Chương 10. Dốt nát sẽ chỉ cho bạn con đường

Chương 10. Dốt nát sẽ chỉ cho bạn con đường

Price:

Read more

Osho - Nhịp đập của tuyệt đối
Chương 10. Dốt nát sẽ chỉ cho bạn con đường

Những người đi theo con đường của dốt nát sẽ đi vào trong bóng tối;
và những người đã bị cuốn hút vào trong hiểu biết
đi vào bóng tối còn lớn hơn.
Lời kinh này đưa ra một tuyên bố sâu xa về chân lí - một tuyên bố rất táo bạo. Lời công bố như thế chỉ có thể được đưa ra bởi hiền nhân. Nó tuyên bố rằng những người bước đi trên con đường của dốt nát sẽ lạc đường và lang thang đây đó trong thế giới này; nhưng những người bước đi trên con đường của tri thức - tức là, con đường của “tôi biết” -  lạc lối trong bóng tối lớn hơn. Khó mà tìm ra một phát biểu khác mạnh bạo như thế này trong toàn bộ lịch sử loài người - tìm ra một sự song hành với một phát biểu mà dám nói rằng người dốt nát dò dẫm trong bóng tối, nhưng những người tuyên bố, “tôi biết,” còn dò dẫm trong bóng tối lớn hơn. Bất kì ai nói điều này đều đã đạt tới nó qua suy nghĩ rất sâu sắc.
Điều người dốt nát lang thang trong bóng tối chúng ta dễ hiểu được, không có gì khó khăn trong nó. Lời phát biểu này là trực tiếp và rõ ràng. Người dốt nát tự làm cho mình lạc đường. Nhưng hiền nhân này nói họ làm mình lạc trong bóng tối - không phải trong bóng tối sâu và lớn. Người dốt nát lang thang chỉ trong bóng tối thôi. Thế thì tại sao cái gọi là người có học lang thang trong bóng tối lớn hơn? Và đâu là phương thuốc để được tự do khỏi bóng tối khi người dốt nát lang thang trong bóng tối còn cái gọi là người có học lang thang trong bóng tối lớn hơn?
Người dốt nát chỉ lang thang trong bóng tối thôi, không sâu lắm, vì dù là dốt nát có thể gây ra lang thang nhiều đến đâu, nó cũng không thể rất sâu được. Điều dẫn tới bóng tối lớn hơn không phải là dốt nát mà là bản ngã. Sai lầm có thể xuất hiện qua dốt nát, nhưng dốt nát bao giờ cũng dọn đường cho việc sửa chữa sai lầm, cho nên có ít khả năng bị lạc xa. Dốt nát bao giờ cũng có thể gây ra sai lầm, nhưng nó bao giờ cũng sẵn sàng sửa chữa chúng. Dốt nát có khiêm tốn của riêng nó. Đây là lí do tại sao trẻ nhỏ có thể học nhanh chóng còn người già không học nhanh được. Trẻ nhỏ là dốt nát và sẵn sàng trau cải tiến. Khi sai lầm được chỉ ra cho chúng, chúng sẽ sửa chữa nó; nhưng khi người già được chỉ cho sai lầm của mình, họ không bằng lòng và từ chối sửa chúng. Ngược lại, họ trước hết sẽ cố gắng chứng minh rằng đấy không phải là sai lầm chút nào. Khi trẻ nhỏ được chỉ cho sai lầm, chúng sẵn sàng thừa nhận sai lầm và sẽ mau chóng sửa sai lầm đó; do đó chúng học nhanh thế.
Người già không thể học trong nhiều năm điều mà trẻ nhỏ có thể học trong vài ngày. Năng lực học tập của họ giảm đi. Nguyên nhân là gì? Năng lực học tập của người già đáng phải tăng lên, nhưng không, nó không phải như vậy. Người già thường trong ảo tưởng rằng họ biết. Trẻ nhỏ chỉ trong bóng tối, người già đã rơi vào trong bóng tối sâu hơn và rộng hơn. Ảo tưởng được thiết lập trong ông ta rằng ông ta biết điều gì đó. Trẻ nhỏ biết là nó không biết gì, cho nên nó sẵn lòng học hỏi. Nó hạnh phúc để học bất kì cái gì bạn dạy cho nó. Do vậy trẻ nhỏ có thể lang thang trong bóng tối, trong khi người già lang thang trong bóng tối lớn hơn.
Người dốt nát, nếu người đó trở nên ý thức về dốt nát của mình, trở nên rất khiêm nhường. Nếu chúng ta nhớ tới dốt nát của mình, nếu chúng ta có thể nhớ, “Tôi không biết, tôi dốt nát,” thế thì không có nền tảng nào cho bản ngã có thể trụ được. Bản ngã có thể xây dựng cấu trúc của nó ở đâu khi nó không có nền tảng? Điều đáng quan tâm là thấy rằng nếu người dốt nát trở nên có ý thức về cái dốt nát của mình, thế thì lang thang của người đó mất đà, người đó tự tìm cho mình tĩnh lặng, và sai lầm của người đó sẽ thôi xảy ra; người đó bắt đầu đi trên đường đúng. Còn người có học, người chắc chắn trong niềm tin rằng người đó là người có học đã bắt đầu cuộc hành trình của mình trong bóng tối lớn hơn. Khi người dốt nát trở nên có ý thức về sự kiện là “Tôi là người dốt nát,” thế thì cuộc hành trình của người đó hướng tới trí huệ bắt đầu. Ý thức về cái dốt nát của người ta dẫn tới khiêm tốn, trong khi ảo tưởng về tri thức, lời tuyên bố về tri thức, dẫn người ta tới bản ngã - và cái cản trở thực là bản ngã.
Dốt nát không phải là bóng tối sâu lắm, nó tựa như chiều tối. Bây giờ không có mặt trời nữa, bây giờ không có ánh sáng của hiểu biết, nhưng đồng thời không có đêm tối của bản ngã. Đấy chỉ là chiều tối. Dốt nát đứng ở ngưỡng mà từ đó nó cũng có thể đi ra ánh sáng. Nhưng khi khoác lác của người có học trở nên ngày một mạnh hơn và khái niệm của ông ta, “tôi biết, tôi biết, tôi biết,” trở thành ngày một vững chắc hơn, đêm của ông ta trở nên tối hơn, chiều tối của ông ta biến mất, và ông ta chìm sâu vào trong bóng tối. Và khi khoác lác của ông ta phát triển mạnh thêm, đêm của ông ta sẽ trở thành tối như đêm không trăng.
Bản ngã đưa con người vào trong bóng tối lớn, và điều ngược đời đáng quan tâm nổi lên trong thế giới con người; người trí huệ thấy bản thân họ là người dốt nát - không biết - còn người dốt nát khẳng định tuyên bố của họ, “Chúng tôi biết!” Thế thì chúng ta phải đi đâu để tìm tri thức đúng đắn? Chúng ta phải làm gì? Đâu là con đường?
Hai điều cần được nhớ. Chúng ta bao giờ cũng cần tiếp tục nâng cao nhận thức về cái dốt nát của mình. Nhớ tới dốt nát là phá huỷ dốt nát. Trở nên nhận biết về dốt nát của chúng ta là làm tan biến dốt nát của chúng ta. Cái nhận biết “tôi là người dốt nát” cũng giống như một người đã thắp lên ngọn đèn và đã đem nó vào trong phòng để tìm bóng tối ở đó. Người đó đã nói, “Để tôi thắp lên ngọn đèn sao cho tôi có thể thấy bóng tối ở đâu,” và người đó bắt đầu tìm kiếm nó với ngọn đèn thắp sáng trong tay. Tất nhiên, bất kì chỗ nào người đó nhìn đều không tìm thấy bóng tối . Khi có nhận biết bên trong để biết dốt nát ở đâu, có ham muốn đi tới nơi dốt nát đang ở và ham muốn biết nó, thế thì việc biết, việc hiểu, có thể xảy ra. Bất kì nơi đâu bạn tới với cây đèn của nhận biết này, dốt nát sẽ tan biến từ đó.
Cho nên điều đầu tiên là việc nhớ tới cái dốt nát - rằng “tôi là người dốt nát.” Nếu bạn muốn đi vào thế giới của ánh sáng, của trí huệ, của tri thức đúng đắn, bạn phải hoàn toàn nhận biết về cái dốt nát của mình và vẫn còn thường xuyên trong việc tìm kiếm cái dốt nát của bạn nằm ở đâu. Bất kì chỗ nào bạn tìm thấy nó, thừa nhận nó ngay lập tức, đừng chần chừ dù chỉ một khoảnh khắc. Và cúi mình dưới chân của bất kì người nào chỉ cho bạn cái dốt nát của bạn - người đó là thầy giáo của bạn, là thầy của bạn. Và đừng cố gắng chứng minh rằng cái dốt nát của bạn là tri thức, vì tâm trí bạn sẽ thúc giục bạn làm. Bản ngã bạn sẽ nói, “Đừng tin nó.” Bản ngã bạn sẽ tán tỉnh bạn nói, “Anh nói gì vậy? Tôi mà là người dốt sao? Không thể được!” Đây là cách thức tất cả chúng ta nhớ mãi cái dốt nát của mình. Tất cả chúng ta đều khăng khăng bảo vệ ý kiến và thái độ riêng của mình.
Những người không biết gì chút nào đều đưa ra những tuyên bố lớn lao rằng họ là đúng. Những người không biết gì ngay cả đến một tảng đá nằm bên vệ đường, vẫn cứ nói về Thượng đế và khẳng định rằng Thượng đế của họ là Thượng đế thực duy nhất. Không có điểm cuối cho luận điệu của những người không biết chút nào. Dốt nát là kẻ ủng hộ lớn cho luận điệu của nó và nó cứ thế mà rêu rao. Tránh cho bản thân bạn khỏi những luận điệu như thế đi. Nếu bạn muốn đưa ra bất kì lời công bố nào, thế thì chỉ làm công bố về việc là người dốt nát. Nói một cách mạnh dạn, “Tôi không biết.” Bất kì cái gì ngẫu nhiên phát sinh, bất kì thay đổi nào bạn gặp, và bất kì hoàn cảnh nào bạn gặp phải tại nơi mà cái dốt nát của bạn lộ ra, dừng lại, và biết rằng, “Mình là người dốt nát.” Thừa nhận làm thầy của bạn bất kì ai chỉ ra cho bạn về cái dốt nát của bạn, người đã kéo chú ý của bạn vào cái dốt nát của bạn.
Nhưng thực ra chúng ta tạo ra ông thầy từ người nâng đỡ cho bản ngã ta. Chúng ta tới ông ta, nhặt lấy một vài mẩu trí huệ lạc lõng, và trở về nhà với đầy những cái rỗng tuếch và đạo đức giả - và thế rồi nói rằng chúng ta cũng biết. Cái người thổi phồng lời khoe khoang tri thức của chúng ta, chúng ta gọi là thầy của chúng ta. Nhưng guru thực sự, thầy thực, là người mà trong tiếp xúc với người đó chúng ta nhận ra rằng không có ai là người dốt nát như chúng ta. Thầy thực sự là người tước đi tri thức của chúng ta, người phá huỷ lời khoe khoang của chúng ta về tri thức, người chà nát cấu trúc bản ngã của chúng ta dưới đất, người ném chúng ta xuống đất và nói, “Bạn không là cái gì cả, bạn không ở đâu cả, bạn không biết gì cả!” Người như thế là thầy; không phải là người mà chúng ta thu lấy tri thức, mà là người qua đó chúng ta được nhắc nhở về cái dốt nát của mình.
Nhớ lấy rằng việc nhớ tới cái dốt nát sẽ dẫn người ta tới việc hiểu biết còn việc tích luỹ tri thức dẫn người ta vào trong bóng tối lớn hơn. Cho nên điều đầu tiên là tỉnh táo về mặt tinh thần với cái dốt nát, hoàn toàn có ý thức, biết cái dốt nát và nhìn vào trong nó. Biết bản thân bạn như một người dốt nát sâu sắc.
Điều nữa cần phải nhớ là ở chỗ bất kì khi nào bạn nghĩ, “tôi biết,” dừng lại một chốc, và xem xét lại ý nghĩ của bạn; tự hỏi mình, “Mình có biết thật không?” Thế sẽ đủ nếu bạn xem xét lại một lần. Trung thực trong nỗ lực của bạn. Nhận biết và đầy đủ và xem xét lại ý nghĩ của bạn trước khi nói, “Tôi biết.” Tỉnh táo về mặt tinh thần để khám phá ra cái dốt nát của bạn, cũng như với tri thức; và khi bạn bắt đầu kiểm tra bản thân mình, bạn sẽ biết rằng bạn biết lời, bạn biết các nguyên lí, bạn biết kinh sách, nhưng bạn không có ý tưởng chút nào về chân lí. Những người được gọi là bác học, người có tâm trí chất đầy với kinh sách và lời nói, người đã bị nặng gánh với lời và người đã nêu ra công bố giả về tri thức, đã trở thành nhân vật trò cười cho hiền nhân, người nói những người như vậy dò dẫm trong bóng tối lớn lao.
Tôi đã từng nghe: một linh mục Ki tô giáo thường tiến hành buổi giảng đạo tối trong nhà thờ vào mọi chủ nhật. Ông ấy nổi tiếng là người có học. Một hôm, ông ấy bỏ quên mất kính ở nhà. Một nửa tri thức của ông ấy bị lâm nguy vì bài thuyết pháp đã được viết ra và bây giờ ông ấy không thể đọc được nó. Nhưng ông ấy nghĩ thật là không phải phép mà nói với giáo đoàn rằng ông ấy đã quên mất kính - họ đang háo hức nghe ông ấy giảng - cho nên ông ấy quyết định cứ giảng đạo mà không cần kính, và bắt đầu nói, nhìn thoáng qua bài viết. Làm việc như ông ấy đã làm từ trí nhớ, sai lầm nhất định xuất hiện, vì ông ấy đã bỏ sự trợ giúp cho trí nhớ của mình đằng sau rồi. Không điều gì ông nói là việc truyền đạt tri thức đúng đắn cả; người trí huệ có thể nói mà không cần sự trợ giúp của mắt, không cần kính. Tất cả những điều ông ấy nói đều đã được rút ra từ trí nhớ nhồi nhét của ông ấy. Nhưng hôm nay phương tiện để nhìn vào trong trí nhớ của ông ấy bị bỏ quên ở nhà mất rồi.
Nói một hồi về phép màu của Jesus ông đã phạm phải một sai lầm. Jesus đang trong rừng với bốn nghìn đệ tử, và ông ấy chỉ mang theo mình bẩy ổ bánh mì. Với những ổ bánh mì này, ông ấy không chỉ cho tất cả mọi người ăn, mà bẩy ổ bánh mì này đã không bị ăn. Có bốn nghìn tín đồ nhưng ông linh mục lỡ lời kể chi tiết rằng có bẩy tín đồ và bốn nghìn ổ bánh mì, và rằng sau khi Jesus đã cho tất cả ăn, bánh mì vẫn cứ còn. Điều này, ông nói, là một phép màu.
Vì thông thường sự kiện trong đền thờ hay nhà thờ là phần lớn mọi người đều ngủ gà ngủ gật và không chú ý gì tới sai sót cả; chỉ những người thức mới nghe điều đó. Mà ngay cả thế, sau đã bỏ những khả năng lập luận ở nhà, như những người đến nhà thờ vẫn làm, họ đều không đáp ứng. Họ đơn thuần chỉ nghe lời nói. Chỉ một người trở nên tỉnh táo và nghĩ, “Loại phép màu nào mà lạ thế này nhỉ? - chỉ bẩy người mà những bốn nghìn ổ bánh mì?” Ông ta đứng dậy và hỏi, “Thưa cha, đây mà là phép màu sao? Bất kì ai cũng có thể làm được điều đó!”
Nghe thấy thế, ông linh mục phát rồ. Ông ấy không có ý tưởng gì là mình đã phạm sai lầm, cho nên ông ấy giận dữ và điên tiết. Ông ấy hỏi, “Anh ngụ ý gì vậy, ai cũng làm được điều ấy sao? Anh đang báng bổ Jesus đấy.”
Người này đáp, “Sao vậy, bản thân tôi cũng có thể làm được điều đó!”
Linh mục phân vân và hỏi giáo đoàn về điều mình vừa nói. Ai đó đáp, “Cha đã phạm sai lầm. Cha nói ngược lại điều cha ngụ ý; cha nói có bốn nghìn ổ bánh mì và bẩy tín đồ. Kì công này bất kì ai cũng có thể làm được, không có phép màu gì trong đó.”
Ông linh mục rất bối rối bởi sự cố này. Ông ấy đã nổi tiếng là người khôn ngoan, cho nên ông ấy bị rất xáo động và kiên quyết đưa ra thách thức tại chỗ mình. Chủ nhật tiếp ông ấy tới với sự chuẩn bị đầy đủ. Trong buổi giảng đạo ông ấy nêu vấn đề về phép màu lần nữa. “Có lần Jesus đi vào rừng,” ông nói, “Xin chú ý nghe! Ông ấy có bốn nghìn tín đồ và chỉ có bẩy ổ bánh mì mang theo, và ông ấy cho mọi người ăn no nê. Tất cả đều được ăn cho thật thoả mãn ấy thế mà bánh mì vẫn không hết.” Thế rồi ông nhìn vào người đã đẩy ông vào thế khó khăn chủ nhật trước, và hỏi ông ta, “Anh bạn thân mến, bây giờ anh có thể thực hiện được phép màu như thế không?”
Người này đứng dậy và đáp, “Có, tôi có thể làm được.”
Ông mục sư rất bồn chồn và hỏi, “Anh làm việc ấy thế nào?”
Người này đáp, “Tôi có thể làm điều đó với cái kho còn lại từ lần trước ấy!”
Xê dịch lời nói đây đó, chơi chữ, ghi nhớ lời nói - mọi kinh sách đều là trò đùa lớn. Không có mấy nghĩa trong những thứ như thế. Thật là hết sức dại dột mà cố đi sửa chữa cho người khác, và điều cực kì hão huyền là cố gắng không bao giờ thừa nhận sai lầm của chúng ta. Ông linh mục tội nghiệp kia thậm chí không thể nói được, “Có sai sót trong phát biểu của tôi.” Đấy là chuyện vặt, và ông ấy có thể đơn giản xin tha lỗi. Nhưng bản ngã của chúng ta không bao giờ cho phép chúng ta thừa nhận sai lầm của mình, mặc dầu chúng ta nôn nóng và hài lòng làm cho người khác thừa nhận sai lầm của họ.
Cho nên một điểm khác cần phải nhớ là thế này: xem xét lại liệu bạn có biết chút nào hay không. Tự hỏi bản thân mình xem liệu bạn có thực biết hay không, hay liệu tất cả những điều này chỉ là rừng lời, kinh sách, nguyên tắc và kí ức. Tự hỏi bản thân bạn: “Mình có biết cái gì không? Mình đã sống với nó chưa? Mình đã thực hành điều gì về nó chưa? Mình đã nếm trải nó từ kinh nghiệm sống của mình chưa? Mình đã nhảy múa trong kinh nghiệm tối cao đó về tính thượng đế chưa? Mình đã trải nghiệm rung động đó chưa? Hay mình chỉ đơn thuần đốt dầu giữa đêm để giao phó cho trí nhớ lời của kinh sách?” Cái mùi lợm giọng của dầu đốt thường phát ra từ những người đã nhồi nhét kinh sách vào trong trí nhớ của họ. Dầu lửa cháy toả ra lớp khói dầy đặc. Rất khó tìm được người nào dốt nát hơn là người có học.
Do đó, lời kinh này nói, người dốt nát dò dẫm loanh quanh, nhưng người có học dò dẫm loanh quanh trong bóng tối dầy đặc. Là người dốt nát còn tốt hơn là người có học. Cái dốt nát sẽ chỉ cho bạn con đường. Đừng thử đi vào bóng tối lớn; còn trong bóng tối đơn giản là tốt hơn nhiều. Từ bóng tối này thật dễ dàng đi vào ánh sáng, nhưng cuộc hành trình từ bóng tối lớn sẽ dài và gian khó.
Đủ cho hôm nay. Bây giờ chúng ta đi vào thiền. Chúng ta tiến vài bước từ bóng tối ra sánh sáng.
Xem tiếp Chương 11 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post