Chương 5. Giáo lý lạ đời

Chương 5. Giáo lý lạ đời

Price:

Read more

Osho - Hạt Cải Trời
Chương 5. Giáo lý lạ đời

Chúa Giê-Su nói với họ:
Nếu nhịn ăn ngươi sẽ phạm tội. Mà nếu cầu nguyện, ngươi sẽ bị kết án.
Và bố thí sẽ có hại cho linh hồn của ngươi. (1)
Và bất kỳ nơi nào ngươi đến, nếu được tiếp đón, hãy ăn những gì chủ mời, và chữa bệnh cho người thân của họ.
Vì những gì ngươi ăn vào sẽ không làm ô uế các ngươi, nhưng những gì từ miệng ngươi nhả ra sẽ làm ô uế ngươi.
Những lời này thật là lạ lùng, nhưng cũng đầy ý nghĩa. Chúng có vẻ lạ lùng vì con người không phải thật; hắn sống trong giả dối. Bất kỳ hắn làm gì, tất cả đều sai cả.
Nếu cầu nguyện, bạn sẽ cầu nguyện vì những lý do không đứng đắn; nếu nhịn ăn, bạn làm vì lý do nào đó – bởi vì bạn giả dối. Cho nên câu hỏi không phải là làm gì, mà là chỉnh đốn lại con người của bạn. Nếu là người chân chính, bất cứ gì bạn làm đều đúng cả. Mà nếu không chân chính, không tự chủ, không chân thực thì mọi việc bạn làm đều hỏng cả.
Hơn nữa, vấn đề không phải là việc làm của bạn, mà là con người của bạn. Nếu một tên trộm cầu nguyện, lời nguyện của hắn sẽ sai trái, bởi vì sao một tâm hồn chỉ biết lừa đảo, gạt gẫm, phá hoại mà có lòng thành được? Sao lời nguyện lại có thể phát xuất từ con tim của một tên trộm được? Cầu nguyện có thể thay đổi bạn, nhưng lời nguyện đến từ đâu? Nó đến từ bạn. Nếu bạn bệnh hoạn, bạn cầu nguyện vì lý do đen tối.
Mulla Nasrudin kiếm việc làm. Hắn khoe rất nhiều ưu điểm. Y viết, “Tôi đỗ đầu đại học. Tôi được giao chức phó giám đốc ngân hàng, nhưng tôi từ chối vì không quan tâm đến tiền bạc. Tôi là người thành thật, nhân đức. Tôi không tham lam, không màng gì đến lương lậu; chủ muốn trả lương bao nhiêu cũng được. Và tôi say mê công việc – sáu mươi lăm giờ một tuần.”
Khi nhìn đơn của y, ông giám đốc sửng sốt nói, “Chao ơi! Anh không có khuyết điểm gì sao?”
Mulla Nasrudin nói, “Chỉ có một thôi! Tôi nói xạo!”
Nhưng cái đó đã làm hỏng tất cả. Chẳng cần khuyết điểm nào khác, chỉ một là đủ. Bạn cũng chẳng có nhiều khuyết điểm; bạn chỉ có một - từ đó đẻ ra mọi cái khác. Và bạn phải nhớ khuyết điểm của mình, bởi vì nó sẽ đi theo bạn như hình với bóng; bất kỳ bạn làm gì nó sẽ xuyên tạc tất cả.
Cho nên quy tắc căn bản nhất của tôn giáo không phải là làm gì, mà phải sống ra sao. ‘Sống’ là cái cốt lõi trong cùng nhất của bạn, ‘làm’ là những hoạt động bề mặt ở ngoại vi. ‘Làm’ là quan hệ của bạn với người khác, với thế giới bên ngoài, và ‘sống’ là con người của bạn, là bên trong của bạn. Bạn có thể sống mà không làm gì hết, nhưng không thể sống mà thiếu bản thể. Hành động không quan trọng, có thể bỏ được. Một người có thể bất động, không làm gì cả, nhưng không thể sống mà thiếu bản thể. Cho nên bản thể chính là yếu tính. Chúa, Phật, Krishna đều nói về bản thể. Nhưng trong giáo đường, chùa, miễu, những cái-gọi-là giáo sĩ lại nói về hành động. Nếu bạn hiểu Chúa, Ngài sẽ nói về bản thể của bạn và làm cách nào để thay đổi nó. Nếu bạn hiểu các giáo chủ, họ sẽ dạy bạn về luân lý. Chủ đích của luân lý là hành động, mà của tôn giáo là bản thể.
Sự khác biệt đó phải được làm sáng tỏ, bởi vì tất cả đều tuỳ thuộc vào đó. Một khi có người như Chúa xuất hiện, Ngài sẽ bị hiểu lầm. Mà bạn hiểu lầm vì không phân biệt được điều này; Ngài nói về bản thể mà ta lại giải thích sai hẳn, như thể là Ngài nói về hành động. Nếu bạn hiểu được điều này thì lời kinh này sẽ rõ ràng, rất hữu ích. Nó có thể là ánh sáng dẫn đường cho bạn, bằng không thì nó rất kỳ quái, mâu thuẫn và có vẻ chống lại tôn giáo. Có thể vì thế mà đám thầy tu đã cho là Ngài phạm thượng và đã đóng đanh Ngài. Họ nghĩ là Ngài đã báng đạo.
Hãy đọc những lời kinh này – mới nhìn qua thì quả đúng là vậy:
Chúa Giê-Su nói với họ:
Nếu nhịn ăn, ngươi sẽ phạm tội. Mà nếu cầu nguyện, ngươi sẽ bị kết án.
Và bố thí sẽ có hại cho linh hồn của ngươi.
Mọi tôn giáo đều khuyên ta nhịn ăn, và lập đi lập lại là nhịn ăn sẽ tạo nhiều công đức. Kỳ Na Giáo nhấn mạnh đặc biệt về nhịn ăn. Nếu nghe được lời kinh này của Chúa, họ sẽ nói, “Tên này thật là nguy hiểm, người Do Thái đóng đanh hắn cũng đáng lắm!”
Người Do Thái cũng lúng túng: những lời kinh này thật là táo bạo, và sẽ làm đảo lộn luân lý hoàn toàn. Nếu bạn nói: Nếu nhịn ăn, ngươi sẽ phạm tội – nghĩa là nhịn ăn trở thành một tội – và nếu cầu nguyện, ngươi sẽ bị kết án. Có ai nói cầu nguyện mà bị kết án bao giờ? Thế thì tôn giáo để làm gì? Ta nghĩ rằng tôn giáo nghĩa là đến nhà thờ để cầu nguyện với Thượng Đế. Vậy mà Chúa nói:
Nếu cầu nguyện, ngươi sẽ bị kết án. Và bố thí sẽ có hại cho linh hồn của ngươi.
Thật là kỳ quái, nhưng đầy ý nghĩa. Chúa nói rằng trong tình huống của bạn, bất kỳ bạn làm gì đều sai hết cả. Vấn đề không phải nhịn ăn, hay không nhịn ăn, bố thí hay không bố thí, cầu nguyện hay không cầu nguyện. Điều Ngài muốn nhấn mạnh là: Bất kể bạn là gì, trong tình cảnh của bạn, tất cả đều trật lất hết.
Bạn có thể cầu nguyện được chăng? Bạn đến giáo đường chỉ vì thói quen, nhưng khó mà bạn cầm trí được. Cầu nguyện đòi hỏi một phẩm chất đặc biệt mà bạn không có, nên bạn chỉ tự dối mình rằng bạn đang cầu nguyện. Hãy quan sát những người đang cầu nguyện: họ chỉ cầu bằng môi, bằng miệng, và họ không để tâm, để trí vào lời nguyện của họ. Cầu nguyện như thế thì Chúa nào mà chấp nhận được? Mà nếu họ cầu nguyện một cách đúng đắn thì chẳng cần phải đến giáo đường, chùa, miễu. Mỗi nơi bạn tới đều là đền thờ; mỗi bước đi của bạn đều là cầu nguyện. Khi làm việc, khi ăn uống, khi yêu đương, khi nhìn, khi thở – tất cả đều là cầu nguyện. Bởi vì lúc nào bạn cũng ở trong trạng thái cầu nguyện. Chẳng khác gì bạn thở, không một phút nào bạn có thể ngưng được. Thế thì đâu cũng là nhà thờ, đâu cũng là tịnh xá. Giáo đường chỉ để cho những người tự lừa dối mình, cho những người chẳng biết cầu nguyện mà vẫn tin rằng họ đang cầu nguyện.
Một người tội lỗi đang hấp hối. Ông ta chưa bao giờ đến nhà thờ, chưa hề nghe giảng, nhưng lúc lâm chung thì hoảng sợ. Ông ta mời một mục sư tới nhà. Nhiều người theo vị mục sư đến vì ông ta từng là một chính khách tên tuổi. Ông ta mời vị mục sư đến gần vì có tâm sự riêng muốn nói. Ông mục sư đến gần, và người tội lỗi ấy thì thầm, “Tôi biết tôi là kẻ tội lỗi, và tôi biết là tôi chưa hề đến nhà thờ, là tôi rất lười biếng và không hề cầu nguyện.
Cho nên tôi biết là chẳng ai tha thứ cho tôi cả. Nay tôi biết như vậy nhưng đã trễ rồi. Tuy nhiên, tôi muốn xin ông cầu cùng Thượng Đế, và xin Ngài tha thứ cho tôi. “Chắc chắn rồi,” mục sư nói, “có thể là Ngài không biết rõ về ông như chúng tôi đã biết về ông.”
Nhưng nếu bạn không lừa dối được cả thế gian, bạn nghĩ là bạn có thể lừa dối được Thượng Đế chăng? Nếu bạn không thể gạt được những người bình thường, sao bạn có thể gạt được đấng toàn giác được? Đó chỉ là lời an ủi, vỗ về: “Có thể”. Nhưng từ “có thể” ấy sai hoàn toàn. Không nên đánh lận con đen như thế!
Cầu nguyện là một phẩm chất của yếu tính, không phải của cá tính. Yếu tính là cái bạn được sinh ra với; nó chẳng dính dáng gì đến những cái bạn làm; nó là một món quà của Thượng Đế. Cá tính là những điều bạn làm. Cầu nguyện thuộc về yếu tính: nó là một đặc tính; nó chẳng liên quan đến những cái bạn đang làm.
Nhịn ăn là gì? Bạn nhịn ăn bằng cách nào? Sao người ta phải nhịn ăn? Lời của Chúa thật là thâm thúy, sâu sắc hơn cả lời dạy của Mahavira về nhịn ăn. Lời của Chúa có một giá trị tâm lý rất cao siêu, và nó vạch ra tính cực đoan của tâm trí con người: một người chỉ biết ăn và ăn thì có thể nhịn ăn một cách dễ dàng. Mới nghe qua thì có vẻ vô lý và mâu thuẫn là háu ăn mà có thể nhịn ăn dễ dàng. Nhưng chỉ những người như thế mới có thể nhịn ăn rất dễ dàng. Một người quân bình, điều độ khó mà nhịn ăn được. Tại sao? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải bàn đến nhịn ăn qua cái nhìn của sinh lý học và tâm lý học.
Hãy đi qua sinh lý học trước vì đó là lớp ngoài cùng nhất. Nếu ăn quá nhiều thì bạn sẽ ứ lại với nhiều chất béo. Nó cho phép bạn nhịn ăn dễ dàng và chất béo chỉ là một loại dự trữ, một kho chứa. Quý bà có thể nhịn đói dễ hơn đàn ông, và bạn biết rõ như thế. Nếu bạn quan sát những người nhịn ăn, bạn sẽ thấy cứ một ông thì có đến bốn hay năm bà: đó là tỷ lệ. Ông chồng không thể nhịn đói, nhưng với vợ thì dễ ợt. Sao vậy? Bởi vì cơ thể đàn bà tích trữ nhiều chất béo, mà nếu có nhiều mỡ thì nhịn đói dễ hơn vì cơ thể lấy mỡ mà xài. Do đó bạn xuống mỗi ngày một, hay hai cân. Sức nặng ấy biến đi đâu? Bạn ăn chính mình – một loại ăn thịt người!
Đàn bà nhịn đói dễ hơn; họ ứ chất béo nhiều hơn đàn ông; vì vậy cơ thể của họ tròn hơn. Đối với các bà thì chẳng khó khăn gì. Người mập nhịn đói rất dễ; họ luôn luôn tìm mua thuốc xụt cân. Một người bình thường, khỏe mạnh có thể tích trữ mỡ nhiều đến nỗi có thể nhịn ăn ba tháng mà không chết; chín chục ngày – bằng đó dự trữ có thể chứa được. Nhưng nếu bạn gầy – nghĩa là bạn ăn uống quân bình, chỉ đủ chất bổ cho mỗi ngày, thì khó mà nhịn ăn được. Cho nên câu lạc bộ nhịn ăn chỉ toàn những người giầu có; chẳng có đến một mống nghèo nào.
Hãy quan sát: mỗi khi người nghèo mừng lễ thì họ ăn uống linh đình; và mỗi khi nhà giầu mừng lễ thì họ nhịn ăn. Ở Ấn Độ người nhịn ăn thường là người Kỳ Na vì họ giầu nhất. Nhưng người Hồi, người Ấn đến ngày lễ lớn là tiệc tùng vì cả năm họ đã nhịn đói rồi, cho nên họ không thể nhịn ăn trong dịp lễ lớn được. Họ đã nhịn ăn cả năm trời; được dịp là họ ăn uống hả hê. Trong ngày đại lễ họ sẽ mặc áo mới, sẽ có một bữa tiệc lớn để tạ ơn Thượng Đế. Đó là tôn giáo của người nghèo.
Hiện nay ở Mỹ những câu lạc bộ nhịn ăn ngày càng nhiều hội viên. Lý do là vì Mỹ quá giầu, và họ ăn quá nhiều nên phải nhịn ăn. Ở Mỹ người nhịn ăn ngày càng đông, Họ có thể gọi bằng nhiều tên khác nhau, nhưng về mặt sinh lý học thì cơ thể của bạn phải có quá nhiều mỡ nên mới phải nhịn ăn.
Tiếp đó là mặt tâm lý. Vì bị ám ảnh bởi thực phẩm nên bạn nhịn ăn. Ăn là một sự ám ảnh thường xuyên của bạn, nên đến ngày nào đó bạn phát điên lên được vì ăn, và nghĩ đến ăn. Nếu suy nghĩ thường xuyên về cái gì đó, bạn sẽ thấy chán ngấy vì nó. Điều đó làm cho cái đối nghịch trở nên hấp dẫn với bạn: bạn đã ăn quá nhiều nên nay cần phải nhịn ăn. Và vì nhờ nhịn ăn mà bạn được ăn ngon trở lại, khẩu vị mới hoạt động hoạt động trở lại – đó là cách duy nhất.
Và đó là quy luật cơ bản của tâm trí: nó xoay qua cái đối nghịch rất dễ dàng, nhưng nó không hề biết quân bình là gì. Trung dung là cái khó nhất của tâm trí; cực đoan thì quá dễ đối với nó. Nếu ăn quá nhiều, bạn có thể nhịn ăn một cách dễ dàng, bởi vì đó là hai đối cực – nhưng điều độ thì khó mà bạn làm được. Gặp món ngon thì khó mà bạn ngưng được. Hoặc là ăn cho đã thì thôi, hoặc là nhịn ăn; tâm trí luôn luôn nghiêng về những cực đoan. Chẳng khác gì quả lắc đồng hồ: nó ngả về bên trái, rồi nghiêng qua bên phải, nhưng nếu nằm ngay chính giữa thì đồng hồ chết. Nếu tâm trí của bạn nằm ngay chính giữa thì ý tưởng sẽ chấm dứt. Nhưng nếu bạn đi đến một cực đoan, chẳng chóng thì chầy, cái đối nghịch sẽ trở nên có ý nghĩa; nó sẽ ám ảnh bạn và kéo bạn qua cái đối nghịch đó.
Chúa Giê-Su hiểu rất rõ quy luật này. Ngài nói: Nếu nhịn ăn, ngươi sẽ phạm tội.
Tội là gì? Theo ý nghĩa của Chúa thì thái quá là tội lỗi. Quân bình là nhân đức. Tại sao? Tại sao cực đoan lại là tội? Đi từ cực đoan này sang cực đoan khác là tội vì bạn chọn nửa này mà bỏ nửa kia – mà chân lý là toàn bộ. Khi nói, “Tôi sẽ ăn thật nhiều,” bạn đã chọn nửa này. Khi nói, “Tôi sẽ không ăn gì hết,” bạn đã chọn nửa kia. Nhưng người biết điều độ không cần chọn lựa: khi đói thì ăn, không phải bị ám ảnh bởi nửa nọ, hay nửa kia; bạn không hề bị ám ảnh, không bị loạn tinh thần. Thể xác được bồi dưỡng mà bạn không bị khổ tâm về nhu cầu của nó.
Sự quân bình này đứng ngoài vòng tội lỗi. Cho nên mỗi khi bị mất quân bình thì bạn là người tội lỗi. Ý của Chúa là người say mê thế gian là người tội lỗi, mà người từ bỏ thế gian cũng là tội lỗi, vì anh ta đã chọn cái đối nghịch. Người chấp nhận thế gian mà chẳng phải lựa chọn gì cả thì không lệ thuộc nó. Chấp nhận nó là siêu việt lên trên nó. Lựa chọn nghĩa là cái tôi của bạn đã nhập cuộc, bạn phải tranh đấu.
Một khi đã chọn một cực điểm thì bạn phải tranh đấu liên miên, bởi vì cực điểm không phải là chỗ để nghỉ ngơi. Chỉ khi nào tìm được thăng bằng, bạn mới được thảnh thơi. Tại cực điểm bạn luôn luôn bị căng thẳng, lo lắng, và ưu tư. Khi tìm được trung điểm, khi được quân bình thì bạn hết ưu tư, hết thống khổ; bạn đã về nhà; chẳng có gì quấy rầy bạn nữa vì căng thẳng đã hết. Căng thẳng nghĩa là cực đoan. Vì đã trải qua nhiều cực đoan nên bạn bị căng thẳng thường xuyên.
Nếu bị ám ảnh bởi sắc dục, tâm trí sẽ luôn luôn bị xáo trộn vì dục. Mà nếu cưỡng lại thì cũng bị dục làm rối trí. Nếu chỉ biết có dục thì tâm trí của bạn chỉ nghĩ tới dục. Nếu chống lại nó, nếu coi nó là kẻ thù, thì dục cũng sẽ chiếm lĩnh tâm trí của bạn – bởi vì bạn thì nhớ một, mà thù thì nhớ đến mười. Bạn có thể quên, mà thù thì nhớ đời. Sao bạn có thể quên được kẻ thù chứ? Cho nên người chỉ biết có dục chỉ nghĩ đến dục. Mà bỏ trốn vào trong các tu viện là tìm đến một cực đoan khác – họ thường xuyên nghĩ đến dục vì đã coi nó như hủi cần phải tránh bằng mọi giá.
Ăn quá nhiều, hay bị ám ảnh bởi thức ăn, như thể bạn sống để ăn, thì bạn chỉ nghĩ đến thức ăn. Ngược lại nhịn ăn thì thực phẩm cũng thường ngự trị trong tâm trí. Mà cái gì ở mãi trong tâm trí sẽ trở thành một gánh nặng.
Đàn bà không phải là nguyên do, đàn ông không phải là đầu mối - dục ở mỗi trong tâm trí mới là vấn đề. Thực phẩm không phải là một vấn đề: bạn ăn xong thì thôi, nhưng thức ăn luẩn quẩn mãi trong trí lại là một gánh nặng. Mà nếu có nhiều thứ vật lộn trong tâm trí thì năng lượng sẽ tiêu vào đó hết; tâm trí sẽ trở nên u tối, buồn chán; nó bị nặng trĩu đến nỗi cuộc sống trở thành vô nghĩa. Khi được nhẹ gánh, thư giãn, tươi mát thì trí tuệ sẽ lộ ra; nó cho phép bạn nhìn đời với ánh mắt tươi sáng, với một thần thức trẻ trung, sắc bén. Cả cái tồn tại này trở nên lộng lẫy – vẻ đẹp ấy chính là Thượng Đế.
Cái tồn tại trở nên sống động – sự sống động ấy là Thượng Đế. Cả vũ trụ trở nên sảng khoái, mê ly; trong từng khoảnh khắc, trong từng nhịp đập đều là phúc lạc – sự sảng khoái và phúc lạc ấy là Thượng Đế.
Thượng Đế không phải là một cá nhân chờ bạn ở đâu đó. Thượng Đế là một sự mặc khải trong thế giới này. Khi tâm trí tĩnh lặng, trong sáng, nhẹ tênh, trẻ trung, tươi mát, mới mẻ, nó sẽ nhận ra Thượng Đế khắp nơi. Nhưng tâm trí của bạn đã chết rồi, và bạn đã thủ tiêu nó qua một tiến trình đặc biệt. Tiến trình đó là nhảy từ cực đoan này qua cực đoan khác, rồi lại chuyền từ đó sang cực đoan khác nữa, mà không hề biết đến trung dung là gì.
Tôi nghe kể về một tên say đang lảo đảo trên một phố lớn. Hắn hỏi một người qua đường, “Lề đường bên kia đâu?” Đường thì lớn và màn đêm đang đổ xuống, mà hắn thì đã say mèm rồi. Vì không thấy rõ nên hắn mới hỏi “Lề đường bên kia đâu?” Người ấy thấy tội cho hắn nên mới dắt hắn qua đường. Khi qua đến bên kia thì hắn lại hỏi, “Lề đường bên kia đâu?” Người ấy lại dẫn hắn băng qua đường. Tên say đứng lại rồi nói, “Tôi bị lừa rồi! Lúc ở đây thì tôi hỏi: lề đường bên kia đâu? Họ dẫn tôi qua đây. Bây giờ tôi hỏi: Lề đường bên kia đâu? Họ nói nó bên kia. Người đâu mà kỳ cục thế? Lề đường bên kia đâu?”
Bạn ở bên này, hay bên kia cũng chẳng khác nhau: cái cực đoan đối nghịch trở thành lề bên kia, và nó trở nên hấp dẫn đối với bạn, bởi vì khoảng cách là một hấp lực. Bạn không thể tưởng tượng được người muốn diệt dục bị nó ám ảnh như thế nào. Quá sức tưởng tượng của bạn. Bạn cũng không thể tưởng tượng được người nhịn ăn bị ám ảnh vì thức ăn như thế nào. Bạn không thể tưởng tượng được vì đó là một kinh nghiệm: liên tục chỉ có nghĩ đến một thứ - ăn, dục. Và nó có thể tiếp tục cho đến cùng. Thậm chí ngay lúc lâm chung, nếu còn một cực đoan nào nữa thì bạn cũng bị ám ảnh.
Làm cách nào để được thảnh thơi và thư giãn? Đừng quá cực đoan. Đó là lời dạy của Chúa. Đừng thái quá! Chúa biết bạn là người ham ăn – đừng nhịn ăn vì nó sẽ chẳng ích lợi gì. Nếu nhịn ăn, ngươi sẽ phạm tội; và nếu cầu nguyện, ngươi sẽ bị nguyền rủa.
Cầu nguyện là gì? Cầu nguyện theo kiểu của bạn là xin xỏ, đòi hỏi, than phiền: bạn ước muốn điều gì và bạn xin Thượng Đế ban cho bạn điều đó. Bạn đến nguyện đường để xin như thể một tên ăn mày. Cầu nguyện của bạn là xin xỏ, nhưng cầu nguyện không thể là xin xỏ; cầu nguyện chỉ có thể là một sự tạ ơn, sự tri ân. Đó là một phẩm chất hoàn toàn khác. Nếu xin xỏ thì sự cầu nguyện của bạn không phải là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện. Cầu nguyện như thế cũng vô ích vì bạn chỉ muốn trao đổi; cái được trao đổi đó mới quan trọng, không phải cầu nguyện. Và nếu cầu hoài mà không được thì bạn sẽ thôi nhà thờ. Bạn sẽ nói, “Vô ích!” Bởi vì đối với bạn cầu nguyện chỉ là một phương tiện.
Cầu nguyện không thể là một phương tiện, cũng như tình yêu không thể là một phương tiện. Tình yêu chính là cứu cánh: bạn yêu vì bạn yêu, chẳng vì lý do nào khác cả. Tình yêu tự nó có một giá trị nội tại – bạn yêu vì bạn yêu. Thật là hạnh phúc. Không gì có thể hơn vậy nữa. Bạn không thể tìm được gì trong đó. Nó không phải là một phương tiện để đạt đến một cứu cánh nào đó; nó chính là một cứu cánh. Và cầu nguyện chính là tình yêu – bạn cầu nguyện một cách vui sướng, chẳng đòi hỏi gì, chẳng cầu mong gì.
Cầu nguyện tự nó đã quá đẹp rồi; bạn cảm thấy ngất ngây và hạnh phúc, đến đỗi bạn chỉ biết cảm tạ trời đất đã cho bạn sự sống, đã cho bạn thở, đã cho bạn mắt nhìn để thấy cái đẹp của muôn loài, đã cho bạn tai để nghe, đã cho bạn ý thức. Bạn chẳng xứng đáng mà vẫn được phần thưởng đó. Bạn đến nhà nguyện với một sự biết ơn sâu sắc, với lời tạ ơn, “Con không xứng đáng với quá nhiều hồng ân ấy. Muôn vàn cảm tạ.” Bạn có xứng đáng được gì không? Bạn xứng đáng chỗ nào? Nếu bạn không có mặt trong lúc này, bạn có thể nói là bất công cho bạn chăng? Không! Mọi thứ mà bạn có được chỉ là một quà tặng của trời đất. Bạn không xứng đáng tí nào cả.
Thượng Đế tràn đầy tình yêu. Hiểu được điều đó thì một phẩm chất mới sẽ nảy sinh từ bên trong bạn: lòng biết ơn. Cho nên cầu nguyện đối với bạn chỉ là sự cám ơn, sự tạ ơn của bạn. Sự biết ơn là cầu nguyện, và nó tuyệt đẹp, đến đỗi chẳng có gì có thể so sánh được. Cầu nguyện là đỉnh cao của sự hạnh phúc của bạn; nó không thể là một phương tiện để đạt đến một cứu cánh nào đó.
Chúa Giê-Su nói, Và nếu cầu nguyện, ngươi sẽ bị kết án, bởi vì lối cầu nguyện của bạn là sai. Chúa biết rất rõ là bạn cầu nguyện để xin xỏ cái này, hay cái khác. Nó là một phương tiện. Bạn đã biến nó thành một phương tiện. Nghĩa là bạn đã phạm tội.
Tình yêu của bạn là gì? Nếu hiểu được tình yêu, bạn có thể hiểu được thế nào là cầu nguyện. Bạn có thực sự yêu một người không? Bạn yêu, hay có gì khác xuất hiện ở đó? Phải chăng là sự hài lòng giữa đôi bên? Khi yêu một người, bạn có thực sự yêu người đó không? Bạn yêu vì con tim của mình, hay nhân danh tình yêu mà bạn lợi dụng người khác? Bạn yêu vì dục, hay vì lý do nào đó, nhưng cũng là lợi dụng người khác. Mà nếu người kia nói, “Đừng lợi dụng tôi!” thì tình yêu của bạn có tồn tại được không? Bạn sẽ nói, “Lợi dụng gì chứ?” Nếu được người kia đáp lại, nếu được người đẹp yêu thì cái tôi của bạn sẽ được thoả mãn. Được một người đẹp nể phục, bạn sẽ thấy xứng đáng là một người đàn ông. Nếu cô ấy không yêu bạn, không phục bạn, tình yêu ấy sẽ không nẩy nở. Nếu là phái nữ mà được một chàng bảnh trai trồng cây si thì bạn sẽ được hả dạ, cái tôi của bạn sẽ được thổi phồng.
Đó là sự lợi dụng lẫn nhau – mà bạn gọi là tình yêu. Mà nếu địa ngục nằm giữa hai người thì cũng chẳng lạ gì, bởi vì tình yêu chỉ là một cái tên, và ẩn bên dưới đó là một cái gì khác. Tình yêu thực sự không thể tạo ra địa ngục. Tình yêu chính là đặc tính của thiên đường. Nếu yêu, bạn sẽ có hạnh phúc; hạnh phúc chính là bằng chứng của tình yêu của bạn.
Nhưng mấy cuộc tình được hạnh phúc? Chỉ trong lúc đầu, khi họ đang sửa soạn, một cách vô ý thức, để quăng lưới ra mà bắt lẫn nhau; họ làm thơ, họ tặng hoa và những vớ vẩn khác để chụp lẫn nhau. Một khi chim đã vào lồng thì hạnh phúc cũng cao bay. Lúc đó họ cảm thấy như thể bị tù đày. Cái tôi của người kia trở thành sự ràng buộc, và cả hai đều cố thống trị và chiếm hữu lẫn nhau.
Tình yêu đó bị kết án. Nếu yêu mà cũng lầm lỡ thì sao cầu nguyện cho đúng được, bởi vì cầu nguyện là tình yêu đối với thánh linh - mà nếu chỉ yêu một người mà cũng không xong, sao bạn có thể yêu được cái linh thiêng. Tình yêu chỉ là một bước dẫn đến cầu nguyện; bạn phải học. Nếu có thể yêu được một người bằng xương bằng thịt, bạn đã học được bí mật. Chìa khóa đó cũng áp dụng được với thánh linh, dĩ nhiên là lớn hơn nhiều và mạnh hơn nhiều. Kích thước lớn hơn nhưng cũng chỉ một chìa khóa. “Tình yêu” nghĩa là đây là tận cùng, chẳng có cái tôi trong đó. Khi không có cái tôi thì bạn yêu. Bạn cho mà chẳng cần phải hỏi, chẳng cần được cám ơn. Bạn cho vì quá tràn đầy, bạn chia sẻ vì chia sẻ quá tuyệt diệu – thế thì không có đổi chác. Khi không có đổi chác, khi không có cái tôi thì tình yêu tuôn trào; bạn không đóng băng mà hòa đồng với tất cả. Sự hòa đồng ấy cần phải học vì nếu không bạn sẽ không thể cầu nguyện được.
Chúa nói với các môn đệ: Nếu ngươi cầu nguyện – Ngài nhắm vào bạn – ngươi sẽ bị kết án – Ngài biết môn đệ của mình rất rõ – Và nếu bố thí, ngươi sẽ làm hại cho linh hồn mình. Bạn thấy có gì xảy ra bên trong khi cho người ăn mày không? Cho vì bác ái hay vì cái tôi? Nếu trên đường chỉ có bạn và tên ăn mày chắc bạn sẽ nói, “Cút đi đi!” bởi vì không có ai ở đó mà chứng kiến nên bạn không bị áy náy. Nhưng ăn mày cũng đáo để lắm; họ chỉ xin khi bạn ở giữa đám đông.
Nếu đi với người yêu thì họ sẽ đón đường bạn. Họ sẽ chờ bạn giữa nơi thị tứ vì biết nếu bạn không cho thì người khác sẽ nghĩ là bạn bủn xỉn, keo kiệt và tàn nhẫn. Thế thì bạn cho để giữ thể diện. Bạn không cho vì lòng bác ái. Và đừng quên rằng tên ăn mày đó sẽ nói với những tên ăn mày khác là hắn đã lừa bạn. Hắn sẽ cười vì biết rõ sao bạn phải cho. Bạn cho chẳng phải vì bạn nhân từ.
Cho vì lòng nhân có một ý nghĩa khác hẳn: bạn thấu hiểu được sự thống khổ của người khác, như thể bạn là một phần của nỗi khổ ấy. Không những bạn cảm thấy được sự thống khổ đó mà bạn còn cảm thấy được trách nhiệm của mình rằng, nếu có một người đau khổ thì, ít hay nhiều, bạn cũng có một phần trách nhiệm – bởi vì cái toàn thể có trách nhiệm với thành phần: “Tôi đã đóng góp cho cái xã hội đã tạo nên những người hành khất. Tôi đã đóng góp vào sự bóc lột; tôi là một phần của nó mà tên ăn mày này là nạn nhân.”
Bạn không những có lòng nhân mà cả trách nhiệm nữa. Bạn phải làm gì đó. Và nếu bạn cho người ăn mày này, bạn không muốn người ấy cám ơn bạn. Đúng ra, bạn phải cám ơn người ấy nếu bạn cho vì nhân từ, bởi vì bạn biết cái bạn cho chẳng đáng bao nhiêu. Xã hội vẫn tiếp tục, và bạn đã đầu tư khá nhiều vào cái xã hội đã gây ra ăn mày. Và bạn biết rõ bạn là một phần của cái cấu trúc đã gây ra cảnh khốn khổ này, bởi vì giầu không thể tồn tại nếu không có người nghèo. Và bạn cũng biết là bạn cũng có tham vọng làm giầu; bạn cảm thấy sự sái quấy và tội lỗi. Thế thì bố thí có ý nghĩa khác hẳn. Nếu nghĩ rằng bạn đã làm công đức lớn vì bạn đã cho tên ăn mày này một đồng, thì Chúa nói, Ngươi đã làm hại cho linh hồn mình, bởi vì bạn không biết việc bạn đang làm.
Nếu cho vì lòng nhân, vì bác ái thì không phải bạn bố thí cho người ăn mày, mà bạn đang chia sẻ với một người bạn. Nếu ăn mày trở thành bạn thì chẳng có kẻ cho và người nhận: bạn không cao sang hơn người ăn mày; bạn chẳng làm gì lớn lao cho người ấy; cái tôi không được thoả mãn. Ngược lại, bạn cảm thấy chẳng thể làm được gì vì số tiền nhỏ này chẳng giúp được gì.
Một chuyện rất hay…
Một thiền sư sống trong một lều tranh cách thành phố khá xa. Hôm ấy ngày rằm. Một tên trộm lẻn vào. Sư lo lắng vì ngoài cái mền đang khoác trên người, sư chẳng có gì cả. Chưa biết phải làm gì thì tên trộm bước vào. Sư bèn để cái mền cạnh cửa rồi trốn trong một góc nhà. Tên trộm nhìn quanh mà chẳng thấy cái mền vì trong lều tối om. Chán nản, thất vọng y đành phải về tay không. Sư thấy vậy bèn la lên, “Khoan đã! Hãy lấy cái mền. Tôi rất tiếc là ông từ xa đến, mà trời thì lạnh nhưng trong lều này chẳng có gì cả. Lần sau nếu ghé qua đây, xin cho tôi biết trước. Tôi rất nghèo, nhưng sẽ cố tìm một vài thứ để tặng ông. Lần này xin hãy lấy cái mền ấy. Và xin ông đừng từ chối. Tên trộm không thể tin được tai mình. Hắn thấy nổi da gà; lão già này cổ quái thật; có ai làm thế bao giờ? Hắn lấy cái mền rồi chạy một mạch. Tối hôm đó sư làm một bài thơ, đại ý như sau, “Trăng rằm đẹp quá! Tôi muốn cho tên trộm cả vầng trăng này.” Mắt sư rướm lệ. Sư than thở, “Ông ta từ xa mò đến đây mà chẳng lấy được gì!”
Tối ấy tên trộm bị bắt vì những tội khác, cùng với cái mền của sư mà ai cũng biết. Cho nên sư bị gọi ra tòa làm chứng. Ông tòa nói với sư, “Ngài chỉ cần nói cái mền này là của Ngài là đủ. Tên trộm này đã ăn cắp của Ngài.”
Sư nói, “Ông ta không ăn cắp đâu! Ông ta không phải là tên trộm! Tôi biết ông ta rõ lắm. Ông ta đến thăm tôi một lần, nhưng chẳng lấy gì của tôi cả. Cái mền này là tặng phẩm của tôi cho ông ấy. Tiếc rằng tôi chẳng có gì nữa để cho. Cái mền ấy đã cũ rồi, chẳng còn giá trị gì nữa. Vậy mà ông ấy vẫn chấp nhận. Tôi vẫn còn cảm thấy sự biết ơn của ông ấy đối với tôi.
Chúa Giê-Su nói, “Nếu bố thí, ngươi sẽ làm hại cho linh hồn mình – bởi vì bạn cho vì những lý do đen tối. Bạn có thể làm việc tốt với ý xấu. Thế thì chẳng được công gì, mà còn có tội nữa. Và bất kỳ nơi nào ngươi đến, nếu được tiếp đón, hãy ăn những gì chủ mời, và chữa bệnh cho người thân của họ.
Có hai điểm tối quan trọng mà Chúa đã nói với các môn đệ: Trước hết, “Bất kỳ ai cho cái gì, hãy vui vẻ nhận lấy và đừng đặt điều kiện gì cả. Các tu sĩ Kỳ Na Giáo không hề ra khỏi Ấn Độ, trong khi Phật Giáo bành trướng khắp nơi; gần một nửa thế giới theo Phật Giáo. Nhưng Kỳ Na Giáo bị kẹt tại đây, và chỉ có khoảng ba triệu tín đồ. Mahavira và Đức Phật cùng chứng ngộ như nhau, vậy sao Kỳ Na Giáo không thể truyền ra ngoài được?
Lỗi tại các tu sĩ ấy. Họ không thể đi đâu được vì họ có đủ loại điều kiện: họ phải ăn loại thực phẩm nào đó, phải nấu theo cách nào đó, và phải được dâng cho họ bằng cách nào đó. Vậy thì sao họ có thể ra nước ngoài được? Ngay tại Ấn, họ chỉ quanh quẩn nơi có tín đồ Kỳ Na Giáo, bởi vì họ không thể nhận thức ăn của người khác. Chính vì vấn đề thực phẩm này mà Mahavira trở thành vô dụng cho thế giới. Thật là phí đi một thánh nhân!
Chúa nói với các môn đệ: Và bất kỳ nơi nào ngươi đến, nếu được tiếp đón, hãy ăn những gì chủ mời, và chữa bệnh cho người thân của họ - đừng đặt điều kiện gì về những loại thực phẩm mà bạn sẽ ăn.
Bạn không nên có điều kiện gì cả về sự đi lại của bạn trên thế giới. Nếu có điều kiện thì bạn trở thành một gánh nặng. Cho nên các môn đệ của Chúa không hề là một gánh nặng cho ai cả: họ ăn cùng với bạn; họ mặc quần áo mà bạn cho họ; họ sống trong đủ loại khí hậu; họ sống với đủ hạng người, không phân biệt quý, tiện. Đó là lý do làm cho Ki Tô Giáo lan mạnh như lửa dại vậy: đó là vì thái độ của các môn đệ - họ không có điều kiện gì cả.
Và Chúa khuyên họ chỉ có một điều: Hãy chữa bệnh cho họ. Ngài không nói, “Hãy dạy cho họ biết chân lý là gì.” Không! Cái đó vô ích! Ngài không nói, “Hãy bắt họ tin theo ta!” Cũng vô ích! Ngài chỉ nói, “Hãy chữa cho họ, bởi vì nếu một người bị bệnh, sao anh ta có thể hiểu được chân lý là gì? Hiểu bằng cách nào? Khi linh hồn đau yếu, sao anh ta có thể hiểu được giáo lý của ta?” Hãy chữa người bệnh! Hãy chữa lành cho anh ta đã. Một khi lành bệnh, anh ta có thể hiểu được chân lý, anh ta sẽ hiểu được lời của Chúa.
Hãy trở thành thầy thuốc - chỉ cần chữa bệnh cho mọi người. Về mặt tâm lý thì không ai là không bệnh. Về thể chất thì nhiều người không bệnh, nhưng tâm trí thì chẳng có ai lành lặn cả, cho nên chữa bệnh tinh thần là điều tối cần. Chúa nói, “Hãy là thầy thuốc! Hãy chữa tâm trí của họ.”
Tâm trí có vấn đề gì? Bị chia cắt thì nó bệnh; nếu không bị chia cắt thì nó lành bệnh. Nếu có nhiều mâu thuẫn bên trong thì nó bệnh; nó trở thành một đám đông, đám đông điên cuồng. Nếu chỉ có một thứ thì nó không bệnh – bởi vì qua cái một đó sự kết tinh sẽ xảy ra. Trừ khi không bị chia cắt thì tâm trí sẽ bị bệnh.
Đôi khi cũng có lúc tâm trí của bạn trở thành nguyên vẹn. Thỉnh thoảng nó xảy ra một cách tình cờ: bạn thức dậy trong một buổi sáng, trời vẫn còn sớm, mọi thứ vẫn còn tươi mát, mặt trời vẫn đang lên, khung cảnh thật là lên thơ làm cho bạn trở nên tập trung. Bạn quên hẳn những việc sẽ phải làm, chẳng thèm biết đến giờ phải tới sở, bạn quên hẳn mình là người Ấn, hay người Hồi, hay người Công Giáo, bạn chẳng còn biết mình là cha, là mẹ, hay là con – bạn quên bẵng cả thế giới này. Mặt trời thật là tuyệt vời, ban mai thật là tươi tắn, bạn hoà nhập làm một với chúng, bạn trở thành một.
Trong một khoảnh khắc ấy tâm trí không còn bị chia cắt và trở nên lành lặn, bạn cảm thấy niềm an lạc tràn ngập toàn thể con người. Nó có thể xảy ra một cách tình cờ, nhưng bạn cũng có thể tạo cho nó xảy ra một cách ý thức.
Một khi tâm trí trở nên một, một đặc tính cao hơn sẽ biểu thị chính nó, và cái thấp hơn lập tức ngưng bặt. Chẳng hạn như ở trường học. Khi ông hiệu trưởng có mặt thì thầy, cô làm việc hăng say, còn học sinh thì chăm chỉ; tất cả đâu vào đó. Nhưng khi ông vắng mặt thì kỷ luật trở nên lỏng lẻo, các thầy tự ý muốn làm gì thì làm. Phẩm chất không còn như trước nữa. Họ sẽ hút thuốc, họ la cà, họ đôi co mách lẻo. Nếu thầy còn có mặt thì học sinh sẽ giữ kỷ luật. Mà nếu thầy cũng vắng mặt thì lớp học sẽ biến thành cái chợ. Nếu thầy trở lại thì bỗng nhiên thay đổi tất cả. Một thẩm quyền cao hơn đã hiện diện; sự hỗn loạn chấm dứt ngay lập tức.
Hỗn độn là bằng chứng cái thẩm quyền cao hơn đang vắng mặt. Khi không có hỗn loạn, khi có hòa điệu thì đó là dấu hiệu của thẩm quyền ấy đang hiện diện. Tâm trí của bạn đang hỗn loạn – một điểm cao hơn cần phải có, một sự kết tinh cao hơn phải được tạo ra. Bạn chẳng khác gì bọn học trò trong một lớp học vắng thầy, cô. Một khi bạn tự chủ được, lập tức một chức năng cao hơn đã thành hình.
Cho nên Chúa Giê-Su nói, “Hãy chữa bệnh.” Từ “chữa bệnh” (heal) có cùng gốc với từ “hoàn toàn” (whole), và từ “linh thiêng” (holy). Chữa bệnh cho một người là làm cho người ấy trở nên hoàn toàn, và người nào hoàn toàn thì trở nên linh thiêng. Đó là cả một tiến trình. Tâm trí bị bệnh và chẳng có một trung tâm nào cả. Tâm trí của bạn có một trung tâm nào không? Bạn có thể nói, “Đây là trung tâm của tôi” không? Mỗi phút nó mỗi thay đổi: mới đây bạn nóng giận; bạn cảm thấy bạn chính là cơn giận. Sau đó thì bạn yêu đương, và bạn nghĩ “Tôi là tình yêu”. Ít lâu sau thì bạn bực tức, và bạn nghĩ, “bực tức là tôi.” Bạn có trung tâm nào bên trong không? Hay bạn chỉ là một đám đông di động?
Trong hiện trạng của bạn, bạn chẳng có một trung tâm nào cả. Không có trung tâm nghĩa là bệnh. Người lành mạnh là người có trung tâm. Chúa nói, “Tạo trung tâm cho mỗi người!” Cho nên dù hỗn độn có vây quanh, bạn vẫn tự chủ, hai mươi bốn giờ mỗi ngày; cái gì đó luôn luôn hiện diện. Sự liên tục ấy chính là bạn.
Hãy nhìn bằng một góc cạch khác: cái tồn tại có ba lớp. Lớp đầu tiên là khách thể, đó là thế giới khách quan; nó bao quanh bạn mà giác quan của bạn nhận ra được - mắt nhìn, tai nghe, tay sờ. Thế giới khách quan là lớp đầu tiên của cái tồn tại; nếu bị vướng mắc trong đó thì bạn chỉ biết đến những cái phù phiếm, nông cạn. Lớp thứ hai nằm bên trong bạn; đó là thế giới của tâm trí. Ý tưởng, cảm xúc, yêu, thương, giận, ghét.. đều thuộc về lớp thứ hai. Lớp đầu tiên có tính cách công cộng. Nếu tôi cầm một cục đá trong tay, bạn có thể trông thấy. Nó có tính cách khách quan thông thường.
Khi nhìn tôi, bạn chỉ thấy được thể xác của tôi mà không thấy tôi. Khi nhìn bạn, tôi không thấy được bạn, mà chỉ thấy được thể xác của bạn. Nhưng không ai có thể nhìn được tâm trí của bạn. Người khác có thể thấy được cử chỉ của bạn: bạn hành động thế nào, bạn làm gì, bạn phản ứng ra sao. Người khác có thể thấy sự giận dữ của bạn; mặt bạn đỏ như chàm, cái nhìn hung dữ, sự độc ác đã chiếm lĩnh bạn. Nhưng người ấy không thấy được sự giận dữ bên trong. Người ấy có thể thấy được cử chỉ thân mật của bạn qua thể xác, nhưng không thấy được tình yêu. Có thể bạn chỉ ra dấu mà chẳng có tình yêu. Bạn có thể lừa dối người khác bằng cách đóng kịch, và đó là chuyện thường đối với bạn.
Thể xác của bạn có thể thấy được bởi mọi người, nhưng họ không thấy được tâm trí của bạn. Thế giới khách quan là của chung, và đó là lãnh vực của khoa học. Khoa học gia nói đó là thực tại duy nhất, bởi vì họ không biết được ý tưởng của bạn, rằng chẳng ai biết được chúng tồn tại hay không. Bạn nói chúng hiện hữu, nhưng không ai kiểm chứng được, không quan sát được, không thí nghiệm được. Bạn có thể nói ra, nhưng bạn cũng có thể lừa dối mọi người. Cũng có thể chính bạn cũng bị lừa nữa. Ai mà biết được? Ý tưởng của bạn không phải là đồ vật, nhưng bạn biết rõ là chúng hiện hữu. Đồ vật và ý tưởng đều có thực. Nhưng ý tưởng thuộc về cá nhân, riêng tư; công chúng không thể biết được.
Lớp đầu tiên, lớp bên ngoài, cái thực tại trên bề mặt tạo ra khoa học. Lớp thứ hai, lớp của ý tưởng, cảm xúc, tạo ra triết học, thi ca. Nhưng chỉ có thế thôi sao? Chỉ có vật và tâm thôi sao? Nếu chỉ có thể thì bạn không thể có trung tâm, bởi vì tâm trí thay đổi không ngừng. Nó không có trung tâm; hôm qua bạn có một số ý tưởng nào đó; hôm nay bạn lại có cái khác; ngày mai bạn lại có những cái khác nữa; nó là một dòng sông; chẳng có chỗ nào để nó quy về. Bạn chẳng tìm thấy một trung tâm nào trong tâm trí: ý tưởng thay đổi, cảm xúc thay đổi, nó không ngừng chuyển động. Cho nên bạn luôn luôn bị chia cắt, không thoải mái, không bao giờ được nguyên vẹn. Nhưng cái tồn tại còn một lớp nữa, nằm sâu nhất. Lớp đầu là thế giới khách quan, bao gồm khoa học và những đối tượng của nó. Lớp thứ hai là thế giới chủ quan - thế giới của ý tưởng - gồm có triết học và thi ca, cảm xúc, ý tưởng. Và cuối cùng thế giới của tôn giáo, và đó là thế giới của một quan sát viên – một chứng nhân quan sát tất cả, quan sát cả thế giới khách quan lẫn chủ quan.
Quan sát viên ấy là một, chẳng có hai. Khi bạn mở mắt nhìn căn nhà bên ngoài, hay nhắm mắt nhìn căn nhà bên trong thì chỉ có một nhân vật. Khi quan sát cơn giận, hay tình yêu, cũng chỉ một người. Đời bạn buồn hay vui, là một bài thơ hay một cơn ác mộng cũng chẳng khác nhau – quan sát viên ấy không thay đổi. Nhân chứng ấy chính là trung tâm, và đó là thế giới của tôn giáo.
Khi Chúa nói, “hãy đi và chữa bệnh cho mọi người,” Ngài muốn nói rằng hãy giúp họ tìm đến trung tâm, hãy biến họ thành nhân chứng. Họ sẽ chẳng còn bị kẹt trong thế giới, không bị vướng trong ý tưởng; họ sẽ trụ trong bản thể của họ. Một khi bạn trụ trong bản thể của mình thì tất cả thay đổi, một phẩm chất mới nảy sinh. Lúc đó bạn hãy cầu nguyện.
Thế thì sự cầu nguyện ấy không phải là xin xỏ, mà là sự biết ơn. Bạn không cầu nguyện như một tên ăn mày, mà như một ông hoàng. Bạn sẽ cho, nhưng không phải để thoả mãn cái tôi. Bạn cho vì lòng từ bi. Bạn cho vì bạn cảm thấy niềm an lạc khi cho. Bạn có thể nhịn ăn, nhưng đó không phải vì bị ám ảnh bởi thức ăn; nhịn ăn như thế có một ý nghĩa khác hẳn.
Đó là sự nhịn ăn của Mahavira. Đôi khi bạn quên hẳn cơ thể, đến độ bạn quên cả đói. Bạn không còn để ý đến thể xác nữa, đến nỗi nó không thể báo cho bạn biết là nó đang đói. Từ “nhịn ăn” trong chữ Phạn rất có ý nghĩa. Từ đó là upawas. Từ đó không hề gợi lên ý tưởng về ăn hay không ăn. Nó có nghĩa là “sống gần chính bạn”. Một khoảnh khắc nào đó bạn trụ sâu trong bản thể đến độ bạn quên hẳn thể xác, như thể là bạn chẳng có xác. Thế thì bạn không thể cảm thấy đói, và nhịn ăn tự xảy ra. Bạn không làm việc đó.
Nó xảy ra một cách tự nhiên.
Bạn có thể trụ trong trung tâm này trong nhiều ngày. Nó đã xảy ra cho Ramakrisna (2). Ngài đã nằm trong đại định đến sáu hay bảy ngày. Có người đã tưởng là Ngài đã chết vì Ngài nằm cứng đờ trong cùng một vị trí. Mà nếu Ngài nhập định lúc đang đứng thì Ngài sẽ đứng trong nhiều ngày. Các đệ tử của Ngài phải đưa Ngài lên gường, và phải đổ sữa vào miệng cho Ngài, cho Ngài uống nước. Đó mới thực là nhịn ăn, bởi vì bạn không phải là thể xác nữa.
Bạn sống trong cơ thể, nhưng bạn không phải là cơ thể. Nhưng bạn không thể khiến nó xảy ra theo ý muốn. Bởi vì sai khiến nghĩa là bạn phải dùng cơ thể để thực hiện. Nhưng nhịn ăn theo cách này thì không thể làm được vì không nằm trong cơ thể. Nó có thể tự xảy ra. Nó đã xảy ra cho Mahavira, đã xảy ra cho Chúa Giê-Su, đã xảy ra cho giáo chủ Mohammed.
Nó cũng có thể xảy ra cho bạn.
Chúa Giê-Su nói:
Và bất kỳ nơi nào ngươi đến, nếu được tiếp đón, hãy ăn những gì chủ mời, và chữa bệnh cho người thân của họ. Vì những gì các ngươi ăn vào không làm ô uế ngươi, nhưng những gì từ miệng ngươi nhả ra sẽ làm ô uế ngươi.
Lời kinh này rất có ý nghĩa. Đừng quan tâm quá nhiều nếu thức ăn không trong sạch, hoặc là nếu một tiện dân đã đụng vào, hay một phụ nữ có kinh đi qua và bóng của cô ta đã làm ô uế nó. Vấn đề không phải là cái bạn ăn vào, mà cái bạn xả ra, bởi vì nó cho thấy con người của bạn; bạn đã thay đổi cái bạn đã ăn. Đó là ý của Chúa.
Sen mọc ra từ bùn. Bùn đã chuyển hoá và thành sen. Bông sen ấy không hề nói, “Tôi không thể sống trong đám bùn này. Tanh hôi quá!” Không, vấn đề không hề đặt ra cho nó. Nếu là sen thì chẳng có gì nhơ bẩn đối với bạn cả. Bạn có khả năng của một bông sen, nếu bạn có sức mạnh chuyển hoá, biết đổi cặn bã thành vàng ròng, thì dù có vướng mắc trong bùn cũng thành sen. Mà nếu không có đặc tính của sen, dù có sống trong gác vàng bạn cũng thải ra bùn. Cái bạn nhận vào không đáng nói. Quan trọng ở chỗ là bạn có trụ trong trung tâm của mình không. Bạn sẽ thay đổi cái bạn nhận vào, và khi ra nó sẽ được biến đổi theo đặc tính của bạn.
Chuyện xảy ra trong đời của Đức Phật. Ngài vô tình bị trúng độc do thức ăn. Ngài đã được một người nghèo mời đến nhà để ăn. Vì muốn là người đầu tiên đến mời Ngài trong ngày ấy, nên khi trời còn mờ sương, khoảng bốn giờ, người ấy đến chỗ Đức Phật đang nghỉ để thỉnh Ngài. Khi gặp Ngài, người ấy nói, “Xin Thế Tôn vui lòng đến để ăn bữa cơm muối dưa với con.
Con đã chờ đã lâu. Con là một người rất nghèo nên nếu được Thế Tôn đến viếng thì là một vinh dự lớn lao cho con.”
Đức Phật nói, “Ta sẽ đến.”
Ngay lúc đó thì xe của ông thị trưởng đến với một đoàn tùy tùng. Ông ấy nói với Ngài, “Xin đến dùng cơm với chúng tôi!”
Đức Phật nói, “Thật là khó nghĩ cho tôi. Tôi đã nhận lời mời của ông bạn này rồi. Vậy xin để cho các đệ tử tôi đến thay tôi vậy. Ông ta là người đầu tiên đã mời tôi, cho nên tôi phải đi với ông ta.”
Ông thị trưởng nói với Ngài, “Sao người này có thể mời Ngài đến ăn tại nhà được? Con của ông ta cũng còn không có gì để ăn mà. Ông ta nghèo rớt mồng tơi.”
Đức Phật nói, “Không phải thế! Tôi đã nhận lời mời rồi nên phải đến.”
Người ấy đã làm gì? Tại Bihar (4) và những tỉnh nghèo khác ở Ấn Độ, phần đông dân nghèo hái nấm dại trong mùa mưa. Họ phơi khô để dành ăn trong cả năm. Thỉnh thoảng một số bị nhiễm độc. Người ấy đã mời Phật đến nhà, và Ngài đã ăn phải món nấm độc này. Ngài ăn và thấy đắng quá, nhưng vẫn tiếp tục ăn vì ngoài món này ra thì chẳng có món nào khác. Người ấy rất vui mừng. Trong khi đó Phật trở về thì chất độc bắt đầu hoành hành. Thầy thuốc được gọi tới bắt mạch rồi nói, “Hết chữa được rồi. Chất độc đã ngấm vào máu. Ngài sẽ phải chết.”
Đức Phật liền triệu tập chúng đệ tử lại và nói, “Người ấy không phải là người bình thường. Ông ta là người khác thường. Bởi vì bữa ăn đầu tiên của tôi là do mẹ tôi cho, và đây là bữa ăn cuối cùng. Ông ấy chẳng khác gì mẹ tôi. Vậy chúng ta hãy kính trọng ông ta vì việc này rất hi hữu. Trong nhiều ngàn năm mới có một vị Phật xuất hiện, và chỉ có hai người được vinh dự ấy. Đầu tiên là người mẹ đã đưa Ngài vào thế gian này, và cuối cùng là người này đã giúp đưa Ngài vào thế giới bên kia. Cho nên hãy báo cho mọi người biết để tuyên dương người ấy.
Đệ tử của Ngài rất bối rối. Vài người muốn giết quách lão già ấy cho xong. Khi tất cả lui ra thì ngài A-Nan-Đà (5) nói với Phật, “Chúng tôi không thể hiểu được. Sao phải tuyên dương lão già ấy? Y là tên giết người. Y đã giết Ngài. Sao Ngài lại nói như thế?”
Phật nói, “Tôi biết nhiều người cũng muốn giết ông ta nên mới nói thế. Hãy kính trọng ông ta. Ngàn năm một thuở mới có người dâng thức ăn cuối cùng cho một vị Phật.’’
Đức Phật đã ăn phải độc, nhưng Ngài đáp lại bằng tình yêu. Đó là sức mạnh của lòng từ bi: Ngài sắp chết nhưng vẫn tha thứ cho người suýt giết chết mình.
Thậm chí nhận được độc dược, một vị Phật cũng biến nó thành tình yêu. Chúa Giê-Su nói: Vì những gì ngươi ăn vào không làm ô uế ngươi - ngay cả chất độc cũng không thể làm ô uế bạn được - nhưng những gì từ miệng ngươi nhả ra sẽ làm ô uế ngươi. Cho nên quan trọng là cách bạn hành xử như thế nào: nếu ai đó làm nhục bạn thì hắn cho bạn sự sỉ nhục, nhưng nó không làm bạn xấu. Bạn đáp ứng cách nào? Bạn biến đổi sự sỉ nhục ra sao? Giận dữ có thay bằng từ bi không?
Cho nên Chúa nói, “Hãy để ý những gì thoát ra từ bạn. Đừng quan tâm đến những gì bạn nhận vào.” Mà bạn cũng cần phải nhớ như vậy, nếu không thì hành động của bạn sẽ sai lầm hết. Nếu bạn liên tục nghĩ đến những gì bạn nhận vào, bạn sẽ không bao giờ học được cách thay đổi mọi việc. Thế thì bạn chỉ quanh quẩn trong những lễ nghi bề ngoài: thức ăn thuần khiết, món này và món kia, không ai được gần bạn, bạn là người thánh thiện. Bạn chỉ quan tâm về những cái vớ vẩn! Vấn đề không phải là cái gì đi vào, mà là bạn biến đổi nó như thế nào.
Điều đó đã xảy ra cho Shankacharya (6). Ông ấy từng sống tại Benaras. Như thường lệ sáng nào ông ta cũng đi tắm ở sông Hằng vì người Ấn tin rằng nước sông có thể rửa sạch mọi lỗi lầm. Khi trở về thì ông ta bị một tiện dân đụng vào người. Ông ta giận dữ và nói, “Ông làm gì thế? Tôi lại phải đi tắm lại. Ông đã làm bẩn tôi.”
Người tiện dân ấy nói, “Thế thì sông Hằng cũng vô dụng, bởi vì nếu nó đã làm sạch cho ông, mà chỉ vì tôi đụng vào cũng đủ làm ông dơ bẩn trở lại. Vậy thì tôi vĩ đại hơn cả sông Hằng!”
Người tiện dân ấy tiếp tục, “Thế mà ông cũng khoe là đã chứng ngộ rồi. Ông thường nói rằng Brahman (thượng đế) hiện hữu trong tất cả chúng sinh. Nay ông nói rằng vì bị tôi đụng phải mà ông bị dơ bẩn. Thế có nghĩa là tôi có thể chạm đến được linh hồn của ông. Mà ông nói rằng thể xác chỉ là một ảo tưởng. Vậy thì xin hỏi ông. Sao ảo tưởng có thể chạm đến cái có thực được? Sao cái không có thực có thể làm ô uế cái có thực được? Nếu nói không phải thể xác tôi, mà linh hồn tôi đã làm dơ bẩn ông, bởi vì linh hồn có thể chạm được linh hồn, thì tôi không phải là Brahman mà ông thường nói sao? Vậy thì ai đã làm ông ô uế?”
Shankara lập tức quỳ xuống và nói, “Cho đến nay tôi chỉ nghĩ về Thượng Đế như một triết lý. Nay Ngài đã mở mắt cho tôi. Không ai có thể làm tôi ô uế được. Nay tôi đã hiểu rồi: Chỉ có cái một hiện hữu; cái một đó ở trong tôi cũng là cái một ở trong Ngài.” Sau đó Shankara cố tìm hiểu về người ấy, nhưng không tìm ra tông tích. Có thể người ấy chính là Thượng Đế, nhưng bất luận là gì, Shankara đã hoàn toàn thay đổi (7).
Cái bạn nhận vào không thể làm ô uế bạn được, bởi vì chúng chỉ có thể ảnh hưởng thể xác của bạn. Không gì có thể đi vào bản thể của bạn được. Sự thuần khiết của bạn là tuyệt đối. Nhưng những gì từ bạn mà ra mang theo đặc tính của bạn, mùi vị của bạn; nó nói lên phẩm chất của bạn. Nếu giận dữ thoát ra, đó là bằng chứng bạn bị rối ren bên trong. Nếu thù ghét thoát ra, nó cho biết là bên trong bạn chưa toàn vẹn. Nếu tình yêu và từ bi thoát ra, đó là dấu vết của sự nguyên vẹn đã kết tinh.
Hy vọng bạn sẽ hiểu được những lời lạ lùng này. Hiểu lầm thì dễ rồi, mà những người như Chúa Giê-Su thì hiểu lầm là chuyện thường. Khó mà hiểu được họ, bởi vì họ nói về chân lý, mà chân lý thì luôn luôn mâu thuẫn vì bạn chưa sẵn sàng để nghe, vì bạn chưa có trọng tâm. Bạn hiểu qua tâm trí, mà tâm trí thì luôn luôn lẫn lộn, bối rối; nó xuyên tạc theo ý riêng của nó. Cho nên lời kinh này trở nên nguy hiểm. Đó là lý do tại sao chúng không được ghi lại trong thánh kinh chính thức của Ki Tô Giáo. Chúng bị loại bỏ, bởi vì có vẻ nguy hiểm quá. Chúng được ghi lại, nhưng bị gạt ra trong thánh kinh chính thức (8) mà Ki Tô hữu dùng. Khi Chúa Giê-Su giảng thì nhiều người ghi lại lời của Ngài, và những tài liệu này còn tồn tại đến ngày nay. Chúng được tìm ra trong một hang ở Ai Cập năm 1945 (9). Những lời kinh mà chúng ta đang bàn ở đây thuộc về những tài liệu đó, bởi vì văn kiện chính thức không bao giờ trung thực – không thể trung thực được (10). Một khi tôn giáo có tổ chức chặt chẽ thì tinh thần tôn giáo bị giết chết. Nó bị giết vì quyền lợi riêng tư của các phe nhóm. Làm sao Đức Giáo Hoàng có thể nói, “Nếu nhịn ăn, bạn sẽ phạm tội?” Vậy thì sẽ không có ai nhịn ăn nữa; “Nếu cầu nguyện, ngươi sẽ bị kết án” – thì chẳng ai cầu nguyện nữa; “Nếu bố thí sẽ có hại cho linh hồn của ngươi” – thì chẳng có ai bố thí nữa. Thế thì làm cách nào một tổ chức, một tôn giáo tồn tại được?
Tổ chức của Ki Tô Giáo hữu hiệu nhất: Tu sĩ Công Giáo có đến hàng chục triệu người. Giáo đường có đến hàng triệu ngôi. Giáo hội Công Giáo là tổ chức giầu nhất. Đức Giáo Hoàng là người giầu nhất thế giới. Giáo hội Công Giáo là một quốc gia tôn giáo duy nhất được quốc tế công nhận, có hàng triệu nhân viên. Làm cách nào họ thực hiện được công việc vĩ đại ấy. Phần lớn là do đóng góp của Ki Tô hữu. Mà nếu họ nghe Chúa nói, “Nếu bố thí sẽ có hại cho linh hồn của ngươi” - thì ai sẽ đóng góp? Mà nếu Chúa nói, “Nếu cầu nguyện, ngươi sẽ bị kết án” – thì ai sẽ đến giáo đường nữa? Mà nếu không có cầu nguyện, không nhịn ăn, không có nghi lễ, không có bố thí thì các tu sĩ lấy gì mà sống? Chúa Giê-Su đã đánh thẳng vào nền tảng của các tôn giáo có tổ chức – hoặc là có Chúa, hoặc không có Ki Tô Giáo.
Những lời kinh này không được ghi lại trong thánh kinh chính thức, vì đã bị gạt ra ngoài. Bạn cũng sẽ hiểu lầm, nhưng nếu chăm chú nghe tôi nói thì bạn sẽ hiểu được. Chúa không chống lại cầu nguyện, không chống lại nhịn ăn, không chống lại bố thí và chia sẻ - Ngài chỉ muốn lột tất cả những bộ mặt giả dối của bạn ra.
Cái thực phải được trả lại cho bản thể của bạn. Trước hết là bạn phải thay đổi và chuyển hoá, chỉ có thế thì những việc làm của bạn mới có ý nghĩa.
Có người hỏi Thánh A-Gut-Ti-Nô, “Con phải làm gì? Con là người dốt nát. Xin nói thật vắn tắt trong vài lời để con có thể hiểu được.”
Ngài trả lời, “Chỉ có một điều cần phải biết. Đó là tình yêu. Bất kỳ bạn làm gì với tình yêu thì đều đúng cả.”
Nếu yêu thì mọi việc bạn làm đều đúng cả. Nếu không yêu thì tất cả đều sai. Yêu là bất vị kỷ. Yêu nghĩa là trụ tại trung tâm. Yêu nghĩa là luôn luôn tự tại. Yêu nghĩa là đầy lòng biết ơn. Yêu nghĩa là sống theo thiên tính, không phải qua hành động, bởi vì hành động nằm ở ngoại vi, mà thiên tính thuộc chiều sâu.
Hãy để mọi việc tự xảy ra một cách tự nhiên. Đừng quản lý, đừng điều khiển các hoạt động của bạn. Hãy thay đổi bản thể của mình. Giá trị của bạn không tuỳ thuộc việc làm của bạn, mà ở con người của bạn.
Chú thích:
1. Nhịn ăn là kỷ luật thường được những nhà khổ hạnh áp đựng. Chúa Giê-Su không ăn không ngủ trong sa mạc bốn mươi đêm, bốn mươi ngày. Phật khổ hạnh trong suốt sau năm trời, nhiều ngày Ngài chỉ ăn một hột mè. Có lần Ngài kiệt sức và suýt bị nước sông Ni Liên Tuyền cuốn đi. Sau đó Ngài tỉnh ngộ và nhận ra rằng sống một đời buông thả quá cũng không tốt, mà hành xác quá cũng không tốt, và Ngài đã chọn con đường trung dung; cuối cùng Ngài đã chứng nghiệm chân lý. Vấn đề đặt ra là nhiều người đã nhịn ăn, cầu nguyện, hay lấy việc ăn chay trường để khoe khoang sự thánh thiện của mình, để đánh bóng cái tôi của mình. Cho nên việc nhịn ăn, bố thí của họ mới là chỗ mà Chúa chỉ trích.
2. Ramakrishna là một thánh nhân sống tại Calcutta, Ấn Độ, trong tiền bán thế kỷ hai mươi. Ngài đã thực hành những phương pháp tu của mọi tôn giáo, và đã xác nhận rằng những phương pháp ấy đều đưa đến cùng một kết quả. Ngài được thế giới biết đến qua nười đệ tử nổi tiếng là Vivekananda.
3. Mohammed là giáo chủ của Hồi Giáo. Ngài nghe được thông điệp từ cõi siêu việt và đã ghi lại trong cuốn kinh Quran.
4. Bihar là một tiểu bang của Ấn Độ, nơi Đức Phật giác ngộ
5. Ngài Ananda là một đại đệ tử của Phật, và cũng là người săn sóc cho Ngài. Về vai vế họ hàng thì ngài Ananda là anh họ của Đức Phật.
6. Adi Shankara (788-820) là một triết gia cự phách nhất của Ấn Độ, và là người đã lập ra phái Avaita Vedanta. Avaita nghĩa là bất nhị vì chủ trương rằng đại hồn (Brahman) và tiểu hồn (atman) không phải không hai (bất nhị). Vedanta nghĩa là ‘chấm dứt thời kỳ Vệ Đà’. Avaita Vedenta dựa trên các bộ kinh Brahma Sutra, Bhagavat Gita và hơn 1000 bộ Áo Nghĩa Thư (Upanishads). Ông ấy thường đi khắp Ấn Độ và đấu lý với các đạo sư, học giả tên tuổi và đánh bại tất cả. Nổi tiếng nhất là trận đấu với hai vợ chồng đạo sư Misra và tăng chúng của đại học Phật Giáo tại Nalanda.
7. Sau này Shankara viết lại rằng người ấy chính là thần Shiva đã xuất hiện để dạy bài học đó cho mình. Shiva là một trong ba mặt của Thượng Đế của Ấn Độ Giáo. Hai mặt kia là Brahma và Vishnu.
8. Thánh Kinh chính thức của Ki Tô Giáo có hai phần: Cựu Ước (Old Tastement) và Tân Ước (New Tastement). Cựu Ước ghi lại giao ước giữa Thiên Chúa và người Do Thái. Tân Ước ghi lại lời Chúa và việc làm của các Tông Đồ (đệ tử của Chúa). Tân Ước gồm có 27 cuốn, trong đó là bốn Phúc Âm (Gospel) ghi lại đời sống và việc làm của Chúa; 13 cuốn là thư (Epistle) của Thánh Phao-Lô (Paul) gửi cho các tín hữu; Tông Đồ Công Vụ (Acts ò Apostles) ghi lại việc truyền giáo của các Tông Đồ (Apostles); Mặc Khải (Revelation) của Thánh Gio-An nói về tận thế và sự trở lại của Chúa; số còn lại là thư của các thánh khác như Phê-Rô,Gio-An.
9. Phúc Âm thánh Tô-Ma thuộc về nhóm Gnostics (chữ Hy Lạp nghĩa là biết). Nhóm này thịnh hành đến thế kỷ thứ tư thì bị tiêu diệt, sau khi hoàng đế Constantine của La Mã nhận Công Giáo làm quốc giáo. Một số lớn tài liệu của Gnostics đã được khai quật năm 1945 gần làng Nag Hammadi, Ai Cập. Một số tài liệu quan trọng khác được tìm thấy là Phúc Âm của các thánh Magdalene (Mai-Đệ-Liên), Phillips (Phi-Lip- Phê), Peter (Phê-Rô). Độc giả muốn tìm hiểu thêm về nhóm Gnostics có thể tìm đọc The Gnostic Gospels của Elaine Pagels, và The Nag Hammadi của Robinson.
10. Cuốn The Five Gospels (Năm Phúc Âm) do nhóm Bible Seminars xuất bản năm 1995, đã bỏ Phúc Âm Thánh Tô-Ma (Thomas) vào chung với bốn Phúc Âm mà Ki Tô Hữu đang dùng. Bốn Phúc Âm kia là: Mat- Thiêu (Matthiew), Mát-Cô (Mark), Lu-Ca (Luke), và Gio-An (John). Theo nhóm Bible Seminars thi Thánh Tô-Ma ghi lại lời Chúa một cách trung thực nhất. Hội viện của nhóm Bible Seminars có hơn hai tram người, tất cả đều là giáo sư Thần Học của những viện đại học danh tiếng ở Mỹ và Âu Châu.
Xem tiếp Chương 6Quay về Mục lục

Ads Belove Post