Chương 4. Đừng quá bận tâm

Chương 4. Đừng quá bận tâm

Price:

Read more

Osho - Hạt Cải Trời
Chương 4. Đừng quá bận tâm

Chúa Giê-Su nói:
Đừng quá bận tâm từ sáng đến tối, rồi lại từ tối đến sáng, về những gì các người sẽ khoác lên mình.
Các môn đệ của Ngài hỏi: Khi nào Thầy tỏ mình ra cho chúng con, và khi nào chúng con có thể thấy được Thầy?
Chúa Giê-Su nói:
Khi các người cởi quần áo ra mà không cảm thấy xấu hổ, và khi cởi quần áo ra như những trẻ nhỏ rồi lấy chân đạp lên – các người sẽ thấy được Con Thiên Chúa Hằng Sống, và các người sẽ không khiếp sợ.
Con người không muốn sống đời mình mà lại mơ tưởng một đời sống khác: không phải với bộ mặt thật mà lại muốn một cái giả dối, sơn phết. Vấn đề chỉ có thế thôi. Khi mới sinh bạn có một khuôn mặt thật – không ai phê bình, không ai thay đổi, nhưng dần dà xã hội tô điểm cho cái mặt của bạn. Nó sẽ che dấu cái mặt thật, cái mặt tự nhiên khi bạn mới sinh ra, và mỗi hoàn cảnh lại có một bộ mặt khác, bởi vì chỉ một cái thì không đủ.
Tình huống thay đổi luôn luôn nên bạn cần nhiều bộ mặt giả dối, nhiều mặt nạ. Từ sáng đến tối, rồi từ tối đến sáng, bạn phải dùng đến cả ngàn cái. Khi ông chủ đến, bạn niềm nở, mà khi thấy tên ăn mày, bạn lạnh lùng. Mỗi thời điểm, mỗi khoảnh khắc là một lần thay đổi. Bạn phải cảnh giác, vì sự việc đã trở thành máy móc nên bạn không để ý đến; tự nó cứ thay đổi mãi. Khi đầy tớ vô phòng, bạn chẳng thèm để ý, như thể người ấy không hiện hữu, như thể không có ai bước vào. Nhưng khi ông chủ vào, bạn nhảy nhổm, bạn cười vui vẻ, bạn săn đón, như thể có thần hoàng ghé thăm.
Hãy quan sát sự thay đổi liên tục của bạn. Hãy nhìn vào gương, và nghĩ đến bao nhiêu bộ mặt bạn sẽ dùng đến. Nhìn vào gương và nghĩ đến bộ mặt của bạn khi gặp vợ, khi gặp tình nhân, khi bạn tham lam, khi bạn giận dữ, khi bị nhục dục lôi cuốn, khi bạn không hài lòng, khi chán chường. Bạn sẽ thấy bạn không phải là một người, mà là một đám đông. Và lắm khi bạn không nhận ra là những bộ mặt ấy là của bạn. Gương rất hữu ích. Bạn có thể dùng gương mà suy tư về chính mình. Nó có thể giúp bạn đánh giá lại cuộc sống của bạn. Bạn sẽ nhận ra rằng không có bộ mặt nào chính thực là bạn cả.
Đó là một trong những phương pháp quan trọng nhất của Thiền Tông, để tìm ra cái mặt thật của bạn. Họ gọi đó là bổn lai diện mục - tức là cái mặt trước khi bạn sinh ra, và sau khi bạn lìa trần, bởi vì bạn không thể mang theo tất cả mọi bộ mặt. Chúng là những mánh lới, những kỹ thuật để lừa dối, để phòng vệ; chúng là những áo giáp của bạn. Bạn phải bỏ những mặt nạ ấy thì mới nhận ra Chúa Giê-Su được, bởi vì khi nhận ra mặt thật của bạn, bạn sẽ thấy được Ngài.
Chúa chỉ là cái mặt thật của bạn. Phật chỉ là cái bản lai diện mục của bạn. Phật không ngoại tại đối với bạn. Chúa không ở ngoài bạn. Khi vất bỏ mọi giả dối và chỉ còn lại bộ mặt thật, bạn chính là Chúa. Chúa trong vinh quang nhất sẽ hiện hình. Người được lộ ra không phải là con của thánh Giu-Se; bỗng dưng bạn trở thành Chúa. Vì trừ khi giống như Chúa, bạn không thể nhận ra Ngài. Đó là quy luật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Khi cảm thấy được chính bản thể bên trong của bạn, bạn sẽ nhận ra được bản thể bên trong của người khác. Ánh sáng chỉ nhận ra được ánh sáng; nó chưa hề thấy mặt bóng tối. Mà bằng cách nào bóng tối biết được ánh sáng? Nếu là người giả dối, bạn sẽ không nhận ra được người chân thật. Mà Chúa là người chân thật nhất, chân thật nhất trong số những người chân thật. Ngài không hề nói dối. Ngài là người đáng tin nhất. Mà nếu cả đời bạn chỉ biết dối trá - từ lời nói, đến cử chỉ tất cả đều giả dối – sao bạn có thể nhận ra Ngài được? Không thể có chuyện đó. Trong sự trinh bạch và hồn nhiên tuyệt đối bạn sẽ nhận ra cái bên trong của Ngài, và từ đó bạn sẽ nhận ra được cái bên ngoài. Cái bên trong phải được nhận ra trước, bởi vì nhận thức ấy bắt nguồn từ cái cốt lõi sâu thẳm nhất của bạn. Không có cách nào khác cả.
Người Do Thái thường nói rằng bạn bắt đầu đi tìm Thượng Đế chỉ khi Ngài đã tìm ra bạn. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng tuyệt đối đúng, bởi vì bạn biết Ngài ở đâu mà tìm, nếu không phải là Ngài đã tìm ra bạn? Bạn phải cảm thấy Ngài trong tim trước, nếu không thì sự tìm kiếm chỉ là giả dối. Sự tìm kiếm ấy bắt đầu và kết thúc tại cùng một điểm; bước đầu chính là bước cuối. Chỉ có một bước nằm giữa bạn và thánh linh. Vì không có hai bước nên không có con đường nào cả. Chỉ có một bước. Đó là vất bỏ tất cả những giả dối mà bạn đã khoác lên mình, tháo gỡ mọi mặt nạ ra.
Nhưng sao bạn có muôn mặt? Tại sao phải có, và sao lại sợ phải vất chúng đi? Phải hiểu rõ cách làm việc của chúng, bạn mới hiểu được những lời kinh này. Trước hết: bạn không hề yêu chính mình, chứ không thì chẳng cần mặt nạ nào cả. Bạn ghét chính mình, và vì ghét chính mình nên bạn phải che mặt đi. Nếu ghét chính mình, sao bạn có thể chường mặt cho người khác? Chính bạn cũng ghét nó, sao người khác mê được? Vậy thì khoe làm gì? Mà tại sao bạn ghét chính mình? Xã hội tồn tại vì bạn ghét chính mình, tự nguyền rủa chính mình, vì bạn có mặc cảm tội lỗi. Tôn giáo, thầy tu, xã hội và mọi hình thức bóc lột tồn tại chỉ vì bạn ghét chính mình.
Nếu không căm giận chính mình, bạn tìm tới thầy tu làm gì? Căm thù thì bạn cảm thấy tội lỗi; khi căm thù bạn thấy cần phải thay đổi nên bạn cần sự giúp đỡ. Bạn cần người giúp để làm cho bạn đáng yêu, xứng đáng với tình yêu. Cha mẹ bạn thì cứ nói, “Hư quá! Hư quá!” Họ cứ lập đi lập lại, “Đừng làm cái này, đừng làm cái kia!”
Tôi nghe kể rằng: Một đứa trẻ muốn chơi với cát trên biển. Mẹ nó nói, “Không được, vì nước sẽ làm dơ hết quần áo.” Nó muốn xuống nước thì mẹ nói, “Không được! Trơn trợt lắm. Con sẽ té đó.” Nó muốn chạy nhảy thì mẹ nói, “Không! Con sẽ bị lạc!” Nó muốn ăn kem thì mẹ nói, “Không! Ăn kem sẽ hư răng và không tốt cho sức khoẻ.” Sau đó bà quay sang người ngồi gần và nói, “Chị có thấy đứa trẻ nào khùng như nó không?”
Mẹ khùng chứ không phải con. Xây nhà bằng cát có gì là khùng? Bơi lội, chạy nhảy có gì là khùng?” Nhưng đầu óc bệnh hoạn luôn luôn nói “Đừng!” Nó không hề biết nói “Được,” bởi vì đầu óc bệnh hoạn không hề biết đến tự do. Cho nên sao nó cho phép bạn được tự do? Mà hầu hết cha mẹ nào cũng thế. Và khi làm cha mẹ bạn thì bạn cũng vậy. Tự do phải bị tiêu diệt. Đứa trẻ dần dần cảm thấy nó khùng khùng, cảm thấy nó làm gì cũng sai; những gì nó muốn làm thì bị nói “Đừng!”
Một đứa trẻ ngày đầu đi học. Khi trở về nhà mẹ nó hỏi, “Hôm nay con đã học được gì?” Nó trả lời, “Bây giờ con mới biết tên con không phải là ‘Đừng’. Vậy mà con cứ tưởng tên con là ‘Đừng’ – ‘Đừng làm cái đó, đừng đi đến đó, đừng làm như vậy!” Cho nên con nghĩ tên con là ‘Đừng’. Nay đi học con mới biết đó không phải là tên của con.
Nếu bạn bị tâm bệnh, và cả xã hội này bị tâm bệnh, thì bệnh sẽ truyền từ đời này sang đời khác. Cho đến nay chưa có xã hội nào không bệnh hoạn, không có kỷ nguyên nào không loạn thần kinh. Thỉnh thoảng mới có một vài cá nhân trốn khỏi nhà tù. Mà những người ấy chỉ đếm được trên đầu ngón tay vì nhà tù quá lớn, lại được xây trên những nền móng quá kiên cố. Truyền thống quá lâu đời, lại có cả một quá khứ lâu dài theo sau, nên khi một đứa trẻ được sinh ra, khó mà không bị ô nhiễm. Bởi vì không có người nào hoàn toàn bình thường cả, nên họ buộc nó phải giống họ. Họ sẽ tiêu diệt tự do của nó, sẽ làm cho nó có mặc cảm tội lỗi, sẽ làm nó mất tự tin. Kết quả là nó sẽ tự nguyền rủa nó – nó bắt đầu thù ghét chính nó. Mà đừng quên là nếu bạn thù ghét chính mình, bạn không thể yêu người khác được. Sao bạn có thể yêu người khác nếu bạn thù ghét chính mình? Nếu tại trung tâm có chất độc, mọi liên hệ sẽ bị truyền nhiễm. Cho nên bạn không thể yêu bất cứ người nào được.
Và hậu qủa kế tiếp là nếu bạn ghét chính mình, bạn không thể nghĩ là người khác có thể yêu bạn được. Chính bạn còn không thương mình, ai có thể thương bạn được? Cho nên bạn biết rõ là không có ai yêu bạn. Mà nếu có người yêu bạn, bạn cũng không tin. Bạn nghi ngờ rằng người đó sẽ gạt bạn. Làm gì có người yêu bạn được? Chính bạn cũng không yêu mình cơ mà! Thậm chí nếu người nào đó yêu bạn, bạn sẽ nghi ngờ, sẽ đặt dấu hỏi. Bạn không thể tin. Bạn sẽ tìm đủ chứng cớ để chứng minh rằng người ấy không yêu bạn. Lúc ấy bạn mới yên tâm.
Lòng căm thù này là cơ sở của mọi giả dối. Quần áo không phải vì thời tiết mà có - chỉ một phần nhỏ thôi. Chúng được dùng để che dấu thân thể, để che dấu những gì không đẹp mắt, để che con thú trong người của bạn. Nhưng những gì sống động của bạn đều giống thú vật. Trừ cái đầu ra, không bộ phận nào của bạn không giống thú vật. Cho nên tất cả đều phải che dấu, ngoại trừ cái đầu, vì đầu không giống con vật vì được dùng để suy nghĩ nên được phép để lộ ra. Xã hội sẽ rất hài lòng nếu chỉ cái đầu của bạn còn sót lại.
Họ từng thí nghiệm và đã thành công. Xác có thể chết nhưng tâm trí vẫn tiếp tục hoạt động. Óc vẫn có thể hoạt động nếu được máy móc trợ giúp. Tim vẫn còn đập nếu máu được máy giúp lưu thông. Óc có thể tồn tại mà không cần xác; nó có thể mơ màng, suy tư, lý luận. Về mặt này khoa học gia đã thành công, nhưng xã hội lại thành công trong khía cạnh khác: thể xác của bạn đã bị cắt đứt khỏi ý thức của bạn, chỉ có cái đầu được phép hoạt động. Gỉa dụ là bạn nhìn thấy xác không đầu của mình, tôi nghĩ là bạn sẽ không nhận ra nó. Bạn chưa bao giờ nhìn thấy nó; thậm chí ngay trong phòng tắm bạn cũng chẳng để ý đến nó. Bạn chỉ để ý đến quần áo, không phải để cho thể xác, mà còn cho cả tâm trí nữa.
Hai tên học trò đi ngang một bức tường thật cao và tự hỏi bên kia tường là gì. Chúng phát hiện một lỗ hỗng cao quá đầu chúng. Một tên đứng trên vai tên kia, nhìn qua lỗ hổng và nói, “Trời! Đông người lắm, và tất cả trần như nhộng vậy. Hình như đây là một hội khỏa thân.”
Tên đứng dưới bị khích động hỏi, “Đàn ông hay đàn bà vậy?” Tên đứng trên vai nói, “Khó mà biết được, bởi vì họ không có quần áo.” Đàn ông được nhận ra là đàn ông chỉ vì quần áo của y; đàn bà là đàn bà chỉ vì quần áo. Thằng nhóc đó nói đúng. “Khó mà biết được vì họ không có quần áo.” Quần áo đã trở thành nhân dạng. Vì lý do đó bạn không được mặc quần áo của vua. Nếu người thường cũng mặc quần áo của vua, vua không còn là vua nữa. Cho nên chỉ vua mới được mặc áo ấy để dễ phân biệt.
Quần áo là nhân dạng. Chúng đã ám ảnh bạn quá nhiều đến đỗi bạn cũng chưa hề thấy mình trần truồng trong mơ. Điều này rất có ý nghĩa. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của bạn. Ngay trong mơ mà bạn cũng không thấy mình trần truồng, xã hội trần truồng. Quần áo đã đi vào vô thức vì mơ là một hiện tượng của vô thức. Ít ra khi mơ bạn cũng được tự nhiên, nhưng ngay tại đó bạn cũng mang mặt nạ, vẫn đóng kịch như thường.
Sự dối trá này, nhân cách giả tạo này tồn tại chỉ vì ngay tại nền móng bạn đã ghét chính mình. Bạn muốn che đậy, bạn không muốn người khác biết về con người thực của bạn, bởi vì bạn không biết đối phó cách nào nếu họ biết về bạn. Họ có yêu bạn không? Họ có chấp nhận bạn không? Bạn đã trở thành những diễn viên. Đó là ý nghĩa của lời của Chúa:
Chúa Giê-Su nói:
Đừng quá bận tâm từ sáng đến tối, rồi lại từ tối đến sáng, về những gì các người sẽ khoác lên mình.
Đừng nghĩ về những bộ mặt khác nhau, về quần áo, về những cái giả dối. Hãy trung thực, hãy chấp nhận chính mình. Khó mà làm được, bởi vì nếu suy tư về con người thật của mình, bạn sẽ thấy khó chịu. Sự khó chịu này do đâu mà có? Từ giáo viên. Họ là những người làm hại cho đời nhất. Họ không thực sự là thầy giáo; họ là kẻ thù. Họ không ngớt rêu rao, “Cái này là thú tính, cái kia là thú tính – mà mày là NGƯỜI!” Họ nói gì vậy? Họ nói, “Hãy chối bỏ những gì là thú vật trong con người của bạn!” Mà tôi nói với bạn rằng người không phải là cái gì chống lại thú vật; người là con vật cao cả nhất. Không phải là ngược lại, mà là cái cao nhất, là đỉnh cao. Nếu chối bỏ những gì là tự nhiên của bạn, bạn cũng chối bỏ ngay cái nguồn sống của mình. Kết quả là tất cả đều giả dối.
Nếu yêu một bà mà bạn chối bỏ sự tự nhiên, bạn sẽ làm gì? Đó là lý do tại sao chẳng mấy người biết yêu là gì. Cho nên tôi nói đến chín mươi chin phần trăm phụ nữ đông phương không hề biết khoái cảm là gì. Bên tây phương cũng thế, nhưng nay đã bắt đầu có thay đổi. Chín mươi chín phần trăm phụ nữ không hề biết khoái cảm là gì, bởi vì họ bị ngăm cấm. Đàn ông được chút tự do, nhưng phụ nữ thì không. Họ phải cứng đờ như thể đã chết rồi khi gần chồng. Họ không được để lộ cảm giác, không được tỏ vẻ thích thú – vì chỉ có đàn bà hư mới làm thế. Gái mãi dâm được phép; vợ thì không. Nếu bà ấy thích và có khoái cảm thì chồng không thích; anh ta nghĩ bà không xứng đáng vì bà ấy phải xử sự như một nữ thần, không phải con vật. Nhưng xử sự như một nữ thần, mà không phải là nữ thần, nhất định sẽ tạo ra giả dối. Bà ấy phải nằm trơ như xác chết, không có cảm xúc.
Bạn biết từ gốc của “cảm xúc” (emotion) là gì không? Gốc của nó là ‘di chuyển’ (movement), chuyển động (motion). Khi bạn cảm xúc thì toàn thân bạn di chuyển; nó rùng mình, nó đập mạnh, nó sống động – nó rất điên cuồng. Cho nên đàn bà không được phép điên cuồng, sống động. Bà phải giống như xác chết thì mới là người tốt, mới vượt qua khỏi thú tính. Nhưng nếu chối bỏ dục, và bảo đó là súc vật, bạn phải che dấu nó.
Cách đây không lâu một công ty làm đồ chơi Mỹ gặp phải rắc rối, và vụ kiện lên đến Tối Cao Pháp Viện, chỉ vì một số đồ chơi của hãng có bộ phận sinh dục. Gái có bộ phận gái, trai có bộ phận trai. Hãng phải thu hồi lại tất cả vì tòa không cho phép, xã hội không chấp nhận.
Đồ chơi có bộ phận sinh dục bị cấm mà mọi thứ khác đều được hết. Vì muốn che dấu sự kiện nên bạn trở thành giả dối. Mà tại sao người ta điên lên vì những đồ chơi đó? Đồ chơi là đồ chơi! Nhưng tu sĩ, những người ‘nhân đức’ nổi điên và thưa hãng ra toà. Công ty ấy đã làm một việc lịch sử. Trẻ con phải được hiểu về cơ thể vì nó là một tuyệt tác của thiên nhiên. Sao phải che dấu? Đầu mối chính là sợ thú tính. Nhưng bạn là một con vật; đó là một sự kiện: bạn có thể vượt qua, nhưng không thể tiêu diệt nó được. Hủy diệt nghĩa là bạn sẽ thành giả dối, và sự ‘thánh thiện’ của bạn chỉ là cái mặt nạ.
Nếu bạn vượt qua được, sự thánh thiện của bạn mới là chân thực. Nhưng siêu việt nghĩa là chấp nhận sự kiện, trải qua nó một cách tỉnh thức mà không bị lạc mất trong đó; trải qua rồi vượt lên trên nó. Và chối bỏ nghĩa là tránh né nó, thay vì trải qua nó. Ở đời không gì có thể lẩn tránh được. Mà nếu lẩn tránh, bạn mãi mãi còn non nớt, ấu trĩ; bạn sẽ không bao giờ trưởng thành được. Đời sống là phải sống. Chỉ có cách đó bạn mới tăng trưởng được. Sẽ có lúc bạn vượt qua dục được, nhưng khoảnh khắc ấy đến qua kinh nghiệm, từng trải; giây phút ấy đến bằng sự gia tăng tâm thức và tình yêu – không phải chối bỏ và đè nén.
Chúa Giê-Su nói:
Đừng quá bận tâm từ sáng đến tối, rồi lại từ tối đến sáng, về những gì các người sẽ khoác lên mình.
Đừng khoác lên gì cả. Tôi không nói bạn phải chường mặt cho mọi người xem, nhưng đừng khoác lên gì cả. Trời đất sinh bạn ra sao, cứ chấp nhận như thế. Hãy đón nhận. Hãy vui sướng. Hãy tiếp đón nó nồng hậu. Hãy cám ơn trời đất đã cho bạn đời sống. Đừng chối bỏ, bởi vì chối bỏ một phần nào của bạn nghĩa là bạn đã chối bỏ Thượng Đế, vì Ngài đã tạo ra bạn như thế. Ngài biết rõ hơn bạn nhiều. Khi chối bỏ những gì của bạn, tức là bạn đã chối bỏ đấng sáng tạo, bạn than phiền với vũ trụ, với cái tồn tại. Đó là ngu xuẩn, dại tột. Thế mà những người ấy lại được kính trọng.
Chúa nói đừng nghĩ đến bộ mặt mà bạn sẽ mang vào, và hãy sống đời một cách tự nhiên. Hãy đáp ứng với cuộc sống, nhưng đừng để dùng giả dối mà ngăn chận dòng sống. Hãy sống từng khoảnh khắc một và đừng tính toán, bởi vì ý tưởng là mặt nạ nguy hiểm nhất. Bạn tìm đến người yêu và lập lại những gì đã thuộc lòng, “Anh yêu em,” hoặc là, “Anh không thể thiếu em.” Nếu lập lại những sáo ngữ ấy thì không phải là tình yêu; bằng không, bạn chẳng cần phải nói gì cả, vì tình yêu có ngôn ngữ riêng của nó; tất cả tự xảy ra một cách tự nhiên. Hoa sẽ tự nở khi đến mùa – chẳng cần phải tập dượt.
Có lần Mark Twain, sau một buổi diễn thuyết, được một người bạn hỏi, “Sao? Ông có thích bài thuyết trình đó không?” Mark Twain hỏi lại, “Bài nào? Bởi vì có hai bài. Một bài tôi đã sửa soạn và đã trình bày. Còn bài kia là bài mà tôi muốn trình bày.”
Đời bạn là thế đó: bạn sửa soạn một điều mà lại trình bày cái khác, và cái mà bạn muốn trình bày lại hoàn toàn khác hẳn. Tại sao? Sao lại lộn xộn vậy? Bởi vì bạn không tự phát. Chỉ có một điều mà một người tự phát cần là sự tỉnh thức, cảnh giác. Những gì ông ta đáp ứng là từ sự tỉnh thức mà ra. Bạn phải chuẩn bị vì không tỉnh táo, không cảnh giác. Bạn sợ, bạn không chắc ăn, bởi vì ai mà biết tình huống sẽ ra sao. Bạn thắc mắc là liệu bạn có trả lời được không. Sợ là chỗ đó. Bạn trở nên giả dối. Cho nên Chúa mới nói, “Đừng nghĩ về những gì ngươi sẽ khoác lên.”
Các môn đệ của Chúa hỏi: Khi nào Thầy tỏ mình ra cho chúng con, và khi nào chúng con có thể thấy được Thầy?
Ngài nói rằng: Khi các người cởi quần áo ra mà không thấy xấu hổ, và lấy chân mà dẵm lên như những trẻ nhỏ thì các người sẽ thấy được con Thiên Chúa, và các người sẽ không thấy sợ hãi.
Hãy cố mà hiểu từng chữ một. Môn đệ của Ngài hỏi: Khi nào Thầy tỏ mình ra cho chúng con? Chúa hiện diện ngay tại đó, trong tất cả vinh quang; Ngài đứng ngay trước mặt họ. Thế mà họ có thể hỏi được: Chừng nào Thầy tỏ mình ra cho chúng con. Họ nghĩ rằng Ngài dấu họ.
Một hôm Đức Phật đang băng ngang một khu rừng. Gió chiều thổi rụng lá khô nghe xào xạc. Trên đường chỉ có Ngài và đệ tử là A-Nan-Đà. Một số đệ tử đi đàng trước, và một số theo sau. A-Nan-Đà hỏi Ngài: Con vẫn muốn hỏi Thế Tôn một điều: Thế Tôn có giấu chúng con gì không? Hay đã nói ra tất cả?”
Phật nói, “Tay ta luôn luôn rộng mở, và không bao giờ nắm lại. Hãy nhìn khu rừng này; nó chẳng dấu diếm gì cả. Ta cũng chẳng khác gì khu rừng này. Tay của một vị Phật không hề nắm lại.” Ngài liền nhặt vài chiếc lá khô rồi nắm lại trong tay. Ngài nói, “Nay tay ta đã nắm lại, ông không thể thấy được chúng nữa.” Con người luôn luôn muốn tích lũy tri thức. Đó là những người nắm tay lại – họ chẳng khác gì nắm tay.
Thế rồi Phật xoè tay ra. Những chiếc lá trong tay Ngài rơi xuống, và Ngài nói, “Nhưng tay của một vị Phật không nắm lại; Ngài luôn luôn rộng mở. Ta đã nói tất cả. Mà nếu ông nghĩ là ta còn dấu diếm gì, đó là lỗi của ông, không phải tại ta.”
Chúa ở đó với họ. Thế mà họ có thể hỏi, “Chừng nào Thầy tỏ mình ra cho chúng con?” Ngài đã bộc lộ tất cả. Và khi nào chúng con có thể thấy được Thầy? Cứ như thể là Chúa dấu diếm gì họ vậy. Ngài không dấu gì cả. Mà ngược lại, các môn đệ của Ngài đã khép kín. Mắt của họ nhắm nghiền lại thì sao mà thấy được? Chẳng phải là lỗi của Chúa.
Chân lý không hề che dấu. Chỉ tại bạn khép kín nên không thấy. Chân lý được lộ ra khắp nơi, trong từng khoảnh khắc. Chân lý tự bản chất của nó là không thể dấu được. Chỉ có giả dối mới cố che dấu chính nó. Chỉ có dối trá mới bí mật. Chân lý như thể bàn tay mở, không phải như nắm tay. Nhưng vì khép kín nên bạn không thấy. Chúa nói, “Đó là lỗi của các người.” Khi các người cởi quần áo ra mà không thấy xấu hổ. Nếu bạn cởi quần áo ra mà cảm thấy xấu hổ, sự trần truồng ấy không phải là sự trần truồng một cách hồn nhiên của một đứa trẻ. Xấu hổ là một sự xảo quyệt.
Xấu hổ chính là tội tổ tông của Ki Tô Giáo. Đó là tội của Adam và Eva. Tội xảy ra lúc nào? Một số học giả đã bàn cãi là tội xảy ra lúc nào. Họ bị cấm không được ăn trái cấm, nhưng họ bị cám dỗ. Cũng là tự nhiên thôi. Mỗi khi có cấm đoán là có cám dỗ. Xưa nay tâm trí vẫn có tật đó. Nhưng nó còn có một mánh khoé khác nữa: nó cám dỗ bạn rồi nó đổ lỗi cho người khác. Mỗi khi có cấm đoán là nó tò mò tức thì; nó tự gửi giấy mời cho nó.
Nó muốn biết, muốn chĩa mũi vào, muốn đánh hơi.
Adam và Eva tự cám dỗ chính mình; chẳng có ai khác cả. Nhưng họ đổ lỗi cho quỷ Sa Tăng. Đó là mánh khoé của tâm trí muốn đổ lỗi cho người khác. Và quỷ chỉ là dê tế thần. Con quỷ chỉ là cớ để trốn hết trách nhiệm. Bạn bị cám dỗ, rồi bạn nói bạn bị quỷ cám dỗ nên không có trách nhiệm. Nó đã thuyết phục bạn, đã quyến rũ bạn, cho nên nó là tội nhân, không phải bạn. Nhưng cám dỗ do cấm đoán mà có, và đó là mánh khoé của tâm trí.
Câu chuyện thật là ý nghĩa:
Thiên Chúa nói, “Cấm không được ăn trái cây này!” Nếu có niềm tin, họ đã không ăn trái cây ấy. Nhưng vì thiếu đức tin nên họ thắc mắc, “Tại sao? Sao chúng ta bị cấm không được ăn trái cây này, và đó là cây hiểu biết?” Tâm trí đã nói với họ, “Nếu ăn trái cây ấy, bạn sẽ trở nên như Thiên Chúa vì bạn biết tất cả. Ngài cấm bạn vì Ngài ghen tỵ. Ngài cấm bạn vì Ngài không muốn bạn giống như Ngài. Bạn sẽ hiểu biết tất cả. Không gì có thể dấu được bạn.” Nhưng quỷ xúi dục họ và nói, “Ngài cấm bạn vì Ngài ghen tỵ và sợ hãi.” Đó chỉ là cơ hội để Adam và Eva chứng tỏ họ có tin tưởng hay không. Thế thôi.
Nhưng tâm trí đã xúi dục họ -- tâm trí chính là ma quỷ. Con quỷ có hình con rắn. Và đó là biểu tượng cổ đại nhất của xảo quyệt. Tâm trí chính là con rắn, một loại xảo quyệt nhất. Adam và Eva đổ lỗi cho con quỷ. Sau đó Adam đổ lỗi cho Eva. Đàn ông xưa nay vẫn thế. Họ nói đàn bà là nguyên nhân của mọi đổ vỡ (1), cho nên họ thường kết án đàn bà. Mọi thánh thư đều nói đàn bà là người cám dỗ: bà ấy quyến rũ bạn, xúi dục bạn; bà ấy là đầu mối của mọi rắc rối. Cho nên những thánh nhân giả hiệu đều đổ lỗi cho đàn bà.
Đó là sự lươn lẹo của tâm trí.
Eva nói, “Tại con quỷ”. Adam nói, “Tại Eva” Mà nếu bạn tìm được con quỷ mà hỏi, nó sẽ nói, “Tại Thượng Đế - bởi vì Ngài cấm đoán nên sự thể mới xảy ra như thế. Nếu không thì vườn Địa Đàng rộng lớn như thế, lại có triệu triệu cây, sao mà Adam và Eva tìm ra cây hiểu biết mà ăn trái. Vì cấm đoán nên họ mới tò mò, mới quan tâm. Cho nên đó là lỗi của Thượng Đế!”
Nhưng câu chuyện thật là hay và có rất nhiều ý nghĩa. Nó có thể được giải thích bằng nhiều cách – đó là cái đẹp của ngụ ngôn. Họ ăn trái cấm, và ngay lập tức họ cảm thấy xấu hổ vì sự trần truồng của họ. Tội xảy ra ở đâu? Vì bất tuân Thượng Đế? Đó là giải thích của các tu sĩ, bởi vì họ chỉ muốn bạn vâng lời.
Nếu bạn hỏi các triết gia, họ sẽ nói, “Tại trái cây hiểu biết.” Bởi vì suy tư kéo theo rắc rối. Sống hồn nhiên chẳng cần suy nghĩ: trẻ con hồn nhiên vì không suy nghĩ. Cây đẹp vì chẳng biết tư lự. Con người khó coi vì tâm trí của hắn luôn luôn nặng trĩu với những lo âu, với ý tưởng, với mộng mị. Sự thanh tao của y đã bị mất. Vì vậy nếu hỏi các triết gia hiện sinh, họ bảo tại vì cây hiểu biết.
Mà nếu bạn hỏi các nhà tâm lý, họ sẽ nói, “Tại vì xấu hổ.” Bởi vì bạn cảm thấy xấu hổ nên bạn ghét chính mình. Khi cảm thấy xấu hổ, bạn sẽ chối bỏ chính mình. Nhưng nó đi qua ngõ của tri thức. Trẻ con không hề thấy xấu hổ. Chúng ở truồng một cách dễ dàng và không cảm thấy hổ thẹn. Từ từ bạn làm chúng thấy xấu hổ: “Đừng ở truồng!” Càng biết nhiều, chúng càng che đậy. Chúa nói, Khi các người cởi hết quần áo mà không thấy xấu hổ. Mà Adam và Eva đã làm gì? Họ lấy lá cây mà che chỗ kín. Ban đầu quần áo được sáng tạo, theo sau là thế gian. Thế thì sao bạn có thể trở lại vườn Địa Đàng được nữa? Hãy vất bỏ lá che đi! Đó là điều của Chúa dạy. Ngài nói đólà cách trở lại tiên cảnh. Đây là lối về: Khi cởi hết quần áo mà không cảm thấy xấu hổ. Bởi vì bạn có thể cởi quần áo mà vẫn thấy hổ thẹn, thì chẳng khác gì vẫn còn quần áo: bạn đang dấu diếm; bạn không để mở. Cho nên trần trụi không phải là trần truồng; khỏa thân không hẳn là trần truồng.
Trần truồng có một ý nghĩa sâu hơn; nó có nghĩa là không xấu hổ, không cảm thấy hổ thẹn, nghĩa là chấp nhận cơ thể của bạn một cách trọn vẹn. Không có sự phán xét, không phân chia thể xác. Một sự chấp nhận đơn giản. Đó là trần truồng. Mahavira trần truồng nhưng không khỏa thân. Ngài không phải là thành viên của hội khỏa thân. Ngài trần truồng như thể một đứa trẻ.
Trong hội khỏa thân, bạn không trần truồng. Thậm chí sự khỏa thân của bạn cũng có tính toán, có thao túng của tâm trí. Bạn nổi loạn, bạn chống đối, bạn chống lại xã hội. Bởi vì xã hội tin vào quần áo thì bạn bỏ hết. Nhưng vì là phản ứng nên không có sự hồn nhiên và vô tội của một đứa trẻ.
Chúa Giê-Su nói:
Và cởi quần áo ra mà đạp dưới chân như thể đứa trẻ - thì các người sẽ thấy con Thiên Chúa trong vinh quang, và các người sẽ không thấy sợ hãi. Trước hết, bạn phải chấp nhận sự trần truồng của bạn, như thể đứng trước mặt Thượng Đế, như thể đứa trẻ đứng trước mặt cha mẹ - không thấy hổ thẹn. Bạn không nên thấy xấu hổ trước đấng thiêng liêng; thế thì bạn mới chân thực. Nếu thấy xấu hổ, tức là bạn đang mang mặt nạ, không ít thì nhiều. Và kế đó là nếu không cảm thấy xấu hổ, bạn sẽ không sợ. Chúng là hình với bóng: có xấu hổ là có sợ hãi; nếu không thấy xấu hổ thì không thấy sợ hãi. Chúng nắm tay nhau mà biến mất. Và khi hổ thẹn và sợ hãi không còn nữa, mắt bạn sẽ sáng ra; bạn sẽ nhận ra con Thiên Chúa, con Đức Chúa Trời Hằng Sống; bạn sẽ nhận ra Chúa, bạn sẽ biết được Phật.
Nhiều người hỏi tôi, “Làm cách nào để nhận ra ai là chân sư?” Trong tình huống của bạn, bạn không thể nhận ra ai là chân sư. Như thể người mù hỏi làm cách nào để biết đèn bật lên hay không. Chẳng có cách nào giúp người mù được. Phải có mắt mới nhận ra ánh sáng, mà người mù thì đui. Bạn không thể nhận ra người nào chứng ngộ hay không, đắc đạo hay không. Bạn không thể biết được. Không thì sao họ dám đóng đanh Chúa, nếu nhận ra Ngài?
Họ đã đối xử với Ngài rất là tệ; họ coi Ngài như thể tên ngố rừng. Ngày mà Ngài vác thánh giá lên đồi Golgotha (2) thì quân lính, bọn cô hồn các đảng, và đám đông đi theo chế nhạo và liệng đá vào Ngài: Họ xỉa xói: “’Đây là vua dân Do Thái’, đây là ‘con Thiên Chúa’, con của người thợ mộc đã điên rồi!” Họ đôi vòng gai lên đầu của Ngài mà chế nhạo, “Nhìn kìa! Đây là ‘vua dân Do Thái’, đây là ‘con Đức Chúa Trời’!”
Và khi Ngài bị đóng đanh, họ còn diễu cợt bằng cách để Ngài giữa hai tên trộm cướp, như thể Ngài là một tên trộm cướp vậy. Không những Ngài bị đám đông chê cười, mà một tên trộm cướp còn xỉ vả Ngài, “Nếu là con Thiên Chúa, sao mi không tự cứu mình và cứu cả chúng tôi đi?” Chúa đã bị họ biến thành một tên hề.
Tại sao ta không nhận ra được Chúa? Vì mắt của ta đã nhắm lại. Chúng bị nhắm lại vì những mặt nạ của ta, vì những loại áo quần như hổ thẹn, sợ hãi, thù ghét chính mình, tự kết án chính mình – đủ loại quần áo. Chúa Giê-Su nói: Khi các người cởi quần áo ra mà không thấy xấu hổ, và lấy chân mà dẵm lên như những trẻ nhỏ.
Lần đầu khi bị ép phải mặc quần áo, đứa trẻ sẽ chống đối. Nó cự tuyệt vì cảm thấy bị tù túng, và thấy có gì giả tạo. Sự chống đối của nó cũng tự nhiên. Nhưng bạn có thể cưỡng ép nó, thuyết phục nó. Bạn nói với nó, “Muốn đi thì phải mặc quần vào, về nhà thì cởi ra. Nếu không thì không thể đi theo.” Vì muốn đi theo nên nó mới phải chịu. Nhưng khi về đến nhà thì nó cởi ra ngay lập tức; không những thế, nó còn nhảy múa điên cuồng trên quần áo nữa, như thể dày vò một kẻ thù. Nó không nhận ra chính nó khi có quần áo. Nay nó được tự do. Nó nhảy cà tưng lên khi được trần truồng, và dẫm chân trên quần áo một cách thích thú. Nếu làm được như đứa trẻ, thì các người sẽ thấy con Thiên Chúa trong vinh quang, và các người sẽ không thấy sợ hãi.
Trong sự trần truồng bạn không sợ hãi, bởi vì sợ hãi là cái gì thêm vào; sợ hãi do hổ thẹn mà có. Nhiều tôn giáo tồn tại bằng cách làm cho bạn cảm thấy xấu hổ. Nếu cảm thấy xấu hổ, bạn trở nên sợ hãi. Tâm bệnh từ đó mà sinh, và bạn phải tìm tới người đã tạo ra sợ hãi cho bạn để giúp cho bạn hết sợ. Họ chẳng giúp gì được bạn, vì họ là người đã làm bạn sợ. Họ sẽ nói, “Hãy cầu nguyện và hãy kính sợ Thượng Đế.” Họ không thể giúp bạn hết sợ. Chúa có thể làm cho bạn hết sợ, nhưng phải tìm ra cơ sở của vấn đề. Cơ sở đó là: không chấp nhận chính mình thì bạn luôn luôn sợ hãi.
Chấp nhận chính mình thì không còn sợ hãi. Đừng nghĩ phải là ông này hay ông kia, bạn sẽ không bao giờ sợ hãi. Sống một cách chân thật và tin tưởng; đừng hơn thua với thực tại. Nếu bị khích dục, hãy chấp nhận. Nếu cảm thấy giận dữ, hãy chấp nhận.
Đừng tạo ra điều trái ngược, “Tôi đang giận. Điều này không tốt. Tôi phải tha thứ. Tôi bị khích dục; không thể chấp nhận được. Tôi phải chống lại.”
Đừng tạo ra đối cực, vì bạn sẽ bị phân liệt. Giận dữ sẽ bị nén xuống, và sự tha thứ của bạn chỉ là giả dối; dục bị đè nén sẽ thành truỵ lạc; ngoài mặt bạn là người nhân đức, nhưng bên trong là quỷ dâm dục. Một khoa học gia nghiên cứu về bí mật của kim cương. Ông ta làm việc ngày đêm và gần tìm ra được hết manh mối, chỉ còn một điều cuối cùng.
Nếu tìm ra được điều ấy, ông ta sẽ là người giầu có nhất thế giới. Tìm hoài không ra thì có người đề nghị, “Ông đã phí công vô ích. Tôi nghe nói về một phụ nữ Tây Tạng. Bà ấy rất thông minh và thông suốt mọi vấn đề. Hãy tìm bà ấy thì ông sẽ tìm được giải đáp. Sao phí thời giờ ở đây?” Ông ta lặn lội tìm đến Tây Tạng. Tìm mãi mới ra vì chẳng mấy người nghe nói về bà ấy.
Khi ông ta gõ cửa thì bà ấy ra mở.
Bà ấy trông rất đẹp, rất thùy mị. Ông ta cảm thấy bị lôi cuốn vì sắc đẹp ấy. Bà ta nói, “Được, ông đã đến đây, và quy luật ở đây là: ông chỉ có thể hỏi một câu duy nhất, và tôi sẽ trả lời. Chồng tôi sắp trở về rồi. Nhớ nhé.
Chỉ một câu thôi.” Ông ta thốt lên, “Khi nào chồng bà về?” Ông ta đến để hỏi câu này đây! Dục nhất định phải trốn trong vô thức của ông ta; đó mới là vấn đề thực sự. Nghiên cứu về kim cương, đi tìm bí mật của nó chỉ là lẩn tránh tạm thời. Có lẽ ông ta nghĩ rằng, “khi trở thành giầu nhất thế giới, tôi muốn mua tiên nào cũng được.” – mặc dù ông ta không ý thức rõ điều đó.
Bạn có thể không để ý đến những gì xảy ra trong vô thức, nhưng có cơ hội là nó ngóc đầu lên ngay, nó sẽ nổ tung. Lẩn tránh cũng vô ích. Chỉ có sự chuyển hóa mới hữu ích, nhưng chuyển hóa đòi hỏi sự chấp nhận con người của bạn một cách toàn diện, không phán xét, không định giá, “Cái này tốt, cái kia xấu.” Đừng phân biệt. Hãy tin tưởng thiên tính của bạn và thuận theo nó, và đừng cố lội ngược dòng – đó là ý nghĩa của trần truồng. Trôi theo dòng sống với một tin tưởng sâu sắc, mặc cho nó đưa đến đâu thì đến. Đừng tạo ra mục đích nào cả; nếu có mục đích nào thì bạn trở thành giả dối.
Đời sống chẳng có chủ đích nào cả; nếu có chủ đích nào thì bạn đi ngược lại đời sống. Nó không di chuyển như một dịch vụ, mà như thể thi ca; nó không thuộc về óc não, mà xoay quanh con tim – nó là một chuyện tình. Cần phải có niềm tin; nghi ngờ là một cản trở. Đời sống không có luật lệ gì cả. Nó chẳng tin ở Aristotle và các nhà luận lý; nó tin vào tình yêu, vào thi ca, vào những nhà huyền môn. Nó là một bí ẩn phải được sống, không phải một bài toán cần phải giải đáp; nó chẳng phải là một vấn đề. Không có bí mật nào cả, chỉ vì bạn khép kín. Nó được để lộ khắp nơi: trên từng cành, trong từng chiếc lá, trong từng tia nắng trời – nhưng bạn khép kín.
Sao bạn lại khép kín? Bạn không chấp nhận đời sống bên trong của bạn, sao bạn chấp nhận đời sống bên ngoài được? Hãy chấp nhận! Bắt đầu ngay tại trung tâm của bản thể của bạn. Nếu chấp nhận chính mình một cách trọn vẹn, bạn sẽ chấp nhận tất cả. Và sự chấp nhận ấy dẫn đến sự chuyển hoá: bạn không còn như trước nữa một khi bạn chấp nhận chính mình. Sự chuyển hóa tự xảy ra, tự xuất hiện, nhưng chỉ khi bạn thư giãn. Đó là ý của Chúa: hãy tự nhiên thì bạn được thư giãn. Hãy vất bỏ những gì xã hội tròng lên cổ bạn – đó là ý nghĩa của ‘quần áo’. Xã hội không cho bạn sự sống; nó chỉ có thể cho bạn ‘quần áo’. Nó không cho bạn bản thể, mà cho bạn cái tôi. Bỏ quần áo thì cái tôi biến mất. Hãy tưởng tượng là bạn đang trần truồng trên phố.
Ebrahim từng là một ông vua và sau này trở thành một hành giả. Ông ta tìm gặp sư phụ. Sư nói, “Ông đã sẵn sàng chấp nhận tất cả chưa?” Ebrahim nói, “Con đã sẵn sàng. Xin cho biết con phải làm gì?” Sư nhìn ông ta và nói, “Được, hãy bỏ quần áo xuống!” Chúng đệ tử bối rối, vì Ebrahim từng là một ông vua nên đòi hỏi này hơi quá đáng. Chưa một ai bị đòi hỏi như thế, sao lại bắt nhà vua phải làm thế? Một đệ tử nói nhỏ với sư, “Sao lại khó dễ với ông ta như thế? Thầy có bắt chúng con làm thế đâu? Nhưng sư lại nói, “Và hãy ra đường rồi lấy giầy mà đập vào đầu. Hãy ở truồng mà ra phố.” Thị xã này là thủ đô. Vậy mà Ebrahim đã vâng lời. Trần như nhộng ông ta đi khắp nơi, và lấy giầy mà đập đầu mình. Và ông ta được nói là đã chứng ngộ khi trở về.
Chuyện gì đã xảy ra? Ông ta có nhiều tiềm năng nên phải qua nhiều thử thách. Một đạo sư chỉ đòi hỏi những gì bạn có thể làm được. Càng có nhiều tiềm năng, đòi hỏi càng nhiều. Nếu bạn là người yếu đuối thì không thể đòi hỏi gì được. Ebrahim có nhiều tiềm năng, và cuối cùng ông ta đã trở thành một đạo sư. Chuyện gì đã xảy ra? Khi quần áo bị vất bỏ, cái tôi cũng mất theo – những gì xã hội đã tròng lên cổ bạn. Đó là điều Chúa đã dạy. Nhiều lần cái tôi đã tự mất đi vì nó là một gánh nặng, nhưng sau đó bạn lại nhặt lên rồi bản cũ xào lại. Nhiều lần bạn thất bại, nhiều lần không thành công. Nhiều lần cái tôi tự rơi xuống, nhưng dù bị thâm tím, nản lòng, bại trận, thất bại mà bạn vẫn mang gánh nặng ấy với hy vọng mới.
Một câu chuyện rất hay. Một con sư tử chận con cọp lại hỏi, “Ai là chúa sơn lâm?” Cọp nói, “Là đại ca chứ còn ai nữa?” Sư tử chận con gấu lại và hỏi, “Ai là chúa sơn lâm?” Gấu nói, “Còn phải hỏi nữa? Đại ca là chúa của muôn loài!” Khoái chí, sư tử chận con voi lại hỏi, “Ai là chúa sơn lâm?” Voi túm lấy sư tử, hất một cú. Sư tử bị hất đi năm chục thước, văng vào tảng đá, thương tích đầy mình, nhưng nó cố chữa thẹn và nói, “Nếu không biết thì thôi. Sao phải hung hăng như thế? Chỉ cần nói, ‘Tôi không biết’ là được rồi.’
Bạn vẫn thường làm thế. Nhưng bạn không hề chịu thua mà còn cố nói,
“Nếu không biết thì thôi. Sao phải làm thế? Chỉ cần nói, ‘Tôi không biết’ là đủ rồi.’” Nếu nhận ra được rằng bạn thất bại, nghĩa là những gì xã hội cho bạn đều thất bại cả. Nhận thức đó có thể là bước đầu của những thành công vĩ đại nhất trên đời.
Đó là lý do thất bại là cánh cửa dẫn vào đạo – nếu bạn nhận ra sự thất bại đó (3). Khi thành công thì bạn có để ý gì về đạo. Khi lợi lộc vì quần áo thì phải trần truồng làm gì? Thế thì quần áo là một đầu tư quá tốt. Nhưng khi thất bại thì bạn ý thức được sự trống trải đó. Không có gì có thể che đậy được. Bạn chỉ tự lừa dối mình thôi.
Hãy sử dụng sự thất bại của mình. Và khi bị đập vào tảng đá, bầm tím và thương tích đầy mình, thì đừng ngu xuẩn như sư tử. Phải biết rằng chẳng có thành công thật sự trong thế giới này. Lý do là tất cả đều giả dối, và với vẻ mặt lừa dối thì sao bạn thành công được? Thậm chí những Nã-Phá-Luân, ALịch-Sơn, Thành Cát Tư Hãn đều thất bại cả.
Chúa Giê-Su đã thành công vì Ngài giữ được sự nguyên thủy của Ngài, sự tự nhiên của Ngài. Hãy cố hiểu điều này; và không phải chỉ hiểu thôi, mà phải vất bỏ quần áo của bạn; sống chân thực thì bạn sẽ trở thành thuần khiết. Nghĩa là bạn đã liệng trái táo mà Adam và Eva đã ăn; thế rồi cửa vườn Địa Đàng sẽ lại mở ra cho bạn.
Thần Học Ki Tô Giáo nói rằng nhân loại vì Adam và Eva mà bị đuổi ra khỏi thiên đường, nhưng Chúa đã mở cửa ấy ra một lần nữa – bạn có thể vào. Nhưng trở thành một Ki Tô hữu cũng chưa đủ. Bạn phải nhận ra Chúa. Và sự nhận thức ấy chỉ có nghĩa là bạn chính là Chúa. Thiếu một chút cũng không được.
Chú Thích:
1 Huyền sử Hy Lạp nói rằng người đàn bà đầu tiên là Pandora. Bà đến thế gian với một cài bầu. Và khi bà mởi bầu ra thì mọi rắc rối trong bầu bay ra hết, ngoại trừ hy vọng còn bị kẹt lại.
2 Golgotha, cũng được gọi là núi Sọ, nơi Chúa bị đóng đanh, thuộc về ngoại ô của Jerusalem.
3 Dịch, quẻ Sơn Phong Cổ, viết, “Cổ: Nguyên, hanh, lợi thiệp đại xuyên.” Nghĩa là sự
thất bại (cổ) của mỗi người đều khác nhau (nguyên), nhưng đó là đều tôt (hanh), và đó
là cơ hội tốt nhất để qua sông lớn (đại xuyên). Qua sông lớn là tìm về Đạo; Phật Giáo
gọi qua sông lớn là qua bờ giải thoát, bờ giác ngộ.
Xem tiếp Chương 5Quay về Mục lục

Ads Belove Post