Chương 3. Bản chất của ánh sáng và bóng tối

Chương 3. Bản chất của ánh sáng và bóng tối

Price:

Read more

Osho – Đại Thủ Ấn
Chương 3. Bản chất của ánh sáng và bóng tối


“Bức màn đen tối trong muôn niên kỷ
Không che phủ được mặt trời tỏa chiếu
Cho nên, thời gian dài vô cùng của luân hồi
Không thể làm mờ ánh sáng Diệu Tâm,
Dù có dùng ngôn ngữ mà giải thích về Tánh Không
Tánh Không tưởng như không bao giờ hiển lộ
Do đó, ta nói rằng “Tâm là ánh sáng huyền diệu”
Vượt ra ngoài ngôn ngữ và biểu tượng
Cho dù tự Tâm bản chất là trống rỗng
Nhưng nó lại bao trùm và chứa muôn vật...”
Trước nhất, chúng ta hãy cùng suy nghiệm về bản chất của bóng tối. Đây là một trong những sự kiện huyền bí nhất của sự sống. Cuộc đời bạn liên hệ với bóng tối rất nhiều. Bạn không thể không suy nghĩ về nó. Chúng ta phải hài hoà với bản chất của bóng tối cũng như bản chất của giấc ngủ, như bản chất của sự chết, và cũng giống như mọi bản chất khác của thế giới vô minh. Nếu bạn suy nghiệm về bóng tối, nó biểu thị như nó không là một sự hiện diện.
Nó tồn tại nhưng lại không có sự sống. Nó thần bí hơn cả ánh sáng. Nó không có sự sống. Ngược lại, nó là sự thiếu vắng ánh sáng. Không có một cá thể nào được gọi là bóng tối. Nó không có nơi chốn trú ngụ, Bạn không thể tìm thấy nó, Nó là sự vắng bặt. Chính nó không hình tướng. Nó không hiện diện “trong tự ngã” của nó. Nó là ánh sáng chưa tồn tại.
Nếu ánh sáng hiện diện, thì bóng tối không còn nữa. Nếu ánh sáng thiếu vắng, bóng tối đột nhiên bao trùm… Sự vắng mặt của ánh sáng là sự có mặt của bóng tối. Bóng tối không là một vật thể nào đó đang hiện diện. Ánh sáng sẽ đến rồi đi, sẽ chỉ có bóng tối còn lại. Nó không là một vật thể nhưng nó có mặt. Ánh sáng có thể sản xuất. Ánh sáng có thể huỷ diệt, nhưng bạn không thể sản xuất bóng tối.
Bạn cũng không thể nào huỷ diệt bóng tối. Nó hiện diện nhưng không hiện diện. Thứ hai, nếu bạn suy nghiệm sâu sắc hơn, bạn nhận thức rằng bóng tối là vô thể, bạn không thể tạo tác trên nó. Nếu bạn cố gắng tạo tác trên nó, bạn sẽ thất bại. Bóng tối không bao giờ thất bại. Làm sao bạn có thể đánh bại một vật vô thể? Nếu bạn thất bại, bạn sẽ suy nghĩ, “Bóng tối vô cùng quyền năng, bởi tôi không thể làm gì được nó.” Quá ngu xuẩn! Bóng tối không có quyền năng gì hết. Làm sao một vật thể có quyền năng khi nó vô thể và không có tự ngã? Bạn không thất bại bởi bóng tối hoặc năng lực của nó. Bạn thất bại bởi bạn vô minh. Bạn thất bại bởi bạn muốn tranh đấu với bóng tối. Bạn không thể tranh đấu với một vật vốn vô thể. Nên nhớ kỹ điều này! Bạn đã từng tranh đấu với nhiều sự vật vô thể. Chúng cũng như bóng tối. Tại sao bạn vô minh? Bạn bận tâm tranh đấu với sự vô thể. Sân hận không thật. Sân hận chỉ là sự vắng mặt của tình yêu. Cơn thịnh nộ không thật. Nó chỉ là sự vắng mặt của từ bi. Vô minh không thật. Nó chỉ là sự vắng mặt của Phật tánh, của giác ngộ. Tình dục không thật, nó chỉ là sự vắng mặt của Brahmacharya, Tịnh thân. Sự vật lộn không ngừng với một cá thể vô hình tướng là một sự kiện cực kỳ phi lý.
Có sự khác nhau giữa luân lý và tôn giáo. Luân lý nỗ lực tranh đấu với bóng tối. Tôn giáo nỗ lực nhận thức ánh sáng nội tại. Tôn giáo không bận tâm đến bóng tối. Tôn giáo hướng về sự tìm kiếm ánh sáng nội tại. Khi ánh sáng được khám phá, bóng tối tất nhiên biến mất. Khi ánh sáng có mặt, bạn không cần phải tranh đấu với bóng tối. Nó chỉ biến mất.
Đó là vấn đề thứ hai. Bạn không cần phải tranh đấu với bóng tối. Nếu bạn muốn làm gì với bóng tối, bạn phải bắt đầu với ánh sáng, thay vì bóng tối. Nếu bạn lấy đi ánh sáng, bóng tối sẽ tràn lan. Bạn không thể tắt bóng tối và thắp lên bóng tối như bạn đốt đèn cầy. Bạn không thể mang nó đến bất cứ nơi nào. Bạn không thể đẩy nó đi. Nếu bạn muốn xua đuổi bóng tối, bạn phải vận hành theo chiều ánh sáng. Bạn phải vận hành trên con đường gián tiếp, thay vì trực tiếp.
Đừng bao giờ vật lộn với vật vô thể. Con người có thói quen luôn khao khát tranh đấu, nhưng sự khao khát này rất nguy hiểm. Bạn sẽ hao phí năng lượng và sự sống của bạn. Chính bạn cũng bị phân tán. Bạn đừng để tâm vô minh lôi cuốn bạn. Bạn chỉ nhận thức sự vật đó có sự sống thật hay không, hay nó chỉ là một sự vắng bặt. Do đó, bạn sẽ đi đúng con đường.
Sự kiện thứ ba về bóng tối là: Nó có sự liên hệ rất là mật thiết với bạn. Khi bạn nổi cơn thịnh nộ, ánh sáng nội tại biến mất. Mỗi khi bạn sân hận, ánh sáng nội tại biến mất, bóng tối lập tức thống trị bạn. Khi bạn vô thức, cơn giận hiện diện. Khi bạn ý thức, cơn giận không còn nữa. Bạn không thể nổi giận khi bạn duy trì chánh niệm. Bạn hãy thử thí nghiệm xem sao. Bạn sẽ giận dữ trong vô thức, hoặc là bạn không thể giận dữ khi bạn chánh niệm.
Ý nghĩa gì đây? Ý nghĩa là, bản chất của chánh niệm là ánh sáng, và bản chất của Tam Độc ( Tham, Sân, Si) là bóng tối. Trong bạn không có bóng tối. Nếu bạn tu tập chánh niệm, bạn không thể sân hận được.
Mọi người hay tìm đến tôi. Họ hỏi tôi là họ phải làm cách nào để họ không còn sân hận. Họ đã hỏi một câu hỏi không đúng. Khi bạn hỏi một câu hỏi không đúng, bạn khó tiếp nhận một lời giải đáp chính xác. Trước tiên, bạn phải thấu hiểu bạn đang hỏi gì. Hãy hỏi cho đúng. Bạn đừng hỏi tôi làm cách nào để bạn có thể xua đuổi hết mọi bóng tối của sân hận. Bạn đừng hỏi tôi làm sao để bạn không còn phải ưu tư, lo lắng, căng thẳng và đau khổ nữa.
Bạn hãy phân tích tâm bạn. Bạn hãy nhận biết tại sao cơn sân hận lại hiện diện? Tam độc hiện diện bởi bạn không đủ chánh niệm. Cho nên, bạn phải hỏi một câu hỏi cho rõ ràng: Làm sao bạn có thể ý thức hơn? Nếu bạn hỏi làm cách nào để không còn sân hận, bạn đã biến mình trở thành một nạn nhân của các nhà luận lý. Nếu bạn hỏi làm sao bạn có thể ý thức hơn, để sân hận không còn hiện diện, để dục lạc không còn quấy nhiễu bạn, để tham sân si không thể lung lạc được bạn, bạn đã đi đúng con đường rồi. Bạn sẽ trở thành người tìm đạo. Luân lý là một đồng tiền giả. Nó lường gạt con người. Nó vô tín ngưỡng. Tôn giáo không liên hệ gì với luân lý. Tôn giáo không liên hệ với bóng tối. Nó là một nỗ lực khẳng định để đánh thức bạn dậy. Nó không bận tâm đến nhân cách của bạn. Mọi tạo tác của bạn đều vô nghĩa, nhưng bạn không thể thay đổi được. Có lẽ, bạn sẽ đánh bóng nó, nhưng bạn không thể thay đổi đặt câu hỏi nó.
Chỉ có con đường duy nhất là sự hoán chuyển. Bạn phải cần một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng này không thể đặt trên nhân cách của bạn, trên tất cả hành vi của bạn, trên tất cả mọi hành động của bạn, nhưng đặt trên bản thể của bạn. Bản thể chỉ liên hệ với tự tánh của bạn. Bản thể là một hiện tượng khẳng định: Một khi bản thể cảnh giác và tỉnh thức hơn, bóng tối của tam độc sẽ chấm dứt.
Bản thể của bạn có bản chất của ánh sáng. Điều thứ tư… rồi chúng ta có thể tiếp tục với lời kinh. Giấc ngủ như bóng tối. Không phải ngẫu nhiên bạn thấy khó ngủ khi có ánh sáng. Tất nhiên rồi. Bóng tối quan hệ với giấc ngủ. Đó là lý do tại sao bạn dễ ngủ khi màn đêm buông xuống. Bóng tối tạo ra một môi trường để bạn có thể dễ dàng ngủ ngon. Chuyện gì sẽ xảy ra trong giấc ngủ? Bạn sẽ không còn ý thức. Có giai đoạn bạn nằm mơ thấy lung tung. Lúc bạn đang mơ mộng là lúc bạn đang trong tình trạng nửa ý thức, nửa vô thức. Bạn đang chìm đắm giữa hai trạng thái. Tâm thức bạn đang chìm sâu vào cõi vô thức. Bạn đang trong trạng thái tỉnh thức, bạn chìm sâu vào cõi hoàn toàn vô thức.
Giấc mơ bạn chập chùng trong cõi vô thức. Nếu bạn đang trong trạng thái vô thức, bạn đang tình trạng nửa mơ nửa tỉnh. Nếu giấc mơ kéo dài, sáng thức dậy, bạn sẽ vô cùng mệt mỏi. Nếu bác sĩ không cho phép bạn được mơ, bạn cũng sẽ rất là mệt mỏi. Tất nhiên là có lý do nên những giấc mơ mới hiện diện.
Trong những giờ giấc tỉnh táo, bạn góp nhặt quá nhiều rác rến: Sự hỗn loạn của tư duy, mọi cảm thọ, mọi phiền não, và những vấn đề chưa được giải quyết lững lờ trong tâm trí lúc bạn tỉnh táo. Thí dụ, bạn bắt gặp một người con gái thật xinh đẹp trên một nơi chốn nào đó, bạn xao động, mong nhớ nàng. Tiếc thay, bạn lại là một người đàn ông đứng đắn, có tư cách và rất văn hoá, bạn phải gạt ý tưởng tán tỉnh cô qua một bên. Bạn không dám đối diện với sự thèm khát được giao cảm với cô. Bạn phải tiếp tục làm việc. Sự thèm khát nửa vời đó cứ lờ lững trong tâm trí bạn. Bạn ao ước được gá nghĩa trăm năm với cô. Nếu không, bạn sẽ ân hận suốt đời. Sự ao ước đó tìm đến bạn mỗi đêm thâu, thầm thì bên đôi tai bạn: “Hãy tỉnh ngộ đi ông bạn.
Người con gái này thật là mỹ lệ. Anh thật khờ dại. Anh hãy tìm đến cô. Anh hãy tỏ tình với cô. Anh đang đánh mất một cơ hội lớn rồi đó!” Sự ao ước đó lảng vảng chung quanh bạn. Những giấc mơ chập chùng không cho phép bạn ngủ yên. Khi bạn ao ước, niềm ao ước này tạo ra giấc mơ. Bạn sẽ nằm mộng. Bạn sẽ thấy bạn lang thang trên con đường cũ đó, người con gái xinh đẹp đang đi trên con đường, tà áo của nàng, khuôn mặt diễm lệ của nàng làm bạn choáng váng. Trong giấc mộng, bạn không bị quấy nhiễu bởi bao nền luân lý, bởi đạo đức, và cũng không có sự lịch sự tối thiểu nào. Bạn trở thành một con thú. Bạn vô cùng tự nhiên. Bạn giũ sạch đi bao luân lý của thế gian. Cõi mộng này là thế giới riêng của bạn. Không có một người cảnh sát nào có thể đi vào thế giới này của bạn. Không có một chánh án nào có thể kết án bạn.
Bạn hoàn toàn tự do. Thậm chí, không có cả nhân chứng. Bạn có thể đùa giỡn với cơn tình dục. Giấc mơ của bạn đầy dục tính. Giấc mơ này giúp bạn giải tỏa nổi khao khát thầm kín, để giấc ngủ của bạn có thể tròn mộng đẹp hơn. Tất nhiên rồi, nếu bạn cứ tiếp tục mơ mộng như vậy, bạn sẽ vô cùng mệt mỏi.
Tại Hoa Kỳ, họ đã thí nghiệm rất nhiều về hiện tượng này. Nếu không cho một người nào đó mơ, chỉ trong bốn tuần lễ thôi, ông sẽ nổi điên. Mỗi khi ông thức dậy, ông sẽ tìm cách mơ nhiều lần. Có những triệu chứng rất rõ ràng. Khi một người đang bắt đầu mơ, thì bạn có thể đánh thức ông dậy. Đặc biệt nhất là, mỗi khi đôi mi mắt của ông bắt đầu chớp nhanh, lúc đó ông đang bắt đầu chìm vào sâu vào giấc mơ. Khi ông không chìm trong giấc mơ, đôi mí mắt ông được nghỉ ngơi. Mỗi khi ông chìm trong cơn mộng là đôi mắt ông bắt đầu hoạt động rồi. Họ đã đánh thức ông dậy nhiều lần trong đêm… mỗi khi ông ta bắt đầu rơi vào giấc mơ là họ lại đánh thức ông dậy. Người này sẽ cảm giác vô cùng mệt mỏi, tuy vậy, ông vẫn chưa phát điên. Nếu tình trạng cứ tiếp diễn như vậy, không sớm thì muộn, chỉ trong vòng bốn tuần lễ, ông ta sẽ nổi điên.
Giấc ngủ thật ra không quan trọng lắm. Nếu bạn đánh thức một người nào dậy… Nếu bạn đánh thức lúc ông ta chưa rơi vào giấc mộng, bạn đánh thức ông dậy ngay, thì ông ta sẽ không bị mệt mỏi. Như vậy nghĩa là gì? Nó có ý nghĩa là giấc mơ vô cùng cần thiết đối với bạn. Sự kiện mà Ấn Độ giáo gọi là Maya… Ảo giới. Thế giới của ảo vọng cần phải có.
Bạn là một ảo vọng. Nếu không có giấc mơ, bạn không thể nào tồn tại. Những giấc mơ là thực phẩm nuôi dưỡng bạn. Giấc mơ là năng lực của bạn. Không có giấc mơ, bạn sẽ bị mất trí. Các giấc mơ giúp giải thoát những căng thẳng hàng ngày. Một khi bạn được giải tỏa những căng thẳng của tâm trí rồi, bạn sẽ có được một giấc ngủ yên lành.
Từ lúc bạn tỉnh táo, cho đến lúc bạn chìm sâu vào giấc ngủ. Từ giấc ngủ bạn thức dậy và tỉnh táo. Mỗi một đêm, một con người có tám chu kỳ mơ. Giữa mỗi khoảnh khắc của mỗi chu kỳ, ông thường chìm sâu vào giấc ngủ say sưa. Trong giấc ngủ say đó, mọi ý thức đều biến mất. Nó tuyệt đối tối thẳm, nhưng bạn vẫn nhận biết những gì xảy ra chung quanh bạn. Nếu có ai có chuyện gì cấp kỳ, họ có thể đánh thức bạn dậy. Nếu ngôi nhà bị bốc cháy, bạn sẽ trở về cõi ý thức ngay. Nếu bạn là một người mẹ, con khóc, bạn sẽ tỉnh dậy ngay, nhưng bạn vẫn bên bờ biên giới. Nhưng khi bạn trôi trên sự chết, bạn rơi chính xác vào trung tâm. Sự chết và giấc ngủ có điểm giống nhau, phẩm tính cũng giống nhau. Với giấc ngủ, mỗi đêm, bạn chìm sâu vào bóng tối, hoàn toàn tối thẳm. Ở trạng thái đó, bạn hoàn toàn vô ý thức. Đây là một đối cực ngược lại với Phật tánh. Một vị Phật thì luôn tỉnh thức trọn vẹn và sáng suốt. Trong Gita19, Krisna bảo với Arjua20 rằng mỗi khi bậc giác ngộ chìm vào giấc ngủ, ngài vẫn tỉnh thức. Không có nghĩa là ngài không ngủ. Ngài ngủ, nhưng chỉ có thân ngài ngủ.
Ngài không mơ mộng, bởi ngài không bị vướng bận bởi tham sân si, vì vậy, ngài không có cái nhân của tham ái. Ngài không ngủ như bạn. Thậm chí trong sự yên nghỉ cao tột nhất, ý thức của ngài vẫn hoàn toàn sáng suốt. Ý thức của ngài rực sáng như ngọn lửa. Mỗi đêm, khi bạn chìm sâu vào giấc ngủ, bạn sa vào cõi vô ý thức, một cơn hôn trầm sâu thẳm. Trong sự chết, bạn chìm vào cơn hôn trầm. Chúng đồng là bóng tối. Bạn luôn sợ sệt bóng tối, bởi bóng tối giống sự chết. Có người còn sợ hãi cả đến giấc ngủ, bởi giấc ngủ cũng giống sự chết.
Tôi có gặp qua nhiều người không thể ngủ, dù họ rất muốn ngủ. Khi tôi cố gắng thấu hiểu tâm trí họ, tôi nhận thức nguyên nhân sợ hãi của họ. Họ bảo tôi, họ thật sự muốn ngủ bởi họ đã quá mệt mỏi, nhưng họ lại sợ hãi giấc ngủ. Sự sợ hãi này đã gây nên lắm phiền não cho họ. Chín mươi chín phần trăm con người mà sợ hãi giấc ngủ vì họ sợ họ bị rơi vào bóng tối không cùng. Vì họ sợ bóng tối, họ đâm sợ hãi cả giấc ngủ. Sự sợ hãi này bắt nguồn từ sự sợ hãi cái chết. Khi bạn ý thức được bản chất của bóng tối, và bản chất của bạn là ánh sáng, mọi sự bắt đầu đổi thay. Không còn giấc ngủ tối tăm bên trong bạn. Bạn chỉ có sự nghỉ ngơi. Không có sự chết trong bạn, chỉ có sự thay đổi trang phục của thân. Điều này chỉ xảy ra, nếu bạn có thể nhận thức được ngọn lửa nội tại, tự tánh của bạn, và tận cùng cốt lõi bản thể của bạn.
Bây giờ, chúng ta hãy đi vào lời kinh này…
“Bức màn đen tối trong muôn niên kỷ
Không che phủ được mặt trời tỏa chiếu
Cho nên, thời gian dài vô cùng của luân hồi
Không thể làm mờ ánh sáng Diệu Tâm… ”
Các bậc giác ngộ, họ nhận thức rằng...
"Bức màn đen tối trong muôn niên kỷ. Không che phủ được mặt trời tỏa chiếu…"
Có lẽ, bạn đã lang thang trong bóng tối hằng muôn vô lượng kiếp, nhưng bóng tối triền miên đó vẫn không thể nào huỷ diệt được nguồn ánh sáng nội tại trong bạn. Bản chất của bóng tối là không thể tấn công được bất kỳ một ai. Nếu một vật vô thể thì làm sao nó có thể tấn công được ai? Bóng tối không thể huỷ hoại ánh sáng… Làm sao nó có thể huỷ hoại ánh sáng? Thậm chí, một ngọn lửa nhỏ nhoi, bóng tối cũng không thể nào huỷ diệt nó.
Bóng tối không thể lao mình vào nó. Bóng tối không thể xung đột với ánh sáng… Như vậy, làm sao bóng tối huỷ diệt được ánh sáng? Làm sao bóng tối bao trùm được ánh sáng? Không thể nào. Trạng thái đó không bao giờ xảy ra, bởi nó không thể xảy ra. Con người thì luôn tư duy đến mọi xung đột. Họ tưởng bóng tối đối trị ánh sáng. Vô cùng phi lý! Bóng tối không thể đối trị với ánh sáng. Không có sự tranh chấp trong bóng tối. Nó là sự vắng bóng. Nó hoàn toàn vắng bóng, bất lực, thì làm sao nó có thể đối trị được cái gì? Bạn hay nói, “ Tôi bị cơn giận khống chế tôi?” Không thể nào. “Tôi bị sự tham ái khống chế.” Nên nhớ là, bạn mời họ vào, cho nên, họ tìm tới. Sự mời mọc của bạn thể hiện, nên họ không thể chối từ. Chúng là những người khách được mời. Có lẽ, bạn quên là bạn đã mời mọc chúng. Sự quên lãng của bạn mới thật sự là bóng tối. Trong sự lãng quên đó, mọi phiền não xảy ra. Bạn như con người say sưa, hoàn toàn quên mất chính bạn. Bạn là ai? Bạn về đâu? Bạn đang làm gì? Mọi đường hướng đều bị đánh mất. Ý thức về đường hướng của bạn không còn nữa. Bạn trở thành một con người say sưa. Vì lý do đó, tại sao mọi tôn giáo đều khuyên bạn nên tự niệm. Quên lãng là một căn bệnh. Sự tự niệm sẽ là một liều thuốc thần dược cho bạn.
Nên nỗ lực ý thức chính bạn… Bạn sẽ bảo, “Tôi nhận biết chính tôi. Tôi luôn ý thức chính con người tôi! Ngài đang nói gì lạ vậy?” Bạn hãy thử tự mình tu tập. Bạn hãy để một chiếc đồng hồ đeo tay trước mặt bạn. Bạn hãy chăm chú nhìn cây kim chỉ giây và tôi khuyên bạn nên chỉ nhớ có một điều, “Tôi đang quan sát cây kim chỉ giây.” Bạn sẽ không thể nào nhớ nỗi, thậm chí dù chỉ trong một vài giây phút. Bạn sẽ quên nhiều lần… dù chỉ là một việc làm chú tâm đơn giản, “Tôi đang quan sát, Tôi đang chú ý.” Bạn sẽ quên. Có quá nhiều vọng tưởng thoáng qua tâm trí bạn. Bạn có một cái hẹn. Bạn chỉ nhìn vào đồng hồ thì bạn đã có sự liên tưởng rồi.
“Tôi phải đi vì tôi có cái hẹn với một người bạn lúc năm giờ.” Sau đó, bao nhiêu luồng tư tưởng tràn tới, và bạn quên mất bạn đang chú ý cái đồng hồ rồi. Chỉ nhìn đồng hồ thôi, cũng đủ làm cho bạn liên tưởng đến Thụy Sĩ, bởi nó được sản xuất ở Thụy Sĩ. Chỉ nhìn chiếc đồng hồ thôi, có lẽ, bạn đã suy nghĩ: “Tôi thật là điên. Bộ tôi có dư thời giờ lắm sao? Khi không lại ngồi trừng trừng nhìn cái đồng hồ?” Bạn sẽ không đủ khả năng để nhớ. Thậm chí, dù chỉ một vài giây, bạn chỉ chú ý đến cây kim đồng hồ đang di động.
Nếu bạn đạt được một phút tự niệm, tôi hứa với bạn là sẽ giúp bạn thành Phật. Thậm chí, dù chỉ có một phút, sáu mươi giây, cũng đủ rồi. Bạn sẽ suy nghĩ “Rẻ như vậy sao?” Không phải như vậy. Bạn đã không thể ý thức rằng sự lãng quên của bạn nghiêm trọng đến bực nào. Bạn không đủ khả năng để cái tâm chú ý một phút liên tục, mà không có một tư tưởng nào đó thoáng qua quấy nhiễu sự tự niệm của bạn. Trạng thái này mới thật sự là bóng tối đó. Nếu bạn chú tâm, bạn sẽ trở thành ánh sáng. Nếu bạn quên, bạn là bóng tối. Trong bóng tối, dĩ nhiên, mọi thứ đạo tặc đều tìm đến. Mọi thứ bất hạnh tìm đến. Tự niệm là chìa khoá vàng. Bạn hãy kiên trì ý thức nhiều hơn nữa. Mỗi khi bạn kiên trì chánh niệm nhiều hơn, bạn tập trung hơn. Bạn an trú trong chính bạn. Cuộc hành trình của tâm phải ngay ở tự ngã. Nếu không, bạn sẽ luôn bị lạc loài ở một nơi chốn nào đó. Tâm của bạn sẽ tạo tác thêm nhiều tham sân si mới. Bạn sẽ chạy đuổi theo tâm trên mọi đường hướng. Bạn sẽ bị phân liệt. Bạn không còn đồng nhất. Ngọn lửa nội tại không ngừng chấn động… Một chiếc lá đang xoay vần trong cơn gió dữ…
Khi ngọn lửa tâm không còn bị vọng động nữa, bạn sẽ đi qua một cơn chuyển biến. Hiện tại, bạn mang bản chất của bóng tối. Bạn là sự vắng mặt của sự có thể thành tựu. Thật ra, bạn vẫn chưa sinh ra. Bạn đã tái sinh nhiều lần và chết nhiều lần, nhưng bạn vẫn chưa sinh ra. Sự sinh ra thật sự của bạn đang trên tiến trình của nó. Điều bạn có thể thực hiện là: Bạn hãy chuyển hoá tánh nội tại từ sự vô ý thức đến chánh niệm. Bạn vẫn hoạt động như bạn đang hoạt động. Tôi không kỷ luật bạn. Tôi không nói với bạn rằng, “Bạn phải làm điều này, bạn phải làm điều nọ.” Kỷ luật của tôi rất đơn giản. Bạn hãy duy trì chánh niệm bất cứ mọi hành động gì. Nếu bạn đang tản bộ, bạn hãy chánh niệm là bạn đang tản bộ. Bạn không cần phát biểu lên lời nói, bởi sự phát biểu sẽ không giúp ích gì cho bạn. Chính nó sẽ trở thành một sự quấy nhiễu. Lúc tản bộ, bạn không cần phải tự nhủ “Tôi đang tản bộ.” Nếu bạn tự nhủ: “Tôi đang tản bộ, tản bộ.” Sự kiện lặp đi lặp lại của trí óc “Tôi đang tản bộ” sẽ là sự quên mất đi sự chú tâm đơn thuần. Bạn sẽ không đủ khả năng để ý thức nữa. Chỉ đơn giản duy trì chánh niệm. Bạn không cần phải tự nhủ một điều gì.
Tôi phải thuyết giảng bằng ngôn ngữ. Tôi đang thay đổi cùng bạn. Khi bạn đang tản bộ, bạn chỉ ý thức sự tản bộ. Mỗi bước đi, bạn phải hoàn toàn trong sự tỉnh thức. Bạn đang ăn và bạn biết bạn đang ăn. Tôi không nói bạn cần phải ăn món ăn gì, và những gì bạn không được ăn. Bất cứ những gì bạn thích, ăn, nhưng với chánh niệm bạn đang ăn. Không sớm thì muộn, bạn sẽ nhận thấy rằng mọi sự vô minh của bạn sẽ dần dần chấm dứt. Với chánh niệm, bạn không thể ăn mặn, không thể nào. Không thể nào bạo động khi bạn chánh niệm. Bạn không thể nào hại được một ai khi bạn hình thành chánh niệm. Bạn đang ý thức chính con người của bạn.
Đột nhiên, bạn sẽ thấy vẫn ánh sáng đó chiếu rọi. Ngọn lửa đó sáng rực khắp mọi nơi chốn, trong mỗi thân thể, và trong mỗi đơn vị. Bạn càng ý thức tự tánh của nội tại, bạn càng vượt qua xa hơn. Làm sao bạn có thể sát sinh khi ăn? Không thể nào. Không phải là vì bạn đang tu tập. Nếu bạn tu tập, đây là sự giả tạo. Nếu bạn tu tập, để không còn là một đạo tặc nữa thì sự tầm cầu này là giả tạo. Bạn sẽ trở thành một đạo tặc. Bạn sẽ tìm đủ mọi cách. Nếu bạn tu tập để không còn bạo động, sự bạo động của bạn… sẽ có sự bạo động ẩn tàng ở sau.
Không, tôn giáo không thể thực hành. Luân lý có thể thực tập, vì vậy, luân lý tạo ra quá nhiều loại người đạo đức giả. Đạo đức tạo nên những khuôn mặt giả dối. Tôn giáo sáng tạo những bản thể chân thực. Tôn giáo không thể tu tập. Làm sao bạn có thể tu tập bản thể? Bạn tỉnh thức và mọi sự sẽ khởi sự thay đổi. Bạn chuyển hoá bạn thành ánh sáng, và bóng tối sẽ tự nhiên biến mất...
“Bức màn đen tối trong muôn niên kỷ
Không che phủ được mặt trời tỏa chiếu…”
Trong hằng muôn triệu kiếp, bạn sống trong bóng tối, nhưng tôi xin bạn đừng tuyệt vọng. Tôi xin bạn đừng mất hy vọng. Nếu bạn đã sống trong bóng tối hằng muôn triệu kiếp rồi, ngay chính khoảnh khắc này, bạn có thể tìm thấy ánh sáng. Bạn chỉ hành trì chánh niệm. Ngôi nhà của bạn đã bị đóng kín cửa hàng vô lượng kiếp qua. Bạn đã khám phá ra nó trong vực thẳm tối tăm. Bạn sẽ tìm thấy ánh sáng. Bóng tối sẽ nói với bạn, “Tôi không bao giờ biến mất. Bạn phải thắp lên ánh sáng tỉnh thức.
Chỉ có như vậy… chỉ một ngọn lửa nho nhỏ cũng đủ dập tắt bóng tối dai dẳng này. Tại sao? Qua hằng vô lượng kiếp, bóng tối nhất định đã thấm sâu rồi. Nhưng không, bóng tối không thể thấm sâu bởi nó vô thể. Nó đợi chờ ánh sáng… Giây phút ánh sáng tìm vào, bóng tối biến mất. Nó không thể chống cự bởi nó không có sự sống khẳng định. Có người tìm đến tôi hỏi: “Ngài dạy rằng sự đốn ngộ có thể tức khắc xảy ra. Nếu vậy, thì chuyện gì xảy đến cho nhân quả của bao kiếp trước? Nhân quả là bản chất của bóng tối. Có lẽ, bạn bị sát hại, có lẽ, bạn đã trở thành một đạo tặc, một tên cướp, có lẽ bạn đã là
Hitler, hay Thành Cát Tư Hãn, sự tồi tệ nhất, nhưng bao sự vô minh đó cũng không tạo nên điều gì khác biệt. Khi bạn ý thức được chính bạn, ánh sáng sẽ hiện hữu. Toàn bộ quá khứ và nhân quả biến mất ngay. Không một khoảnh khắc nào chúng có thể tồn tại nữa. Bạn bị sát hại, nhưng bạn sẽ không thể trở thành một kẻ sát nhân. Bạn bị sát hại bởi bạn không chính mình tỉnh thức. Vì bạn đã không ý thức bạn đang làm gì…
Nếu có một người đang bị say sưa, ông vô tình giết chết một người nào đó, luật pháp sẽ tha tội ông nếu luật sư có thể chứng minh là lúc ông hành động như vậy, ông hoàn toàn vô ý thức. Tại sao? Bởi làm sao bạn có thể bắt ông gánh trách nhiệm? Bạn có thể bắt ông gánh trách nhiệm khi ông say sưa, nhưng bạn không thể bắt ông gánh lấy trách nhiệm về việc sát nhân này. Nếu có một người điên giết chết một người nào đó, ông cũng nên được tha tội, bởi ông không không có sự tự chủ. Nhận lãnh trách nhiệm có ý nghĩa là ý thức mình đang có hành động gì. Tôi xin nhắc nhở bạn. Bạn không nên quá lo lắng. Sự vô ý thức xảy ra với bạn bởi bạn thiếu tỉnh thức. Bôi hãy tự đốt lên cho mình ngọn lửa của nội tại. Bạn hãy tìm kiếm nó. Bạn hãy khám phá nó.
Trong một khoảnh khắc của đại định, toàn bộ nhân quả đều biến mất, như tất cả nhân quả đang xảy ra như là một cơn huyễn mộng. Mọi nhân quả đều là cơn huyễn mộng. Chúng được tạo tác cùng chất liệu như các cơn huyễn mộng. Bạn không phải chờ đợi trả hết bao nhiêu cái nợ nhân quả. Nếu vậy, bạn sẽ phải chờ đợi mãi mãi. Bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi cái bánh xe luân hồi. Bạn không thể chờ đợi giải thoát mãi mãi. Bạn sẽ vẫn còn vô minh. Bạn sẽ tạo tác thêm nhân quả. Tất cả mọi nhân quả mới mẻnày sẽ làm cho bạn càng bị lún sâu hơn trong các kiếp vị lai. Nhân quả bắt đầu từ đâu? Và tại đâu nó sẽ kết thúc? Không cần thiết phải như vậy. Bạn hãy hành trì chánh niệm nhiều hơn. Đột ngột, mọi nhân quả đều sẽ được xóa bỏ hết. Trong giây phút cường độ thâm sâu nhất của chánh niệm, toàn bộ nhân quả chấm dứt21.
Đây là nền tảng cốt yếu nhất của nhân quả mà Đông phương đã khám phá ra. Các tín đồ Công giáo sẽ không thể nào thấu hiểu được. Họ luôn tư duy đến ngày Tận thế, rằng mọi người sẽ bị phê phán tùy theo hành động của họ. Nếu vậy, Đức Chúa Giê Su đã sai khi ngài dạy, “Hãy tha thứ cho họ, bởi họ không biết họ đang làm gì.” Dân Do thái không hiểu được lời pháp này. Hồi giáo càng không thể thấu triệt được lời pháp này. Tín đồ Ấn giáo thật sự là một chủng tộc mạo hiểm nhất. Họ đào sâu đến tận cùng cội rễ của mọi vấn đề. Vấn đề của nhân quả không nằm ở hành động. Vấn đề là nằm ở bản thể. Một khi bạn nhận thức ánh sáng bản thể nội tại, bạn không còn thuộc về thế giới này; bất cứ những gì xảy ra trong quá khứ chỉ là xảy qua trong cơn huyễn mộng. Vì vậy, tín đồ Ấn giáo bảo, thế giới này là một cơn huyễn mộng… .Chỉ có bạn không phải là cơn mộng. Chỉ có người mộng không tồn tại trong giấc mộng…
Hãy suy nghiệm Chân lý này. Chỉ có người mộng, không có giấc mộng. Người mộng không thể mộng, nếu không giấc mơ không hiện diện. Ít nhất, một con người đang mơ là một hiện tượng thật. Có một ngày, bạn thức dậy, bạn làm được nhiều việc. Bạn vào tiệm. Bạn đi chợ. Bạn ra vườn. Bạn vào xưởng và một ngàn lẻ một chuyện, nhưng khi bạn ngủ say rồi, bạn quên hết tất cả. Chúng biến mất.
Một thế giới mới lại hiện ra, thế giới của mộng tưởng. Bây giờ, các nhà khoa học gia cho rằng, vẫn thời gian đó nên dành cho trạng thái chánh niệm. Ít nhất là bạn cần hai mươi năm dành cho huyễn tưởng. Bạn phải cần có đủ thời gian như vậy dành cho chánh niệm. Huyễn tưởng không nhất thiết là thật. Nó có cùng phẩm tính. Về đêm, bạn mơ mộng, bạn quên hết thế giới của tỉnh thức. Trong cơn say ngủ, bạn quên mất thế giới chánh niệm của bạn. Buổi sáng thức dậy, thế giới tỉnh thức một lần nữa lại hiện hữu. Bạn quên mất sự đang mơ của bạn. Bạn lại ngủ tiếp, nhưng có một sự kiện vẫn tồn tại… BẠN. Ai là người đang nhớ đến các giấc mơ? Vào buổi sáng, ai là người đã tự hỏi: “Có phải tôi đã mơ trong đêm qua?” Ai là người đã tự hỏi, “Tối hôm qua, trong giấc ngủ thật say, tôi không mơ mộng gì hết? Người đó là ai?”
Phải có một chứng nhân đứng ở một góc nào đó, người đó luôn là một quan sát viên. Chánh niệm tìm đến, huyễn tưởng tìm đến, các giấc ngủ tìm đến… và có một con người nào đó đang luôn quan sát. Chỉ có một điều này là thật. Khi nó hiện hữu trong trạng thái này, trạng thái kia biến mất, nhưng nó vẫn hiện diện trong mỗi trạng thái. Nó là điều duy nhất vĩnh cửu trong bạn. Hãy chánh niệm nhiều hơn nữa. Hãy cảnh giác nhiều hơn và cảnh giác nhiều hơn nữa. Hãy trở thành một chứng nhân.
Thay vì là một diễn viên trong thế giới này, bạn hãy là một chứng nhân, một khán giả. Mọi tạo tác khác chỉ là những giấc mơ đang trôi qua mà thôi. Chỉ có người mơ mới là Chân lý. Ông phải là Chân lý, nếu không, ở đâu các giấc mơ xảy ra? Ông là nền tảng. Ảo tưởng có thể xảy ra duy nhất bởi… ông hiện diện… Khi bạn ý thức bạn là ai rồi, bạn sẽ cười lớn. Sự sống nào hiện diện mà không có sự chánh niệm? Bạn là một gã Lưu linh. Bạn đang vận hành từ trạng thái này đến trạng thái khác. Bạn không nhận biết tại sao bạn lại trôi nổi vô phương hướng…
“Bức màn đen tối trong muôn niên kỷ
Không che phủ được mặt trời tỏa chiếu
Cho nên, thời gian dài vô cùng của Luân hồi…”
Hằng vô lượng kiếp, hằng niên kỷ qua, trong thế giới này, hằng kiếp sống…
“Không thể làm mờ ánh sáng Diệu Tâm…”
Lúc nào nó cũng hiện diện…
Nó chính là tự tánh của bạn…
“Dù có dùng ngôn ngữ mà giải thích về Tánh Không
Tánh Không tưởng như không bao giờ hiển lộ
Do đó, ta nói rằng “Tâm là ánh sáng huyền diệu”
Vượt ra ngoài ngôn ngữ và biểu tượng…”
Có một điều có thể giúp bạn hiểu rõ hơn. Có ba con đường của thực tại. Một là con đường thí nghiệm, con đường của khoa học… thí nghiệm, thí nghiệm với thế giới đối tượng. Ngoại trừ, tự tánh được chứng minh qua thí nghiệm. Bạn đừng chấp nhận nó. Con đường thứ hai là con đường lý luận.
Các lý luận gia không thí nghiệm. Họ chỉ tư duy và thảo luận. Họ tìm kiếm thuận và nghịch, chỉ bằng nỗ lực của tâm trí. Con đường thứ ba là con đường ẩn dụ. Con đường này là con đường của nghệ thuật và tôn giáo. Ba con đường thực tại, ngay đây và bây giờ; Chúng là ba bình diện, chỉ có một con đường là hướng về thực tại.
Khoa học không thể vượt trên đối tượng. Chiều hướng này có giới hạn. Khoa học không thể vượt xa hơn. Thí nghiệm bề ngoài chỉ có thể ứng dụng với triết lý, và luận lý, nhưng không thể vượt trên chủ thể, bởi nó là nỗ lực của tâm trí. Hành động của bạn vượt trên tâm. Bạn không thể làm tâm phân hoá, Bạn không thể vượt trên nó. Khoa học là đối tượng. Luận lý, triết lý là chủ thể. Tôn giáo vượt xa hơn. Nghệ thuật vượt xa hơn. Đây là chiếc cầu vàng… Nó nối liền đối tượng với chủ thể. Nhưng sau đó, mọi sự bỗng hỗn loạn… Tất nhiên rồi, một hiện tượng cực kỳ sáng tạo. Thật ra, sẽ không có sự sáng tạo nếu không có sự hỗn loạn. Mọi sự trở nên bất khả tri. Phân biệt không còn nữa. Tôi muốn nhấn mạnh với bạn rằng, trên ba con đường đó: Khoa học là con đường của ban ngày. Trong một đêm trăng tròn, mọi sự rõ ràng, có biên giới, có sự khác biệt. Bạn có thể nhìn thấy thấy rất rõ rệt. Luận lý là con đường của đêm: Bạn lao mình vào màn đêm bằng tâm trí. Con đường thứ ba là con đường không có lý luận hỗ trợ. Nó là con đường ở giữa. Ở đó, ngày và đêm không còn hiện diện. Ánh sáng trong lành của vầng trăng đã biến mất. Mọi sự không có gì khác biệt, rất rõ ràng. Màn đêm vẫn chưa buông xuống. Bóng tối vẫn chưa bao phủ tất cả. Có một bầu không khí mầu xám lững lờ trong không trung. Không trắng không đen. Biên giới gặp gỡ và hội nhập vào nhau. Mọi sự bất phân biệt. Mọi sự lẫn lộn cái này với cái kia.
Đây là con đường ẩn dụ, Vì lý do đó, tại sao thi thơ chỉ biểu thị theo con đường ẩn dụ. Tôn giáo là những vần thơ tối thượng. Tôn giáo liên hệ đến ẩn dụ. Nên nhớ kỹ, những ẩn dụ này không nên thấu hiểu qua nghĩa đen. Nếu không, bạn sẽ sai lầm. Khi tôi nói, “Ánh sáng nội tại.” Đừng suy diễn qua nghĩa đen. Khi tôi bảo, “Ánh sáng nội tại” Nó là một ẩn dụ. Nó là một cái gì để biểu thị, nhưng không dán chiêu bài, không định nghĩa. Những gì là tự tánh của ánh sáng, không chính xác là ánh sáng.
Nó chỉ đơn thuần là một ẩn dụ. Nó không thể nói đến. Nếu không, bạn sẽ có vấn đề. Cho nên, tôn giáo phải luôn sử dụng ẩn dụ. Nếu không, các bậc tôn sư sẽ không còn cách nào khác. Nếu tôi đang sống ở một cảnh giới khác, tôi trông thấy những đóa hoa tuyệt mỹ vốn không hiện hữu tại thế gian này. Tôi kể cho bạn nghe về các đóa hoa Thiên đường đó, tôi phải làm sao? Tôi sẽ phải sử dụng ẩn dụ. Tôi sẽ bảo. “Như các đóa hoa hồng vậy, nhưng chúng không phải là hoa hồng. Nếu không tại sao tôi lại giảng giải rằng “như các đóa hoa hồng?” Chúng chỉ đơn giản là hoa hồng. Nhưng chúng không phải là hoa hồng. Chúng có những đặc tính khác. Khi tôi bảo chúng “giống như.” Tôi đang nỗ lực nối liền sự hiểu biết của tôi về cảnh giới khác với sự hiểu biết ở thế gian này của bạn. Vì vậy, chỉ còn cách tôi phải sử dụng ẩn dụ mà thôi. Bạn đã từng trông thấy những đóa hoa hồng xinh đẹp đó.
Bạn chưa từng thấy qua những đóa hoa ở các cảnh giới khác. Tôi đã trông thấy các đóa hoa Thiên đường ở cảnh giới đó. Tôi nỗ lực thông tri đến bạn về những gì thuộc về cảnh giới đó. Tôi kể cho bạn nghe, những cánh hoa Thiên đường đó giống như những đóa hoa Hồng ở thế giới này.
Xin bạn đừng giận tôi khi bạn đến cảnh giới đó và bạn không thấy những đóa hoa hồng như tôi đã từng diễn tả. Tôi xin bạn đừng thưa tôi ra tòa. Tôi không bao giờ có ý diễn đạt qua nghĩa đen. Chỉ như phẩm tính của hoa hồng được biểu lộ, Nó là một cử chỉ, là một ngón tay chỉ vầng trăng, nhưng xin bạn đừng bám víu vào ngón tay. Ngón tay vốn không liên hệ. Bạn hãy ngắm vầng trăng, và tôi mong bạn hãy quên ngón tay đi. Đây là ý nghĩa của ẩn dụ. Xin bạn đừng dính mắc vào các ẩn dụ. Tôi đề cập về ánh sáng nội tại… chưa gì, lập tức, một vài ngày sau, mọi người bắt đầu tìm đến tôi, họ bảo. “Chúng con thấy được ánh sáng nội tại rồi. Họ tìm thấy được những đóa hoa hồng của cảnh giới bên kia…”
Thật tình, chúng không hiện hữu ở thế gian này. Bởi vì ngôn ngữ ẩn dụ này, mà có nhiều người trở nên giầu tưởng tượng… P. D. Ouspensky có đặt nên một từ ngữ. Ông thường gọi nó là “Thánh tưởng tượng” Mỗi khi có ai tìm đến, họ kể cho ông về kinh nghiệm nội tại của họ. “Hỏa tam muội đã khởi dậy rồi. Tôi thấy ánh sáng hiện ra trong đầu. Luân xa của tôi đang mở rộng.” Ông lập tức ngăn cản người thiền giả này đừng đề cập đến vấn đề đó nữa. Nếu có người thắc mắc hỏi ông. “Thánh tưởng tượng là ai vậy?”
Ông đáp, “Vị Thánh này có căn bệnh tưởng tượng ngoài sự tưởng tượng.” Sau đó, ông không nhắc đến từ ngữ đó nữa. Ông sẽ bảo. “Hãy chấm dứt ngay đi. Ngài biến thành một nạn nhân của căn bệnh tưởng tượng rồi.” Tôn giáo đề cập đến ẩn dụ, bởi không có cách nào khác để đề cập. Tôn giáo đang nói về một cảnh giới của cảnh giới khác, ở một nơi chốn siêu việt. Nó cố gắng tìm kiếm sự đồng nhất trong thế gian này. Nó sử dụng ngôn ngữ vốn không có sự liên hệ đến thế giới này. Những từ ngữ liên hệ này lại là những từ ngữ sẵn có, bạn phải sử dụng chúng tạm thời.
Các vần thơ thì có thể cảm nhận; nhưng với tôn giáo thật là khó khăn hơn. Với các vần thơ, bạn hiểu chúng là do ở sức tưởng tượng của bạn. Bạn sẽ không vấn đề gì. Bạn có thể thấu hiểu khoa học dễ dàng, bởi bạn biết khoa học không phải là sự tưởng tượng. Đây là một kinh nghiệm thật. Bạn biết vần thơ chỉ là một vần thơ. Chúng đơn thuần chỉ là thi thơ. Kết thúc! Tốt đẹp! Tuyệt vời! Bạn thưởng thức nó. Những vần thơ không phải là Chân lý. Bạn sẽ đối đầu ra sao với tôn giáo của bạn? Tôn giáo là một vần thơ tối thượng. Bạn không thể nào có thể tưởng tượng. Tôi bảo bạn. Đây là kinh nghiệm. Kinh nghiệm này như một kinh nghiệm của khoa học, nhưng chúng tôi không sử dụng danh từ khoa học vì nó quá khách quan. Chúng tôi cũng không thể sử dụng danh từ triết lý, bởi chúng quá chủ quan. Chúng tôi phải cần sử dụng những gì không là cả hai. Những ẩn dụ gì mà khi sử dụng có thể nối liền được bến bờ của cả hai. Tilopa đã sử dụng những vần Thánh Đạo Ca…
Các tôn giáo đều có những vần thơ tối thượng, vần thơ tinh yếu nhất. Bạn không thể tìm thấy một đại thi sĩ nào vĩ đại hơn Đức Phật. Tất nhiên, ngài không bao giờ nỗ lực viết một vần thơ nào. Tôi hiện diện tại đây với bạn. Tôi là một thi sĩ. Tôi chưa từng sáng tác đến một vần thơ, thậm chí đến cả A Haiku22, nhưng tôi không ngừng sử dụng ẩn dụ.
Tôi không ngừng cố gắng nối liền chiếc cầu để vượt qua khoảng cách tạo nên bởi khoa học và triết lý. Tôi nỗ lực mang đến cho bạn cảm giác của trạng thái Nhất thể và vô phân biệt. Khoa học có một phân nửa Chân lý. Triết lý chứa đựng một phân nửa Chân lý. Phải làm sao bây giờ? Làm sao để cho bạn cảm nhận được sự Toàn thể? Nếu bạn vận hành sâu sắc trong triết lý, bạn nhận thức Shankarachara23 đã tự chứng được rồi. Ông bảo: “Thế gian này là một Ảo giới. Nó không hiện hữu. Chỉ có ý thức hiện hữu.” Ông ta cũng chỉ đề cập có một mặt thôi. Nếu bạn tương giao với các khoa học gia, bạn sẽ khả tri được những gì mà Marx24 đã tự chứng được. Ông bảo, “Không có ý thức. Chỉ có thế gian hiện hữu.” Tôi biết cả hai đều thật và cả hai đều sai. Cả hai nói đúng bởi mỗi bên, họ chỉ đề cập đến có một phân nửa Sự thật mà thôi. Cả hai đều sai bởi họ chối bỏ một nửa kia.
Nếu tôi thuyết về vạn hữu, tôi phải làm gì với nó? Vần thơ là con đường duy nhất. Ẩn dụ là con đường duy nhất để tôi có thể đưa bạn đến bến bờ giải thoát. Xin bạn hãy nhớ kỷ…
“Dù có dùng ngôn ngữ
mà giải thích về Tánh Không
Tánh Không tưởng như không bao giờ hiển lộ…”
Các bậc giác ngộ liên tục nhấn mạnh rằng: “Bất cứ những gì chúng ta nói, chúng ta không thể diễn đạt. Nó không thể diễn đạt, tuy vậy, chúng ta vẫn phải cố gắng diễn đạt nó.” Họ luôn nhấn mạnh Sự thật này, bởi có thể bạn sẽ xem xét nó qua nghĩa đen. Tánh Không là tánh Không theo cảm ứng rằng, không có gì để biểu lộ nơi đó. Tánh Không không phải là tánh Không theo cảm ứng khác, bởi Nhất thể hạ phàm trong nó. Tánh Không sẽ là hiện tượng toàn vẹn và hoàn hảo nhất. Vậy bạn phải làm gì? Nếu bạn bảo, “Tánh Không… ” Đột nhiên, tâm cho là không có gì hết, vậy tại sao phải bận tâm làm chi? Nếu bạn bảo nó không phải là tánh Không, nó là bản thể hoàn hảo nhất, tâm liền phát khởi chuyến “Hành trình tham vọng.” Tự ngã liền khao khát làm sao để nó có thể trở thành một bản thể hoàn hảo nhất. Từ đó, tự ngã đã hội nhập…
Để xả bỏ tự ngã, từ ngữ “Tánh Không” đã nhấn mạnh. nhưng để bạn cảnh giác, tánh Không thật sự không là tánh Không. Nó tròn đầy với vạn hữu. Khi bạn không là… sự sống vạn hữu chan chứa trong bạn. Khi sự buông bỏ chấm dứt, nó biến thành một đại dương mênh mông…
“Do đó, ta nói rằng “Tâm là ánh sáng huyền diệu”
Vượt ra ngoài ngôn ngữ và biểu tượng…”
Đừng bị lường gạt bởi ẩn dụ. Bạn đừng khởi sự tưởng tượng ánh sáng bên trong. Bạn thật là dễ dàng biến thành một vị “Thánh tưởng tượng.” Bạn khép kín đôi mắt, và bạn tưởng tượng đến ánh sáng. Bạn là một con người mơ mộng. Bạn có thể mơ mộng nhiều điều, thì tại sao bạn không thể mơ mộng đến ánh sáng? Tâm có quyền năng sáng tạo ra bất kỳ những gì mà bạn tầm cầu. Bạn chỉ cần có một chút kiên nhẫn, bạn có thể sáng tạo một người con gái xinh đẹp trong tâm, tại sao bạn không thể sáng tạo được ánh sáng? Có điều gì sai với ánh sáng? Bạn có thể sáng tạo nhiều người con gái xinh đẹp trong tâm bạn mà bất cứ những người con gái xinh đẹp nào trong thực tế cũng sẽ không hài lòng, bởi cô không thể nào đạt đến được tiêu chuẩn đó.
Bạn có thể tạo nên toàn bộ thế giới bên trong. Mỗi giác quan có một trung tâm tưởng tượng đằng sau. Trong thuật thôi miên, trường hợp như vậy có xảy ra. Sự tưởng tượng bắt đầu hoạt động với chức năng tuyệt đối. Lý luận sẽ hoàn toàn bị xả bỏ, bởi lý luận luôn bước vào giấc ngủ qua thuật thôi miên. Thôi miên không là gì hết, ngoài một giấc ngủ của lý luận, ngoài một con người với tâm hoài nghi. Bắt đầu từ đó, sự tưởng tượng sẽ hoạt động hoàn hảo.
Sức tưởng tượng của bạn sẽ không có cái bàn thắng, chỉ có bàn đạp tăng tốc. Bạn sẽ tiếp tục nhấn bàn đạp tăng tốc không ngừng. Sẽ không có bàn thắng để bạn hãm thắng. Qua thuật thôi miên, bạn có thể tưởng tượng được tất cả. Bạn có thể đem củ hành vào cho một người sắp bị thôi miên và bảo với ông, “Đây là một trái táo rất ngon, rất đẹp.” Ông ta sẽ ăn trái táo đó, và bảo, “Tôi chưa bao giờ ăn qua một trái táo nào lại ngon và đẹp như vậy. “Bạn cho ông trái táo và bảo, “Đây là củ hành.” Đôi mắt của ông sẽ đầy nước mắt. Ông sẽ bảo “Cay quá. Thật là cay quá.” Ông ta đang ăn trái táo. Chuyện gì đang xảy ra? Con người hoài nghi không còn nữa. Đây là thuật thôi miên. Con người hoài nghi đã yên giấc rồi. Hiện tại, chỉ còn sự tưởng tượng đang hoạt động mãnh liệt, mà không còn bị sự kiểm tra. Đây cũng là vấn đề của tôn giáo.
Tôn giáo cần sự tin cậy. Tin cậy có nghĩa rằng: Chức năng hoài nghi của tâm chìm sâu trong giấc ngủ. Nó giống như thuật thôi miên. Vì vậy, khi có ai nói với bạn, “Nhân vật này, Osho, đã thôi miên bạn.” Họ nói đúng một phần nào. Nếu bạn tin cậy tôi, nó là sự thôi miên. Khi bạn hoàn toàn tỉnh thức, bạn buông bỏ hết mọi lý luận. Bây giờ, sự tưởng tượng hoạt động với toàn bộ tiềm năng của nó. Bây giờ, bạn đang trong hoàn cảnh nguy hiểm. Nếu bạn cho phép bạn tưởng tượng, bạn có thể tưởng tượng đủ thứ: Kundalani25 (Hỏa Tam Muội) đã phát xuất. Luân xa (Charkas26) mở rộng. Những gì bạn tưởng tượng sẽ xảy ra với bạn. Chúng vô cùng tuyệt diệu, nhưng không thật (illusory). Vì vậy, khi bạn tin cậy một người nào, trong sự tin cậy tuyệt đối đó, bạn ý thức sự tưởng tượng của bạn. Tin cậy, nhưng bạn đừng biến bạn trở thành nạn nhân của sự tưởng tượng. Bất cứ những gì được giảng thuyết tại đây đều có tính cách ẩn dụ. Tôi bảo, vô điều kiện rằng: “Chỉ có kinh nghiệm mới là Sự thật.” Bất cứ những gì bạn đang kinh nghiệm, tôi xin bạn đừng chú tâm đến nó. Tôi xin bạn đừng bắt đầu khoe khoang những thành quả về nó. Bạn chỉ nên nhớ kỹ rằng, tất cả những gì bạn đang kinh nghiệm đều chỉ là ảo tưởng. Chỉ có con người kinh nghiệm mới là thật. Hãy chú ý đến người chứng nhân. Hãy chú tâm trên Chứng nhân viên mà không trên kinh nghiệm. Dù những gì bạn kinh nghiệm có vi diệu đến bậc nào, mọi kinh nghiệm đều là huyễn mộng, và hành giả phải vượt trên chúng. Tôn giáo là một vần thơ tối thắng nhất. Minh sư phải giảng thuyết qua ẩn dụ. Môn đồ chỉ cần sự tin cậy sâu sắc. Ông có thể trở thành nạn nhân của sự tưởng tượng rất dễ dàng. Hành giả phải luôn cực kỳ cảnh giác. Tin cậy, và lắng nghe ẩn dụ, nhưng bạn hãy luôn nên nhớ rằng chúng chỉ là những ẩn dụ. Tin cậy thì mọi sự sẽ khởi sự xảy ra. Bạn cũng nên nhớ kỹ rằng: Mọi sự đều chỉ là sự tưởng tượng, ngoại trừ Bạn. Bạn phải đến trọng điểm nơi không còn kinh nghiệm, chỉ có người kinh nghiệm tĩnh tọa ở nơi chốn vắng lặng. Không có một kinh nghiệm nào được lưu lại.
Sẽ không có đối tượng, sẽ không có ánh sáng, sẽ không có những đóa hoa hồng. Sẽ không có hoa đang nở rộ. Sẽ không, không có gì hết…
Có một người hỏi Lâm Tế. Ngài đang tĩnh tọa trong tu viện của ngài, một tu viện nhỏ trên đỉnh đồi. Ngài đang tĩnh tọa dưới một gốc cây, gần một tảng đá. Người này hỏi: “Chuyện gì xảy ra khi một người đã đại ngộ?” Lâm Tế đáp, “Tôi tĩnh tọa một mình tại đây… Các vầng mây trôi qua, tôi quán chiếu. Những mùa trôi qua, tôi quán chiếu. Có những người khách tìm đến, và tôi quán chiếu. Tôi vẫn luôn tĩnh tọa đơn độc tại đây...”
Cuối cùng chỉ là một Chứng nhân duy nhất. Chỉ có tâm thức là còn lại đang quán chiếu mọi sự. Mọi kinh nghiệm biến mất… Chỉ có chính mặt sau của mọi kinh nghiệm là còn lại. Bạn còn lại… Từ đó, sự tưởng tượng có thể nẩy sinh. “Thánh tưởng tượng!” Bạn hãy đề phòng căn bệnh này…
“Cho dù tự Tâm bản chất là trống rỗng
Nhưng nó lại bao trùm và chứa muôn vật...”
Sự xác nhận này có vẻ mâu thuẫn. Bạn bảo rằng Tâm là tánh Không. Giây phút sau, bạn lại nói rằng, tâm dung chứa muôn vật. Tại sao lại có sự mâu thuẫn này? Nó là tánh của mọi kinh nghiệm tôn giáo. Các ẩn dụ phải cần sử dụng. Bạn phải cảnh giác ngay để bạn không bị biến thành một nạn nhân của mọi ẩn dụ. Nó là tánh Không tinh yếu, nhưng nó dung chứa muôn vật... Khi bạn hoàn toàn trống rỗng, chỉ từ đó, bạn sẽ tròn đầy. Khi bạn không còn nữa, chỉ từ đó, lần đầu tiên, bạn sẽ là… Đức Chúa Giê Su dạy rằng. “ Nếu con đánh mất chính con, con sẽ chứng được. Nếu con bám víu vào chính con, con sẽ mất hết. Nếu con chết đi, con sẽ tái sinh. Nếu con có thể xóa bỏ con hoàn toàn, chỉ có thế, con sẽ vĩnh cửu. Con sẽ trở thành chính sự vĩnh cửu đó.”
Tất cả đều là ẩn dụ, nhưng nếu bạn tin cậy, nếu bạn yêu thương, nếu bạn cho phép trái tim bạn mở rộng hướng về tôi, bạn sẽ có đủ khả năng thấu hiểu. Nó chính là tâm truyền tâm. Năng lượng phát xuất từ tâm này qua tâm kia. Tôi hiện hữu ngay đây. Tôi nỗ lực trao đổi với bạn, nhưng đó chỉ là thứ yếu. Căn bản là nếu bạn mở rộng, tôi có thể mang tôi vào bạn. Nếu sự giảng thuyết của tôi có thể giúp đỡ được chừng đó, bạn trở nên mở rộng và mở rộng hơn, tôi đã thành tựu nguyện lực của tôi. Tôi không cố gắng giảng dạy bạn. Tôi chỉ nỗ lực giúp đỡ bạn đạt ngộ… Điều đó đã quá đủ rồi. Từ đó, tôi có thể mang tôi vào bạn… Ngoại trừ, bạn nếm được hương vị này, còn không thì bạn sẽ không thấu hiểu rõ ràng những gì mà tôi đã dạy…

Chú thích:
19 Bhagavad Gita (Sanskrit: Bhagavad Gītā) là một văn bản cổ bằng tiếng Phạn bao gồm 700 câu của bộ trường ca Mahabharata (Bhishma Parva chương 23 – 40). Những câu này, sử dụng dạng thơ mỗi câu có năm âm tiết Sanskrit (Chandas) với nhiều so sánh và ẩn dụ, mang nhiều tính thơ ca; và do đó tựa đề, dịch ra là "Bài hát của Đấng Tối Cao" (hay "Chí Tôn ca"), của Bhagavan dưới hình dạng của Krishna. Cuốn sách này được xem là linh thiêng bởi đa số các truyền thống Hindu, và đặc biệt là những người theo Krishna. Trong ngôn ngữ thông thường nó thường được gọi là Gita. Bhagavad Gita cũng được gọi là Gītopaniṣad, ngụ ý là nó là một 'Upanishad'. Trong lúc về mặt học thuật nó được xem như là một văn bản Smṛti, nó đã đạt đến một vị trí so sánh được với śruti, hay kiến thức được tiết lộ (bởi Đấng tối cao).
20 Nội dung của Bhagavad Gita là một cuộc đối thoại giữa Krishna và Arjuna diễn ra trên chiến trường Kurukshetra chỉ trước khi trận chiến bùng nổ. Để đáp lại sự bối rối của Arjuna và những nghịch lý đạo đức, Krishna giải thích cho Arjuna các nghĩa vụ của anh ta và diễn giảng thêm về các loại Yoga khác nhau và triết lý Vedanta, với các ví dụ và các phép so sánh. Điều này đã dẫn đến việc cuốn Gita thường được miêu tả như là hướng dẫn cô đọng về triết lý Hindu. Trong suốt bài giảng, Krishna tiết lộ danh tính của mình như là Đấng Tối cao (Bhagavan), phù hộ Arjuna với một thoáng xuất hiện dưới dạng linh thiêng tối cao.
21 Khi đã thấy “Tánh” thì mọi nghiệp chướng đều bị tiêu trừ dưới ánh sáng của Tự Tánh. Thiền Sư Huyền Giác (665-713) cũng có nói:
“Chẳng thấy một pháp tức Như Lai,
Nên cũng kêu là Quán Tự Tại .
Tỏ rồi, nghiệp chướng hóa thành không.
Chưa tỏ, nợ xưa đành trang trải .”
(Bất kiến nhất pháp tức Như Lai,
Phương đắc danh vi Quán Tự Tạị
Liễu tức nghiệp chướng bổn lai không,
Vị liễu ưng tu hoàn túc trái.
(Chứng Đạo Ca, đoạn 48 – cư sĩ Trúc Thiên dịch. Phật Học Viện Quốc tế xuất bản - Phật Lịch: 2531 - 1987)
22 Haiku (俳句) (Bài cú) là loại thơ độc đáo của Nhật Bản, và là loại thơ ngắn nhất trên thế giới. Người ta cho rằng thể thơ Haiku đã được tạo ra vào thế kỉ XVII và phát triển mạnh vào thời kì Edo (1603 - 1867). Thơ Haiku được xắp xếp thành ba hàng 5-7-5 (kí tự Nhật).
Với dân tộc Nhật Bản, Haiku được xem như tinh hoa của văn hóa dân tộc. Dưới góc nhìn của Thiền tông, Haiku là thể thơ đặc biệt có thể hàm chứa được thực tại nhiệm mầu trong vỏn vẹn 17 âm tiết, vừa sâu lắng uyên thâm, lại vừa đơn sơ giản dị. Chủ đề của thơ haiku thường lồng vào khung cảnh của bốn mùa.
23 Shri Adi Shankarachara: Một triết gia nổi danh của Ấn Độ Giáo sống vào khoảng 2500 năm trước. Tuổi thọ của ông chỉ có ba mươi hai năm, nhưng trong khoảng thời gian đó, ông đã thanh lọc và thống nhất mọi sự thờ phụng dưới một chiếc dù của một nguyên tắc triết lý là Advaita.
24 Karl Heinrich Marx (thường được phiên âm là "Các Mác"; sinh 5 tháng 5 năm 1818 tại Trier, Đức – mất 14 tháng 3 năm 1883 tại Luân Đôn) là nhà tư tưởng, nhà kinh tế chính trị, nhà lãnh đạo cách mạng của Hiệp hội Người lao động Quốc tế. Marx được nhắc đến với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng ông nổi tiếng nhất với những phân tích lịch sử dựa trên thuật ngữ đấu tranh giai cấp, được tổng kết lại trong những lời mở đầu cho Bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Das Manifest der Kommunistischen Partei): "Lịch sử của tất cả các xã hội từ trước đến nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp."
25 Kundalini (Hỏa Tam Muội) là một phương pháp mà đông phương sử dụng để tìm chân lý, giải thoát. Bí mật kundalini được các truyền thống tâm linh của nhiều nền văn minh biết đến. Kundalini gồm có bảy mươi hai ngàn kinh mạch - mà ba mạch chính là Sushumma, Ida và Pingala. Ba kinh mạch này và bảy luân xa chính nằm dọc theo cột xương sống. (Trang 2, Tôn Giáo Đồng Nguyên: Ki Tô Giáo, Phật Giáo, và Ấn Độ Giáo, tác giả Vạn Sơn)
26 Trong Ấn Độ giáo và một số nền văn hóa châu Á, một chakra (Devanagari) được cho là một Nexus của năng lượng tâm linh hay sinh lý ẩn trong cơ thể con người. Từ nguyên thủy trong tiếng Sanskrit Cakra mang ý nghĩa là "bánh xe" hay "vòng tròn", và đôi khi được dùng để chỉ đến "bánh xe của luân hồi", đôi khi còn được gọi là luân xa theo âm Hán Việt. Một số truyền thống miêu tả 5 hay 7 chakras, một số khác là 8.Các chakra được miêu tả như là xếp thành một cột thẳng từ gốc của cột sống lên đến đỉnh đầu. Mỗi chakra liên quan tới một số chức năng tâm sinh lý, một khía cạnh của nhận thức, một phần tử cổ điển (nước, lửa, khí, đất), một màu sắc nào đó và nhiều đặc điểm khác. Chúng thường được hình tượng hóa bằng các hoa sen với số cánh khác nhau cho mỗi chakra.
Xem tiếp Chương 4Quay về Mục lục

Ads Belove Post