Chương 5. Vứt bỏ bản ngã bây giờ

Chương 5. Vứt bỏ bản ngã bây giờ

Price:

Read more

Osho - Con đường tôi đi - Con đường của mây trắng
Chương 5. Vứt bỏ bản ngã bây giờ


Osho kính yêu,
Thầy đã nói bản ngã có thể bị vứt bỏ ngay khoảnh khắc này.
Liệu bản ngã có thể bị vứt bỏ dần được không?
Vứt bỏ bao giờ cũng xảy ra vào khoảnh khắc này và bao giờ cũng vào khoảnh khắc này. Không có quá trình dần dần, tiệm tiến tới nó. Không thể có như vậy được. Điều xảy ra là tức khắc. Bạn không thể dần sẵn sàng với nó, bạn không thể chuẩn bị cho nó, vì bất kì điều gì bạn làm - và tôi nói bất kì điều gì - đều sẽ làm mạnh cho bản ngã. Mọi quá trình dần dà đều sẽ là nỗ lực, cái gì đó được làm về phần của bạn. Cho nên bạn sẽ mạnh hơn ngày một nhiều qua nó. Bạn sẽ trở nên mạnh hơn. Mọi thứ dần dần đều giúp cho bản ngã. Chỉ cái gì đó tuyệt đối không dần dần, cái gì đó tựa bước nhảy, không phải như quá trình, cái gì đó gián đoạn với quá khứ, không liên tục với nó - chỉ thế thì bản ngã mới bị vứt bỏ.
Vấn đề nảy sinh bởi vì chúng ta không thể hiểu được bản ngã này là gì. Bản ngã là quá khứ, là sự liên tục, là tất cả những gì bạn đã làm, tất cả những gì bạn đã tích luỹ, tất cả nghiệp, tất cả mọi ước định, tất cả các ham muốn, tất cả các mơ mộng của quá khứ. Toàn bộ quá khứ đó là bản ngã. Và nếu bạn nghĩ theo kiểu quá trình dần dần, bạn đang đem quá khứ vào. Vứt bỏ là không dần dần, là bất thần; nó là gián đoạn. Quá khứ không còn nữa, tương lai không còn nữa. Bạn được bỏ lại một mình ở đây và bây giờ. Thế thì bản ngã không thể tồn tại được.
Bản ngã chỉ có thể tồn tại thông qua kí ức: bạn là ai, bạn từ đâu tới, bạn thuộc về ai, quốc gia, giống nòi, tôn giáo, gia đình, truyền thống và mọi nỗi đau, vết thương, vui thích - tất cả những gì xảy ra trong quá khứ. Tất cả những gì đã xảy ra đều là bản ngã. Và bạn là người mà tất cả những điều này đã xảy ra. Phân biệt này phải được hiểu: bạn là người mà tất cả mọi thứ đã xảy ra cho, còn bản ngã là cái đã xảy ra. Bản ngã bao quanh bạn; bạn ở trung tâm, vô ngã.
Một đứa trẻ mới sinh ra hoàn toàn tươi tắn và non trẻ - không quá khứ, không bản ngã. Đó là lí do tại sao trẻ con lại đẹp đến thế. Chúng không có quá khứ nào; chúng trẻ trung và tươi tắn. Chúng không thể nói tôi, bởi vì chúng đem cái tôi từ đâu đến được? Cái tôi phải phát triển dần dần. Chúng sẽ nhận được giáo dưỡng, chúng sẽ được thưởng, phạt, chúng sẽ được khen ngợi, bị chê bai - thế thì cái tôi sẽ tụ hội lại.
Đứa trẻ đẹp bởi vì bản ngã không có đó. Người già trở nên xấu xí, không phải bởi vì tuổi già mà vì quá nhiều quá khứ, quá nhiều bản ngã. Người già cũng có thể lại trở nên đẹp đẽ, thậm chí còn đẹp hơn cả trẻ thơ, nếu như người đó có thể vứt bỏ bản ngã. Thế thì có tuổi thơ thứ hai, thế thì có tái sinh.
Đây cũng chính là ý nghĩa về phục sinh của Jesus. Đó không phải là sự kiện lịch sử, đó là ngụ ngôn. Jesus bị đóng đinh thế rồi ông ấy phục sinh. Người đã bị đóng đinh không còn nữa; đó là đứa con của người thợ mộc, Jesus. Bây giờ Jesus đã chết, đã bị đóng đinh. Một thực thể mới nảy sinh từ đó ra. Từ cái chết này một cuộc sống mới được sinh ra. Đây là Christ - không phải là đứa con của người thợ mộc đặc biệt vùng Bethlehem, không phải là người Do Thái, thậm chí không phải là một con người. Đây là Christ, cái gì đó mới mẻ, vô ngã.
Và cùng điều đó sẽ xảy ra cho bạn bất kì khi nào bản ngã bạn bị lên cây thập tự. Bất kì khi nào bản ngã bạn bị đóng đinh, đều có phục sinh, tái sinh. Bạn được sinh ra lần nữa. Và tuổi thơ này là vĩnh hằng, bởi vì đây là tái sinh của linh hồn, không phải là của thân thể. Bây giờ bạn sẽ không bao giờ già nữa. Bạn bao giờ và bao giờ cũng tươi tắn và trẻ trung - tươi tắn như giọt sương sớm, tươi sáng như ngôi sao đầu tiên trong đêm. Bạn bao giờ cũng còn tươi tắn, trẻ trung, trẻ thơ, hồn nhiên - bởi vì đây là phục sinh của linh hồn. Điều này bao giờ cũng xảy ra vào một khoảnh khắc.
Bản ngã là thời gian - càng nhiều thời gian, càng nhiều bản ngã. Bản ngã cần thời gian. Nếu bạn hiểu thấu sâu sắc, bạn thậm chí còn có thể quan niệm rằng thời gian tồn tại chỉ bởi vì bản ngã. Thời gian không phải là một phần của thế giới vật lí quanh bạn, nó là một phần của thế giới tâm lí bên trong bạn, thế giới tâm trí. Thời gian tồn tại giống như không gian cho bản ngã tiến hoá và trưởng thành. Cần phải có chỗ; thời gian cung cấp chỗ.
Nếu người ta nói với bạn rằng đây là khoảnh khắc cuối của cuộc đời bạn, khoảnh khắc tiếp bạn sắp bị bắn chết, bỗng nhiên thời gian biến mất. Bạn cảm thấy rất khó chịu. Bạn vẫn sống, nhưng bỗng nhiên bạn cảm thấy dường như bạn đang chết, và bạn không thể nghĩ được phải làm gì nữa. Ngay cả nghĩ cũng trở thành điều khó khăn, bởi vì thậm chí để nghĩ thời gian là cần có, tương lai là cần có. Không có ngày mai - thế thì lấy đâu mà nghĩ, làm sao ham muốn, làm sao hi vọng? Không có thời gian. Thời gian đã kết thúc.
Đau khổ tinh thần lớn nhất có thể xảy đến cho một người là khi cái chết của người đó được ấn định mà người đó không thể tránh được, đó là một điều chắc chắn. Một người bị kết án tử hình, bị tù, đang đợi cái chết - người đó không thể làm được gì về điều đó, cái chết đã được ấn định. Sau một thời kì nào đó người đó sẽ chết; bên kia thời gian đó không có ngày mai cho người đó. Bây giờ người đó không thể ham muốn, người đó không thể nghĩ, không thể phóng chiếu, thậm chí không thể mơ. Rào chắn luôn có đó. Thế thì nhiều phiền não theo sau. Phiền não đó là dành cho bản ngã. Bởi vì bản ngã không thể tồn tại không có thời gian - bản ngã thở trong thời gian, thời gian là hơi thở cho bản ngã - càng nhiều thời gian, càng nhiều khả năng cho bản ngã.
Tại phương Đông nhiều điều đã được tiến hành, nhiều việc đã được làm để hiểu bản ngã, rất nhiều thăm dò đã được tiến hành. Và một trong những phát kiến là ở chỗ chừng nào thời gian còn chưa bị vứt bỏ khỏi bạn, bản ngã sẽ không bị vứt bỏ. Nếu ngày mai tồn tại, bản ngã sẽ tồn tại. Nếu không có ngày mai, làm sao bạn có thể kéo tiếp bản ngã? Điều này cũng tựa như việc kéo chiếc thuyền không có sông. Điều đó sẽ trở thành gánh nặng. Sông được cần tới, thế thì thuyền mới có thể vận hành được.
Dòng sông thời gian là cần cho bản ngã. Đó là lí do tại sao bản ngã bao giờ cũng nghĩ dưới dạng dần dần, dưới dạng có mức độ. Bản ngã nói: tốt, chứng ngộ là điều có thể - nhưng cần phải có thời gian, bởi vì bạn phải làm việc vì điều đó, phải chuẩn bị, phải sẵn sàng. Đây là điều rất logic. Với mọi thứ thời gian đều cần. Nếu bạn gieo hạt, thời gian là cần để cây mọc lên. Nếu đứa trẻ được sinh ra, nếu đứa trẻ được tạo ra, thời gian là cần thiết. Bụng mẹ sẽ cần thời gian. Đứa trẻ sẽ phải trưởng thành. Mọi thứ đều trưởng thành quanh bạn. Để trưởng thành, thời gian là cần thiết, cho nên dường như logic là trưởng thành tâm linh cũng sẽ cần tới thời gian.
Nhưng đây là vấn đề cần hiểu: trưởng thành tâm linh không thực sự là trưởng thành như hạt mầm. Hạt mầm phải lớn lên để trở thành cây. Giữa hạt mầm và cây là lỗ hổng. Lỗ hổng đó cần phải được vượt qua, có khoảng cách. Bạn không trưởng thành như hạt mầm; bạn đã là sự trưởng thành. Đó chỉ là sự bộc lộ. Không có khoảng cách giữa bạn như bạn hiện hữu và bạn như bạn sẽ là. Không có khoảng cách nào cả! Cái lí tưởng, cái hoàn hảo đều đã có đấy.
Cho nên vấn đề thực sự không phải là ở trưởng thành mà chỉ là vấn đề về việc tháo bỏ lớp vỏ che dấu. Đó là khám phá. Cái gì đó bị che dấu - bạn lột bỏ tấm màn và nó có ở đó. Hệt như là bạn vẫn đang ngồi với đôi mắt nhắm: mặt trời vẫn đó trên đường chân trời nhưng bạn đang trong bóng tối. Bỗng nhiên bạn mở mắt ra và đó là ban ngày, đó là ánh sáng.
Trưởng thành tâm linh không hẳn là trưởng thành. Từ này sai. Trưởng thành tâm linh là sự bộc lộ. Cái gì đó bị che kín bỗng nhiên lộ ra. Cái gì đó vẫn có đó, bạn nhận ra là nó vẫn ở đó; cái gì đó bạn chưa bao giờ bỏ lỡ, đơn giản quên lãng, bạn nhớ ra. Đó là lí do tại sao các nhà huyền môn vẫn cứ dùng từ nhớ lại. Họ nói điều thiêng liêng không phải là thành đạt, nó đơn giản là nhớ lại. Điều gì đó bạn đã quên, bạn nhớ lại.
Quả thực chẳng cần đến thời gian. Nhưng tâm trí nói, bản ngã nói, mọi thứ đều cần tới thời gian, để mọi thứ phát triển cần phải có thời gian. Và nếu bạn trở thành nạn nhân của suy nghĩ logic này, thế thì bạn sẽ không bao giờ đạt được nó. Thế thì bạn sẽ cứ trì hoãn. Bạn sẽ nói ngày mai rồi ngày mai và ngày mai, và nó sẽ chẳng bao giờ tới vì ngày mai chẳng bao giờ tới.
Nếu bạn có thể hiểu được điều tôi đang nói, rằng bản ngã có thể bị vứt bỏ ngay khoảnh khắc này, và nếu điều đó là đúng thì vấn đề nảy sinh: tại sao không vứt bỏ nó? Tại sao bạn không thể vứt bỏ được nó? Nếu không có vấn đề trưởng thành dần, thế thì tại sao bạn lại không vứt bỏ nó? Bởi vì bạn không muốn vứt bỏ nó. Điều này sẽ gây chấn động cho bạn, vì bạn cứ nghĩ rằng bạn muốn bỏ nó. Xét lại điều đó đi, nghĩ lại đi. Bạn không muốn bỏ nó, do đó nó tiếp tục. Vấn đề không phải là thời gian. Bởi vì bạn không muốn bỏ nó, chẳng cái gì có thể làm được cả.
Bí ẩn là cách thức của tâm trí. Bạn nghĩ rằng bạn muốn vứt bỏ nó, và sâu bên dưới bạn không muốn vứt bỏ nó. Bạn có thể muốn trau chuốt nó thêm chút nữa, bạn có thể muốn làm mịn nó thêm chút nữa, nhưng bạn thực sự không muốn bỏ nó. Nếu bạn muốn bỏ nó, chẳng ai ngăn cản bạn. Không rào chắn nào tồn tại cả. Chỉ muốn là nó có thể bị vứt bỏ. Nhưng nếu bạn không muốn vứt bỏ nó, chẳng cái gì làm được cả. Cho dù có hàng nghìn vị phật làm việc vì bạn thì cũng sẽ thất bại, bởi vì chẳng cái gì có thể được làm từ bên ngoài.
Bạn đã suy nghĩ thực sự về nó chưa, bạn đã bao giờ thiền về nó chưa, liệu bạn có muốn vứt bỏ nó không? Bạn có thực sự muốn trở thành không là ai, cái không không? Ngay cả trong các phóng chiếu tôn giáo của mình, bạn vẫn muốn là cái gì đó, bạn muốn đạt tới cái gì đó, muốn tới đâu đó, là cái gì đó. Ngay cả khi bạn nghĩ về khiêm tốn, khiên nhường của bạn, nhún nhường của bạn cũng chỉ là chỗ che giấu bí mật cho bản ngã chứ không là gì khác.
Nhìn vào người vẫn được gọi là khiêm tốn ấy. Họ nói họ khiêm tốn và họ cố gắng chứng tỏ rằng họ là người khiêm tốn nhất trong thành phố, trong nơi cư ngụ của mình - người khiêm tốn nhất. Và nếu bạn tranh cãi và nếu bạn nói: Không, ai đó khác khiêm tốn hơn ông, họ sẽ cảm thấy bị tổn thương. Ai cảm thấy bị tổn thương?
Tôi vừa đọc về một vị thánh Ki tô giáo. Hàng ngày ông ta nói với thượng đế trong lời cầu nguyện của mình: Con là người độc ác nhất trên trái đất này, tội nhân lớn nhất. Dường như ông ta là người rất khiêm tốn, nhưng ông ấy không phải vậy. Ông ta nói ông ta là tội nhân lớn nhất trên trái đất, và cho dù nếu Thượng đế có tranh luận với ông ta thì ông ta cũng cãi cho bằng được.
Mối quan tâm, mối quan tâm sâu xa, là cái lớn nhất chứ không phải là tội nhân. Bạn có thể là tội nhân nếu bạn được phép là tội nhân lớn nhất. Bạn có thể tận hưởng điều đó. Tội nhân lớn nhất - thế thì bạn trở thành đỉnh. Đức hạnh hay tội lỗi chẳng quan trọng; bạn phải là ai đó. Dù lí do cho điều đó là gì, bản ngã của bạn phải ở trên đỉnh.
Người ta đồn George Bernard Shaw đã từng nói: Tôi thà làm người đầu tiên xuống địa ngục còn hơn làm người thứ hai lên cõi trời. Địa ngục chẳng phải nơi tồi nếu bạn là người đầu tiên, người tiên phong. Thậm chí cõi trời cũng có vẻ buồn tẻ nếu bạn phải đứng đâu đó trong hàng đợi, là người không quan trọng. Và Bernard Shaw cũng phải. Đấy là cách tâm trí con người vận hành.
Không ai muốn vứt bỏ bản ngã. Nếu không, chẳng có vấn đề gì nữa cả - bạn có thể đơn giản vứt bỏ nó ngay bây giờ. Và nếu bạn cảm thấy rằng thời gian là cần, thế thì thời gian chỉ cần cho hiểu biết của bạn rằng bạn đang níu bám vào nó. Và khoảnh khắc bạn có thể hiểu ra rằng đó là níu bám của mình, sự việc sẽ xảy ra.
Bạn có thể phải trải qua nhiều kiếp sống để hiểu sự kiện đơn giản này. Bạn đã trải qua nhiều kiếp mà bạn vẫn chưa hiểu được. Điều này có vẻ kì lạ. Có cái gì đó đang đè nặng lên bạn, đem đến cho bạn khổ cực, khổ sở tiếp diễn, nhưng bạn vẫn níu bám nó. Dứt khoát phải có lí do sâu sắc nào cho việc đó, một nguyên nhân bắt rễ rất sâu. Tôi muốn nói về nó một chút. Bạn có thể trở nên nhận biết.
Cách thức tâm trí của con người là nó bao giờ cũng chọn bận bịu hơn là rảnh rỗi. Cho dù bận bịu có đau đớn, cho dù đó là sự chịu đựng, tâm trí vẫn chọn bận bịu hơn là rảnh rỗi - vì với rảnh rỗi bạn bắt đầu cảm thấy bạn đang tan biến.
Các nhà tâm lí nói rằng khi người ta về hưu khỏi công việc của mình, dịch vụ hay kinh doanh, họ chết sớm. Cuộc sống của họ bị rút ngắn ngay lập tức gần mười năm. Trước cái chết của họ, họ đã bắt đầu chết. Không còn bận bịu gì nữa, họ rảnh rỗi. Khi bạn rảnh rỗi, bạn bắt đầu cảm thấy vô nghĩa, vô tích sự. Bạn bắt đầu cảm thấy rằng bạn không được cần tới nữa, rằng không có bạn thế giới vẫn tiếp diễn thoải mái. Khi bạn bận bịu bạn cảm thấy rằng thế giới không thể tiếp tục nếu thiếu bạn, rằng bạn là phần rất cơ bản của nó, phần rất có ý nghĩa - không có bạn mọi thứ sẽ dừng lại.
Nếu bạn rảnh rỗi, bỗng nhiên bạn trở nên nhận ra rằng không có bạn thế giới vẫn cứ đẹp đẽ. Chẳng có gì thay đổi cả. Bạn đã bị thải bỏ. Bạn bị vứt vào đống đồng nát. Bạn không được cần tới nữa. Khoảnh khắc bạn cảm thấy bạn không được cần tới nữa, bản ngã trở nên khó chịu - bởi vì nó tồn tại chỉ khi bạn được cần tới. Cho nên tất cả xung quanh bản ngã cứ áp đặt thái độ này lên mọi người: bạn phải có, bạn là cần thiết; không có bạn không gì có thể xảy ra, không có bạn thế giới sẽ tan biến.
Được rảnh rỗi, bạn nhận ra rằng trò chơi vẫn tiếp tục. Bạn không phải là phần chủ yếu. Bạn có thể bị vứt bỏ dễ dàng. Chẳng ai sẽ bận tâm về bạn, chẳng ai sẽ nghĩ đến bạn. Thay vì thế, họ có thể còn cảm thấy nhẹ nhõm. Điều đó làm tan nát bản ngã. Cho nên mọi người muốn bận bịu - về cái này hay cái khác, nhưng họ phải duy trì bận bịu. Họ phải tiếp tục ảo tưởng rằng họ là cần thiết.
Thiền là trạng thái rảnh rỗi của tâm trí. Nó là nghỉ ngơi sâu lắng. Đấy không phải là nghỉ ngơi giả tạo tựa như đi lên Himalaya. Điều đó có thể không phải là nghỉ ngơi chút nào, bởi vì lần nữa bạn lại có thể trở nên bận tâm trên Himalaya. Bạn có thể bịa ra những chuyện tưởng tượng ở đó rằng bạn đang cứu cả thế giới. Ngồi trên Himalaya thiền, bạn đang cứu cả thế giới khỏi cuộc chiến thứ ba; hay bởi vì bạn đang tạo ra những rung động mà thế giới đang tiến tới điều không tưởng, trạng thái thanh bình của xã hội. Và bạn có thể tận hưởng bận bịu này ở đó. Không ai định tranh cãi vì bạn chỉ có một mình. Không ai định tranh luận sự kiện là bạn đang trong ảo tưởng hay trong trạng thái ảo giác. Bạn có thể thực sự tham dự vào đó. Bản ngã sẽ tự khẳng định lại nó theo một cách tinh tế mới.
Thiền không phải là nghỉ ngơi nông cạn. Đó là nghỉ ngơi thực sự, thân mật, sâu lắng, rút lui - rút lui khỏi bận tâm. Không phải là bạn sẽ không còn bận bịu nữa; bạn vẫn có thể tiếp tục bất cứ cái gì bạn đang làm, nhưng bạn rút chính mình và rút đầu tư của mình vào bận rộn. Bây giờ bạn bắt đầu cảm thấy rằng khát khao thường xuyên này về việc được cần tới là điên rồ, ngu xuẩn. Thế giới có thể tiếp tục hoàn toàn tốt mà không có bạn. Và chẳng có gì buồn phiền trong nó cả. Nó vẫn tốt đẹp. Cho đến chừng ấy mọi việc vẫn tốt lành... thế giới có thể tiếp tục không cần có bạn. Điều này có thể trở thành một thứ tự do nếu bạn hiểu ra. Nếu bạn không hiểu thế thì bạn sẽ cảm thấy mình bị tan nát.
Cho nên mọi người tiếp tục phải bận bịu, và bản ngã đem cho họ bận tâm lớn nhất. Cả hai mươi bốn giờ bản ngã đều đem lại cho họ bận tâm. Họ đang nghĩ cách trở thành nghị viên, họ đang nghĩ cách trở thành thứ trưởng, rồi bộ trưởng, rồi thủ tướng, làm sao trở thành tổng thống. Bản ngã cứ tiếp tục như thế mãi. Nó cho bạn bận tâm thường xuyên - làm sao được giầu hơn nữa, làm sao tạo ra cả vương quốc. Bản ngã cho bạn mơ mộng, bận tâm bên trong liên tục, và bạn cảm thấy nhiều thứ đang tiếp diễn. Được rảnh rỗi thốt nhiên bạn trở nên nhận thấy cái trống rỗng bên trong. Những mơ mộng này rót đầy cái trống rỗng bên trong đó.
Bây giờ các nhà tâm lí học nói rằng một người có thể sống không ăn gì trong ít nhất chín mươi ngày, nhưng người đó không thể sống mà không mơ trong chín mươi ngày. Người đó sẽ phát điên mất. Nếu mơ mà không được phép trong vòng ba tuần, bạn sẽ phát điên. Không ăn gì, ba tuần không làm hại bạn - thậm chí nó còn có thể tốt cho sức khoẻ bạn. Ba tuần không ăn, nhịn ăn tốt sẽ làm hồi phục lại toàn bộ hệ thống của bạn, bạn sẽ sinh động và trẻ trung hơn. Nhưng ba tuần không mơ... bạn sẽ phát điên.
Mơ phải đáp ứng cho một nhu cầu bắt rễ sâu xa nào đó. Nhu cầu là ở chỗ nó cho bạn bận tâm; không có bận tâm thực, nó chỉ cho bạn bận tâm thế thôi. Bạn có thể ngồi đó mà mơ và làm bất cứ cái gì bạn muốn, rồi toàn bộ thế giới sẽ dịch chuyển theo bạn - ít nhất là trong mơ của bạn. Chẳng ai gây ra vấn đề gì. Bạn có thể giết bất kì ai, bạn có thể ám sát. Bạn có thể thay đổi tuỳ thích. Bạn là chủ ở đó mà.
Bản ngã cảm thấy có sức sống nhất trong khi mơ, bởi vì không ai có thể chống bạn, ai dám nói: Không, điều này sai. Bạn là toàn bộ và duy nhất. Bất kì điều gì bạn muốn bạn đều tạo ra. Bất kì điều gì bạn không muốn bạn đều phá bỏ đi. Bạn là tuyệt đối mạnh mẽ. Bạn là đấng toàn năng trong mơ của mình.
Mơ chỉ dừng lại khi bản ngã bị vứt bỏ. Cho nên đây là một dấu hiệu, thực sự; trong kinh sách yoga cổ xưa đây là dấu hiệu về một người đã trở thành chứng ngộ. Người đó không thể mơ. Việc mơ chấm dứt vì không có nhu cầu. Đấy là nhu cầu của bản ngã. Bạn muốn được bận tâm. Đó là lí do tại sao bạn không thể vứt bỏ được bản ngã.
Chừng nào bạn còn chưa sẵn sàng là trống rỗng, rảnh rỗi, chừng nào bạn còn chưa sẵn sàng là không ai cả, chừng nào bạn còn chưa sẵn sàng tận hưởng và mở hội cuộc sống, cả khi bạn không còn cần thiết nữa, chừng ấy bản ngã không thể bị vứt bỏ. Bạn có nhu cầu được cần tới. Ai đó phải cần bạn - thế thì bạn cảm thấy thoải mái. Nếu càng nhiều người cần bạn, bạn càng cảm thấy tốt hơn. Đó là lí do tại sao người ta lại thích làm lãnh đạo đến thế, bởi vì nhiều người thế cần đến bạn. Nhà lãnh đạo có thể trở thành rất khiêm tốn. Không cần phải khẳng định về bản ngã của người đó nữa; bản ngã của người đó đã được đáp ứng sâu sắc bởi vì bao nhiêu người cần tới người đó, bao nhiêu người phụ thuộc vào người đó. Người đó đã trở thành cuộc sống của biết bao người, cho nên người đó có thể khiêm tốn, người đó có thể đảm đương được việc khiêm tốn.
Bạn phải nhớ sự kiện này, rằng người khẳng định bản ngã của mình quá nhiều, bao giờ cũng là người không thể ảnh hưởng được tới người khác. Thế thì họ trở thành hay khẳng định bởi vì đó là cách duy nhất để nói: Tôi là ai đó. Nếu họ có thể ảnh hưởng tới người khác, nếu họ có thể thuyết phục, họ sẽ chẳng bao giờ khẳng định cả. Họ sẽ rất khiêm tốn, ít nhất cũng gần như vậy. Họ sẽ không tỏ ra bản ngã, bởi vì theo một cách rất tinh tế, bao nhiêu người đã phụ thuộc vào họ - họ đã trở thành có ý nghĩa, cuộc đời của họ dường như có ý nghĩa cho họ. Nếu bản ngã của bạn là ý nghĩa của bạn, nếu bản ngã của bạn là có ý nghĩa cho bạn, làm sao bạn có thể vứt bỏ nó được?
Nghe tôi bạn bắt đầu nghĩ tới vứt bỏ nó. Nhưng mới chỉ nghĩ thôi, bạn không thể vứt bỏ được bản ngã. Bạn phải đi đến hiểu được tận gốc rễ - nó là ở đâu, nó tồn tại chỗ nào, tại sao nó tồn tại. Đây là những lực vô thức làm việc bên trong bạn mà không có tri thức của bạn. Chúng phải được làm thành có ý thức. Bạn phải đem tất cả gốc rễ đó của bản ngã mình lên khỏi mặt đất để cho bạn có thể nhìn và thấy được.
Nếu bạn có thể vẫn rảnh rỗi, nếu bạn có thể vẫn còn được thoả mãn không có việc được cần tới, bản ngã có thể được vứt bỏ ngay khoảnh khắc này. Nhưng những cái nếu này lại lớn. Thiền sẽ chuẩn bị cho bạn về những cái nếu lớn đó. Điều xảy ra sẽ xảy ra trong khoảnh khắc, nhưng hiểu biết cần có thời gian. Cũng giống như khi bạn đun nước. Nước cứ nóng dần, nóng dần; rồi đến một độ đặc biệt, đến một trăm độ, nó bắt đầu bay hơi. Việc bay hơi xảy ra trong khoảnh khắc. Nó không phải là dần dần, nó là đột nhiên. Từ nước thành hơi nước có bước nhảy. Đột nhiên nước biến mất, nhưng thời gian có can dự vào bởi vì nước phải được đun nóng đến điểm sôi. Việc bốc hơi xảy ra đột nhiên, nhưng việc đun nóng cần thời gian. Hiểu biết cũng tựa như đun nóng. Nó cần thời gian. Vứt bỏ bản ngã xảy ra tựa như bốc hơi. Nó xảy ra bất thình lình.
Cho nên đừng cố vứt bỏ bản ngã. Thay vì thế, cố làm sâu sắc thêm hiểu biết của bạn. Đừng cố làm cho nước biến thành hơi. Cứ đun nó. Điều thứ hai sẽ tự động theo sau, nó sẽ xảy ra.
Trưởng thành trong hiểu biết đi. Làm cho việc này thêm mãnh liệt, thêm tập trung. Đem tất cả năng lực của bạn để hiểu hiện tượng bản thể bạn, bản ngã bạn, tâm trí bạn, vô thức bạn. Ngày càng trở nên tỉnh táo, và bất kì điều gì xảy ra, làm cho nó thành một điểm để cố gắng hiểu nó. Ai đó xúc phạm bạn và bạn cảm thấy giận dữ. Đừng bỏ lỡ cơ hội này; cố gắng hiểu tại sao, tại sao lại có giận dữ này. Và đừng làm nó thành vấn đề triết học. Đừng tới thư viện tra cứu về giận dữ. Giận dữ đang xảy ra cho bạn - nó là một kinh nghiệm, một kinh nghiệm sống. Tập trung toàn bộ chú ý của bạn vào nó và cố gắng hiểu tại sao nó đang xảy ra cho bạn. Nó không phải là vấn đề triết học; bạn không thể tư vấn bất kì Freud nào về điều đó. Không cần! Thật là ngu xuẩn mà đi hỏi ai đó khác trong khi giận dữ đang xảy ra cho bạn. Bạn có thể chạm nó, bạn có thể nếm nó. Bạn sẽ bị nó thiêu đốt.
Thử hiểu xem tại sao nó lại xảy ra, nó đến từ đâu, gốc rễ của nó ở đâu, nó xảy ra như thế nào, nó vận hành ra sao, nó áp đảo bạn ra sao, trong cơn giận dữ bạn phát khùng thế nào. Giận dữ đã xảy ra trước đó, nó đang xảy ra bây giờ; nhưng bây giờ thêm vào nó một phần tử mới, phần tử của hiểu biết - và thế thì chất sẽ đổi. Thế thì, dần dần bạn sẽ thấy rằng bạn càng hiểu nhiều về giận, nó lại càng ít xảy ra. Và khi bạn hiểu hoàn toàn nó, nó sẽ biến mất. Hiểu biết cũng tựa như đun nóng. Khi đun nóng tới một điểm đặc biệt - một trăm độ - nước biến mất. Dục có đó - cố hiểu nó. Càng có nhiều hiểu biết, bạn càng ít dục hơn. Và thời điểm sẽ đến khi hiểu biết được hoàn hảo - dục biến mất.
Đây là tiêu chuẩn của tôi: bất kì hiện tượng năng lượng bên trong nào, nếu nó biến mất qua hiểu biết, đó là tội lỗi; nếu nó trở nên sâu sắc hơn qua hiểu biết, đó là đức hạnh. Bạn càng hiểu nhiều, cái sai quấy càng biến đi và cái đúng phải càng trở thành bắt rễ chắc chắn hơn. Dục sẽ biến đi và tình yêu sẽ sâu sắc hơn. Giận dữ sẽ biến đi và từ bi sẽ sâu sắc hơn. Tham lam sẽ biến đi, chia sẻ sẽ sâu sắc hơn.
Cho nên bất kì cái gì biến đi qua hiểu biết đều là trái; bất kì cái gì trở nên bắt rễ chắc chắn hơn đều là phải. Và đây là cách tôi xác định thiện và ác, đức hạnh và tội lỗi - punya và paap. Thánh nhân là người của hiểu biết, không gì khác. Tội nhân là người không hiểu biết, có thế thôi. Giữa thánh nhân và tội nhân sự phân biệt không phải là tội lỗi hay điều thánh thiện, đó là ở hiểu biết.
Hiểu biết vận hành tựa như quá trình đun nóng. Một khoảnh khắc sẽ tới, một thời điểm đúng, khi việc đun nóng đã tới điểm sôi. Đột nhiên bản ngã bị vứt bỏ. Bạn không thể vứt bỏ nó một cách trực tiếp - bạn có thể chuẩn bị cho tình huống này để nó xảy ra. Tình huống này cần có thời gian.
Bao giờ cũng tồn tại hai trường phái. Một trường phái về đốn ngộ, nói rằng chứng ngộ xảy ra bất thần; không có trung gian. Trường phái kia, mâu thuẫn hẳn với trường phái đầu, là tiệm ngộ. Nó nói rằng chứng ngộ đến dần, chẳng có gì xảy ra bất thần cả. Và cả hai đều phải, bởi vì cả hai đều chọn một phần của hiện tượng này.
Trường phái tiệm ngộ đã chọn phần đầu, phần hiểu biết. Họ nói phải thông qua thời gian, hiểu biết sẽ tới qua thời gian - và họ phải. Họ nói bạn không nên lo nghĩ về sự đột nhiên; bạn đơn giản tuân theo quá trình này, và nếu nước được đun nóng đúng độ nó sẽ bay hơi. Bạn không cần phải bận tâm tới việc bay hơi; bạn đơn giản để cho nó hoàn toàn ra ngoài tâm trí bạn. Bạn đơn giản đun nóng nước.
Trường phái kia, hoàn toàn đối lập, nói chứng ngộ là bất thần, đã chọn phần cuối. Họ nói rằng điều đầu không phải thật là bản chất: điều thực sự là ở chỗ sự bùng nổ đó xảy ra trong lỗ hổng vô thời gian. Điều đầu chỉ là ngoại vi. Điều thực sự, điều thứ hai, mới là trung tâm.
Nhưng tôi bảo bạn cả hai đều phải. Chứng ngộ xảy ra bất thần, nó bao giờ cũng xảy ra bất thần, nhưng hiểu biết cần thời gian. Cả hai đều phải và cả hai cũng đều có thể bị diễn giải sai. Bạn có thể thủ đoạn với chính mình, bạn có thể tự đánh lừa mình. Nếu bạn không muốn làm gì, điều hay hơn cả là tin vào đốn ngộ. Thế thì bạn nói: Chẳng cần phải làm gì cả. Nếu nó xảy ra bất thần, nó sẽ xảy ra bất thần - tôi có thể làm gì được? Tôi có thể đơn giản đợi. Đó có thể là tự lừa dối. Bởi điều này, đặc biệt ở Nhật Bản, tôn giáo đơn giản biến mất.
Nhật Bản có truyền thống lâu dài về đốn ngộ. Thiền nói chứng ngộ là bất thần. Bởi vì điều này, toàn bộ đất nước trở thành phi tôn giáo. Dần dần, mọi người đi đến tin rằng đốn ngộ là khả năng duy nhất. Chẳng cái gì có thể được làm về nó cả - bất kì khi nào nó định xảy ra, nó sẽ xảy ra. Nếu nó định xảy ra, nó sẽ xảy ra. Nếu nó không định xảy ra, nó sẽ không xảy ra, và chúng ta không thể làm gì được cả, vậy thì sao phải bận tâm?
Tại phương Đông, Nhật Bản là nước duy vật nhất. Tại phương Đông, Nhật Bản tồn tại như một phần của phương Tây. Điều này cũng kì lạ vì Nhật Bản có một trong những truyền thống đẹp đẽ nhất về dhyana, ch'an - thiền. Tại sao nó đã biến mất? Nó biến mất bởi vì khái niệm này về đốn ngộ. Mọi người bắt đầu tự lừa dối mình. Tại Ấn Độ một hiện tượng khác đã xảy ra... và đó là lí do tại sao tôi cứ nói đi nói lại mãi rằng tâm trí con người lừa dối và tinh ranh thế. Bạn phải thường xuyên tỉnh táo, nếu không bạn sẽ bị lừa.
Ở Ấn Độ chúng ta có một truyền thống khác, truyền thống về tiệm ngộ. Đó chính là điều yoga có ý nghĩa gì. Bạn phải làm việc vì nó, làm việc vất vả qua nhiều kiếp. Kỉ luật là cần thiết, làm việc là cần thiết, và chừng nào bạn còn chưa làm việc thật vất vả, bạn sẽ không đạt được nó. Cho nên đó là một quá trình dài, một quá trình rất dài - dài đến độ người Ấn Độ nói một kiếp sống chưa đủ, bạn sẽ cần tới nhiều kiếp sống. Không có gì sai với điều này. Chừng nào còn có liên quan tới hiểu biết, điều đó là đúng. Nhưng thế rồi Ấn Độ tin rằng nếu nó kéo dài như vậy, chẳng cần gì phải vội vã cả: thế thì tại sao phải vội cơ chứ? Cứ tận hưởng thế giới này... chẳng gì phải vội vàng và vẫn đủ thời gian mà. Đó là quá trình dài đến mức bạn không thể đạt tới nó hôm nay. Và nếu bạn không thể đạt được nó hôm nay thế thì mối quan tâm bị mất đi. Chẳng ai lại nhiệt tình đến mức có thể đợi trong nhiều kiếp. Người đó sẽ đơn giản quên nó đi. Khái niệm dần dần đã huỷ hoại Ấn Độ; khái niệm bất thần đã huỷ hoại Nhật Bản.
Đối với tôi, cả hai đều đúng, vì cả hai đều là một nửa của toàn bộ quá trình. Và bạn phải thường xuyên tỉnh táo để cho bạn không tự lừa dối mình. Điều này sẽ có vẻ mâu thuẫn, nhưng đây là điều tôi muốn nói với bạn: Nó có thể xảy ra chính khoảnh khắc này, nhưng chính khoảnh khắc này có thể mất nhiều kiếp để đi tới. Nó có thể xảy ra vào chính khoảnh khắc này, nhưng bạn có thể phải đợi nhiều kiếp cho khoảnh khắc này tới.
Cho nên làm việc cần cù, dường như nó sắp xảy ra vào chính khoảnh khắc này. Và kiên nhẫn chờ đợi, bởi vì không thể dự đoán được nó. Không ai có thể nói khi nào điều này xảy ra - điều này có thể không xảy ra trong nhiều kiếp. Cho nên kiên nhẫn chờ đợi dường như toàn bộ quá trình là sự phát triển dần lâu dài, và làm việc cần cù, cần cù nhất có thể được, dường như điều này có thể xảy ra vào chính khoảnh khắc này.

Osho kính yêu,
Xin Thầy nói cho chúng tôi về cách dùng năng lượng dục để trưởng thành, vì đây dường như là một trong những mối bận tâm chính của chúng tôi ở phương Tây.
Dục là năng lượng. Cho nên tôi sẽ không nói năng lượng dục - bởi vì không có năng lượng khác. Dục là năng lượng duy nhất bạn có. Năng lượng này có thể được biến đổi - nó có thể trở thành năng lượng cao hơn. Nó càng chuyển lên cao, tính dục lại càng ít trong nó. Và có đỉnh nơi nó trở thành đơn giản là tình yêu và từ bi. Việc nở hoa tối thượng mà chúng ta có thể gọi là năng lượng thiêng liêng, nhưng cơ sở, vị trí gốc rễ vẫn còn là dục. Cho nên dục là tầng đầu tiên, tầng đáy của năng lượng - và Thượng đế là tầng ngọn. Nhưng cùng một năng lượng chuyển động.
Điều đầu tiên cần hiểu là ở chỗ tôi không phân chia năng lượng. Một khi bạn phân chia, thế thì nhị nguyên được tạo ra. Một khi bạn phân chia, thế thì xung đột và tranh đấu được tạo ra. Một khi bạn phân chia năng lượng, bạn bị phân chia; thế thì bạn sẽ ủng hộ hay phản đối dục. Tôi không ủng hộ cũng chẳng phản đối, bởi vì tôi không phân chia. Tôi nói dục là năng lượng, cái tên của năng lượng; gọi năng lượng đó là x. Dục là một cái tên của năng lượng x đó, một năng lượng chưa biết, khi bạn dùng nó chỉ như một lực sinh sản sinh vật. Nó trở thành thiêng liêng một khi nó thoát khỏi giam cầm sinh vật, một khi nó trở thành phi vật lí - thế thì đó là tình yêu của Jesus hay từ bi của Phật.
Phương Tây ngày nay bị ám ảnh quá nhiều bởi Ki tô giáo. Hai nghìn năm của kìm nén Ki tô giáo về năng lượng dục đã làm cho tâm trí phương Tây bị ám ảnh quá nhiều về nó. Trước hết, trong hai nghìn năm ám ảnh là làm sao diệt được nó. Bạn không thể diệt được nó - không năng lượng nào có thể bị huỷ diệt, năng lượng chỉ có thể được biến đổi. Không cách nào để huỷ diệt năng lượng. Trong thế giới này không cái gì có thể bị huỷ diệt, nó chỉ có thể được biến đổi, thay đổi, chuyển đổi vào cõi giới và chiều mới. Huỷ diệt là không thể được. Bạn không thể tạo ra năng lượng mới mà bạn cũng không thể nào phá huỷ được năng lượng cũ. Sáng tạo và huỷ diệt cả hai đều ở bên ngoài bạn. Chúng không thể được thực hiện. Bây giờ, các nhà khoa học đồng ý về điều này - thậm chí đến một nguyên tử cũng không thể bị huỷ diệt nổi.
Trong suốt hai nghìn năm Ki tô giáo đã cố gắng huỷ diệt năng lượng dục. Tôn giáo bao hàm việc trở thành tuyệt đối không dục. Điều đó đã tạo ra điên khùng. Bạn càng tranh đấu với nó, bạn càng kìm nén, bạn càng trở nên dục hơn. Và thế thì dục chuyển sâu hơn vào trong vô thức, nó đầu độc toàn bộ con người bạn. Cho nên nếu bạn đọc về cuộc đời của các vị thánh Ki tô giáo, bạn sẽ thấy họ đều bị ám ảnh bởi dục. Họ không thể cầu nguyện, họ không thể thiền. Bất kì điều gì họ làm, dục đều chen vào. Và họ cho là quỉ dữ đang giở trò với họ. Chẳng ai giở trò cả. Nếu bạn kìm nén, bạn chính là quỉ.
Sau hai nghìn năm liên tục kìm nén dục, phương Tây trở nên chán ngán nó. Nó thành quá nhiều. Toàn bộ bánh xe quay lại. Bây giờ, thay vì kìm nén, thì mê đắm, mê đắm dục trở thành ám ảnh mới. Từ cực này tâm trí chuyển sang cực kia. Căn bệnh vẫn còn nguyên như cũ. Một thời nó bị kìm nén, bây giờ nó là cách để mê đắm ngày càng nhiều về nó. Cả hai đều là thái độ bệnh hoạn.
Dục phải được biến đổi - không bị kìm nén cũng chẳng mê đắm điên khùng. Và cách duy nhất có thể để biến đổi dục là làm dục với nhận biết thiền sâu sắc. Cũng giống hệt như tôi đã nói về giận dữ. Đi vào dục, nhưng với sự hiện hữu chăm chú, có ý thức, tỉnh táo. Đừng cho phép nó trở thành lực vô thức. Đừng bị nó kéo và đẩy đi. Đi một cách có hiểu biết, có tri thức, có tình yêu. Làm cho kinh nghiệm dục thành kinh nghiệm thiền. Thiền trong nó. Đây là điều phương Đông đã làm qua Mật tông.
Một khi bạn mang tính thiền trong kinh nghiệm dục, phẩm chất của nó bắt đầu thay đổi. Cùng năng lượng ấy, đang chuyển vào kinh nghiệm dục, bắt đầu hướng vào tâm thức. Bạn có thể trở thành tỉnh táo trong cực thích dục mà trước đây bạn chưa hề đạt tới - bởi vì không kinh nghiệm nào khác sâu sắc được như vậy, không kinh nghiệm nào khác cuốn hút như vậy, không kinh nghiệm nào khác toàn bộ được đến như vậy. Trong cực đỉnh dục bạn hoàn toàn bị cuốn hút, từ gốc rễ đến tất cả mọi thứ - toàn bộ con người bạn rung động, toàn bộ con người bạn đều trong đó. Thân thể, tâm trí - cả hai đều trong đó, và suy nghĩ dừng lại hoàn toàn. Cho dù chỉ một giây, khi cái thích đạt tới cực điểm, suy nghĩ dừng lại hoàn toàn, bởi vì bạn là toàn bộ đến độ bạn không thể nghĩ được nữa.
Trong cực điểm dục bạn hiện hữu. Hiện hữu có đó mà không có suy nghĩ. Trong khoảnh khắc này, nếu bạn có thể trở nên tỉnh táo, có ý thức, thế thì dục có thể trở thành cánh cửa hướng tới điều thiêng liêng. Và nếu trong khoảnh khắc này bạn có thể trở nên tỉnh táo, thì tỉnh táo đó có thể được mang sang các khoảnh khắc khác nữa, trong các kinh nghiệm khác nữa. Nó có thể trở thành một phần của bạn. Thế thì ăn, đi, làm việc gì đó, bạn có thể mang tỉnh táo đó. Qua dục mà tỉnh táo đã chạm tới cốt lõi sâu kín nhất của bạn. Nó đã thấm nhuần vào bạn. Bây giờ bạn có thể mang nó đi. Và nếu bạn trở nên có tính thiền, bạn sẽ nhận ra sự kiện mới. Sự kiện đó là ở chỗ không phải là dục cho bạn phúc lạc, không phải là dục cho bạn cực lạc. Thay vì thế, chính là trạng thái vô suy nghĩ của tâm trí và sự tham dự hoàn toàn trong hành động đem lại cho bạn cảm giác phúc lạc.
Một khi bạn hiểu điều này thế thì dục sẽ ngày càng ít được cần tới, vì trạng thái vô suy nghĩ đó của tâm trí có thể được tạo ra mà không cần dục. Đó chính là điều thiền nghĩa là gì. Và cái toàn bộ của bản thể cũng có thể được tạo ra không cần dục. Một khi bạn biết rằng cùng một hiện tượng có thể xảy ra không cần dục, dục sẽ ngày càng ít được cần tới hơn. Một khoảnh khắc sẽ tới khi dục không còn cần thiết chút nào nữa.
Nhớ lấy, dục bao giờ cũng phụ thuộc vào người kia. Cho nên trong dục tù túng, cảnh nô lệ vẫn còn. Một khi bạn có thể tạo ra hiện tượng cực thích toàn bộ này mà không phụ thuộc vào bất kì người nào khác, khi nó đã trở thành nguồn bên trong, bạn được độc lập, bạn thành tự do. Đó chính là điều được ngụ ý khi ở Ấn Độ chúng ta nói chỉ brahmachari, người vô dục tuyệt đối, mới có thể là tự do - bởi vì giờ đây người đó không phụ thuộc vào bất kì ai khác, cực lạc của người đó là của riêng người đó.
Dục biến mất qua thiền, nhưng điều này không phá huỷ năng lượng. Năng lượng không bao giờ bị phá huỷ cả; chỉ có dạng của năng lượng là thay đổi. Bây giờ nó không còn là dục nữa. Và khi dạng không còn là dục, bạn trở thành việc yêu.
Cho nên thực sự, một người còn dục thì không thể yêu được. Tình yêu của người đó chỉ có thể là sự trưng bày. Tình yêu của người đó chỉ là phương tiện để hướng tới dục. Một người còn dục thì hay dùng tình yêu như kĩ thuật để hướng tới dục. Đó là phương tiện. Một người còn dục không thể yêu thực sự, người đó chỉ có thể khai thác người khác, và tình yêu trở thành cách duy nhất để tiếp cận đến người khác.
Một người đã trở thành vô dục, và năng lượng chuyển vào trong, đều trở thành người tự cực lạc. Cực lạc của người đó là của riêng người đó. Một người như vậy sẽ đáng yêu ngay lần đầu tiên. Tình yêu của người đó sẽ là việc mưa rào thường xuyên, chia sẻ thường xuyên, việc cho thường xuyên. Nhưng để đạt tới điều này bạn không cần phải phản dục. Để đạt đến điều này bạn phải chấp nhận dục là một phần cuộc sống, của cuộc sống tự nhiên. Di chuyển với nó - chỉ di chuyển với nhiều ý thức hơn. Ý thức là cây cầu, cây cầu vàng, từ thế giới này sang thế giới kia, từ địa ngục lên thiên đàng, từ bản ngã tới điều thiêng liêng.
Xem Chương 6 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post