Chương 9. Tâm trí tinh khiết trong chính bản thể nó

Chương 9. Tâm trí tinh khiết trong chính bản thể nó

Price:

Read more

Osho - Kinh nghiệm Mật Tông
Chương 9. Tâm trí tinh khiết trong chính bản thể nó

Khi trong mùa đông
Nước vẫn bị khuấy động bởi gió,
Nó mang hình dạng như băng và kết cấu của đá.
Khi người bị lừa bị khuấy rối
Bởi những ý nghĩ diễn giải,
Điều chưa được tạo hình mẫu
Biến thành rất cứng và rắn.
Tâm trí tinh khiết trong chính sự hiện hữu của nó
Không bao giờ có thể bị ô nhiễm bởi
Những cái không thuần khiết của luân hồi hay niết bàn.
Ngọc quí sâu trong bùn
Sẽ không sáng, dù nó có vẻ rực rỡ.
Tri thức không chiếu sáng trong bóng tối,
Nhưng khi bóng tối được chiếu sáng,
Đau khổ biến mất ngay lập tức.
Chồi nhú ra từ hạt mầm
Và lá nhú ra từ chồi.
Người nghĩ về tâm trí
Dưới dạng một hay nhiều
Quăng đi ánh sáng và
Đi vào thế giới.
Trong ngọn lửa điên dại
Người đó bước với mắt mở - Ai có thể
Đáng từ bi hơn?
A, cái đẹp của sự tồn tại! Vui sướng cực kì về nó! Niềm vui, bài ca, và điệu vũ! Nhưng chúng ta không ở đây. Chúng ta có vẻ tồn tại, nhưng chúng ta gần như không tồn tại, bởi vì chúng ta đã mất tiếp xúc với sự tồn tại, chúng ta đã mất gốc rễ của mình trong nó. Chúng ta như cây bị bật gốc: nhựa cây không còn chảy nữa, nước quả đã khô đi. Hoa không còn tới nữa, và quả... Thậm chí chim chóc cũng không tới làm chỗ trú ẩn trong chúng ta.
Chúng ta chết, bởi vì chúng ta còn chưa được sinh ra. Chúng ta đã lấy việc sinh vật chất làm việc sinh của chúng ta; đấy không phải là việc sinh của chúng ta. Chúng ta vẫn tồn tại như những tiềm năng, chúng ta không trở thành thực tại; do đó mới có bí ẩn. Thực tại là phúc lạc, tiềm năng là bí ẩn. Tại sao nó là như vậy? - bởi vì tiềm năng không thể nghỉ ngơi. Tiềm năng liên tục không nghỉ, nó phải không nghỉ: cái gì đó đang sắp xảy ra. Nó treo trong không trung, nó trong quên lãng.
Nó giống như hạt mầm... làm sao hạt mầm có thể nghỉ ngơi và thảnh thơi được? Nghỉ ngơi và thảnh thơi chỉ được biết tới qua hoa. Hạt mầm phải ở sâu trong khổ, hạt mầm phải liên tục run rẩy. Run rẩy là... liệu nó có khả năng trở thành thực tại không, liệu nó sẽ tìm ra mảnh đất đúng không, liệu nó sẽ tìm ra khí hậu đúng không, liệu nó sẽ tìm ra bầu trời đúng không. Điều đó có sắp xảy ra không, hay nó đơn giản chết đi mà không được sinh ra? Hạt mầm run rẩy bên trong, hạt mầm có lo âu, khổ não. Hạt mầm không thể ngủ được, hạt mầm chịu chứng mất ngủ.
Tiềm năng là tham vọng, tiềm năng khao khát tương lai. Bạn không quan sát thấy điều này trong con người mình sao? - rằng bạn liên tục khao khát cái gì đó xảy ra và nó lại không xảy ra, rằng bạn liên tục thèm khát, hi vọng, ham muốn, mơ mộng, và nó không xảy ra! Và cuộc sống cứ trôi qua. Cuộc sống cứ tuột khỏi bàn tay bạn còn cái chết thì tới gần hơn, và bạn vẫn chưa là thực tại. Ai biết được cái gì sẽ tới trước: thực tại, nhận ra, nở hoa hay có thể là cái chết? Ai biết? Do đó mới có sợ, khổ, run rẩy.
Sứren Kierkegaard đã nói con người là sự run rẩy. Vâng, con người là sự run rẩy bởi vì con người là hạt mầm. Friedrich Nietzsche đã nói con người là chiếc cầu. Đích xác đúng! Con người không phải là chỗ để nghỉ, nó là chiếc cầu để đi qua. Con người là cánh cửa để đi qua, bạn không thể nghỉ tại việc là con người. Con người không phải là sự hiện hữu, con người là mũi tên đang bay... sợi dây căng giữa hai điều vĩnh hằng. Con người là sự căng thẳng. Chỉ con người mới phải chịu lo âu, con vật duy nhất trên trái đất phải chịu lo âu. Nguyên nhân cho điều đó là gì?
Chính là chỉ con người mới tồn tại như một tiềm năng. Con chó là thực tại; không có gì khác hơn xảy ra. Con trâu là thực tại; không có gì hơn, nó đã xảy ra rồi. Bất kì điều gì có thể xảy ra thì đã xảy ra. Bạn không thể nói với con trâu, "Mày còn chưa là con trâu" - điều đó sẽ là ngu xuẩn. Nhưng bạn có thể nói với con người "Anh còn chưa là con người." Bạn có thể nói với con người "Anh còn chưa đầy đủ." Bạn không thể nói với con chó, "Mày còn chưa đầy đủ." Nói điều đó sẽ ngu xuẩn; mọi con chó đều hoàn toàn đầy đủ.
Con người có một khả năng, một tương lai. Con người là sự mở đầu. Cho nên có sợ thường xuyên, liệu chúng ta có định làm điều đó hay không, liệu chúng ta có định làm điều đó lần này hay không... Chúng ta đã bỏ lỡ bao nhiêu lần trước đây? Chúng ta có định bỏ lỡ lần nữa hay không? Đó là lí do tại sao chúng ta không hạnh phúc. Sự tồn tại cứ mở hội: có việc ca hát lớn lao, có niềm vui lớn lao, có niềm hân hoan lớn lao! Toàn thể sự tồn tại bao giờ cũng là cuộc truy hoan, nó là cuộc hội hè. Toàn thể sự tồn tại ở từng khoảnh khắc đều trong cực thích! Bằng cách nào đó con người đã trở thành người lạ.
Con người đã quên mất ngôn ngữ của hồn nhiên. Con người đã quên mất cách quan hệ với sự tồn tại. Con người đã quên mất cách quan hệ với chính mình. Quan hệ với chính mình nghĩa là thiền; quan hệ với sự tồn tại nghĩa là lời cầu nguyện. Con người đã quên mất chính ngôn ngữ này. Đó là lí do tại sao chúng ta lại có vẻ giống như người lạ, người lạ trong gia đình riêng của chúng ta, người lạ với chính mình. Chúng ta không biết chúng ta là ai, và chúng ta không biết tại sao chúng ta hiện hữu, và chúng ta không biết chúng ta tiếp tục tồn tại để làm gì. Dường như là chờ đợi vô tận... chờ đợi Godot.
Chẳng ai biết liệu Godot có bao giờ  tới hay không. Trong thực tế, Godot này là ai vậy? - thậm chí chẳng ai biết tới điều đó. Nhưng người ta phải chờ đợi cái gì đó, cho nên người ta tạo ra ý tưởng nào đó và chờ đợi nó. Thượng đế là ý tưởng đó, cõi trời là ý tưởng đó, niết bàn là ý tưởng đó. Người ta phải chờ đợi bởi vì bằng cách nào đó người ta phải rót đầy sự hiện hữu của mình, bằng không thì người ta cảm thấy rất trống rỗng. Chờ đợi cho cảm giác về mục đích và chiều hướng. Bạn có thể cảm thấy thoải mái: ít nhất thì bạn cũng chờ đợi. Nó còn chưa xảy ra, nhưng nó sẽ xảy ra một ngày nào đó. Nó là cái gì mà sắp xảy ra?
Chúng ta thậm chí đã không đưa ra câu hỏi đúng - còn nói gì tới câu trả lời đúng, chúng ta thậm chí còn không hỏi đúng câu hỏi! Và nhớ lấy, một khi câu hỏi đúng được hỏi, câu trả lời đúng không còn rất xa xôi nữa, nó chỉ ngay góc kia. Trong thực tế nó được che giấu trong bản thân câu hỏi đúng. Nếu bạn cứ hỏi câu hỏi đúng, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời đúng qua chính việc hỏi đó.
Cho nên điều đầu tiên hôm nay tôi muốn nói với các bạn là ở chỗ chúng ta đang bỏ lỡ, chúng ta liên tục bỏ lỡ, bởi vì chúng ta đã lấy tâm trí làm ngôn ngữ để quan hệ với sự tồn tại. Và tâm trí là cách để cắt bạn ra khỏi sự tồn tại. Nó là để tắt bạn đi, nó không phải là cách bật bạn lên. Suy nghĩ là rào chắn. Suy nghĩ giống như bức Trường Thành Trung Quốc bao quanh bạn, và bạn đang mò mẫm qua các ý nghĩ: bạn không thể chạm vào thực tại. Không phải là thực tại xa xôi gì: Thượng đế ở ngay kề bên, nhiều nhất chỉ một lời cầu nguyện ngay lập tức. Nhưng bạn lại đang làm điều gì đó giống như việc nghĩ, nghiền ngẫm, phân tích, diễn giải, triết lí, thế thì bạn bắt đầu rơi ra xa, xa mãi, xa mãi. Bạn càng rời xa khỏi thực tại, bởi vì bạn càng có nhiều ý nghĩ, lại càng khó để nhìn qua chúng. Chúng tạo ra làn sương dầy. Chúng tạo ra mù quáng.
Đây là một trong những điều nền tảng của Mật tông: rằng tâm trí suy nghĩ là tâm trí bỏ lỡ, rằng suy nghĩ không phải là ngôn ngữ để quan hệ với thực tại. Thế thì ngôn ngữ để quan hệ với thực tại là gì? Vô suy nghĩ. Lời là vô nghĩa với thực tại. Im lặng là có nghĩa. Im lặng là hàm chứa, lời chỉ là chết. Người ta phải học ngôn ngữ của sự tồn tại.
Và thế thì điều gì đó đích xác giống như thế này xảy ra: bạn trong bụng mẹ của mẹ bạn... bạn đã quên mất về nó hoàn toàn, nhưng trong chín tháng bạn đã không nói lấy một lời, nhưng các bạn đã cùng nhau, trong im lặng sâu sắc. Bạn đã là một với mẹ bạn; không có rào chắn nào giữa bạn và mẹ bạn, bạn đã không tồn tại như một cái ta tách biệt. Trong im lặng sâu sắc đó, mẹ bạn và bạn là một. Có thống nhất vô cùng; nó không phải là hợp nhất, nó là thống nhất. Các bạn không phải là hai cho nên nó không phải việc hợp nhất, nó là thống nhất đơn giản. Bạn không phải là hai.
Cái ngày bạn lại trở nên im lặng, cùng điều đó xảy ra: lần nữa bạn rơi vào trong bụng mẹ của sự tồn tại. Lần nữa bạn quan hệ - bạn quan hệ theo cách hoàn toàn mới. Không đích xác hoàn toàn mới, bởi vì bạn đã biết nó trong bụng của mẹ bạn, nhưng bạn đã quên mất nó. Đó là điều tôi ngụ ý khi tôi nói con người đã quên mất ngôn ngữ về cách quan hệ. Đó là cách thức: như bạn có quan hệ với mẹ bạn trong bụng mẹ. Mọi rung động đều được truyền đạt tới người mẹ, mọi rung động của mẹ đều được truyền tới bạn. Có hiểu biết đơn giản; không hiểu lầm nào tồn tại giữa bạn và mẹ bạn. Hiểu lầm tới chỉ khi suy nghĩ bước vào.
Làm sao bạn có thể hiểu lầm ai đó mà không có suy nghĩ? Bạn có thể làm thế được không? Bạn có thể hiểu lầm tôi được không nếu bạn không nghĩ về tôi? Làm sao bạn có thể hiểu lầm được? Và làm sao bạn có thể hiểu được tôi nếu bạn nghĩ? Không thể được. Khoảnh khắc bạn nghĩ, bạn đã bắt đầu diễn giải. Khoảnh khắc bạn nghĩ, bạn không nhìn vào tôi, bạn tránh tôi. Bạn đang trốn đằng sau ý nghĩ của mình. Ý nghĩ của bạn tới từ quá khứ của bạn. Tôi ở đây, hiện tại, tôi là phát biểu ở đây bây giờ, còn bạn mang quá khứ của mình vào.
Bạn phải biết về con mực... Khi mực muốn trốn, nó tiết ra mực đen quanh nó, một đám mây mực đen. Thế thì không ai có thể thấy được mực, nó đơn giản mất đi trong đám mây mực đen do nó tạo ra; đấy là biện pháp an toàn của nó. Đích xác cùng điều đó đang xảy ra khi bạn thả ra một đám mây ý nghĩ quanh mình - bạn bị mất trong nó. Thế thì bạn không thể quan hệ được và không ai có thể quan hệ với bạn. Không thể nào quan hệ được với tâm trí; bạn chỉ có thể quan hệ với tâm thức. Tâm thức không có quá khứ. Tâm trí chỉ là quá khứ mà không là cái gì khác.
Cho nên điều đầu tiên Mật tông nói là ở chỗ bạn phải học ngôn ngữ của cực thích. Lần nữa, khi bạn đang làm tình với người đàn bà hay đàn ông, điều gì xảy ra? Trong vài giây - nó là rất hiếm; thậm chí nó đang trở thành ngày một hiếm hơn khi con người ngày càng trở nên văn minh hơn. Trong vài giây bạn không trong tâm trí. Với một cú sốc bạn bị cắt rời khỏi tâm trí, trong một cái nhảy bạn ở ngoài tâm trí. Trong vài giây đó của cực thích khi bạn ở ngoài tâm trí, bạn lại quan hệ. Lần nữa bạn trở lại trong bụng mẹ, trong bụng mẹ của người phụ nữ của bạn hay trong bụng mẹ của người đàn ông của bạn. Bạn không còn tách biệt nữa. Lần nữa có thống nhất - không hợp nhất.
Khi bạn bắt đầu làm tình với người phụ nữ, có sự bắt đầu của việc hợp nhất. Nhưng khi cực thích tới thì không có sự hợp nhất, có sự thống nhất; nhị nguyên mất đi. Điều gì xảy ra trong cái kinh nghiệm đỉnh, sâu sắc đó?
Mật tông nhắc đi nhắc lại cho bạn rằng bất kì điều gì xảy ra trong khoảnh khắc đỉnh đó đều là ngôn ngữ để quan hệ với sự tồn tại. Nó là ngôn ngữ của nội dung chính, nó là ngôn ngữ của chính sự hiện hữu của bạn. Cho nên hoặc nghĩ xem dưới dạng khi bạn còn ở trong bụng mẹ hay nghĩ dưới dạng khi bạn lại mất đi trong bụng của người yêu và trong vài giây tâm trí không làm việc.
Những khoảnh khắc của vô trí là những thoáng nhìn của bạn vào samadhi, những thoáng nhìn về Thượng đế. Chúng ta đã quên mất ngôn ngữ đó, và ngôn ngữ đó phải được học lại. Tình yêu là ngôn ngữ đó.
Ngôn ngữ của tình yêu là im lặng. Khi hai người yêu nhau thực sự trong hài hoà sâu sắc, trong điều Carl Jung hay gọi là đồng bộ, khi những rung động của họ chỉ là sự đồng bộ với nhau, khi họ cả hai rung động theo cùng bước sóng, thế thì có im lặng. Thế thì những người yêu không thích nói. Chỉ chồng và vợ mới nói, những người yêu rơi vào im lặng.
Trong thực tế chồng và vợ không thể giữ im lặng được bởi vì ngôn ngữ là cách để tránh người kia. Nếu bạn không tránh người kia, nếu bạn không nói, sự hiện diện của người kia sẽ trở thành rất lúng túng. Chồng và vợ lập tức nhả ra mực của mình. Bất kì cái gì cũng có tác dụng, nhưng họ nhả ra mực xung quanh mình; họ mất đi trong đám mây, thế thì không có vấn đề gì.
Ngôn ngữ không phải là cách để quan hệ, ít nhiều nó là cách để né tránh. Khi bạn ở trong tình yêu sâu sắc bạn có thể cầm tay người yêu của mình, nhưng bạn sẽ im lặng... hoàn toàn im lặng, không một gợn sóng. Trong cái hồ tâm thức không gợn sóng đó của bạn, cái gì đó được truyền trao, thông điệp được trao. Nó là thông điệp vô lời.
Mật tông nói: Người ta phải học ngôn ngữ của tình yêu, ngôn ngữ của im lặng, ngôn ngữ của sự hiện diện của nhau, ngôn ngữ của trái tim, ngôn ngữ của nội dung.
Chúng ta đã học một ngôn ngữ không mang tính tồn tại. Chúng ta đã học một ngôn ngữ xa lạ - tiện dụng dĩ nhiên... đáp ứng cho một mục đích nào đó dĩ nhiên - nhưng khi có liên quan tới sự bùng nổ tâm thức cao hơn, nó là rào chắn. Tại mức độ thấp hơn, nó là được. Trong bãi chợ dĩ nhiên bạn cần ngôn ngữ nào đó, im lặng sẽ không có tác dụng. Nhưng khi bạn đi sâu hơn và cao hơn, ngôn ngữ đó sẽ không có tác dụng.
Mới hôm nọ tôi vừa nói về các luân xa; tôi đã nói về hai luân xa: luân xa muladhar và luân xa svadhishthan. Muladhar nghĩa là cơ sở, gốc rễ. Nó là trung tâm dục, hay bạn có thể gọi nó là trung tâm cuộc sống, trung tâm sinh. Chính từ muladhar mà bạn được sinh ra. Chính là từ muladhar của mẹ bạn và muladhar của bố bạn mà bạn đã đạt tới thân thể này. Luân xa tiếp là svadhishthan: nó có nghĩa là nơi ở của cái ta; nó là luân xa chết. Nó là một cái tên rất lạ trao cho luân xa chết: nơi ở của cái ta, svadhishthan, nơi bạn thực sự tồn tại. Trong cái chết sao? - vâng.
Khi bạn chết, bạn tới sự tồn tại thuần khiết của mình, bởi vì chỉ cái mà chết đi thì mới không phải là bạn. Thân thể chết. Thân thể được sinh ra từ muladhar. Khi bạn chết, thân thể biến mất, nhưng bạn thì sao? - không. Bất kì cái gì đã được muladhar trao cho thì đều bị svadhishthan lấy đi. Mẹ và bố bạn đã cho bạn một cái máy nào đó; cái đó bị lấy đi trong cái chết. Nhưng bạn thì sao? - bạn tồn tại thậm chí trước khi bố bạn và mẹ bạn đã biết nhau; bạn bao giờ cũng đã tồn tại.
Jesus nói - ai đó hỏi ông ấy về Abraham, ông ấy nghĩ gì về nhà tiên tri Abraham, và ông ấy nói: Abraham ư? Ta hiện hữu, trước khi Abraham dã từng hiện hữu. Abraham đã tồn tại gần hai nghìn, ba nghìn năm trước Jesus, và ông ấy nói: ta hiện hữu, trước khi Abraham hiện hữu! Ông ấy đang nói về cái gì vậy? Khi có liên quan tới thân thể, làm sao ông ấy có thể trước Abraham được? Ông ấy đang không nói về thân thể, ông ấy đang nói về cái ta-đây, sự hiện hữu thuần khiết của ông ấy - cái vĩnh hằng.
Cái tên này, svadhishthan, là hay. Nó đích xác là trung tâm mà ở Nhật Bản được biết là hara. Đó là lí do tại sao ở Nhật Bản việc tự tử lại được gọi là harakiri - làm chết hay giết bản thân mình qua trung tâm hara. Svadhishthan này chỉ lấy đi cái mà muladhar đã cho, nhưng cái mà tới từ vĩnh hằng, tâm thức của bạn, không bị lấy đi.
Người Hindus đã là những nhà thám hiểm vĩ đại về tâm thức. Họ gọi nó là svadhishthan bởi vì khi bạn chết thế thì bạn biết mình là ai. Chết trong tình yêu và bạn sẽ biết mình là ai. Chết trong thiền và bạn sẽ biết mình là ai. Chết quá khứ và bạn sẽ biết mình là ai. Chết tâm trí và bạn sẽ biết mình là ai. Cái chết là cách để biết.
Trong những ngày cổ đại ở Ấn Độ, thầy được gọi là cái chết - bởi vì bạn phải chết trong thầy. Đệ tử phải chết trong thầy, chỉ thế thì người đó mới đi tới biết mình là ai.
Hai trung tâm này đã bị xã hội đầu độc rất nhiều; đây là những trung tâm dễ dàng có sẵn cho xã hội. Bên ngoài hai trung tâm này là năm trung tâm nữa. Trung tâm thứ ba là manipura, thứ tư là anahata, thứ năm là vishuddha, thứ sáu là agya, và thứ bẩy là sahasrar.
Trung tâm thứ ba, manipura, là trung tâm của tất cả các tình cảm, xúc động của bạn. Chúng ta cứ kìm nén các xúc động của mình trong manipura; nó có nghĩa là kim cương. Cuộc sống là có giá trị bởi vì tình cảm, xúc động, tiếng cười, nước mắt và nụ cười. Cuộc sống là có giá trị bởi vì tất cả những điều này, đây là niềm vinh quang của cuộc sống. Do đó luân xa này được gọi là manipura, luân xa kim cương.
Chỉ con người mới có khả năng có kim cương quí báu này. Con vật không thể cười được; một cách tự nhiên chúng cũng không thể khóc được. Nước mắt là một chiều hướng nào đó mà chỉ con người mới có sẵn. Cái đẹp của nước mắt, cái đẹp của tiếng cười, tính thơ ca của nước mắt và tính thơ ca của tiếng cười chỉ con người mới có. Tất cả các con vật khác tồn tại với chỉ hai luân xa, muladhar và svadhishthan. Chúng được sinh ra và chết đi; giữa hai điều này không có gì mấy. Nếu bạn cũng được sinh ra và bạn chết đi, bạn là con vật, bạn còn chưa là con người. Và nhiều triệu người tồn tại chỉ với hai luân xa này; họ chưa bao giờ đi ra ngoài chúng.
Chúng ta đã được dạy phải kìm nén tình cảm, chúng ta đã được dạy đừng thể hiện tình cảm. Chúng ta đã được dạy đừng chú ý về mặt tình cảm: hãy thiết thực, hãy cứng rắn; đừng mềm yếu, đừng mong manh, bằng không thì bạn sẽ bị khai thác. Hãy cứng rắn! Ít nhất thì cũng giả vờ rằng bạn cứng rắn, ít nhất thì cũng giả vờ rằng bạn là nguy hiểm, rằng bạn không phải là người mềm yếu. Tạo ra sợ hãi quanh bạn. Đừng cười, bởi vì nếu bạn cười, bạn không thể tạo ra sợ quanh mình được. Đừng khóc; nếu bạn khóc, bạn tỏ ra là mình sợ chính mình. Đừng bày tỏ những giới hạn con người của bạn. Giả vờ rằng bạn hoàn hảo. Kìm nén trung tâm thứ ba và bạn trở thành người lính, không phải là một con người nhưng là người lính - một người của quân đội, người giả.
Nhiều công việc được thực hiện trong Mật tông để làm thảnh thơi trung tâm thứ ba này. Xúc động phải được làm nhẹ, thảnh thơi. Khi bạn cảm thấy thích khóc, bạn phải khóc, khi bạn cảm thấy thích cười, bạn phải cười. Bạn phải vứt bỏ cái vô nghĩa của kìm nén này; bạn phải học diễn đạt, bởi vì chỉ qua tình cảm của mình, xúc động của mình, nhạy cảm của mình, bạn mới đi tới sự rung động đó mà qua nó trao đổi mới là có thể.
Bạn không thấy điều đó sao? Bạn có thể nói nhiều tuỳ ý bạn và chẳng cái gì được nói cả; nhưng nước mắt lăn dài trên má bạn... và mọi việc được nói ra. Nước mắt có thể nói nhiều hơn; bạn có thể nói hàng giờ và cũng chẳng tác dụng gì, và nước mắt có thể nói được tất cả. Bạn có thể cứ nói, "Tôi rất hạnh phúc, thế này thế nọ..." nhưng khuôn mặt bạn sẽ chỉ ra ngay cái đối lập. Một tiếng cười nhỏ, một tiếng cười đích thực, và bạn không cần nói gì cả, tiếng cười nói tất cả. Khi bạn thấy người bạn của mình, khuôn mặt bạn rạng rỡ, loé lên niềm vui.
Trung tâm thứ ba phải được làm ngày một sẵn có hơn. Nó chống lại suy nghĩ, cho nên nếu bạn cho phép trung tâm thứ ba này, bạn sẽ thảnh thơi trong tâm trí căng thẳng của mình một cách dễ dàng hơn. Chân thực, nhạy cảm; tiếp xúc nhiều hơn, cảm nhiều hơn, cười nhiều hơn, khóc nhiều hơn. Và nhớ, bạn không thể làm nhiều hơn cái được cần, bạn không thể làm quá mức. Bạn thậm chí không thể đem tới nhiều nước mắt hơn là được cần tới, và bạn không thể cười nhiều hơn là được cần tới. Cho nên đừng sợ, và đừng keo kiệt.
Mật tông cho phép cuộc sống với mọi xúc động của nó.
Có ba trung tâm thấp - thấp không theo nghĩa của đánh giá. Đây là ba trung tâm thấp, bậc thang thấp của chiếc thang. Thế rồi tới trung tâm thứ tư, trung tâm trái tim, được gọi là anahata. Từ này là hay. Anahata nghĩa là âm thanh không bật ra. Nó đích xác mang nghĩa của điền thiền nhân vẫn ngụ ý khi họ nói, "Bạn có nghe thấy tiếng vỗ tay của một bàn tay hay không?" - âm thanh không bật ra. Trái tim chỉ ở giữa: ba trung tâm dưới nó, ba trung tâm trên nó. Và trái tim là cánh cửa từ thấp lên cao, hay từ cao xuống thấp. Trái tim giống như chỗ giao đường.
Và trái tim đã hoàn toàn bị bỏ qua. Bạn chưa được học mang tình cảm. Bạn thậm chí chưa được cho phép đi vào trong thực tại của trái tim, bởi vì điều đó rất nguy hiểm. Nó là trung tâm của âm thanh vô âm. Nó là trung tâm vô ngôn ngữ, âm thanh không bật ra. Ngôn ngữ là âm thanh bật ra, chúng ta phải tạo ra nó bằng dây thanh của mình; nó phải được gõ vào, nó là việc vỗ tay của hai bàn tay. Trái tim là việc vỗ tay của một bàn tay: trong trái tim không có lời, nó là vô lời.
Chúng ta đã né tránh trái tim hoàn toàn, chúng ta đã bỏ qua nó. Chúng ta đi vào trong sự hiện hữu của mình theo cách dường như trái tim không tồn tại, hay nhiều nhất thì dường như nó chỉ là cái máy bơm cho việc thở, có vậy thôi. Nó không phải vậy. Phổi không phải là tim. Tim ẩn sâu đằng sau phổi. Và nó cũng không phải là vật lí, nó là chỗ từ đó tình yêu nảy sinh. Đó là lí do tại sao tình yêu không phải là một tình cảm, và tình yêu tình cảm thuộc về trung tâm thứ ba, không thuộc về trung tâm thứ tư.
Tình yêu không chỉ là tình cảm. Tình yêu có chiều sâu hơn tình cảm, tình yêu có sự chắc chắn hơn tình cảm. Tình cảm là tạm thời. Tình cảm về tình yêu ít nhiều bị hiểu lầm là kinh nghiệm tình yêu. Một ngày nào đó bạn rơi vào tình yêu với người đàn ông hay đàn bà và ngày hôm sau nó qua đi, và bạn gọi nó là tình yêu. Nó không phải là tình yêu, nó là tình cảm. Bạn đã thích người đàn bà - thích, nhớ, không phải yêu - nó là việc thích, chỉ như bạn thích kem. Nó là việc thích. Thích tới rồi đi, thích là tạm thời; chúng không thể ở lại lâu được, chúng không có phẩm chất nào để ở lại lâu. Bạn thích một người đàn bà, bạn yêu cô ấy, và kết thúc - việc thích kết thúc. Nó cũng hệt như bạn thích kem; bạn đã ăn nó, bây giờ bạn không nhìn vào kem chút nào. Và nếu ai đó cứ cho bạn nhiều kem, bạn sẽ nói, "Bây giờ thì buồn nôn rồi; dừng lại! Tôi không thể ăn thêm được nữa."
Thích không phải là yêu. Đừng bao giờ hiểu lầm thích là yêu, bằng không thì cả cuộc sống của bạn sẽ chỉ là bèo dạt mây trôi, bạn sẽ trôi dạt từ người này sang người khác. Thân mật sẽ chẳng bao giờ phát triển.
Trung tâm thứ tư, anahata, rất có ý nghĩa, bởi vì chính trong trái tim mà lần đầu tiên bạn được quan hệ với mẹ bạn. Chính qua trái tim mà bạn được quan hệ với mẹ bạn, không qua cái đầu. Trong tình yêu sâu sắc, trong cực thích sâu sắc, lần nữa bạn lại được quan hệ qua trái tim, không qua đầu. Trong thiền, trong lời cầu nguyện, cùng điều đó xảy ra: bạn được quan hệ với sự tồn tại qua trái tim, trái tim sang trái tim. Vâng, đấy là đối thoại - trái tim sang trái tim, không đầu sang đầu. Nó là vô ngôn ngữ.
Và trung tâm trái tim là trung tâm mà từ đó âm thanh vô âm nảy sinh. Nếu bạn thảnh thơi trong trung tâm trái tim, bạn sẽ nghe thấy omkar, aum. Đó là một khám phá lớn. Những người đã đi vào trái tim, họ nghe thấy tiếng tụng liên tục bên trong bản thể họ mà có âm hưởng giống như 'aum'. Bạn đã bao giờ nghe thấy bất kì cái gì như tiếng tụng mà tự nó cứ tiếp diễn không? - không phải là bạn làm điều đó...
Đó là lí do tại sao tôi không thiên về mật chú. Bạn có thể cứ tụng "Aum, aum, aum," và bạn có thể tạo ra thay thế tinh thần cho trái tim. Điều đó sẽ không có ích, nó là lừa dối. Và bạn có thể cứ tụng trong nhiều năm và bạn có thể tạo ra một âm thanh giả bên trong bản thân mình cứ như là trái tim bạn đang nói; nó không phải vậy. Để biết trái tim, bạn không tụng aum, bạn chỉ im lặng. Một hôm, bỗng nhiên câu mật chú có đó. Một hôm, khi bạn rơi vào im lặng, bỗng nhiên bạn nghe thấy âm thanh tới từ không đâu cả. Nó nảy sinh ra từ bạn từ cốt lõi bên trong nhất; nó là âm thanh im lặng bên trong của bạn. Cũng hệt như trong đêm, im lặng có âm thanh nào đó, âm thanh của im lặng, đích xác giống như thế ở mức độ rất, rất sâu hơn, âm thanh nảy sinh trong bạn.
Nó nảy sinh, để tôi nhắc đi nhắc lại cho bạn. Không phải là bạn mang nó vào; không phải là bạn lặp lại "Aum, aum." Không, bạn không nói lấy một lời. Bạn đơn giản yên tĩnh, bạn đơn giản im lặng, và nó bột phát như dòng suối... Bỗng nhiên nó bắt đầu tuôn chảy, nó có đó. Bạn nghe thấy nó - bạn không nói nó, bạn nghe thấy nó.
Đó là ý nghĩa khi người Hồi giáo nói rằng Mohammed đã nghe thấy kinh Koran - đó là ý nghĩa. Điều đó đích xác là điều xảy ra tại cốt lõi bên trong nhất của trái tim bạn - không phải là bạn nói nó, bạn nghe nó. Mohammed đã nghe thấy kinh Koran, ông ấy đã nghe thấy nó xảy ra bên trong. Ông ấy đã thực sự phân vân; ông ấy chưa bao giờ nghe thấy bất kì cái gì giống điều này. Nó là không biết thế, nó là không quen thuộc thế. Câu chuyện kể rằng ông ấy trở nên ốm... nó huyền bí thế! Khi bỗng nhiên đang ngồi trong phòng mình, nếu một ngày nào đó bạn bắt đầu nghe thấy bên trong aum, aum, hay bất kì cái gì, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy, "Mình có điên không nhỉ?" Bạn không nói điều đó, không ai khác nói điều đó - bạn có điên không?
Mohammed đang ngồi trên đỉnh núi khi ông ấy nghe thấy điều đó. Ông ấy trở về nhà run rẩy, vã mồ hôi, ông ấy bị sốt cao. Ông ấy thực sự trở nên bị rối loạn... ông ấy nói với vợ mình, "Đưa tất cả chăn lại đắp cho anh! Anh chưa bao giờ bị run rẩy thế này; cơn sốt lớn đã tới với anh."
Nhưng vợ ông ấy có thể thấy rằng khuôn mặt ông ấy rạng rỡ: "Kiểu sốt gì thế này? Mắt anh ấy như bùng cháy, ngọn lửa với cái gì đó cực kì đẹp. Duyên dáng đã đi cùng anh ấy vào nhà. Im lặng lớn đã trùm xuống ngôi nhà." Ngay cả vợ ông ấy cũng bắt đầu nghe thấy cái gì đó. Bà ấy nói với Mohammed, "Em không nghĩ nó là cơn sốt, em nghĩ Thượng đế đã ban ân huệ cho anh. Đừng sợ! Điều gì đã xảy ra? Kể cho em đi!"
Vợ ông ấy đã là người Hồi giáo đầu tiên; Khadija là tên bà ấy. Bà ấy là người chuyển đạo đầu tiên. Bà ấy nói, "Em có thể thấy. Thượng đế đã xảy ra cho anh, cái gì đó đã xảy ra cho anh, cái gì đó đang chảy từ trái tim anh ra khắp mọi chốn. Anh đã trở thành chói sáng! Anh chưa bao giờ giống như thế này, cái gì đó phi thường đã xảy ra. Nói cho em tại sao anh lại lo nghĩ và run rẩy nhiều thế. Có thể nó là cái mới, nhưng nói cho em."
Và Mohammed kể lại cho bà ấy, rất sợ hãi về điều bà ấy nghĩ, nhưng bà ấy đã trở nên được chuyển đạo; bà ấy là người Hồi giáo đầu tiên.
Điều đó bao giờ cũng xảy ra như vậy. Người Hindu nói Veda đã được đích thân Thượng đế trích đọc. Điều đó đơn giản nghĩa là họ đã được nghe. Tại Ấn Độ để nói tới kinh sách linh thiêng chúng ta có một từ, từ đó là shruti; shruti nghĩa là cái đã được nghe thấy.
Tại trung tâm này của trái tim, luân xa anahata, bạn nghe thấy. Nhưng bạn đã không nghe thấy gì bên trong mình - không âm thanh, không omkar, không mật chú. Điều đó đơn giản nghĩa là bạn đã né tránh trái tim. Thác nước có đó, và âm thanh của luồng nước chảy có đó, nhưng bạn đã né tránh nó. Bạn đã bỏ qua; bạn đã lấy con đường khác nào đó, bạn đã lấy lối tắt. Lối tắt đơn giản đi từ trung tâm thứ ba, né tránh trung tâm thứ tư. Trung tâm thứ tư là trung tâm nguy hiểm nhất bởi vì nó là trung tâm mà từ đó tin cậy được sinh ra, niềm tin được sinh ra. Và tâm trí phải tránh nó. Nếu tâm trí không tránh nó, thế thì sẽ không có khả năng nào cho hoài nghi cả. Tâm trí sống qua hoài nghi.
Đây là trung tâm thứ tư. Và Mật tông nói: Qua tình yêu bạn sẽ đi tới biết trung tâm thứ tư này.
Trung tâm thứ năm được gọi là vishuddha. Vishuddha nghĩa là thuần khiết. Chắc chắn sau khi tình yêu đã xảy ra thì có thuần khiết và hồn nhiên, chưa bao giờ có trước nó. Chỉ tình yêu làm thuần khiết, và chỉ tình yêu, không cái gì khác làm thuần khiết. Ngay cả người xấu nhất trong tình yêu cũng trở thành đẹp. Tình yêu là nước cam lồ: nó lau sạch mọi chất độc. Cho nên luân xa thứ năm được gọi là vishuddha - vishuddha nghĩa là thuần khiết, tuyệt đối thuần khiết. Nó là trung tâm họng.
Và Mật tông nói: Chỉ nói khi bạn đã đi tới trung tâm thứ năm qua trung tâm thứ tư - chỉ nói qua tình yêu, bằng không thì đừng nói. Nói qua từ bi, bằng không thì đừng nói. Phỏng có ích gì mà nói? Nếu bạn đã tới qua trái tim và nếu bạn đã nghe Thượng đế nói ở đó hay Thượng đế đang chạy ở đó như thác nước, nếu bạn đã nghe thấy âm thanh của Thượng đế, âm thanh của tiếng vỗ tay của một bàn tay, thế thì bạn được phép nói. Thế thì trung tâm họng của bạn có thể truyền đạt được thông điệp, thế thì cái gì đó có thể được đổ ra ngay cả trong lời. Khi bạn có nó, nó có thể được đổ ra thậm chí trong lời.
Rất ít người đi tới trung tâm thứ năm, rất hiếm hoi - bởi vì họ thậm chí không tới trung tâm thứ tư, nên làm sao họ có thể tới trung tâm thứ năm được? Điều đó là rất hiếm hoi. Đâu đó một Christ, một Phật, một Saraha, họ đi tới trung tâm thứ năm. Cái đẹp ngay cả của lời của họ cũng mang im lặng. Họ nói và ấy vậy mà họ không nói. Họ nói và họ nói điều không thể nói được, điều không thể tả được, điều không thể diễn đạt được.
Bạn cũng dùng họng, nhưng đấy không phải là vishuddha. Luân xa này hoàn toàn chết. Khi luân xa kia bắt đầu, lời của bạn có mật trong chúng. Thế thì lời của bạn có hương thơm, thế thì lời của bạn có âm nhạc với chúng, điệu vũ. Thế thì bất kì cái gì bạn nói cũng dều là thơ ca, bất kì cái gì bạn thốt ra cũng là niềm vui tột đỉnh.
Và luân xa thứ sáu là agya: agya nghĩa là trật tự. Với luân xa thứ sáu bạn trong trật tự, chưa bao giờ trước nó. Trước nó bạn là nô lệ. Với luân xa thứ sáu, bất kì điều gì bạn nói đều sẽ xảy ra, bất kì điều gì bạn ham muốn đều sẽ xảy ra. Với luân xa thứ sáu bạn có ý chí, chưa bao giờ trước nó; trước nó, ý chí không tồn tại. Nhưng có một nghịch lí trong nó.
Với luân xa thứ tư bản ngã biến mất. Với luân xa thứ năm tất cả mọi cái không thuần khiết biến mất và thế rồi bạn có ý chí - cho nên bạn không thể làm hại qua ý chí của bạn được. Trong thực tế nó không còn là ý chí của bạn nữa, nó là ý chí của Thượng đế, bởi vì bản ngã biến mất ở trung tâm thứ tư, mọi điều không thuần khiết biến mất ở trung tâm thứ năm. Bây giờ bạn là sinh linh thuần khiết nhất, chỉ là một phương tiện, một công cụ, một sứ giả. Bây giờ bạn có ý chí bởi vì bạn không hiện hữu, bây giờ ý chí của Thượng đế là ý chí của bạn.
Rất hãn hữu một người mới tới luân xa thứ sáu này, bởi vì đây là luân xa cuối cùng, theo một cách nào đó. Trong thế giới này thì đây là cuối cùng. Bên ngoài điều này là trung tâm thứ bẩy, nhưng thế thì bạn đi vào một thế giới hoàn toàn khác, một thực tại tách biệt. Trung tâm thứ sáu là đường biên giới cuối cùng, vị trí kiểm soát.
Trung tâm thứ bẩy là sahasrar: sahasrar nghĩa là hoa sen một nghìn cánh. Khi năng lượng của bạn di chuyển tới trung tâm thứ bẩy, sahasrar, bạn trở thành hoa sen. Bây giờ bạn không cần đi tới bất kì hoa nào để tìm mật, bây giờ các con ong khác bắt đầu tới bạn. Bây giờ bạn hấp dẫn ong từ cả trái đất - hay đôi khi từ các hành tinh khác ong bắt đầu tới bạn. Sahasrar của bạn đã mở, hoa sen của bạn đang độ nở đầy. Hoa sen này là niết bàn.
Trung tâm thấp nhất là muladhar. Từ trung tâm thấp nhất cuộc sống được sinh ra, cuộc sống của thân thể và giác quan. Với trung tâm thứ bẩy cuộc sống được sinh ra - cuộc sống vĩnh hằng, không của thân thể, không của giác quan. Đây là sinh lí Mật tông. Nó không phải là sinh lí của các sách y. Xin đừng tìm nó trong sách y, nó không có đó. Nó là biểu dụ, đó là cách nói thôi. Nó là bản đồ để làm cho mọi sự được dễ hiểu. Nếu bạn đi theo cách này, bạn sẽ không bao giờ đi tới đám mây của ý nghĩ. Nếu bạn né tránh luân xa thứ tư, thế thì bạn đi vào cái đầu. Bây giờ ở trong đầu nghĩa là không trong tình yêu; trong ý nghĩ nghĩa là không trong tin cậy; suy nghĩ nghĩa là không nhìn.
Bây giờ đến lời kinh:
Khi trong mùa đông nước vẫn bị khuấy động bởi gió,
Nó mang hình dạng như băng và kết cấu của đá.
Khi người bị lừa bị khuấy rối bởi những ý nghĩ diễn giải,
Điều chưa được tạo hình mẫu biến thành rất cứng và rắn.
Saraha nói: ...trong mùa đông... Lắng nghe từng lời, thiền về từng lời.
... trong mùa đông nước vẫn bị khuấy động bởi gió,
Nó mang hình dạng như băng và kết cấu của đá.
Hồ im lặng không gợn sóng nào là biểu dụ cho tâm thức. Hồ im lặng không gợn sóng nào, không con sóng, không khuấy động, không gió thổi... đó là biểu dụ cho tâm thức. Hồ là chất lỏng, tuôn chảy, im lặng; nó không cứng, nó không giống đá. Nó mềm như hoa hồng, nó mong manh. Nó có thể chảy theo mọi hướng, nó không bị cản. Nó có luồng chảy và nó có cuộc sống và nó có tính năng động, nhưng không cái gì bị quấy rối; hồ là im lặng, an bình. Đây là trạng thái của tâm thức.
Trong mùa đông... 'mùa đông' nghĩa là khi ham muốn đã nảy sinh. Tại sao lại gọi chúng là mùa đông? Khi ham muốn nảy sinh, bạn trong vùng đất hoang vắng lạnh lẽo, bởi vì chúng chẳng bao giờ được thoả mãn cả. Ham muốn là nơi hoang vắng. Chúng lừa bạn, chẳng có hoàn thành trong chúng. Chúng chưa bao giờ đi tới bất kì khai hoa kết quả nào; nó là mảnh đất hoang vắng và rất lạnh lẽo, lạnh như cái chết. Không cuộc sống nào tuôn chảy qua ham muốn. Ham muốn phong bế cuộc sống, chúng không giúp cuộc sống.
Cho nên Saraha nói: Khi trong mùa đông... khi ham muốn đã nảy sinh trong bạn, đó là khí hậu của mùa đông... nước vẫn bị khuấy động bởi gió... và ý nghĩ tới, cả nghìn lẻ một ý nghĩ từ mọi hướng; đó là biểu tượng của gió. Gió đang tới, gió bão đang tới; bạn đang trong trạng thái ham muốn, đầy những thèm khát, tham vọng, trở thành, và ý nghĩ nảy sinh.
Trong thực tế, ham muốn mời ý nghĩ. Chừng nào bạn còn chưa ham muốn, ý nghĩ không thể tới được. Chỉ bắt đầu một ham muốn và ngay lập tức bạn sẽ thấy ý nghĩ đã bắt đầu tới. Chỉ mới khoảnh khắc trước đã không có lấy một suy nghĩ, và thế rồi một chiếc xe đi ngang qua và một ham muốn đã nảy sinh: bạn sẽ thích có chiếc xe này. Bây giờ cả nghìn lẻ một ý nghĩ, ngay lập tức chúng có đó. Ham muốn mời ý nghĩ. Cho nên khi có ham muốn, ý nghĩ sẽ tới từ mọi hướng, gió sẽ thổi trên chiếc hồ tâm thức. Và ham muốn là lạnh, còn ý nghĩ thì cứ khuấy động chiếc hồ.
Khi trong mùa đông nước vẫn bị khuấy động bởi gió,
Nó mang hình dạng như băng và kết cấu của đá.
Thế thì hồ bắt đầu trở nên bị đông cứng. Nó bắt đầu trở nên cứng, cứng như đá; nó mất tính lỏng, nó trở thành đông cứng. Đây là điều trong Mật tông được gọi là tâm trí.
Thiền về nó. Tâm trí và tâm thức không phải là hai thứ mà là hai trạng thái, hai pha của cùng một hiện tượng. Tâm thức là lỏng, tuôn chảy; tâm trí tựa đá, giống như băng. Tâm thức giống như nước, tâm trí giống băng; nó là cùng một thứ. Cùng nước đó trở thành băng, và băng có thể được làm tan ra; qua tình yêu, qua nồng nhiệt, nó có thể được làm tan ra lần nữa và sẽ trở thành nước.
Và giai đoạn thứ ba này là khi nước bay hơi và trở thành không thấy được và biến mất; đó là niết bàn, sự dừng lại. Bạn thậm chí không thể thấy được nó bây giờ. Nước là lỏng, nhưng bạn có thể thấy được: khi nó bay hơi, nó đơn giản biến mất, nó đi vào trong cái không biểu lộ. Đây là ba trạng thái của nước và đây là ba trạng thái của tâm trí nữa. Tâm trí nghĩa là băng, tâm thức nghĩa là nước lỏng, niết bàn nghĩa là việc bay hơi.
Khi người bị lừa bị khuấy rối bởi những ý nghĩ diễn giải,
Điều chưa được tạo hình mẫu biến thành rất cứng và rắn.
Hồ không có hình mẫu. Bạn có thể đổ nước vào bất kì cái bình nào, nó sẽ lấy hình dạng của cái bình. Nhưng bạn không thể đổ băng vào bất kì cái bình nào: nó sẽ chống lại, nó sẽ tranh đấu.
Hai kiểu người tới với tôi: một kiểu người tới như nước... Buông xuôi của người đó là đơn giản, rất hồn nhiên, như trẻ thơ; người đó không kháng cự. Công việc bắt đầu ngay lập tức, không cần phí thời gian. Thế rồi ai đó tới với kháng cự lớn lao, với sợ; người đó đang tự bảo vệ mình, đeo áo giáp cho mình. Thế thì người đó giống băng, rất khó cho người đó tính lỏng. Người đó tranh đấu với mọi nỗ lực để làm cho người đó thành chất lỏng. Người đó sợ người đó có thể làm mất căn cước của mình. Người đó sẽ mất vững chắc, điều đó đúng, nhưng không phải là căn cước. Vâng, người đó sẽ mất căn cước mà vững chắc có, nhưng vững chắc đó đang đem lại khổ và không cái gì khác.
Khi bạn cứng rắn, bạn giống như tảng đá chết. Chẳng cái gì có thể nở hoa trong bạn, và bạn không thể tuôn chảy. Khi bạn tuôn chảy, bạn có điều tinh tuý. Khi bạn tuôn chảy bạn có năng lượng. Khi bạn tuôn chảy, bạn có năng động. Khi bạn tuôn chảy, bạn sáng tạo. Khi bạn tuôn chảy, bạn là một phần của Thượng đế. Khi bạn đã trở nên đông cứng, bạn không còn là một phần của tuôn chảy lớn lao này, bạn không còn là một phần của đại dương vĩ đại này; bạn đã trở thành một hòn đảo nhỏ, đông cứng, chết.
Khi người bị lừa bị khuấy rối bởi những ý nghĩ diễn giải,
Điều chưa được tạo hình mẫu biến thành rất cứng và rắn.
Lưu tâm. Ngày một trong trạng thái vô hình mẫu, vô cấu trúc. Không có tính cách, đó là điều Mật tông nói. Rất vất vả để hiểu điều đó, bởi vì trong suốt nhiều thế kỉ chúng ta đã được dạy phải có tính cách. Tính cách nghĩa là một cấu trúc cứng ngắc, tính cách nghĩa là quá khứ, tính cách nghĩa là một kỉ luật được áp đặt nào đó. Tính cách nghĩa là bạn không còn tự do, bạn chỉ tuân theo những qui tắc nào đó. Bạn chưa bao giờ vượt ra ngoài những qui tắc đó, bạn có rắn chắc. Con người của tính cách là con người rắn chắc.
Mật tông nói: Vứt bỏ tính cách, linh động, tuôn chảy nhiều hơn, sống khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia. Điều đó không có nghĩa là vô trách nhiệm; điều đó nghĩa là có trách nhiệm lớn hơn bởi vì điều đó nghĩa là nhận biết lớn hơn. Khi bạn có thể sống qua tính cách, bạn không cần nhận biết, tính cách lo điều đó. Khi bạn sống qua tính cách, bạn có thể rơi vào giấc ngủ dễ dàng. Không có nhu cầu thức tỉnh, tính cách sẽ tiếp tục theo dạng máy móc. Nhưng khi bạn không có tính cách nào, khi bạn không có bất kì cấu trúc cứng rắn nào quanh mình, bạn phải tỉnh táo từng khoảnh khắc. Từng khoảnh khắc bạn đều phải thấy điều mình đang làm. Từng khoảnh khắc bạn đều phải đáp ứng cho tình huống mới.
Con người của tính cách là con người chết. Người đó có quá khứ, nhưng không có tương lai. Một người không có tính cách... và tôi không dùng từ này theo cùng nghĩa như khi bạn dùng nó về ai đó, rằng người đó là vô tính cách. Khi bạn dùng từ vô tính cách, bạn không dùng đúng nó, bởi vì bất kì ai bạn gọi là vô tính cách cũng đều có tính cách. Có thể nó chống lại xã hội, nhưng người đó có tính cách; bạn có thể phụ thuộc vào người đó nữa.
Thánh nhân có tính cách, tội nhân cũng vậy: họ cả hai đều có tính cách. Bạn có thể gọi tội nhân là vô tính cách bởi vì bạn muốn kết án tính cách của người đó, bằng không thì người đó có tính cách. Bạn có thể phụ thuộc vào người đó: cho người đó cơ hội và người đó sẽ đánh cắp; người đó có tính cách. Cho người đó cơ hội và người đó nhất định đánh cắp. Cho người đó cơ hội và người đó sẽ làm điều gì đó sai; người đó có tính cách. Khoảnh khắc người đó ra khỏi tù là người đó bắt đầu nghĩ, "Làm gì bây giờ đây?" Lần nữa người đó lại bị tống vào tù, lần nữa người đó lại ra... Không tù đày nào đã chữa được cho ai cả. Trong thực tế bỏ tù một người, cầm tù một người, thậm chí còn làm cho người đó láu cá hơn, có vậy thôi. Có thể bạn sẽ không có khả năng bắt người đó dễ dàng thế trong lần sau, nhưng chẳng cái gì khác cả; bạn chỉ làm cho người đó láu lỉnh hơn. Nhưng người đó có tính cách.
Bạn không thể thấy được sao? - người say có tính cách, một tính cách rất bướng bỉnh. Cả nghìn lẻ một lần người đó nghĩ đừng uống thêm nữa, và lần nữa tính cách lại thắng và người đó bị thất bại. Tội nhân có tính cách, thánh nhân cũng vậy.
Điều Mật tông ngụ ý bởi vô tính cách là tự do với tính cách. Tính cách của thánh nhân và tính cách của tội nhân cả hai đều làm cho bạn thành rắn chắc như đá, băng. Bạn không có tự do nào, bạn không thể di chuyển dễ dàng. Nếu một tình huống mới nảy sinh, bạn không thể đáp ứng theo cách mới. Bạn có tính cách, làm sao bạn có thể đáp ứng được theo cách mới? Bạn phải đáp ứng theo cách cũ. Cái cũ, cái đã biết, cái đã thực hành tốt, bạn có kĩ năng trong nó. Tính cách trở thành cái cớ: bạn không cần sống.
Mật tông nói: Vô tính cách, không có tính cách. Vô tính cách là tự do.
Saraha đang nói với nhà vua: Thưa bệ hạ, ta vô tính cách. Bệ hạ muốn đẩy ta trở lại trong cái rắn chắc của ta về việc là học giả, bác học trong triều sao? Bệ hạ muốn đẩy ta trở lại với quá khứ của ta sao? Ta đã vứt bỏ nó đi rồi. Ta là một người vô tính cách. Nhìn ta đây! Bây giờ ta không tuân theo bất kì qui tắc nào, ta theo nhận biết của ta. Nhìn vào ta: ta không có kỉ luật nào cả, ta chỉ có tâm thức của ta. Chỗ trú ẩn duy nhất của ta là tâm thức ta. Ta sống từ nó. Ta không có bất kì lương tâm nào; tâm thức của ta là chỗ trú ẩn duy nhất của ta.
Lương tâm là tính cách, và lương tâm là mẹo của xã hội. Xã hội tạo ra lương tâm trong bạn để cho bạn không cần có tâm thức nào. Nó làm cho bạn tuân theo những qui tắc nào đó trong thời gian lâu thế; nó thưởng cho bạn nếu bạn tuân theo; nó trừng phạt bạn nếu bạn không tuân theo. Nó làm cho bạn thành người máy. Một khi nó đã làm ra cái máy lương tâm trong bạn, nó có thể tự do với bạn. Thế thì bạn có thể được tin cậy, bạn sẽ kẻ nô lệ trong cả cuộc sống của mình. Nó đã đặt lương tâm vào bạn cũng hệt như Delgado đã đặt điện cực vào bạn; nó là một điện cực tinh tế, nhưng nó đã giết chết bạn. Bạn không còn tuôn chảy nữa, không còn năng động nữa.
Saraha nói với nhà vua: Ta vô cấu trúc, thưa bệ hạ. Ta đã vứt bỏ mọi hình mẫu. Ta không có căn cước nào thêm nữa. Ta sống trong khoảnh khắc.
Tâm trí tinh khiết trong chính sự hiện hữu của nó
Không bao giờ có thể bị ô nhiễm bởi
Những cái không thuần khiết của luân hồi hay niết bàn.
Ngọc quí sâu trong bùn
Sẽ không sáng, dù nó có vẻ rực rỡ.
Saraha nói: tâm trí tinh khiết... Khi tâm trí không có ý nghĩ, đó là khi tâm trí là tâm thức thuần khiết. Khi tâm trí là cái hồ im lặng không gợn sóng nào, không ý nghĩ diễn giải, không ý nghĩ phân tích, khi tâm trí không triết lí mà chỉ hiện hữu...
Mật tông nói: nếu bước, bước; nếu ngồi, ngồi; nếu hiện hữu, hiện hữu! Tồn tại mà không suy nghĩ. Để cuộc sống tuôn chảy qua bạn mà không có bất kì khối chắn ý nghĩ nào. Để cuộc sống tuôn chảy qua bạn mà không sợ hãi gì. Chẳng có gì mà sợ cả, bởi vì cái chết sẽ chỉ lấy đi những cái mà việc sinh đã trao cho bạn. Và đằng nào thì nó cũng sẽ lấy đi cái đó, cho nên chẳng có gì để sợ cả.
Để cuộc sống tuôn chảy qua bạn.
Tâm trí tinh khiết trong chính sự hiện hữu của nó
Không bao giờ có thể bị ô nhiễm bởi
Những cái không thuần khiết của luân hồi hay niết bàn.
Và Saraha nói: Bệ hạ nghĩ ta đã trở nên không thuần khiết cho nên bệ hạ đã tới giúp ta và đưa ta về với thế giới của những người thuần khiết sao? Ta bây giờ đang trong trạng thái tinh khiết của tâm trí. Ta không còn là băng rắn chắc nữa. Chẳng cái gì có thể làm ô nhiễm ta thêm nữa, bởi vì không ý nghĩ nào có thể tạo ra gợn sóng trong ta: ta không có ham muốn.
Đó là lí do tại sao - một lời nói vô biên - ông ấy nói... ô nhiễm bởi những cái không thuần khiết của luân hồi hay niết bàn. Không, điều đó không thể được, thậm chí niết bàn cũng không thể làm ô nhiễm ta được! Còn nói gì tới luân hồi! Người phụ nữ rèn tên này không thể làm ô nhiễm được ta, bãi hoả thiêu này cũng không thể làm ô nhiễm ta, cả những hoạt động điên khùng của ta cũng không thể làm ô nhiễm được ta; chẳng cái gì có thể làm ô nhiễm ta. Ta ở bên ngoài việc ô nhiễm. Ta không còn trong trạng thái nơi ô nhiễm là có thể. Ngay cả niết bàn cũng không thể làm ô nhiễm được ta!
Anh ta ngụ ý gì khi anh ta nói ngay cả niết bàn, ngay cả sự không thuần khiết của niết bàn? Saraha đang nói: Ta không ham muốn thế giới, thậm chí ta không ham muốn niết bàn.
Việc ham muốn là không thuần khiết. Ham muốn là không thuần khiết, điều bạn ham muốn không liên quan. Bạn có thể ham muốn tiền; điều đó là không thuần khiết. Bạn có thể ham muốn quyền lực; điều đó là không thuần khiết. Bạn có thể ham muốn Thượng đế; điều đó là không thuần khiết. Bạn có thể ham muốn niết bàn; điều đó là không thuần khiết. Ham muốn là không thuần khiết; đối tượng không thành vấn đề, điều bạn ham muốn là vô nghĩa. Ham muốn... khoảnh khắc ham muốn tới, ý nghĩ tới. Một khi khí hậu mùa đông lạnh có đó, ham muốn, thế thì gió bắt đầu thổi. Nếu bạn bắt đầu nghĩ cách để đạt tới niết bàn, cách để trở nên được chứng ngộ, bạn sẽ mời ý nghĩ tới; cái hồ của bạn sẽ bị khuấy động. Lần nữa bạn sẽ bắt đầu trở nên bị đông cứng thành từng mẩu; bạn sẽ trở thành cứng rắn, như đá, chết. Bạn sẽ mất tuôn chảy - và tuôn chảy là cuộc sống, và tuôn chảy là Thượng đế, và tuôn chảy là niết bàn.
Cho nên Saraha nói: Không cái gì có thể làm ô nhiễm được ta, đừng lo nghĩ về ta. Ta đã đi tới một điểm, ta đã đạt tới một điểm, nơi không thuần khiết là không thể có.
Ngọc quí sâu trong bùn
Sẽ không sáng, dù nó có vẻ rực rỡ.
Bệ hạ có thể ném ta vào bùn, vào bùn nhơ, nhưng bây giờ bùn nhơ không thể làm nhơ ta được. Ta đã đạt tới ngọc quí đó, bây giờ ta đã trở thành ngọc quí - ta đã hiểu ta là ai! Bây giờ bệ hạ có thể ném viên ngọc này vào bất kì bùn nào, bất kì bùn nhão nào; có thể nó sẽ không ánh lên, nhưng nó không thể bị mất tính quí báu của nó, nó sẽ vẫn có sự rực rỡ. Nó sẽ vẫn là ngọc quí đó.
Một khoảnh khắc tới khi bạn nhìn vào bản thân mình và bạn thấy tâm thức siêu việt của mình: thế thì không cái gì có thể làm ô nhiễm bạn được.
Chân lí không phải là kinh nghiệm, chân lí là việc kinh nghiệm. Chân lí không phải là đối tượng của nhận biết, chân lí là nhận biết. Chân lí không ở ngoài, chân lí là tính chất nội bộ của bạn.
Sứren Kierkegaard nói: Chân lí là tính chủ quan. Nếu chân lí giống như một vật, bạn có thể được nó và mất nó; nhưng nếu chân lí là bạn, làm sao bạn có thể mất nó được? Một khi bạn đã biết, bạn biết; thế thì không có việc quay lại. Nếu chân lí là kinh nghiệm nào đó, nó có thể trở nên bị ô nhiễm; nhưng chân lí là việc kinh nghiệm, nó là tâm thức bên trong nhất của bạn. Nó là bạn. Nó là bản thể bạn.
Tri thức không chiếu sáng trong bóng tối,
Nhưng khi bóng tối được chiếu sáng,
Đau khổ biến mất ngay lập tức.
Saraha nói: Tri thức không chiếu sáng trong bóng tối... cái tối của tâm trí, cái tối của sự hiện hữu có cấu trúc, cái tối của bản ngã, cái tối của ý nghĩ, cả nghìn lẻ một ý nghĩ; cái tối mà bạn cứ tạo ra xung quanh mình như con mực. Bởi vì cái tối đó mà bạn cứ tạo ra, nên ngọc bên trong của bạn không sáng lên; bằng không thì nó là ngọn đèn sáng. Một khi bạn dừng việc tạo ra mực này quanh mình, đám mây đen này quanh mình, thế thì có chiếu sáng.
Và... đau khổ biến mất ngay lập tức. Đây là thông điệp Mật tông, một thông điệp lớn lao, giải thoát. Các tôn giáo khác nói bạn sẽ phải đợi. Ki tô giáo nói, Hồi giáo nói, Do Thái giáo nói bạn sẽ phải đợi đến ngày phán xử cuối cùng, khi mọi thứ sẽ được tính đến - bạn đã làm cái gì tốt, bạn đã làm cái gì xấu - và thế thì bạn sẽ được thưởng hay bị trừng phạt tương ứng. Bạn phải đợi tới tương lai, tới ngày phán xử.
Người Hindu, Jaina và những người khác nói bạn phải làm cân bằng hành động xấu của mình với hành động tốt; nghiệp xấu phải bị vứt bỏ còn nghiệp tốt phải được phát triển. Bạn sẽ phải đợi cho điều đó nữa. Điều đó sẽ cần thời gian. Hàng triệu kiếp bạn đã làm hàng triệu điều, tốt và xấu: sắp nó ra, làm cân bằng nó, điều đó sẽ gần như là không thể được.
Ngày phán xử của người Ki tô giáo và Do Thái giáo và Hồi giáo có dễ dàng hơn: ít nhất thì bạn sẽ không phải tính tới mọi thứ bạn đã làm. Thượng đế sẽ lo điều đó, ông ấy sẽ phán xử - đấy là việc của ông ấy. Nhưng Jaina giáo và Hindu giáo nói bạn phải nhìn vào nghiệp xấu của mình, vứt bỏ cái xấu, thay thế nó bằng cái tốt; điều đó nữa cũng dường như tốn hàng triệu kiếp.
Mật tông là giải thoát. Mật tông nói: ... đau khổ biến mất ngay lập tức. Khoảnh khắc bạn nhìn vào bản thân mình... một khoảnh khắc của cái nhìn bên trong, và đau khổ biến mất, bởi vì đau khổ chưa bao giờ thực sự tồn tại cả. Nó là cơn ác mộng. Không phải bởi vì bạn đã làm nghiệp xấu, đó là lí do tại sao bạn đau khổ; Mật tông nói bạn đau khổ bởi vì bạn đang mơ. Bạn đã không làm gì cả, chẳng tốt chẳng xấu.
Điều này cực kì đẹp! Mật tông nói bạn đã không làm gì cả, Thượng đế là người làm. Cái toàn thể là người làm, làm sao bạn có thể làm được cái gì? Nếu bạn đã là thánh nhân, đấy là ý chí của ngài; nếu bạn đã là tội nhân, đấy là ý chí của ngài. Bạn đã không làm gì cả. Làm sao bạn có thể làm được? Bạn không có bất kì ý chí tách biệt nào; đấy là ý chí của ngài, đấy là ý chí vũ trụ.
Cho nên Mật tông nói bạn đã không làm điều gì tốt hay xấu. Điều này phải được nhìn vào, có vậy thôi; bạn phải nhìn vào tâm thức bên trong nhất của mình. Nó là thuần khiết, thuần khiết vĩnh hằng, không bị ô nhiễm bởi luân hồi hay niết bàn.
Một khi bạn đã thấy tầm nhìn đó về tâm thức thuần khiết của mình, mọi đau khổ đều chấm dứt - ngay lập tức, tức khắc! Không mất đến một phần giây.
Chồi nhú ra từ hạt mầm
Và lá nhú ra từ chồi.
Và thế thì mọi thứ bắt đầu thay đổi. Thế thì hạt mầm bị vỡ ra. Hạt mầm, Mật tông nói, là bản ngã; một khi bản ngã hạt mầm của bạn bị vỡ ra... Hạt mầm đóng kín là bản ngã, hạt mầm bị vỡ là vô ngã. Bạn đặt hạt mầm vào trong đất... nó không thể phát triển được chừng nào nó chưa biến mất, chừng nào nó chưa vỡ, chưa chết. Bản ngã giống như cái trứng: ẩn sau nó là khả năng của trưởng thành.
Hạt mầm, một khi bị vỡ ra, trở thành vô ngã. Thế thì chồi nhú ra: chồi là vô ý nghĩ, vô ham muốn, vô trí. Thế thì lá nhú ra: lá là việc biết, việc kinh nghiệm, sự chiếu sáng, satori, samadhi. Thế thì hoa tới: hoa là satchidanand - hiện hữu, tâm thức, chân lí. Và thế rồi quả: quả là niết bàn, sự biến mất hoàn toàn vào trong sự tồn tại. Một khi hạt mầm bị vỡ ra, mọi thứ theo sau. Điều duy nhất cần được làm là đặt hạt mầm vào trong đất, cho phép nó biến mất.
Thầy là đất và đệ tử là hạt mầm.
Câu kinh cuối cùng:
Người nghĩ về tâm trí
Dưới dạng một hay nhiều
Quăng đi ánh sáng và
Đi vào thế giới.
Trong ngọn lửa điên dại
Người đó bước với mắt mở - Ai có thể
Đáng từ bi hơn?
Người nghĩ về tâm trí dưới dạng một hay nhiều... Suy nghĩ bao giờ cũng mang tính phân chia, nó phân chia. Suy nghĩ giống như lăng kính; vâng, tâm trí giống như một lăng kính. Một tia sáng trắng thuần khiết đi vào trong lăng kính và bị phân chia thành bẩy mầu, cầu vồng được sinh ra. Thế giới là cái cầu vồng. Qua tâm trí, qua lăng kính của tâm trí, một tia sáng, một tia sáng của chân lí đi vào và trở thành cầu vồng, một thứ giả. Thế giới là đồ giả.
Tâm trí phân chia. Nó không thể thấy cái toàn thể, nó bao giờ cũng nghĩ dưới dạng nhị nguyên. Tâm trí là nhị nguyên. Hay, tâm trí là biện chứng: nó nghĩ dưới dạng chính đề, phản đề. Khoảnh khắc bạn nói về yêu, ghét hiện diện. Khoảnh khắc bạn nói về từ bi, giận dữ hiện diện. Khoảnh khắc bạn nói về tham lam, cái đối lập hiện diện, từ thiện hiện diện. Nói về từ thiện và tham lam hiện diện; chúng đi cùng nhau. Chúng tới trong một gói, chúng không tách biệt. Nhưng tâm trí liên tục tạo ra điều đó.
Bạn nói 'đẹp' và bạn đã nói 'xấu' nữa. Làm sao bạn có thể nói đẹp nếu bạn không biết xấu là gì? Bạn đã phân chia. Nói 'điều thiêng liêng' và bạn đã phân chia, bạn đã nói 'điều báng bổ'. Nói 'Thượng đế' và bạn đã đề nghị Quỉ nữa. Làm sao bạn có thể nói Thượng đế mà không có Quỉ ở đó? Họ đi cùng nhau.
Tâm trí phân chia, còn thực tại là một, cái một không phân chia được. Thế thì phải làm gì? Tâm trí phải bị gạt sang bên. Bạn đừng nhìn qua lăng kính. Đẩy xa lăng kính và để ánh sáng trắng, cái một của sự tồn tại thấm vào bản thể bạn.
Người nghĩ về tâm trí
Dưới dạng một hay nhiều
Quăng đi ánh sáng và
Đi vào thế giới.
Nếu bạn nghĩ về một hay nhiều, nhị nguyên hay bất nhị, nếu bạn nghĩ theo khái niệm, bạn đã đi vào thế giới này, bạn đã quăng đi ánh sáng. Chỉ có hai khả năng: hoặc quăng đi tâm trí hoặc quăng đi ánh sáng. Đấy là chọn lựa của bạn.
Một người một lần tới gặp Ramakrishna. Ông ta ca ngợi Ramakrishna hết lời, và ông ta cứ chạm đi chạm lại vào chân Ramakrishna, và ông ta nói, "Ông đơn giản là vĩ đại - ông đã từ bỏ thế giới. Ông là người vĩ đại thế! Ông đã từ bỏ biết bao nhiêu!"
Ramakrishna nghe, cười phá lên và nói, "Đợi đã! Ông đi quá xa rồi, chân lí ở ngay cái đối lập."
Người này nói, "Ông ngụ ý gì?"
Ramakrishna nói, "Tôi chẳng từ bỏ gì cả. Ông đã từ bỏ.
Ông là con người vĩ đại!"
Người này nói, "Ông có chơi khăm không đấy? Tôi mà từ bỏ sao? Tôi là người trần tục, tôi đam mê mọi thứ, cả nghìn lẻ một ham muốn có đó. Tôi rất tham vọng, tôi rất hướng tiền. Làm sao tôi có thể được gọi là vĩ đại? Không, không, ông phải đùa dai rồi!"
Và Ramakrishna nói, "Không. Có hai khả năng trước tôi, và khả năng trước ông. Ông đã chọn thế giới và từ bỏ Thượng đế; tôi đã chọn Thượng đế, đã từ bỏ thế giới. Ai là người từ bỏ thực? Ông đã chọn cái lớn hơn, có giá trị hơn, và đã chọn cái vô nghĩa. Còn tôi đã từ bỏ cái vô nghĩa và chọn cái có giá trị. Nếu có một viên kim cương lớn và một viên đá, ông đã chọn viên đá và từ bỏ kim cương; tôi đã chọn viên kim cương và từ bỏ viên đá - và ông gọi tôi là người vĩ đại, người vĩ đại của việc từ bỏ sao? Ông có phát điên không đấy? Tôi đam mê Thượng đế. Tôi đã chọn cái quí giá."
Vâng, tôi cũng đồng ý với Ramakrishna, Mahavira, Phật, Jesus, Mohammed, Saraha, họ đã không từ bỏ. Họ đã đam mê, họ đã thực sự đam mê. Họ đã tận hưởng thực sự, họ đã mở hội cho sự tồn tại. Chúng ta những người chạy theo những viên đá thường, chúng ta mới là những kẻ từ bỏ vĩ đại.
Chỉ có hai khả năng: hoặc là từ bỏ tâm trí và chọn ánh sáng, hoặc từ bỏ ánh sáng và chọn tâm trí; điều đó là tuỳ bạn.
Người nghĩ về tâm trí
Dưới dạng một hay nhiều
Quăng đi ánh sáng và
Đi vào thế giới.
Trong ngọn lửa điên dại
Người đó bước với mắt mở - Ai có thể
Đáng từ bi hơn?
Saraha nói: Tâu bệ hạ, bệ hạ đã tới để giúp ta. Bệ hạ nghĩ bệ hạ từ bi với ta. Chắc chắn toàn thể vương quốc của bệ hạ sẽ nghĩ theo cách đó, rằng nhà vua đã tới bãi hoả thiêu: từ bi của ông ấy thật là nhiều biết bao nhiêu với Saraha! Bệ hạ nghĩ bệ hạ đã tới bởi vì từ bi sao? Bệ hạ làm ta phát phì cười! Trong thực tế chính ta mới là người cảm thấy từ bi với bệ hạ, không phải điều ngược lại. Chính ta mới là người cảm thấy tiếc cho bệ hạ. Bệ hạ là kẻ ngu xuẩn!
Trong ngọn lửa điên dại
Người đó bước với mắt mở -
Mắt bạn dường như mở, nhưng chúng không mở. Bạn mù! Bạn không biết mình đang làm gì... sống trong thế giới này, bạn có nghĩ bạn đang tận hưởng không? Bạn chỉ là ngọn lửa điên dại.
Đích xác điều đó đã xảy ra khi Phật rời bỏ cung điện và bỏ biên giới của vương quốc mình, và nói với người đánh xe của mình, "Bây giờ ông quay lại thôi. Ta đi vào rừng rậm; ta đã từ bỏ."
Người đánh xe già nói, "Thưa thái tử, thần đã đủ già rồi, thần còn già hơn phụ vương thái tử; xin nghe lời khuyên của thần. Thái tử đang làm điều gì đó hoàn toàn ngu xuẩn! Bỏ vương quốc đẹp đẽ này, cung điện này, vợ đẹp, đủ mọi thứ xa hoa mà từng con người đều khao khát - thái tử định đi đâu và để làm gì?"
Phật nhìn lại đằng sau vào cung điện đá cẩm thạch đó và ông ấy nói, "Ta thấy ở đó chỉ có lửa và không gì khác, ngọn lửa điên dại. Toàn thế giới đang bùng cháy với lửa. Và ta không từ bỏ điều đó bởi vì chẳng có gì để từ bỏ trong nó cả. Ta đang cố gắng trốn thoát khỏi ngọn lửa đó. Không, ta không thấy cung điện nào cả và ta không thấy bất kì niềm vui nào ở đó."
Saraha nói với nhà vua:
Trong ngọn lửa điên dại
Người đó bước với mắt mở - Ai có thể
Đáng từ bi hơn?
Bệ hạ nghĩ xem, tâu bệ hạ, bệ hạ đã tới bởi vì từ bi để giúp ta sao? Không, tình huống chính là đảo ngược lại: ta cảm thấy từ bi cho bệ hạ. Bệ hạ đang sống trong ngọn lửa điên dại. Nhận biết đi! Tỉnh táo đi! Thức tỉnh đi! Và thoát ra khỏi nó sớm nhất có thể được, bởi vì tất cả những cái là đẹp, tất cả những cái là thật, tất cả những cái là tốt, đều được biết và được kinh nghiệm chỉ qua vô trí.
Mật tông là quá trình tạo ra vô trí trong bạn. Vô trí là cánh cửa của niết bàn.

Ads Belove Post