Chương 30. Trung tâm cơn xoáy lốc

Chương 30. Trung tâm cơn xoáy lốc

Price:

Read more

Osho – Thiền – Tự do đầu tiên và cuối cùng
Định tâm bên trong
Chương 30. Trung tâm cơn xoáy lốc

Shiva nói: Trong tâm trạng cực kì ham muốn, đừng bị xáo động.
Khi ham muốn cuốn hút bạn, bạn bị xáo động. Tất nhiên, điều đó là tự nhiên. Ham muốn cuốn hút bạn, thế thì tâm trí bạn bắt đầu dao động và nhiều gợn sóng cứ tiếp nối trên bề mặt. Ham muốn kéo bạn vào đâu đó trong tương lai; quá khứ thúc đẩy bạn vào đâu đó trong tương lai. Bạn bị xáo động: bạn không thoải mái. Do đó ham muốn là ‘căn bệnh’. Lời kinh này nói, “Trong tâm trạng cực kì ham muốn, đừng bị xáo động.” Nhưng làm sao mà yên tĩnh được? Ham muốn có nghĩa là xáo động, cho nên làm sao lại yên tĩnh được - và trong khoảnh khắc cực kì ham muốn đó! Bạn sẽ phải làm thực nghiệm nào đó; chỉ có thế thì bạn mới hiểu được điều này nghĩa là gì. Bạn đang giận dữ; cơn giận cuốn hút bạn. Bạn nhất thời điên lên, bị nó ám ảnh: bạn không còn ý thức nữa. Bỗng nhiên nhớ đừng bị xáo động - dường như bạn đang giũ bỏ. Bên trong, trở thành trần trụi, trần trụi khỏi cơn giận, trở nên được trút bỏ. Cơn giận sẽ có đó, nhưng bây giờ bạn có một điểm bên trong bạn mà không bị xáo động.
Bạn sẽ biết rằng cơn giận vẫn còn đó trên phần ngoại vi. Giống như cơn sốt, nó có đó. Phần ngoại vi dao động; phần ngoại vi xáo động, nhưng bạn có thể nhìn vào nó. Nếu bạn có thể nhìn vào nó, bạn sẽ không bị xáo động. Trở thành nhân chứng cho nó, và bạn sẽ không bị xáo động. Điểm yên tĩnh này là tâm trí nguyên thuỷ của bạn. Tâm trí nguyên thuỷ không thể bị xáo động được; nó chưa bao giờ xáo động cả. Nhưng bạn chưa bao giờ nhìn vào nó cả. Khi cơn giận có đó, bạn trở nên đồng nhất với cơn giận. Bạn quên mất rằng cơn giận là cái gì đó khác hơn bạn. Bạn trở thành một với nó, và bạn bắt đầu hành động qua nó, bạn bắt đầu làm điều gì đó qua nó.
Có thể làm được hai điều. Trong cơn giận bạn sẽ bạo hành với ai đó, với đối thể của giận dữ của bạn. Thế thì bạn đã chuyển sang người khác. Cơn giận đứng giữa bạn và người khác. Tôi đây, cơn giận kia, và bạn kia - đối thể của cơn giận. Từ cơn giận tôi có thể đi theo hai hướng. Hoặc tôi có thể đi vào bạn: thế thì bạn trở thành trung tâm của ý thức, đối thể của cơn giận của tôi. Thế thì tâm trí tôi trở nên tập trung vào bạn, người đã xúc phạm tôi. Đây là một cách mà bạn có thể đi từ cơn giận.
Còn có một cách nữa: bạn có thể đi vào chính mình. Bạn không chuyển vào người mà bạn cảm thấy đã gây ra cơn giận. Bạn đi vào người cảm thấy đang giận; bạn chuyển vào chủ thể và không đi vào đối thể. Thông thường, chúng ta cứ đi vào đối thể. Nếu bạn đi vào đối thể, phần bụi bặm của tâm trí bạn sẽ bị xáo động, và bạn sẽ cảm thấy, “Mình đang bị xáo động.” Nếu bạn đi vào bên trong trung tâm của con người riêng của mình, bạn sẽ có thể thấy rằng phần bụi bặm của tâm trí bị xáo động, nhưng “mình không bị xáo động.” Và bạn có thể thực nghiệm điều này với bất kì ham muốn nào, bất kì xáo động nào.
Ham muốn dục đến cho tâm trí bạn; toàn bộ thân thể bạn bị nó ám ảnh: bạn có thể chuyển vào đối thể dục, đối thể của ham muốn của bạn. Đối thể có thể có đó, nó có thể không có đó. Bạn có thể chuyển vào đối thể cả trong tưởng tượng nữa, nhưng thế thì bạn sẽ nhận được còn nhiều xáo động hơn. Bạn càng đi xa khỏi trung tâm của mình, bạn lại càng trở nên bị xáo động nhiều hơn. Thực tế, khoảng cách và xáo động bao giờ cũng tỉ lệ với nhau.
Bạn càng ở xa với trung tâm của mình, bạn lại càng xáo động hơn; bạn càng ở gần trung tâm đó hơn, bạn càng ít bị xáo động hơn. Nếu bạn chỉ ở tại trung tâm đó, không có xáo động. Trong xoáy lốc, có một trung tâm yên tĩnh - trong xoáy lốc của giận dữ, xoáy lốc của dục, xoáy lốc của bất kì ham muốn nào. Ngay trong trung tâm này, không có xoáy lốc, và xoáy lốc không thể tồn tại mà không có trung tâm im lặng này. Giận dữ cũng không thể tồn tại mà không có cái gì đó bên trong bạn vượt ra ngoài cơn giận.
Nhớ lấy điều này: chẳng cái gì có thể tồn tại mà không có cái đối lập của nó. Cái đối lập cần có đấy. Không có cái đối lập, không thể có nó tồn tại được. Nếu không có trung tâm trong bạn vẫn còn bất động, không chuyển động nào có thể có đó được. Nếu không có trung tâm trong bạn vẫn còn không bị xáo động, yên tĩnh nào có thể xảy ra cho bạn được. Phân tích điều này và quan sát điều này đi. Nếu không có trung tâm tuyệt đối yên tĩnh trong bạn, làm sao bạn có thể cảm thấy rằng bạn bị xáo động? Bạn cần một cái so sánh. Bạn cần hai điểm để so sánh.
Giả sử một người bị ốm: người đó cảm thấy ốm vì đâu đó bên trong người đó, một điểm, một trung tâm tuyệt đối mạnh khoẻ đang tồn tại. Đó là lí do tại sao người đó có thể so sánh được. Bạn nói rằng đầu bạn đau: làm sao bạn biết được về cái đau này, cái đau đầu này? Nếu bạn cứ bị đau đầu mãi, bạn không thể biết được nó. Bạn phải là ai đó khác, cái gì đó khác - người quan sát, nhân chứng, người có thể nói, “Đầu tôi đau.”
Lời kinh này nói, “Trong tâm trạng cực kì ham muốn, đừng bị xáo động.” Bạn có thể làm gì nào? Kĩ thuật này không phải là để kìm nén. Kĩ thuật này không nói rằng khi có cơn giận, kìm nén nó và duy trì không bị xáo động không! Nếu bạn kìm nén, bạn sẽ tạo ra nhiều xáo động hơn. Nếu giân dữ có đó, nó sẽ làm gấp đôi xáo động. Khi giận dữ có đó, đóng cửa lại, thiền về giận dữ, cho phép giận dữ có đó. Bạn vẫn còn không bị xáo động, và đừng kìm nén nó.
Kìm nén, dễ; bầy tỏ cũng dễ. Chúng ta làm cả hai. Chúng ta bầy tỏ nếu tình huống cho phép, và nếu điều đó là thuận tiện và không nguy hiểm cho bạn. Nếu bạn có thể gây hại người khác và người khác không thể làm hại bạn được, bạn sẽ bầy tỏ giận dữ. Nếu nó là nguy hiểm, nếu người khác có thể hại bạn thêm nữa, nếu ông chủ hay bất kì ai bạn đang giận mạnh hơn bạn, bạn sẽ kìm nén nó. Bầy tỏ và kìm nén là dễ: chứng kiến mới khó. Chứng kiến không là cả hai điều này. Nó không kìm nén, nó không bầy tỏ. Nó là không bầy tỏ vì bạn không bầy tỏ nó thành đối thể của giận dữ. Nó không bị kìm nén nữa. Bạn cho phép nó được bầy tỏ - được bầy tỏ trong chân không. Bạn đang thiền về nó.
Đứng trước tấm gương và bầy tỏ giận dữ của mình - và là nhân chứng cho nó. Bạn đang một mình, cho nên bạn có thể thiền về nó. Làm bất kì điều gì bạn muốn làm nhưng trong chân không. Nếu bạn muốn đánh ai đó, đánh vào không trung đi. Nếu bạn muốn cáu giận, cáu giận đi; nếu bạn muốn kêu gào, kêu gào đi. Nhưng làm điều đó một mình, và nhớ bản thân bạn là một điểm đang thấy tất cả những điều này, vở kịch này. Thế thì nó sẽ trở thành vở kịch tâm lí, và bạn có thể cười vào nó và nó sẽ là việc thanh tâm sâu sắc cho bạn. Sau đó bạn sẽ cảm thấy nhẹ bớt về nó - và không chỉ có nhẹ bớt về nó: bạn sẽ thu được cái gì đó qua nó. Bạn sẽ chín chắn lên; trưởng thành sẽ tới với bạn. Và bây giờ bạn sẽ biết rằng ngay cả khi bạn đang giận dữ vẫn có một trung tâm bên trong bạn không bị xáo động. Bây giờ cố khám phá trung tâm này ra ngày một nhiều hơn, và cũng dễ dàng khám phá ra nó trong ham muốn.
Kĩ thuật này có thể rất có ích, và nhiều ích lợi còn có thể xảy ra cho bạn qua nó. Nhưng nó cũng khó bởi vì khi bạn trở nên bị xáo động, bạn quên hết mọi thứ. Bạn có thể quên rằng bạn phải thiền. Thế thì thử nó theo cách này này: đừng đợi cho đến lúc cơn giận xảy ra cho bạn. Đừng đợi cho đến khoảnh khắc đó! Đóng cửa phòng bạn lại, và nghĩ về kinh nghiệm giận dữ quá khứ nào đó khi bạn đã phát điên. Nhớ lại nó, diễn lại nó. Điều đó sẽ dễ dàng cho bạn. Diễn lại nó lần nữa; làm lại nó lần nữa; sống lại nó. Đừng chỉ nhớ đến nó: sống lại nó. Nhớ rằng ai đó đã xúc phạm bạn và nhớ điều vừa được nói và cách bạn phản ứng lại người đó. Phản ứng lại, đóng kịch lại.
Việc diễn lại cái gì đó này từ quá khứ sẽ có tác dụng nhiều lắm. Mọi người đều mang sẹo trong tâm trí mình, những vết thương chưa lành. Nếu bạn diễn lại chúng, bạn sẽ được nhẹ gánh. Nếu bạn có thể trở lại quá khứ và làm điều gì đó vẫn còn dang dở, bạn sẽ được nhẹ gánh khỏi quá khứ. Tâm trí bạn sẽ trở thành tươi tắn hơn; lớp bụi bặm sẽ bị thổi đi.
Nhớ đến cái gì đó trong quá khứ của bạn mà bạn cảm thấy vẫn còn bị treo ở đó. Bạn đã muốn giết ai đó, bạn đã muốn yêu ai đó, đã muốn thế này thế khác, và điều đó vẫn còn dang dở. Điều dang dở đó cứ lởn vởn quanh tâm trí như đám mây.
“Trong tâm trạng cực kì ham muốn, không bị xáo động.” Gurdjieff rất hay dùng kĩ thuật này. Ông đã tạo ra những tình huống, nhưng để tạo ra tình huống, cần có trường học. Bạn không thể thực hiện một mình được.
Gurdjieff có một trường nhỏ ở Fontainebleau, và ông là người đốc công. Ông biết cách tạo ra tình huống. Bạn sẽ vào một phòng nơi một nhóm đang ngồi, và điều gì đó sẽ được làm để cho bạn trở nên giận dữ. Và nó sẽ được làm một cách tự nhiên đến mức bạn chẳng bao giờ hình dung rằng tình huống nào đó đang được tạo ra cho bạn. Nhưng đấy là mưu chước. Ai đó sẽ xúc phạm bạn bằng cách nói điều gì đó, còn bạn sẽ bị xáo động. Rồi mọi người sẽ hùa thêm cho việc xáo động và bạn sẽ trở thành điên khùng. Và khi bạn đã tới đúng điểm bạn có thể bùng phát, Gurdjieff sẽ hô lên, “Nhớ lấy! Duy trì không xáo động!”
Bạn có thể làm được. Gia đình bạn có thể trở thành trường học; bạn có thể giúp lẫn nhau. Bạn bè có thể trở thành trường học và họ có thể giúp lẫn nhau. Bạn có thể quyết định với gia đình mình. Toàn bộ gia đình có thể quyết định rằng bây giờ tình huống cần phải được tạo ra cho người bố hay người mẹ, và rồi toàn bộ gia đình cùng phối hợp để tạo ra tình huống. Khi người bố hay người mẹ đã thành hoàn toàn phát điên, mọi người bắt đầu cười và nói, “giữ yên tĩnh hoàn toàn.” Bạn có thể giúp lẫn nhau, và kinh nghiệm này thật kì diệu. Một khi bạn biết tới trung tâm bình thản bên trong bạn trong tình huống nóng bỏng, bạn không thể quên được nó. Và thế thì trong bất kì tình huống nóng bỏng nào bạn cũng có thể nhớ đến nó, giành lại nó, thu lại nó.
Ở phương Tây bây giờ một kĩ thuật, kĩ thuật chữa bệnh, đang được dùng: nó được gọi là “kịch tâm lí.” Nó có ích, và nó cũng dựa trên kĩ thuật tựa như thế này. Trong kịch tâm lí bạn chỉ diễn lại, bạn chỉ chơi trò chơi. Ban đầu nó là trò chơi, nhưng chẳng chóng, chầy bạn trở thành bị ám ảnh. Và khi bạn trở nên bị ám ảnh, tâm trí bạn bắt đầu vận hành, vì tâm trí bạn và thân thể bạn vận hành tự động. Chúng vận hành tự động!
Cho nên nếu bạn thấy một nghệ sĩ đóng vai trong vở kịch tâm lí, người, trong tình huống giận dữ, thực sự trở nên giận dữ, bạn có thể nghĩ rằng người đó đơn thuần đang diễn kịch, nhưng không phải như vậy. Người đó có thể thực sự đã trở thành giận dữ; lúc này không còn là đóng kịch chút nào nữa. Người đó bị ám ảnh bởi ham muốn, bởi xáo động, bởi cảm giác, bởi tâm trạng, và nếu người đó thực sự bị ám ảnh, chỉ có thế thì việc đóng kịch của người đó mới có vẻ thực.
Thân thể bạn không thể nào biết được liệu bạn đang đóng kịch hay liệu bạn đang làm điều đó thực. Bạn có thể đã quan sát bản thân mình vào lúc nào đó trong cuộc sống mà bạn chỉ đóng kịch là giận dữ thôi, còn bạn, không biết khi nào cơn giận trở thành thực. Hay, bạn chỉ đóng kịch và bạn không cảm thấy dục: bạn đóng kịch với vợ bạn hay với bạn gái bạn, hay với chồng bạn, và rồi bỗng nhiên nó trở thành thật. Thân thể nắm quyền.
Thân thể có thể bị lừa. Thân thể không biết liệu điều đó là thực hay không thực, đặc biệt với dục. Nếu bạn tưởng tượng về nó, thân thể bạn nghĩ nó là thực. Một khi bạn bắt đầu làm điều gì đó, thân thể nghĩ điều đó là thực và nó bắt đầu cư xử theo cách thực sự. Kịch tâm lí là kĩ thuật dựa trên những phương pháp như vậy. Bạn không giận dữ: bạn đơn thuần đóng vai giận dữ - và rồi bạn đi vào trong nó. Nhưng kịch tâm lí đẹp vì bạn biết rằng bạn đơn thuần chỉ diễn kịch. Và rồi ở ngoại vi giận dữ trở thành thực, và chỉ đứng sau nó mà bạn được dấu kín và nhìn vào nó. Bây giờ bạn biết rằng bạn không bị xáo động, nhưng giận dữ có đó, xáo động có đó.
Xáo động có đó, và xáo động lại không có đó. Cảm giác về hai lực này đang làm việc đồng thời cho bạn siêu việt lên, và thế thì trong giận dữ thực bạn cũng cảm thấy nó, bạn có thể cảm thấy nó trong tình huống thực nữa. Dùng kĩ thuật này đi. Điều này sẽ làm thay đổi cuộc sống bạn hoàn toàn. Một khi bạn biết cách vẫn còn yên tĩnh, thế giới sẽ không khổ với bạn nữa. Thế thì chẳng có gì có thể tạo ra bất kì lẫn lộn nào trong bạn, chẳng cái gì có thể làm tổn thương được bạn, thực thế. Bây giờ không còn đau khổ cho bạn, và một khi bạn biết về nó, bạn cũng có thể làm điều khác nữa. Một khi bạn có thể tách trung tâm của bạn ra khỏi ngoại vi, bạn có thể thực hiện được nó. Một khi trung tâm được tách ra hoàn toàn, nếu bạn có thể vẫn còn yên tĩnh trong giân dữ, trong ham muốn, bạn có thể đùa với ham muốn, với giận dữ, với xáo động.
Kĩ thuật này được dùng để tạo ra cảm giác về hai cực điểm bên trong bạn. Chúng có đó: hai cực đối lập có đó. Một khi bạn trở nên nhận biết về các cực này, lần đầu tiên bạn trở nên làm chủ được chính mình. Ngoài ra, người khác là chủ của chính bạn; bạn chỉ là nô lệ. Vợ bạn biết, con bạn biết, bố bạn biết, bạn của bạn biết rằng bạn có thể bị xô đẩy và lôi kéo. Bạn có thể bị xáo động, bạn có thể bị làm cho hạnh phúc hay bất hạnh. Nếu ai đó khác có thể làm cho bạn hạnh phúc và bất hạnh, bạn không phải là người chủ. Bạn chỉ là nô lệ. Người kia có ảnh hưởng. Chỉ bằng một cử chỉ thôi, người đó có thể làm cho bạn thành bất hạnh; chỉ một nụ cười nhỏ người đó có thể làm cho bạn hạnh phúc. Cho nên bạn chỉ có biết ơn ai đó khác; người khác có thể làm bất kì cái gì cho bạn. Và nếu điều này là tình huống, tất cả mọi phản ứng của bạn chỉ đơn thuần là phản ứng, không phải là hành động.
Tri thức về trung tâm hay nền tảng trong trung tâm này làm cho bạn thành người chủ. Ngoài ra bạn là nô lệ, và nô lệ cho biết bao người - không chỉ cho một ông chủ mà cho nhiều ông chủ. Mọi thứ đều thành ông chủ, còn bạn thành nô lệ cho toàn bộ vũ trụ. Hiển nhiên bạn sẽ trong rắc rối. Với biết bao ông chủ như thế, kéo bạn đi theo biết bao hướng và chiều, bạn chẳng bao giờ thống nhất được; bạn không phải là một đơn vị. Và bị kéo đi theo bao nhiêu hướng như vậy, bạn là trong đau khổ. Chỉ người chủ của chính mình mới có thể siêu việt lên trên đau khổ.82
Xem tiếp Chương 31Quay  về Mục lục

Ads Belove Post