăm con. Con lớn nhất bị lạc. Ông ấy bèn bỏ lại chín mươi chín con kia và đi tìm con bị lạc, cho đến khi tìm ra được mới thôi. Khi tìm được rồi, ông ấy nói với nó, “Ta thương mày hơn chín mươi chín con kia.” (2)
Một trong những câu hỏi hóc búa nhất là chuyện gì sẽ xảy ra cho những người tội lỗi, cho những người đi lạc? Giữa thánh linh và kẻ có tội có liên hệ gì chăng? Họ có bị trừng phạt không? Họ có bị đày xuống địa ngục không? Bởi vì các thầy tu đều nói rằng họ sa địa ngục để bị trừng phạt. Nhưng Thượng Đế có nỡ phạt ai không? Lòng nhân từ của Ngài để đâu? Thượng Đế mà chẳng tha thứ, ai có thể tha thứ được?
Có nhiều giải đáp khác nhau, nhưng giải đáp của Chúa tuyệt diệu nhất. Trước khi bàn về những lời của Ngài, một số yếu tố cần phải hiểu rõ để làm sáng tỏ vấn đề. Mỗi khi trừng phạt người nào, bất kể cớ gì mà ta nêu ra, thì lý do của ta luôn luôn khác hẳn. Bởi vì cớ và lý do là hai cái khác hẳn nhau. Bạn là cha, hay là mẹ. Con của bạn đã làm phật ý bạn. Chẳng cần biết là nó đúng hay sai, bởi vì lấy thước gì mà đo để biết đúng hay sai? Có thể nó đúng, cũng có thể sai. Nhưng cái gì bạn cho phép thì đúng. Cho nên tất cả tùy thuộc ở bạn.
Một đứa trẻ làm gì sai. Bạn sẽ phạt nó. Lý do sâu xa là nó không tuân lệnh, chẳng phải là việc nó làm là sai. Lý do chính là bạn cảm thấy bị tổn thương. Nó đã cả gan dám thách đố bạn; nó đã khẳng định chính nó. Nó đã chẳng coi bạn ra gì, chẳng biết bạn là cha mẹ, chẳng biết bạn là quyền lực tối cao. Cho nên bạn phạt nó. Lý do là cái tôi của bạn bị đụng chạm nên sự trừng phạt có hình thức báo thù. Nhưng cớ của bạn thì khác hẳn. Bạn nói nó làm sai nên phải phạt để nhớ đời. Bạn thương nó nên phải cho roi, cho vọt. Cho nên nó sẽ bị phạt nếu không vâng lời, và nó sẽ được khen thưởng khi ngoan ngoãn. Nó phải được dạy dỗ như thế để được nên người. Đó là cái cớ của bạn; bạn nghĩ như thế trong đầu, nhưng đó không phải là lý do cơ bản.
Lý do cơ bản thì khác hẳn. Nó phải được nhắc đi nhắc lại là uy quyền thuộc về bạn, rằng bạn là người quyết định cái gì đúng, cái gì sai, rằng nó phải vâng lời, rằng nó không có tự do, rằng bạn là cha mẹ, rằng nó thuộc về bạn, rằng nếu không tuân lệnh, nó sẽ bị phạt. Nếu bạn hỏi các nhà Tâm lý Miền Sâu (3), họ sẽ nói rằng, trong mọi hành vi, sự phân biệt giữa lý do và cái cớ ấy cần phải được hiểu rõ. Cớ là một thủ đoạn rất xảo quyệt. Nó dấu lý do thực sự và cho bạn cái giả dối, nhưng trên bề mặt, chẳng có gì sai cả. Và không những điều đó xảy ra giữa cha mẹ và con cái, mà còn xảy ra giữa xã hội và đám trẻ bụi đời. Đó là lý do tại sao có nhà tù, có luật pháp. Chúng là những cách mà xã hội báo thù.
Xã hội không thể tha thứ cho những người nổi dậy, bởi vì hắn sẽ phá hủy toàn bộ cơ cấu. Athens đã không tha Socrates (4), chẳng phải vì ông ấy sai, mà vì Athens không thể chấp nhận để cho toàn bộ cơ cấu của xã hội bị thách đố. Cho nên Socrates phải làm dê tế thần. Và Chúa bị đóng đanh, chẳng phải vì Ngài sai, mà vì xã hội thời ấy không thể chấp nhận những lời dạy của Ngài, những kiểu nói của Ngài, những hành động của Ngài. Ngài bị coi là nguy hiểm cho xã hội, mặc dù những chân lý mà Ngài rao giảng chưa bao giờ được phát biểu một cách mạnh mẽ như thế.
Xã hội không thể chấp nhận được thì nó trừng phạt bạn. Nhưng nó sẽ tìm đủ cớ. Nó nói rằng làm thế là tốt cho bạn, bất kể là cái ước muốn đó có thành tựu hay không. Chúng ta đã phạt những tội phạm trong nhiều ngàn năm, nhưng chẳng mấy người quan tâm là những kẻ xấu số ấy có được hoán cải nhờ hình phạt hay không. Tội phạm mỗi ngày một đông. Khi nhà tù ngày càng nhiều thì luật pháp càng phức tạp hơn, tòa án nhiều hơn, tội phạm đông hơn, hình phạt nặng hơn. Vô lý tuyệt đối!
Đâu là sự thật? Can phạm cũng thừa biết đó chỉ là cái cớ, rằng hắn bị phạt không phải vì phạm luật, mà thật ra, hắn bị phạt chỉ vì bị bắt. Cho nên hắn cũng có lối giải thích riêng: lần sau hắn sẽ ma mãnh hơn, quỷ quyệt hơn. Lần này hắn bị bắt vì không cẩn thận, chẳng phải vì hắn sai. Lần này xã hội đã khôn hơn hắn, nhưng lần sau hắn sẽ láo cá hơn, quỷ quyệt hơn, thông minh hơn, và hắn sẽ không bị bắt. Một tù nhân, một tội phạm luôn luôn nghĩ rằng hắn bị phạt, không phải vì tội đã phạm, mà vì hắn đã bị bắt. Cho nên hắn chỉ học được một điều là đừng để bị bắt nữa.
Cho nên một tù nhân được phóng thích trở nên nguy hiểm hơn, bởi vì trong tù hắn gặp được những tay tổ, hắn học được kinh nghiệm của những lão làng, của những tay thiện nghệ. Hắn học bằng cách sống với họ, gần gũi họ, trở thành đệ tử của họ. Qua những kinh nghiệm ấy hắn trở nên thành thục hơn. Chẳng mấy người nhờ hình phạt mà khá hơn, nhưng xã hội luôn luôn nghĩ rằng hình phạt cần phải có để răn đe tội phạm. Cả hai đều sai cả. Xã hội sai vì muốn báo thù. Tội phạm cũng sai vì cái tôi của nó xung đột với cái tôi của xã hội; nó nghĩ nếu có cơ hội thì nó sẽ trả thù.
Nhưng Thượng Đế cũng cá mè một lứa sao? Ngài cũng chẳng khác một chánh án, một người cha, hay một ông chủ sao? Ngài cũng tàn bạo như xã hội sao? Ngài cũng có cái tôi to tướng như chúng ta sao? Ngài cũng báo thù nếu bạn không tuân lệnh sao? Thế thì Ngài có khác gì người thường? Thế thì Ngài có gì là thiêng liêng chứ?
Đó là một trong những vấn đề gai góc nhất: Thượng Đế sẽ xử sự với người lầm lạc như thế nào? Ngài có lòng nhân không? Vì có những điều luôn luôn đi đôi với nhau. Nếu muốn được tuyệt đối công bằng, Ngài không thể nhân từ, bởi vì công bằng và nhân từ không đi đôi với nhau. Nhân từ nghĩa là tha thứ một cách vô điều kiện, nhưng không thể công bằng. Thiếu nhân từ thì Thượng Đế không thể là Thượng Đế được. Một vị thánh cầu nguyện liên tục cả đời, chẳng làm gì sai bao giờ, không hề xông xáo ra ngoài, luôn luôn sống trong phạm vi nhỏ hẹp của mình, tự giam giữ chính mình, cả đời cố gắng làm người nhân đức, không bao giờ chịu làm tôi cho xác thịt, sống rất đạm bạc. Ngược lại là một người trụy lạc, nghĩ gì làm thế, cả đời chỉ biết ham vui, không tội nào không phạm. Rồi cả hai về nước Chúa.
Điều gì xảy ra? Nếu thánh nhân không được thưởng, và người có tội kia không bị phạt thì đó là bất công. Nếu cả hai đều được thưởng thì cũng bất công, bởi vì vị thánh kia sẽ nghĩ, “Ta là người có đức hạnh mà chẳng được phần thưởng đặc biệt gì cả. Nếu người kia cũng được thưởng như vậy thì nhân đức để làm gì? Tất cả trở nên vô ích.” Thế thì Thượng Đế có thể nhân từ, nhưng không công bằng.
Nếu Ngài công bằng thì tất cả rõ ràng. Tội nhân phải bị phạt; thánh nhân phải được thưởng. Nhưng thế thì thiếu nhân từ. Một người công bằng phải lạnh lùng, nếu không thì luật pháp không thể thi hành; người ấy không thể để tình cảm xen vào. Luật pháp phải vô tình, nếu không thì công lý không thể thi hành. Nhân từ không có chỗ đứng trong đó, bởi vì nhân từ là một trở ngại cho công lý. Một người công bằng phải hành xử như cái máy; ông ta chỉ biết có luật pháp, thưởng và phạt, và không cho phép tình cảm xen vào quyết định của mình. Ông ta phải là một quan sát viên lạnh lùng, như thể ông ta không có con tim. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế, bởi vì qua nhiều thế kỷ ta thường nói rằng Thượng Đế vừa công bằng, vừa nhân từ; Ngài có tình thương, nhân từ nhưng công bằng.
Đó là một mâu thuẫn, một nghịch lý. Giải quyết sao đây?
Chúa Giê-Su có một giải đáp tuyệt vời. Hãy cùng tìm hiểu giải đáp của Ngài. Điều ấy rất phức tạp, bởi vì nó đi ngược lại những quan niệm thông thường của chúng ta, ngược lại những thiên kiến của chúng ta vì Chúa không tin vào hình phạt. Người như Chúa không thể tin vào hình phạt vì đó chỉ là một hình thức báo thù. Phật, Chúa, Krishna không thể tin hình phạt. Ngược lại, các Ngài có thể loại bỏ tính công bằng của Thượng Đế. Nhưng nhân từ thì không thể loại bỏ được, bởi vì công bằng là lý tưởng của con người, mà nhân từ là phẩm chất thiêng liêng. Công bằng có điều kiện: “Làm cái này thì được thưởng.
Làm cái kia thì bị phạt.” Nhân từ chẳng có điều kiện nào cả. Thượng Đế nhân từ. Mà muốn hiểu được sự nhân từ của Ngài, ta phải đi từ một tội nhân. Chúa Giê-Su nói, “Nước Trời giống như người chủ chiên có một trăm con. Con lớn nhất bị lạc. Ông ấy bèn bỏ lại chín mươi chín con kia và đi tìm con bị lạc, cho đến khi tìm ra được mới thôi. Khi tìm được rồi, ông ấy nói với nó, ‘Ta thương mày hơn chín mươi chin con kia.’”
Vô lý, phi lý – nhưng rất đúng. Nước Trời giống như người chủ chiên có một trăm con. Con lớn nhất bị lạc. Ông ấy bèn bỏ lại chín mươi chín con kia và đi tìm con bị lạc. Bao giờ cũng thế. Người “đi lạc” luôn luôn là người giỏi nhất (5). Nếu bạn là người cha và có năm con thì đứa thông minh nhất bao giờ cũng cãi lại bạn, bởi vì nó muốn khẳng định chính nó. Những đứa tầm thường nói sao làm vậy. Đứa sắc sảo sẽ chống đối, bởi vì đó là đặc tính của nó. Thông minh đi kèm với nổi dậy; càng thông minh thì càng nổi dậy. Và những người không nổi dậy, những người chỉ biết dạ với vâng, là những người như thể đã chết rồi. Bạn có thể thích họ, nhưng họ thiếu hẳn sinh khí. Họ theo bạn chẳng phải vì yêu bạn. Họ theo bạn chỉ vì họ yếu đuối, họ sợ, vì không thể đứng một mình. Họ yếu đuối, họ bất lực.
Nếu nhìn quanh bạn sẽ thấy những người tốt phần lớn là những người yếu đuối. Nhân đức của họ không phải do sức mạnh mà có, mà từ sự yếu đuối mà ra. Họ là người tốt vì chẳng dám tự ý làm gì cả. Nhưng tốt vì yếu đuối thì có giá trị gì? Nếu tính tốt do sức mạnh tràn trề mà có thì mới thực sự tốt, bởi vì có sự sinh động trong đó, có sức sống mãnh liệt trong đó.
Cho nên một khi một tội phạm trở thành thánh nhân thì người ấy có một phong thái đặc biệt (6). Nhưng khi một người thường trở thành thánh nhân vì yếu đuối thì phong thái của người ấy rất tầm thường, nhợt nhạt, chẳng có sinh khí gì cả. Bạn cũng có thể trở thành thánh nhân vì nhu nhược, nhưng sẽ phí cả đời. Chỉ khi nào bạn trở thành thánh nhân qua sức mạnh thì mới xứng đáng. Một người tốt vì không dám tự ý làm gì khác không nhất thiết là tốt. Khi có quyền lực trong tay người ấy sẽ làm bậy; nó sẽ làm hư ông ta ngay lập tức.
Điều này đã xảy ra ở Ấn Độ, cho những người theo thánh Gandhi. Sức mạnh của họ do sự yếu đuối mà ra. Là những người tốt nhưng chưa có uy quyền trong tay bao giờ, nên khi trở thành những người lãnh đạo quốc gia, họ trở nên đồi bại ngay tức thì. Quyền lực có thể làm hư hỏng một người có sức mạnh thực sự không? Không bao giờ. Bởi vì ông ta đã mạnh mẽ rồi. Nếu quyền lực có thể làm thối nát ông ta thì nó đã làm rồi. Chỉ khi bạn yếu đuối, và lòng tốt của bạn dọ nhu nhược mà ra thì quyền lực mới có thể làm hư hỏng bạn được. Lord Acton (7) nói, “Quyền lực làm hư con người, và làm hư một cách tuyệt đối.” Nhưng tôi muốn điều kiện hóa nó. Câu nói ấy không có điều kiện, không dứt khoát và không rõ ràng. Quyền lực làm hư người chỉ khi tính tốt do sự yếu đuối mà ra. Nếu tính tốt do sức mạnh mà có thì không sức mạnh nào làm hư người được. Quyền lực không thể làm bạn hư, nếu bạn đã biết mùi của nó là gì và đã nếm rồi. Nhưng khó mà biết được nhân đức của bạn do đâu mà có. Nếu không ăn cắp vì sợ bị bắt thì bạn sẽ làm ngay, nếu bạn biết chắc sẽ không bị bắt. Bạn không ăn cắp vì sợ; bạn không giết kẻ thù vì bạn biết rõ sẽ bị bắt. Nhưng nếu có những tình huống mà bạn biết rõ là bạn sẽ không bị bắt, không bị trừng phạt, thì bạn sẽ giết hắn ngay lập tức. Cho nên chỉ vì chết nhát mà bạn là người tốt.
Nhưng sao tính tốt có thể vì nhu nhược mà có được? Tính tốt cần phải có một năng lượng dồi dào. Tính tốt là một xa xỉ phẩm, nhân đức là một xa xỉ phẩm – nó có vì sự sung mãn. Khi bạn có quá nhiều năng lượng, khi bạn tràn ngập yêu thương, thì bạn chia sẻ. Bạn sẽ không lợi dụng vì không cần thiết. Bạn sẽ ban phát do con tim vì bạn có quá nhiều, đến đỗi nó trở thành một gánh nặng cho bạn. Bạn muốn chia sẻ và muốn trút cái gánh nặng ấy, bạn muốn cho tất cả như một quà tặng.
Khi bạn có gì thì bạn muốn cho đi, và bạn bám vào cái mà bạn không thực sự có. Đó là một quy luật. Chỉ khi bạn là sở hữu chủ, bạn mới cho một cách vui vẻ. Nếu bạn bám lấy nó thì trong thâm tâm bạn sợ vì bạn không phải là chủ nhân của nó. Bạn biết rõ là nó không thuộc về bạn, là chẳng chóng thì chầy bạn sẽ mất nó. Đó là lý do tại sao bạn không muốn cho. Cho nên chỉ khi một người dâng hiến tình yêu của mình thì đó là bằng chứng là người ấy có tình yêu. Chỉ khi một người hiến cả đời mình mới là người sống động.
Chẳng có cách nào khác để biết cả. Vì nhu nhược mà tốt thì cũng nhiều. Nó chỉ là cái vẻ bề ngoài, chẳng khác gì tiền giả, hay hoa giả vậy. Cây có hoa chỉ vì nó có quá nhiều năng lượng. Hoa chỉ là những xa xỉ phẩm. Cây chỉ ra hoa khi có quá nhiều chất bổ. Nếu nước không đủ, nếu phân bón dư hay thiếu, nếu đất không màu mỡ, cây có thể sống nhưng không thể sinh hoa, kết trái. Cái quý nhất chỉ xuất hiện khi có đủ năng lượng để nó phát triển. Nếu không có đủ ăn, sự thông minh của bạn sẽ biến mất, bởi vì đó là sự nở hoa của bạn. Một xứ nghèo không phải nghèo trong thể xác, mà nghèo về chất xám, bởi vì thông minh không thể có giữa nghèo đói. Chỉ khi những đòi hỏi của cơ thể được thoả mãn thì năng lượng còn dư mới được dùng cho cái cao hơn; khi bụng đói thì năng lượng sẽ dồn cho cơ thể trước, bởi vì cơ sở phải được bảo vệ trước, gốc phải được an toàn trước đã. Gốc không chắc thì chẳng có hoa. Nếu ăn không đủ thì đòi hỏi thông minh làm gì? Từ bi, bác ái còn cao hơn nữa.
Phật Thích Ca và Mahavira xuất hiện khi Ấn Độ còn trù phú. Kể từ đó đã có nhiều cái gọi- là thánh nhân, nhưng chẳng có Phật Thích Ca nữa. Bởi vì sự nở hoa đó chỉ có thể có khi có nhiều năng lượng dư thừa, năng lượng không cần thiết. Năng lượng thừa thãi ấy sẽ khởi động chính nó. Và khi năng lượng tự khởi động, nó sẽ quay vào trong và trở thành thiền định. Một vị Phật được sinh ra từ đó; chân lý được hé mở từ đó.
Nếu thiếu nước thì hoa sẽ héo trước tiên, sau đó đến lá, rồi cành; rễ thì chết sau cùng, bởi vì nếu rễ còn thì cây có thể sống lại được. Cho nên cây phải bảo vệ gốc của nó bằng mọi giá. Gốc thấp nhất, nhưng cái thấp nhất phải được bảo vệ vì đó là nền tảng. Khi mưa thuận gió hoà thì chồi sẽ mọc lại, lá sẽ xanh và hoa sẽ thắm lại. Trật tự ấy cũng áp dụng cho bạn.
Cho nên nhân đức phải vì năng lượng của bạn mà có, không nên vì yếu đuối. Mà tôi không nói bạn phải bất lương. Ác độc cũng cần năng lượng như lòng tốt vậy. Bạn không thể tồi tệ mà không có năng lực, cũng không thể tốt mà thiếu năng lực – bởi vì cả hai đều có thực. Bạn có thể làm gì mà thiếu năng lượng không? Có thể bạn chỉ có cái mặt giả dối, chỉ có cái mã bên ngoài; bạn chỉ biết lừa đảo, ma quái. Những gì bạn làm thì ma cũng chê, quỷ cũng hờn. Bạn sẽ tốt một cách giả dối, kịch cỡm. Bạn nghĩ bạn là người thánh thiện vì bạn không làm gì xấu cả, chẳng phải vì bạn đã hội nhập được với thánh linh.
Khi bạn đã hội nhập được với thánh linh thì đó là một thành tích lớn lao. Bạn trở nên như thần thánh mà không cần phải cố gắng, bởi vì nó xảy ra một cách tự nhiên. Nếu bạn chống lại ý tưởng xấu thì đó là cách tiêu cực. Nếu bạn chống lại thì có sự thèm muốn, và nếu ước muốn của bạn xấu thì bạn đã phạm tội rồi (8). Đó là sự khác biệt giữa tội của tôn giáo và của pháp luật.
Pháp luật căn cứ vào hành động. Bạn có thể nghĩ về đủ mọi tội ác, nhưng không tòa nào xử bạn được, vì tòa chỉ có thẩm quyền trên thể xác của bạn; nó bó tay với những ý tưởng của bạn. Tôi có thể nghĩ, có thể nói rằng tôi sẽ giết mọi người, nhưng chẳng hề liên lụy với pháp luật vì tôi chưa thực hiện điều đó. Tòa án chỉ phán quyết hành động mà không xét về ý tưởng.
Tôn giáo không phân biệt hành động và ý tưởng của bạn; mầm mống của nó đã có rồi; nó đã xảy ra hay không không phải là vấn đề. Nếu nó trở thành hành động, pháp luật sẽ can thiệp. Nhưng nếu có ý nghĩ thì bạn đã phạm tội trong tư tưởng; đối với tòa án lương tâm, bạn đã phạm tội, bạn đã sa ngã. Nhưng nói rằng những con chiên lạc có nhiều ý chí hơn những người không hề sa ngã thì khó mà nghe lọt tai. Những người “lạc đường” luôn luôn là những người ưu tú nhất. Bạn sẽ thấy những người thông minh nhất trong nhà thương điên. Trong hơn bảy chục năm cuối của thế kỷ hai mươi, phần lớn người điên là người thông minh nhất, không phải những người tầm thường. Nietzsche (9) là một trong những người cực kỳ thông minh nhất của nhân loại đã bị điên. Ông ta có quá nhiều năng lượng, nhiều đến đỗi không thể kiềm chế được và đã thành thác lũ; cuối cùng ông ta đã điên. Nietzsche đã điên. Nijinsky (10) đã điên. Nhìn qua bảy chục năm đó bạn sẽ thấy những thiên tài, những người thông minh nhất đã điên (11), còn những người tầm thường thì vẫn vậy.
Điều này có vẻ vô lý: tầm thường thì vẫn vậy, mà thiên tài thì điên. Tại sao người tầm thường không thay đổi? Vì họ không có sức, không có can đảm để xông xáo. Một đứa trẻ trở nên hư khi năng lượng của nó tràn trề; nó không thể ngồi yên được. Những đứa nhát gan thì quanh quẩn trong xó nhà; nếu bảo nó đọc kinh thì nó sẽ ngoan ngoãn nghe theo; nếu bảo nó lần hạt thì nó sẽ làm theo ngay. Nhưng gặp đứa ngang ngược thì nó sẽ nói, “Tôi không đọc kinh đâu! Tôi phải đi chơi, hoặc làm gì khác!” Cuộc sống là sinh lực. Chỉ một tâm trí nhu nhược, thiếu sức sống mới không đi lạc, bởi vì trước hết phải có sinh lực đã; thiếu can đảm thì sao dám nhảy rào, dám vượt qua hố thẳm được? Nhưng người đi lạc, nếu tìm ra lối đi riêng, sẽ trở thành Phật, thành tiên thánh.
Nếu Nietzsche biết tìm đường tu thì đã thành Phật rồi. Ông ta có trí thông minh và năng lực để điên, thì cũng sinh lực ấy sẽ giúp ông ta đạt đạo; cũng năng lực ấy, nhưng khác chiều. Người có tiềm năng đạt đạo sẽ bị điên nếu ông ta không trở thành tiên thánh. Bởi vì năng lực sẽ biến đi đâu? Nếu năng lực không được dùng cho sự sáng tạo, nó sẽ trở thành hủy diệt. Bạn sẽ thấy những người thông minh nhất trong nhà thương điên vì họ không tầm thường; họ điên vì họ có thể thấy xa hơn bạn, thấy sâu hơn bạn. Và khi họ thấy sâu hơn bạn, ảo tưởng biến mất.
Toàn bộ cuộc sống sẽ trở nên mơ hồ vì, nếu bạn có thể hiểu thấu đáo hơn thì khó mà không có thay đổi. Bạn không thay đổi vì bạn không thấy rõ; bạn chỉ thấy được hai phần trăm của đời sống, còn chín mươi tám phần thì các nhà tâm lý nói đã bị che lại (12), bởi vì nếu thấy được bạn sẽ không chịu đựng được; bạn sẽ phát điên, sẽ nổi khùng.
Một số nhà tâm lý đã khảo cứu sâu rộng về điên, chẳng hạn R. D. Laing (13) và nhiều người khác, đã khám phá nhiều điều quan trọng. Một trong những điều ấy là người điên đều là những người thông minh nhất, và những tội phạm đều là những người bướng bỉnh nhất. Họ có thể trở thành thánh nhân (14), mà nếu Valmiki trở thành thánh nhân thì cũng không có gì lạ. Valmiki là một tướng cướp khét tiếng, chuyên nghề giết người, cướp của.
Rồi ông ta đạt đạo một cách bất thình lình. Một hôm tên lục lâm đại đạo ấy gặp một thánh nhân trên đường của hắn. Ngài hỏi hắn, “Ông sẽ làm gì đây?”
Valmiki nói, “Tao sẽ lột tất cả những gì mà mày có!”
Ngài nói với hắn, “Nếu ông có thể làm được thì tôi sẽ khen ông là tài, bởi vì bảo vật tôi có thì nằm tận bên trong. Nếu ông lấy được thì cứ tự tiện.”
Valmiki không hiểu nhưng nói, “Tôi chỉ lấy những cái bên ngoài thôi.”
Ngài nói, “Vậy thì chúng chẳng có giá trị gì nhiều. Mà tại sao ông lại làm thế?”
Valmiki nói, “Vì tôi có mẹ già, có vợ, và một đàn con phải nuôi. Nếu tôi không làm thế thì họ sẽ chết đói hết. Tôi chỉ biết ăn cướp mà thôi.”
Ngài nói với hắn, “Hãy trói tôi vào gốc cây kia đi để tôi không trốn được. Sau đó ông về hỏi mẹ, và vợ con xem khi bị đày xuống địa ngục thì họ có chịu tội chung với ông không?”
Lần đầu tiên trong đời Valmiki suy nghĩ rồi nói, “Chắc ông nói đúng đấy. Để tôi hỏi họ xem sao.”
Valmiki hỏi vợ thì bà ấy nói, “Sao tôi phải chịu chung với anh chứ? Tôi có làm gì đâu. Tội ai người ấy chịu chứ!”
Mẹ của Valmiki cũng nói, “Sao tao phải chịu tội chung với mày? Tao là mẹ mày nên mày  có bổn phận phải nuôi tao.”
Valmiki tỉnh ngộ. Chẳng ai chịu tội chung với hắn cả. Hắn trở lại tìm vị thánh ấy, quỳ xuống dưới chân ngài và nói, “Xin hãy cho con cái bên trong. Con không quan tâm đến cái bên ngoài nữa. Con muốn tìm cái bên trong ấy vì nay con đã hiểu là chính con phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình, không ai có thể thay thế được. Con đã sinh ra một mình thì cũng chết một mình, và không một ai có thể gánh trách nhiệm cho con được. Cho nên con muốn tìm vào bên trong (15) để biết con là ai. Con đã chán ngấy tất cả rồi.” Valmiki cải tà quy chánh ngay lúc đó (16).
Một chuyện tương tự cũng đã xảy ra trong đời Đức Phật. Có một tên nữa điên nửa khùng. Y thề sẽ giết đủ một ngàn người mới thôi vì hắn quá hận đời. Y muốn trả thù bằng cách giết đủ một ngàn người. Và cứ giết một người thì hắn chặt một ngón tay treo trên cái vòng đeo cổ. Đủ một ngàn ngón mới thôi. Vì thế Y được tặng cái biệt danh là Angulimala (Thiên Chỉ Vương) – nghĩa là người có xâu chuỗi bằng tay người. Y đã giết được chín trăm chín mươi chín người rồi. Còn một người nữa y phải giết bằng mọi giá. Cho nên khi thấy bóng của y, mọi người bỏ chạy hết.
Đức Phật một hôm đi ngang qua khu rừng ấy. Dân làng đều nói với Ngài, “Xin đừng đi! Tên Angulimala hiện đang ở đó. Nó chẳng biết phải trái là gì. Nó cũng bất kể Ngài là ai. Nếu Ngài muốn qua đường thì xin đi lối khác!”
Đức Phật nói, “Nếu ta không vào hang cọp, ai sẽ vào? Mà hắn chỉ cần một ngón nữa thôi nên ta phải đến.”
Ước nguyện của Angulimala sắp thành tựu. Hắn là người có nhiều nghị lực; một mình dám chống lại cả xã hội; hắn đã giết cả ngàn người rồi. Quân binh cũng phải e dè. Chính quyền cũng bó tay. Nhưng Phật nói, “Hắn cần sự giúp đỡ của tôi nên tôi phải liều một phen vậy. Hoặc là hắn sẽ giết tôi, hoặc là tôi sẽ độ cho hắn.” Đó là việc mà các thánh nhân vẫn thường làm (17). Phật đến gặp hắn. Ngay cả các đệ tử thân cận nhất của Ngài cũng lùi lại đàng sau. Cho nên Đức Phật một thân một mình đến gặp Angulimala lúc hắn đang ngồi trên một tảng đá. Y nhìn con người hồn nhiên ấy mà cảm thấy tội nghiệp thay.
Y tự nghĩ, “Người này hẳn không biết ta là ai nên mới đến đây nạp mạng như thế. Nhưng ông ta là người rất đáng thương. Ta không nỡ giết ông ta. Vậy ta sẽ tha cho ông ấy và chờ người khác vậy.”
Y nói với Đức Phật, “Dừng lại! Đừng bước thêm một bước nữa. Hãy quay lại và trở về. Ta là Thiên Chỉ Vương đây. Xâu chuỗi của ta đã có chín trăm chín mươi chín rồi. Ta cần một ngón nữa là đủ. Thậm chí nếu mẹ ruột ta đến đây, ta cũng giết bà ấy để hoàn thành lời hứa của ta. Đừng đến gần đây. Ta cảnh cáo ngươi đó. Ta chẳng tin thần thánh. Ta bất kể ông là ai. Ông có thể là một tu sĩ, một thánh nhân, nhưng ta chẳng cần biết. Ta chỉ cần một ngón tay nữa thôi. Của ông hay của ai cũng được. Vậy đừng đến gần nữa, không thì chớ trách ta.” Đức Phật vẫn tiến tới.
Angulimala nghĩ bụng, “Chắc là tên này điếc hay là điên rồi!” Y hét lên, “Đứng lại! Đừng đến gần ta!”
Đức Phật nói, “Ta đã dừng lại từ lâu rồi. Thiên Chỉ Vương, ông mới là người còn vọng động. Ta đã ngưng rồi vì chẳng còn gì thúc đẩy ta nữa. Ta đã dừng lại rồi vì chẳng còn tham vọng gì nữa. Ta chẳng có chủ đích nào nữa. Ông mới là người còn nhiều vọng động đấy. Cho nên ta nói với ông: hãy đứng lại!”
Angulimala cười ngất. Y nói, “Ông thật là điên rồi! Tôi đang ngồi đây mà ông bảo tôi đứng lại! Ông đang đi mà lại nói đã dừng lại rồi. Hoặc là ông điên, hoặc là khùng. Ông thuộc loại nào vậy?”
Đức Phật đến gần và nói, “Nghe nói ông cần một ngón tay nữa. Cái thân già của lão đây cũng vô dụng. Khi ta chết đi thì nó sẽ bị đốt đi, chẳng giúp gì cho ai cả. Vậy ông cứ giết ta đi rồi lấy ngón tay của ta mà hoàn thành lời hứa. Đây là cơ hội cuối cùng để cho thân xác của ta có thể được dùng cho một lợi ích nào đó, trước khi nó hóa ra tro bụi.”
Angulimala nói, “Ông nói sao? Ta cứ tưởng ta là người điên duy nhất ở đây. Đừng có đóng kịch với ta, vì ta vẫn có thể giết ông đấy!”
Đức Phật nói, “Ta có một ước nguyện trước khi chết. Xin ông hãy cắt cành cây kia cho ta.” Angulimala vung đao lên. Một cành cây to đổ xuống. Đức Phật nói tiếp, “Xin hãy gắn nó lại!”
Angulimala nói, “Điên thật rồi mà! Ta có thể chém đứt nhưng không thể gắn lại được.” Đức Phật cười sặc sụa và nói, “Vậy là ông chỉ biết phá hoại mà không biết xây dựng. Phá hoại thì con nít cũng làm được, có gì mà anh hùng chứ? Cành cây này con nít cũng cắt được, nhưng chỉ có thánh mới gắn lại được. Mà nếu cành cây mà ông không gắn lại được, sao ông dám cắt cổ người ta? Ông đã nghĩ về việc đó chưa?”
Angulimala nhắm mắt lại. Y quỳ xuống chân Đức Phật và nói, “Xin hãy nhận con làm đệ tử!” Và truyền thuyết nói rằng ngay lúc đó Angulimala đã chứng nghiệm được chân lý. Hôm sau Angulimala theo Đức Phật vào thành khất thực. Nhà nhà đều khóa chặt cửa. Mọi người nói, “Mặc dù y đã là đệ tử của Phật, nhưng ai mà biết được. Nó rất nguy hiểm.” Dân chúng vẫn còn sợ. Chẳng ai dám ra đường. Khi Angulimala gõ cữa, không ai dám mở cửa vì tất cả đều sợ. Nhiều người đứng trên lầu nhìn xuống. Có người lấy đá mà liệng vì nhiều gia đình đã có người bị hắn giết chết.
Angulimala ngã qụy xuống đường, máu me đầy mình, thương tích chỗ nào cũng có. Đức Phật và các đệ tử khác hỏi, “Angulimala, Ông có sao không?”
Angulimala mở mắt ra và nói, “Con cám ơn Thầy. Họ có thể giết con, nhưng không thể chạm đến con được. Con đã giết nhiều người, nhưng nay mới nhận ra điều đó.”
Đức Phật nói, “Angulimala đã đắc đạo; ông ấy là một Bà La Môn, người biết rõ về Brahma.”(18)
Nó có thể xảy ra trong một nháy mắt, nếu có đủ năng lực, nếu không thì khó khăn lắm. Mục đích duy nhất của yoga là tạo ra năng lượng, càng nhiều càng tốt. Những phương pháp của Mật Tông là khơi lại những năng lượng bên trong của bạn, làm cho bạn tràn ngập năng lượng. Nhưng đó là con dao hai lưỡi.
Chúa Giê-Su nói, “Con lớn nhất bị lạc.”
Chỉ những con lớn nhất, tốt nhất mới đi lạc. Những kẻ có tội rất đáng thương, nhưng họ có thể trở thành thánh nhân bất cứ lúc nào (19). Một số nhỏ hoặc là thánh nhân, hoặc tội lỗi. Nhưng phần lớn ở giữa. Họ chẳng có gì đáng nói cả, bởi vì họ thiếu nghị lực, thiếu năng lực. Những người thiếu năng lượng là những người đã chết rồi; họ là những thây ma đang chờ trước mộ phần của mình.
Tại sao những người tốt nhất, vĩ đại nhất lại đi lạc? Có một bí mật cần phải biết: tiến trình tăng trưởng là trước hết bạn phải có cái tôi. Nếu cái tôi của bạn không được kết tinh, bạn không thể quy phục được. Có vẻ mâu thuẫn, nhưng lý và sự phải thế. Trước hết, cái tôi của bạn phải được kết tinh, sau đó bạn phải vất bỏ nó. Nếu cái tôi không được kết tinh, bạn không thể quy phục được. Bạn không có gì cả, lấy gì mà loại bỏ, mà quy phục?
Người giầu có có thể từ bỏ của cải, nhưng tên ăn mày lấy gì mà từ bỏ? Một học giả có thể vất bỏ trí năng của mình, nhưng người đần độn lấy gì mà bỏ? Hắn không thể bỏ đi những gì hắn không có. Là người hiểu biết, bạn có thể trở nên khiêm tốn, nhưng nếu bạn là người đần độn thì nhún nhường với ai?
Socrates có thể nói, “Tôi không biết gì cả.” Đó là phần hai; ông ấy biết quá nhiều, và nhận thức được rằng mọi tri thức đều là vô ích (20). Nhưng người tầm thường không thể nói thế được. Trí năng cần phải được huấn luyện; tri thức cần phải có; cái tôi cần phải được kết tinh. Đó là phần đầu của cuộc sống. Khi có dư tiền, bạn mới có thể từ bỏ được. Khác nhau là chỗ đó.
Một tên ăn mày và Đức Phật cùng khất thực như nhau, nhưng phẩm chất đôi bên khác hẳn. Đức Phật ăn xin do sự lựa chọn của Ngài. Chẳng ai bắt buộc Ngài cả; Ngài tự chọn như thế. Ngài xin ăn vì từ trên đỉnh cao của danh vọng, Ngài đã thấy cái vô vị của nó; Ngài đã sống qua mọi đam mê và thấy được cái vô dụng của chúng, vì Ngài đã nhận ra rằng vương quốc của trần gian này chẳng đem lại bình an cho tâm hồn. Cho nên sự khất thực của Đức Phật có một hào quang của nó, mà không một ông hoàng nào có thể so sánh được, bởi vì họ mới đi được nửa vòng, còn Đức Phật thì đã hoàn tất.
Một tên ăn mày cũng xin ăn ở xó chợ vì chẳng biết gì khác cả; y chưa hề biết nhung lụa là gì. Sao y có thể không ham muốn cho được? Sao y có thể nói lầu cao gác tía là thừa thãi được? Sao y có thể nói đàn bà đẹp là vô ích được? Chỉ có qua kinh nghiệm bạn mới biết được bản lãnh của mình. Thiếu kinh nghiệm thì bạn chỉ tự an ủi mình, như mọi người nghèo vốn thường làm.
Nếu không có vợ đẹp mà bạn cứ lải nhải, “Có gì đâu? Xác thịt là xác thịt; đó chỉ là chỗ thần chết nằm chờ.” Nhưng thật sâu bên trong là chỗ núp của ham muốn, mà ham muốn chỉ có thể hết khi bạn đã từng trải, kinh nghiệm. Cho nên bạn chỉ tự an ủi chính mình. Người nghèo có thể tự an ủi mình rằng cung điện chẳng là gì cả, nhưng anh ta biết rõ lắm, không thì sao ai cũng đâm đầu vào đó vậy? Anh ta bị ám ảnh và nổi điên vì nó: đêm đêm anh ta mơ thành ông vua, nhưng mở mắt ra thì thấy mình là tên ăn mày. Cho nên anh ta mới lẩm bẩm, “Tôi không cần, tôi chẳng quan tâm, tôi đã từ bỏ tất cả rồi!” Tự an ủi thế cũng chẳng giúp được gì; nó rất nguy hiểm, rất giả dối. Phần đầu của một người trưởng thành một cách đúng đắn là kết tinh cái tôi của mình. Và phần còn lại là loại bỏ nó.
Một đứa trẻ chỉ trưởng thành được khi nó cưỡng lại cha mẹ nó, khi nó chống đối lại cha mẹ nó (21), khi nó thoát khỏi ảnh hưởng của họ (22), khi nó có cái tôi mạnh mẽ. Nếu cứ bám vào cha mẹ nó, nếu cứ theo đuôi họ, nó sẽ chẳng làm nên tích sự gì cả (23). Nó sẽ bị lạc, bởi vì nó chỉ học được qua kinh nghiệm. Nó phải tự lập. Nó phải trả giá bằng nước mắt của nó. Nó phải tranh đấu, vì qua đó nó mới biết được khả năng của nó. Đó là một vòng tròn: bạn biết khả năng của mình, bạn sẽ cố gắng hơn, bạn cố gắng hơn nữa, bạn tự tin hơn nữa, bạn biết rõ mình hơn. Đứa trẻ trưởng thành thực sự khi nó hoàn toàn độc lập. Vì sự độc lập này, nó phải đi lạc (24).
Kẻ có tội muốn độc lập với xã hội, với cha mẹ, nhưng hắn đi lộn đường. Thánh nhân cũng tìm sự độc lập, nhưng đi đúng đường. Chánh, tà là hai đường khác nhau, nhưng đường tà thênh thang hơn. Trở thành thánh nhân thì khó hơn, vì bạn phải là kẻ có tội trước đã. Để tôi giải thích. Kẻ có tội không cần phải là thánh nhân trước, nhưng muốn là thánh nhân bạn phải nếm mùi tội lỗi trước. Nếu không thì sự thánh thiện của bạn rất nghèo nàn, nhạt nhẽo, buồn chán, thiếu sự sống, như thể con kinh đã cạn, không phải con sông mùa lũ.
Con lớn nhất đi lạc. Con lớn nhất nghĩa là con tốt nhất. Bởi vì con chiên lớn nhất là con khỏe nhất, to nhất, có nhiều lông nhất, to béo nhất, mắc tiền nhất, đắt giá nhất. Càng to càng mắc, càng nhỏ càng rẻ. “Lớn nhất” nghĩa là tốt nhất. Con tốt nhất đã đi lạc. Đó là biểu tượng.
Chủ chiên bỏ lại chín mươi chín con – vì chúng chẳng giá trị gì cả. Tại sao Chúa Giê-Su chọn chủ chiên và chiên? Biểu tượng mà Ngài dùng rất có ý nghĩa. Tâm trí của người trong đám đông chẳng khác gì con chiên; họ sống trong đám đông. Hãy quan sát đàn chiên: chẳng có con nào độc lập cả, chẳng có ý chí riêng tư nào cả, chẳng con nào dám rời khỏi đàn. Chúng sống vì đám đông.
Tôi nghe kể: thầy giáo hỏi đám trẻ, “Có mười con chiên. Một con nhảy rào. Còn lại mấy con?”
Một đứa nói, “Không còn con nào!”
Thầy hỏi nó, “Sao vậy? Đây là bài toán đố mà em lại nó gì thế? Mười con tất cả. Một con nhảy rào. Còn lại mấy con?”
Nó trả lời, “Thầy biết bài toán, nhưng em biết chiên. Không còn con nào. Vì một con nhảy rào thì tất cả nhảy theo.”
Chủ chiên bỏ lại chín mươi chín con kia và đi tìm con bị lạc.
Chúa nói Thượng Đế sẽ đi tìm kẻ có tội, chẳng thiết gì đến kẻ tầm thường, bởi vì họ chẳng xứng đáng gì. Hơn nữa, họ đã theo đường của đám đông rồi; họ không thể đi lạc, chẳng cần phải tìm làm gì. Đó là lý do tại sao chủ chiên bỏ chín mươi chín con lại giữa rừng, trong đêm tối, mà đi tìm con lạc đàn: bởi vì nó đã trở thành cá nhân, cái tôi của nó đã kết tinh; chín mươi chín con kia vẫn chưa có cái tôi; chúng vẫn là một với đám đông.
Hãy nhìn lại chính mình: bạn là đám đông, hay bạn đã có cái tôi? Nếu đã có cái tôi, Thượng Đế sẽ lên đường tìm bạn về vì bạn rất xứng đáng. Bạn đã đi hết nửa vòng tròn; nửa còn lại là quy phục; nửa còn lại là hội nhập với Thượng Đế. Nửa đầu là trách nhiệm của bạn; nửa còn lại là của thánh linh. Nếu bạn đã có cái tôi, thì ở nơi nào đó, trong hình thức nào đó, Thượng Đế sẽ tìm bạn vì nhiệm vụ của bạn đã xong; bạn đã trở thành tách biệt. Nếu bỏ được sự tách biệt ấy, bạn trở nên huyền đồng cùng vạn vật (25).
Đó là sự khác biệt: trước khi là một cá nhân, bạn chỉ là một đám đông, nên khi đạt được cá nhân tính, bạn trở nên độc lập, bạn có cái tôi lớn, và khi đánh mất được cái tôi ấy, bạn trở thành đại dương, bạn trở thành toàn thể. Hiện giờ bạn chưa thể thành toàn thể. Bạn ở giữa một đám đông; bạn chỉ là một con số trong đám đông ấy, như thể trong quân đội, bạn là một, hai, ba, bốn… bạn chẳng có tên tuổi vì bạn không có gì cả; bạn chưa xứng đáng. Bạn chỉ là một con số, cho nên khi có người chết, họ sẽ thông báo là con số đó đã ngã xuống. Bạn chỉ là con số, mà số thì được thay thế dễ dàng. Khi số một gục ngã, nó sẽ được thay thế bởi người khác. Trong quân đội chỉ có chiên, có cừu. Và nhà binh là một xã hội toàn hảo, như thể đàn kiến vậy. Nếu muốn biết tâm trí đám đông, hãy nhìn vào quân đội: bạn sẽ được huấn nhục thành thục, cho đến khi bạn mất hẳn tính độc lập mới thôi. Lệnh là lệnh, không thể bàn cãi. Họ nói, “Quay phải!” bạn phải quay phải. Nó sẽ ăn sâu vào tâm khảm của bạn.
Có một chuyện thú vị về một ông tướng. Vợ ông rất khó chịu, vì mỗi khi ngủ ông ấy ngáy như trâu. Mà không phải ngáy như người ta đâu. Ông tướng ngáy mà! Ông ấy ngáy như thể rống lên vậy, cho nên bà ấy không thể nào ngủ được. Lạ một cái là khi nghiêng qua bên phải thì ông ta hết ngáy. Bà ấy hỏi ý bác sĩ tâm lý. Ông ấy nói, “Vậy thì dễ rồi!
Khi ông ấy ngáy thì lăn ông ấy qua bên phải.”
Bà ấy nói, “Không dễ thế đâu! Ông ấy nặng lắm, lại hay cộc nữa. Nếu tôi lay thì ông ấy sẽ nổi giận. Cả đêm cứ vậy hoài.”
Bác sĩ tâm lý nói, “Vậy thì hãy rỉ vào tai ông ấy, ‘Tay phải, quay!’ là ông ấy sẽ làm theo.” Hiệu nghiệm như thần. Lệnh là lệnh – nó đã đi sâu vào tận vô thức.
Xã hội là một đám đông. Bạn có thể bị biến thành một chiến binh rất dễ dàng. Đó là tại sao Hitler đã biến Đức Quốc Xã thành một trại lính. Mao cũng đã làm vậy. Xã hội chỉ sống bề ngoài nên bạn có thể thay đổi dễ dàng: chỉ cần một ít kỷ luật là cả nước làm lính. Chẳng có cá nhân tính, vì nó không cho phép điều ấy; bạn không thể khẳng định chính mình. Đó là đàn chiên, tâm trí chiên.
Bạn có suy tư của riêng mình không? Hay bạn là một phần tử của xã hội nơi bạn được sinh ra? Bạn là người Ấn, người Hồi, người Sikh (26), nhưng bạn có phải là người không? Không thể nói bạn là một cá nhân vì cá nhân không có xã hội. Socrates là một cá nhân. Chúa Giê-Su là một cá nhân. Nanak là một cá nhân. Bạn thì không! Bạn thuộc về đám đông, nhưng một cá nhân không dựa vào ai cả; người ấy tự lập, tự cường. Cho nên Chúa Giê-Su nói: Con lớn nhất đi lạc. Và khi con lớn nhất đi lạc, chủ chiên bỏ lại chin mươi chín con kia để đi tìm đến khi thấy nó mới thôi.
Bạn cầu nguyện, nhưng Thượng Đế chẳng đi tìm bạn, nên bạn cầu cũng vô ích. Trước hết, hãy trở thành chính bạn; Ngài sẽ đi tìm bạn. Chẳng cần phải tìm Ngài – vì biết đâu mà tìm? Bạn chẳng có địa chỉ, chẳng biết Ngài ở đâu. Bạn chỉ biết những sáo ngữ, những lý thuyết vớ vẩn; chúng chẳng giúp được bạn.
Tôi nghe kể về một tu sĩ đến nhiệm sở mới. Hôm ấy tài xế taxi đình công, mà ông phải đến đền thờ vì chiều hôm ấy có bài giảng. Ông nhờ đứa trẻ dẫn ông đến. Khi đến nơi ông cám ơn nó và nói, “Cám ơn con đã giúp ta nhé. Không những con đã chỉ đường cho ta, mà còn đến đây với ta nữa. Nếu con muốn biết Thượng Đế ở đâu, chiều nay hãy đến nghe ta giảng. Ta sẽ nói về con đường tìm về với Ngài.”
Thằng nhóc cười và nói, “Ngài không biết đường đến đền thờ, sao lại biết đường về với Thượng Đế? Con không đến đâu!”
Nhưng tôi nói với bạn là dù bạn biết đường đến đền thờ chăng nữa cũng chẳng ích gì. Người nào cũng biết đường đến đền thờ, nhưng cũng chẳng có gì khác cả, vì đền thờ không phải là chỗ Ngài trú ngụ. Bạn không thể tìm được Ngài, vì bạn không biết về Ngài. Nhưng Ngài có thể tìm bạn, vì Ngài biết bạn. Và đó là một trong những lời dạy cơ bản nhất của Chúa: rằng con người không thể tìm đến thánh linh, nhưng thánh linh có thể đến với con người. Và Ngài luôn luôn xuất hiện khi bạn đã sẵn sàng (27).
Cho nên vấn đề không phải là đi tìm Ngài, mà phải sẵn sàng và chờ đợi. Mà việc đầu tiên để sẵn sàng là trở thành cá nhân, nghĩa là ‘đi lạc’. Đầu tiên là phải nổi dậy, vì chỉ có thế bạn mới có cái tôi. Trước hết là phải bỏ rơi đám đông – đó là ý nghĩa của ‘đi lạc’ – nghĩa là vượt qua những giáo điều, những hình thức bề ngoài của xã hội. Bởi vì bên ngoài đó là cái hoang vu, là sự huyền bí của Thượng Đế.
Xã hội chỉ làm mất sự huyền bí ấy. Nó không có thực thể, mà do người tạo ra. Mọi định chế đều do người bày vẽ ra; những gì bạn gọi là nhân đức, là tội lỗi, đều tùy thuộc mỗi xã hội mà thay đổi. Cho nên bạn không biết rõ nhân đức là gì. Từ ‘nhân đức’ (virtue) có gốc La-Tinh, nghĩa là ‘mạnh mẽ’, là ‘đầy nam tính’; nó không có nghĩa là ‘tốt’.
Hãy khẳng định chính mình, đừng dựa vào ai cả. Đừng để bị đám đông đè bẹp. Hãy suy nghĩ, hãy sống cho chính mình. Và hãy theo con đường riêng của mình (28) – đừng trở thành chiên.
Chín mươi chín con chiên có thể để lại trong rừng mà chẳng phải lo gì cả. Chúng chẳng dám đi lạc, vì chúng quây quần với nhau, cho nên chúng có thể được tìm lại bất cứ lúc nào. Chúng không phải là một mối ưu tư, nhưng con lớn nhất đi lạc mới là vấn đề. Khi một con đã dám bỏ đàn thì nó phải có sức mạnh, nó chẳng sợ rừng sâu, chẳng ngại ác thú, nó bất chấp tất cả. Vì gan dạ đầy mình nên nó mới dám bỏ đàn mà đi. Dũng cảm là bước đầu để chuẩn bị.
Cái tôi là bước đầu tiên để quy phục. Điều đó có vẻ mâu thuẫn hoàn toàn. Có thể bạn nghĩ là tôi điên rồi, vì bạn nghĩ rằng khiêm tốn mới là cái cần thiết. Không! Tôi nói cái tôi mới cần, không thì khiêm tốn chỉ là giả dối. Trước hết, phải có cái tôi mạnh mẽ và sắc như nước. Nó đưa lại cho bạn một vẻ độc đáo, một sắc thái đặc biệt cần thiết để bạn có thể vất bỏ nó sau này. Khi đó bạn sẽ khiêm tốn, và sự khiêm tốn ấy có một đặc tính khác thường; nó không phải sự khiêm tốn của một người nghèo, không phải khiêm tốn của một kẻ yếu. Đó là khiêm tốn của một kẻ mạnh, của một người có uy quyền. Lúc đó bạn có thể nhượng bộ, không phải đầu hàng.
Ông ta bỏ lại chín mươi chín con mà đi tìm con lạc, cho đến khi tìm ra được mới thôi. Và đừng quên rằng bạn không cần phải đi tìm Thượng Đế; Ngài sẽ đến với bạn. Nếu bạn xứng đáng, Ngài sẽ xuất hiện; Ngài sẽ tìm đến với bạn. Một ngày nào khi thử thách đó kết tinh, mọi sinh lực thiêng liêng sẽ hội tụ vào người ấy. Có thể Ngài đến với bạn trong thân xác của một thánh nhân (29), có thể một đạo sư – Ngài có thể đến với bạn qua nhiều cách khác nhau (30). Và đó không phải là quan tâm của bạn. Đó là chuyện của Ngài. Bạn chỉ cần có cái tôi, trở nên sẵn sàng, trở nên một cá nhân, thì thánh linh sẽ đến với bạn.
Khi tìm được rồi, ông ấy nói với nó, “Ta thương mày hơn chín mươi chín con kia.”
Chúa nói Thượng Đế yêu người bướng bỉnh hơn. Các thầy tu sẽ nói, “Nhảm nhí! Chúa nào yêu kẻ lầm lạc?” Họ không thể tin được điều ấy, nhưng xưa nay vẫn thế. Chúa Giê- Su là con chiên đã đi lạc. Phật là con chiên đã đi lạc. Mahavira đã đi lạc. Đám đông luôn luôn thoả mãn với cái bình thường của nó, trong khi Mahavira, Chúa, Phật được Thượng Đế sủng ái.
Điều đó xảy ra cho Phật lúc Ngài ngồi dưới gốc bồ đề; Ngài đã bỏ lại sau lưng mọi xiềng xích của xã hội, văn hóa và tôn giáo, và hoàn toàn tự tại. Thế rồi chân lý hiện đến với Ngài từ mọi hướng, từ mọi phía, và Phật đã trở thành một thánh nhân. Và Ngài là người đã phủ nhận Thượng Đế, bởi vì Ngài đã là một con chiên ‘đi lạc’. Ngài từng nói, “Chẳng có Thượng Đế. Ta chẳng tin Thượng Đế nào cả.” Ngài nói không có xã hội, chẳng có tôn giáo. Ngài phủ nhận kinh Vệ Đà (31), Ngài tẩy chay hệ thống đẳng cấp. Ngài bác bỏ toàn bộ cấu trúc của Ấn. Ngài nói, “Ta không theo đạo Ấn, và Ta chẳng thuộc xã hội nào cả. Ta không tin một lý thuyết nào cả. Nếu không tự chứng nghiệm chân lý, Ta sẽ không tin gì cả.”
Ngài chối bỏ tất cả. Ngài trở nên cô độc tuyệt đối khi mọi liên hệ đều bị cắt đứt. Ngài trở nên một hoang đảo, hoàn toàn trơ trọi. Dưới gốc bồ đề đó, cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, Thượng Đế đổ xô đến với Ngài, với con chiên này, từ mọi hướng, và nói: “Ta thương mày hơn chín mươi chín con kia.” Thượng Đế cũng nói như vậy với Chúa Giê-
Su. Xưa nay đều vậy cả. Đó là luật cơ bản. Thượng Đế đến với con người, chẳng phải người đến với Thượng Đế (32). Con người phải chờ đợi. Sẵn sàng bằng cách nào? Trở thành cá nhân; chối bỏ tất cả. Mặc kệ xã hội, hãy dũng cảm, bể gẫy mọi xiềng xích, mọi quan hệ. Hãy cô độc, và sống như thể bạn là cái rốn của vũ trụ. Thế thì Thượng Đế sẽ nhảy sổ đến với bạn. Và trong sự đổ xô tới ấy, cái tôi của bạn biến mất, hoang đảo sẽ chìm vào đại dương – bỗng nhiên bạn biến mất hoàn toàn (33).
Xã hội phải bỏ lại trước đã. Đó là lối vận hành của nội tâm, bởi vì cái tôi của bạn do xã hội mà có. Nếu bạn kiên trì loại bỏ xã hội, thì tới một lúc nào đó cái tôi sẽ trơ trụi một mình, bởi vì xã hội đã biến mất. Mà không có xã hội, cái tôi cũng chẳng tồn tại được, vì cái tôi do xã hội mà có. Nếu bạn khước từ xã hội, dần dần nền móng sẽ xụp đổ. Khi không có ‘người’ thì ‘ta’ cũng chẳng tồn tại. Cuối cùng ý tưởng ‘ta’ biến mất vì ‘người’ không còn nữa. Khi ‘người’ không còn nữa, ‘ta’ cũng mất theo. ‘Ta’ theo ‘người’ mà triệt tiêu. Khi ‘người’ bị loại bỏ trước, ‘ta’ trở nên sắc bén hơn, kết tinh, tập trung, mạnh mẽ.
Cường độ cực mạnh ấy sẽ nghiền nát cái tôi – đó là sự đổ xô tới của thánh linh. Chúa Giê-Su bị đóng đanh vì những câu này. Ngài bị tố cáo là đã đầu độc con người, đã khuyến khích họ bỏ đạo. Ngài nói rằng Thượng Đế thích những người đi lạc – người tội lỗi, phản động, ích kỷ. Người Do Thái không thể chịu được. Họ tìm mọi cách để bịt miệng Ngài, “Tên này phải bị trừng trị; y đã đi quá xa rồi; y sẽ phá hủy xã hội!” Ngài đã tạo ra những tình huống mà các tu sĩ không thể chấp nhận được; Do Thái Giáo cảm thấy bị thách đố.
Ngài đã chống lại đám đông. Và đám đông ấy bao vây bạn, nên nó lo sợ triền miên. Họ nghĩ, “Người này là kẻ thù của xã hội, hắn sẽ phá hủy tất cả. Nếu không có đám đông, sao chúng ta có thể sống được?” Ngài khuyến khích chín mươi chín con chiên kia đi lạc, nên chúng còn kết bè mạnh hơn nữa. Rồi chúng sẽ báo thù; chúng sẽ giết Ngài. Chúng ta sống trong đám đông, là một phần của đám đông. Chúng ta không thể sống đơn độc vì chúng ta không biết sống cách nào khác. Chúng ta luôn luôn hiện hữu với người khác, không thể thiếu người khác. Không có người khác thì bạn là ai? Nét đặc thù của bạn sẽ mất. Vấn đề là ở chỗ đó: chín mươi chín con chiên tạo ra mọi tôn giáo, mà tôn giáo thực sự chỉ xảy ra với con chiên đã đi lạc.
Hãy can đảm! Hãy bỏ sự quang đãng của đám đông mà tìm nơi hoang dã. Đời sống chờ bạn ở đó, để bạn tăng trưởng. Sẽ có đau đớn, bởi vì không có tăng trưởng nào không đau đớn. Sẽ có thánh giá, có thể sẽ có đóng đanh, bởi vì không thể có tăng trưởng mà không có nước mắt. Xã hội sẽ báo thù bằng thập tự giá – hãy nhận lấy. Nhất định điều ấy sẽ xảy ra, bởi vì khi con chiên ấy trở về, chín mươi chín con kia sẽ nói, “Nó là tội phạm. Nó đã đi lạc; nó không cùng loại với chúng ta; nó không phải là người của chúng ta.” Và chín mươi chín con chiên kia không thể tưởng tượng được rằng chủ chiên đã vác nó trên vai – bởi vì con chiên lạc này đã được tìm lại.
Chúa nói rằng chủ chiên sẽ trở về nhà, và sẽ mời thân hữu đến ăn mừng vì con chiên đi lạc đã được tìm lại. Chúa nói rằng mỗi khi kẻ tội lỗi trở về thì cả thiên đường sẽ vui mừng, chỉ vì con chiên lớn nhất đi lạc và đã được tìm lại (34).
Chú Thích:
1. Chiên, dịch từ sheep của Anh ngữ. Từ điển Việt Nam thường dịch sheep và lamb là cừu. Chiên được dùng ở đây vì người Công Giáo Việt Nam gọi mình là con chiên; các vị lãnh đạo giáo hội được gọi là chủ chiên; Chúa Giê-Su được gọi là Con Chiên Thiên Chúa (Lamb of God).
2. Đoạn văn này tương tự nhưng ý nghĩa hơi khác, so với thánh kinh cách thức. Xin xem Luca 15:3-6
3. Tâm Lý học Miền Sâu (Depth Psychology), do Carl Jung sáng lập, là phương pháp tâm lý để quan sát những kinh nghiệm ẩn tàng và thâm sâu trong tâm linh con người.
4. Socrates, 469-399 BC, ông tổ của triết học tây phương, bị xử tử bằng thuốc độc vì bị cáo là đã đầu độc giới trẻ.
5. Đối với Do Thái Giáo thì Chúa Giê-Su đã lạc đường. Với Ấn Độ Giáo thì Đức Phật là đứa con hoang.
6. Thánh Agut-Ti-Nô (Agustine), trước khi theo đạo, từng sống với một phụ nữ không hề cưới và có một con trai. Câu nói để đời của Ngài là, “Lạy Chúa! Xin cho con đức tinh khiết. Nhưng khoan đã!” Đóng góp quan trọng của Ngài cho giáo hội là sự phối hợp tín lý Công Giáo với triết học Plato, và Ngài đã hàng phục tất cả tà giáo thời ấy, đặc biệt là Machianism mà trước đó Ngài là một tín đồ.
7. Lord Acton (1834-1902), thi sĩ kiêm sử gia nổi tiếng người Anh.
8. Chúa Giê-Su nói, “Nếu ngươi nhìn vào người đàn bà mà có lòng ham muốn thì ngươi đã phạm tội tà dâm rồi. (Mat-Thêu 5:28). Phật Giáo cho rằng hành động (thân), lời nói (khẩu) và ý tưởng đều tạo ra nghiệp.
9. Freidrich Nietzsche là triết gia quan trọng nhất của tây phương. Những triết gia trong hai phái Hiện Đại (Modernism) và Hậu Hiện Đại (Post-Modernism) đều là đồ đệ của ông. Ông ấy đã xét lại toàn bộ văn minh tây phương và cho rằng Hy Lạp đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng là đã chọn con người tính toán của Appolo mà bỏ con người bản năng của Dionysus.
10. Nijinsky là vũ công nổi tiếng người Nga.
11. Dịch, hào sáu, Quẻ Truân, viết, “Thừa mã ban như. Khấp huyết liên như.” Nghĩa là “đã lên ngựa mà còn dùng dằng. Huyết lệ đôi dòng còn chảy mãi.” Đã lên ngựa là đã sẵn sàng cho một hành trình lớn. Còn dùng dằng là chẳng biết đi về đâu. Đó là nỗi truân chuyên của nhiều khách tài hoa: Nietzsche, Wittgenstein (có 3 anh em trai tự tử), Wolf, Goethe, van Gogh, Hemingway...
12. Các nhà khoa học nói rằng ta chỉ dùng khoảng năm phần trăm bộ óc của ta; ngay cả Einstein cũng chỉ dùng khoảng mười lăm phần trăm.
13. R. D. Laing (1927-1978), một nhà tâm lý nổi tiếng người Tô-Cách-Lan.
14. Thánh Phao-Lô (Paul), trước khi bị Chúa quật ngã khỏi ngựa trên đường đến
Damacus, từng đi lùng bắt và khủng bố những người theo đạo. Xin xem Tông Đồ Công Vụ (Acts of Apostles).
15. Chúa Giê-Su nói, “Nước Trời ở trong lòng các ngươi.” (Luca 17:21)
16. Mã Tổ quy phục tên thợ săn San Ping cũng trong trường hợp tương tự như vậy.
17. Chúa Giê-Su cũng nói, “Không có tình yêu nào cao quý hơn là sự hy sinh mạng sống cho bạn của mình.” (Gio-An 15:13)
18. Brahma = Thượng Đế của Ấn Giáo.
19. Mai-Đệ-Liên (Magdalene) là một kỹ nữ bị bắt quả tang. Chiếu theo luật Mai-Sen, bà bị dân chúng ném đá. Bất ngờ Chúa đi ngang, Ngài nói với họ, “Người nào chưa hề phạm tội, xin hãy lấy đá ném bà ấy.” Họ bèn bỏ đi. Chúa nói với bà, “Họ không kết tội cô sao?” Bà ấy nói, “Thưa Ngài, không!” Chúa nói, “Còn ta, ta cũng chẳng kết tội cô.” (Gioan 8:3-11) Kể từ đó Magdalene đi theo Chúa đến hơi thở cuối cùng. Bà là người đã theo Chúa lên đồi Golgotha để bị đóng đanh, và là người đầu tiên đã được Chúa hiện ra sau khi sống lại từ cõi chết.
20. Hà Bá khi thấy được sự mênh mông của biển cả bèn nói với thần Bắc Hải, “Kẻ biết ít, không cho ai bằng mình. Câu nói ấy phải để tôi nói mới đúng.” Bắc Hải nói, “Ếch ngồi đáy giếng không thể nói về biển cả; nó chỉ biết cái hang của nó thôi. Con trùng mùa Hạ không thể nói về băng tuyết; nó chỉ biết cái mùa của nó thôi. Bọn tu sĩ không thể nói về Đạo, vì họ bị trói buộc trong giáo lý của họ. Vạn vật lấy số muôn mà nói thì ngươi chỉ được số một mà thôi. Đối với vạn vật, cái biết của ngươi chỉ là một sợi lông trên mình ngựa.” (Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Thu Thủy).
21. Kinh Dịch, Sơn Thủy Mông, hào hai, viết, “Bao mông, nạp phụ cát. Tử khắc gia.” nghĩa là, “Bao dung những người còn non nớt, tối tăm, trẻ thơ và phụ nữ thì tốt. Đặc biệt những đứa ngỗ nghịch, chống đối cha mẹ.” Cha mẹ tượng trưng cho thẩm quyền của xã hội, tôn giáo và gia đình. Đứa ngỗ nghịch là người đi lạc; nó chẳng biết trên đầu có ai; nó sẽ phủ nhận mọi giá trị, mọi thẩm quyền và vạch ra một con đường mới cho chính nó. Đó là hình ảnh của một triết gia với chiếc búa trên tay mà Nietzsche đã nói đến; anh ta phải đập phá để xây dựng. Đôi khi những đứa ngỗ nghịch ấy bị thu phục bởi một thánh nhân có biện tài vô ngại. Và trong số ấy sẽ có đứa phản thầy, đưa đến sự tổn thương cho thầy. Thí dụ Phật với Đề Bà Đạt Ma, Chúa với Juda, Osho với Sheela. Cho nên Kinh Dịch, quẻ Khôn, hào sáu viết, “Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng.” nghĩa là, “Rồng đánh nhau ở đồng nội, máu đen, máu vàng lai láng.”
22. Chúa Giê-Su nói, “Nếu kẻ nào không ghét cha mẹ mình, anh em mình, vợ con mình, và ngay cả mạng sống của mình, kẻ ấy xứng đáng là đệ tử của ta.” (Luca 14:26)
23. Người Mỹ khi con tới 18 tuổi thì bắt chúng tự lập là vì lý do ấy. (James Hall, Philosophy of Religion, The Teaching Company, Virginia, 2003).
24. Kinh Dịch, Quẻ Càn, hào ba, viết, “Quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược. Lệ. Vô cữu.” Nghĩa là “quân tử ngày đêm hăng hái tự cường, đêm tối vẫn còn thận trọng như lo sợ. Nguy hiểm nhưng không lỗi.” Đó là tiến trình phát triển của cái tôi. Người ấy phải vất vả ngày đêm, phải tranh đấu mạnh mẽ, phải vào sinh ra tử nhiều phen. Nguy hiểm là anh ta sẽ phải nếm đủ mùi cay đắng, và sẽ phải lăn lộn trong luân hồi qua rất nhiều kiếp. Nhưng không có lỗi, vì khi thành đạo anh ta sẽ giúp được nhiều người hơn, bởi vì đã từng trải, kinh nghiệm, lịch lãm, lại làu thông kinh sử, và quán triệt mọi ý hệ và học thuyết. Đó là con đường của một vị bồ tát. Cho nên không có lỗi. Ngược lại những người không có cái tôi mạnh cũng có thể thành đạo được, nhưng không giúp được nhiều người. Phật gọi họ là A-La-Hán - chỉ giúp được chính mình mà không giúp được người khác.
25. Huyền đồng vật ngã là cùng đích của mọi tôn giáo.
1. Xem Tề Vật Luận, Trang Tử, Nam Hoa Kinh
2. Chúa Giê-Su nói, “Nếu các ngươi không nên như con trẻ thì không vào được nước
Trời” (Mark 10:15)
3. Phật gọi là vô ngã (anatta).
4. Áo Nghĩa Thư có chuyện ngàn lẻ một con bò. Một thanh niên tìm thầy học đạo. Thầy gửi anh ta đi để học những bộ kinh Vệ Đà và những bộ kinh khác. Sau nhiều năm anh trở về, thầy nói với anh ta. “Nay anh đã trở nên ngạo mạn về sự biết nhiều, hiểu rộng của anh. Ta vô cùng bất mãn. Ta có mười con bò. Anh hãy dẫn chúng vào rừng sâu. Khi chúng thành một ngàn con thì hãy trở về. Sau nhiều năm ròng rã, anh quên cả ngày về, quên cả loài người , quên cả chính mình. Khi nghe đám bò nói với anh là chúng đã đủ một ngàn con rồi, anh dẫn chúng trở về gặp thầy. Có người đếm được đúng 1,000 con bò, họ la lên, “1,000 con bò!” Thầy anh nhìn anh và đàn bò, nói, “1,001 con!”
26. Sikh là một tôn giáo của Ấn Độ, do đại sư Nanak thành lập.
27. Người Ấn có câu, “Khi đệ tử đã sẵn sàng, thầy sẽ tự xuất hiện. Và Thượng Đế là vị thầy tối cao.”
28. Lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập niết bàn là, “Hãy trở thành ánh sáng soi đường cho chính mình. Hãy là hải đảo cho chính mình.”
29. Thánh Phao-Lô nói, “Không phải tôi sống nữa, mà chính Chúa Ki-Tô đang sống trong tôi” (Galatians 2:20)
30. Kinh Dịch viết, “Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh”. Nghĩa là sự hội nhập với Thượng Đế của mỗi người luôn luôn khác nhau (nguyên), hanh thông (hanh), lợi ích (lợi) và chính đáng (trinh).
31. Vệ Đà (Veda=kiến thức) là bốn bộ kinh của Ấn Độ Giáo, gồm có: Rig-Veda, Sama- Veda, Yajur-Veda, và Atharva-Veda.
32. Đó là ý nghĩa của dụ ngôn mười trinh nữ canh thức để chờ chú rể (Mat. 25:1-13)
33. Sự biến mất này Phật gọi là vô ngã (anatta); Kabir gọi là ‘Đại dương đã biến trong giọt nước’; Osho gọi là ‘Tự do khỏi cái ta.”
34. Luca 15:7
Xem tiếp Chương 7Quay về Mục lục

Ads Belove Post